⠀
Vụ kiện môi trường lớn nhất trong lịch sử thế giới
Con người đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong những vụ kiện bảo vệ môi trường, cũng là để đấu tranh cho sự an toàn của chính mình trước những nguy cơ độc hại.
Tập đoàn Chevron của Mỹ phải đối mặt với vụ kiện môi trường lớn nhất thế giới khi 30.000 người da đỏ và 100 tổ chức, doanh nghiệp khác ở Ecuador nộp đơn kiện công ty dầu mỏ . Vụ kiện này bắt đầu từ năm 1994 và kéo dài từ đó cho đến nay. Mức tiền bồi thường từ khi mới bắt đầu vụ kiện đã tăng từ 40 – 90 tỷ USD.
Vụ kiện do luật sư Steve Donziger ở New York (Mỹ) và luật sư Pablo Fajardo ở Ecuador khởi xướng. Theo nội dung trong đơn kiện, trong thời gian 20 năm (từ 1972 – 1992), Texaco là một công ty con của Chevron Corp đã xả trên 68 triệu lít vật liệu độc hại vào các hố đựng không có vách ngăn cũng như vào thẳng sông Amazon.
Thậm chí, công ty Texaco còn áp dụng tiêu chuẩn nồng độ độc hại trên 1m3 chất thải cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn áp dụng tại Mỹ. Các luật sư cho hay nhằm tiết kiệm chi phí, công ty Texaco đã xả thải độc hại ra môi trường và hậu quả là hàng chục người chết và hàng trăm người khác cũng sẽ chết vì ung thư và các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra tại khu vực này.
Theo các số liệu chính thức được công bố, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh ung thư bạch cầu tại khu vực Texaco hoạt động cao gấp 3 lần tỷ lệ ghi nhận được tại bất cứ nơi nào khác tại Ecuador. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn tới 150%, tỷ lệ sảy thai cao hơn 2,5 lần; trong khi các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và bệnh ngoài da cũng cao hơn rõ rệt tại các khu vực có hoạt động hóa dầu.
Vụ kiện công ty Texaco là trường hợp đầu tiên trong lịch sử ghi nhận một công ty đa quốc gia phải hầu tòa ở một quốc gia Nam Mỹ do bị người dân bản xứ kiện.
Sau 17 năm diễn ra vụ kiện môi trường trên, năm 2011, tòa án Ecuador đưa ra phán quyết Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron phải bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả hóa chất tại lưu vực sông Amazon trong suốt hơn 20 năm. Sau đó, tập đoàn này gửi đơn kháng cáo nhằm thay đổi phán quyết của tòa án vào năm 2012. Tập đoàn năng lượng Chevron cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm về lượng nước thải có chứa hóa chất độc hại được xả ra diện tích đất rừng trong khoảng thời gian từ năm 1972 – 1992 bởi Texaco, công ty mà Chevron đã mua lại năm 2001. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm tại Ecuador bác đơn kháng án của Tập đoàn năng lượng Chevron.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Luật pháp, Ô nhiễm môi trường