Vụ không tặc chấn động Việt Nam năm 1978

Năm 1978, tại Đà Nẵng, một nhóm đối tượng sử dụng vũ khí khống chế tổ lái một máy bay dân dụng hòng trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, mưu toan của nhóm không tặc đã thất bại bởi sự gan dạ của tổ lái và chúng cho nổ lựu đạn, nhảy khỏi máy bay để tự sát. Sau đó là cả một hành trình điều tra, truy bắt kẻ chủ mưu của lực lượng CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Dù đã xảy ra 37 năm, nhưng vụ không tặc cướp máy bay vẫn là câu chuyện không thể quên đối với nhiều người.

Vụ không tặc chấn động Việt Nam năm 1978

Những người lớn tuổi ở khu vực cầu Cẩm Lệ bây giờ vẫn thường kể rằng: “Năm 1978, có một nhóm người dùng lựu đạn cướp máy bay nhưng bất thành, khi quay về Sân bay Đà Nẵng thì có tên nhảy khỏi máy bay, rơi xuống gần cầu Cẩm Lệ”. Câu chuyện kể chắp vá khiến tôi tò mò, rằng điều gì đã xảy ra trong chuyến bay đó? Bọn không tặc cướp máy bay vì mục đích gì? Câu chuyện đã xảy ra 37 năm nên không còn nhiều người nắm rõ được tình tiết của vụ án.

May thay, qua giới thiệu của ông Ngô Văn Liêu – nguyên Phó CAH Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) tôi gặp ông Huỳnh Xuân – nguyên Tổ phó Tổ Bảo vệ chính trị CAH Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), người từng tham gia điều tra, khám phá vụ án không tặc năm 1978. Lần giở ký ức, ông Xuân kể, sau giải phóng, tình hình ANTT trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng rất phức tạp. Ngoài việc các tổ chức phản động ráo riết hoạt động thì nạn vượt biên trái phép cũng rất nóng bỏng. Vụ cướp máy bay năm 1978 ở Đà Nẵng cũng vì mục đích vượt biên qua nước ngoài.

Diễn biến của vụ không tặc này chẳng khác nào một bộ phim hành động gay cấn. Theo hồ sợ còn lưu lại thì mọi việc bắt đầu vào ngày 28-6-1978, chiếc máy bay chở khách của Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, mang số hiệu VNC 501 cất cánh lúc 12 giờ 25 tại Sân bay Đà Nẵng, với hành trình đi Buôn Ma Thuột rồi đến TPHCM. Chuyến bay khởi hành suôn sẻ và hành khách bắt đầu tựa lưng vào ghế thì một chuyện không tưởng đã xảy ra. Khi máy bay đang ở độ cao 2.700m, trên không phận Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng) gần đến Quảng Ngãi thì bất ngờ có 4 tên cầm lựu đạn, dùng súng ngắn, dao nhọn lăm lăm đe dọa.

Sự việc diễn ra quá nhanh nên tất cả hành khách và tổ lái chuyến bay đều hoảng hốt, lo sợ. Nhóm không tặc la hét, quát tháo, buộc mọi người trên máy bay ngồi im, hai tay chắp lên đầu. Tiếp đó, chúng tước súng của đồng chí bảo vệ, rồi tiếp tục dùng súng, lựu đạn uy hiếp 2 nữ chiêu đãi viên tên là Cúc và Thanh và đồng chí bảo vệ tên Huệ, bắt họ phải gọi tổ lái mở cửa. Tuy nhiên, các nữ chiêu đãi viên và anh Huệ không làm theo yêu cầu của chúng. Điên tiết, chúng càng lớn tiếng đe dọa và hành hung tiếp viên cũng như hành khách.

Tình hình trên chuyến bay lúc này rất căng thẳng, nhiều hành khách khóc ngất vì nghĩ nhóm không tặc sẽ cho nổ máy bay. Lúc này, tổ lái gồm 5 người, khi nghe tiếng ồn ào ngoài khoang hành khách, lại thấy cửa bị đập mạnh nên đoán biết là có không tặc. Quyết không để quyền kiểm soát máy bay rơi vào tay không tặc, các thành viên tổ lái đã nhanh chóng phân công người chặn cửa khoang buồng lái, người cầm súng, người cầm búa chuẩn bị đối phó. Đồng thời, tổ lái báo cáo về chỉ huy Sân bay Đà Nẵng là trên máy bay có hiện tượng không tặc, xin quay lại hạ cánh. Được sở chỉ huy đồng ý, tổ lái cho máy bay quay về Đà Nẵng.

Trong lúc này bọn cướp máy bay vẫn hành động điên cuồng, dùng dao gí vào chị Cúc, bắn bị thương chị Thanh và đồng chí Huệ, uy hiếp để buộc tổ lái phải mở cửa buồng lái rồi xô phá cửa buồng lái. Phá và uy hiếp không được, chúng dùng súng ngắn bắn vào trong buồng lái nhiều phát. Khi thấy nhóm không tặc nổ súng, từ bên trong tổ lái bắn ra để ngăn chặn khiến một tên bị thương. Lúc này máy bay đã quay về đến không phận Đà Nẵng, đang hạ thấp độ cao chuẩn bị hạ cánh. 4 tên cướp biết việc cướp máy bay không thành nên có 2 tên đã cho nổ lựu đạn ở sàn máy bay bên trái buồng khách nhằm phá hủy máy bay.

Lựu đạn nổ làm một tên chết tại chỗ và một số người khác bị thương. Máy bay bị hư hỏng nặng, những tưởng sẽ bổ nhào xuống đất, nhưng nhờ sự bình tĩnh và tài điều khiển của phi công mà nó không bị rơi. Lúc này, nhóm không tặc hoảng loạn, bởi mục tiêu phá hủy máy bay của chúng đã không thành nên khi máy bay quay về đến gần sân bay, đoạn qua sông Cẩm Lệ thì có 2 tên chạy về phía sau, phá cửa lên xuống nhảy ra ngoài và cả hai đều chết ở gần cầu Cẩm Lệ. Còn một tên vẫn ngoan cố tiếp tục bắn nhiều phát về buồng lái và động cơ máy bay cho đến khi hết đạn mới nhảy xuống và chết trên đường băng Sân bay Đà Nẵng.

“Sau khi nắm thông tin, tôi cùng nhiều anh em xuống đến gần cầu Cẩm Lệ để kiểm tra và bảo vệ hiện trường. Dù nhảy khỏi máy bay từ phía nam sông Cẩm Lệ, nhưng thi thể 2 tên không tặc văng sang tận phía tây và bị biến dạng. Lúc đó đây là câu chuyện chấn động ở Đà Nẵng, ai cũng muốn biết nhóm không tặc là kẻ nào và vì sao mang vũ khí lên được máy bay” – ông Xuân kể.

Khi nhận được báo cáo của phi công chuyến bay, Sân bay Đà Nẵng đã khẩn cấp điều động lực lượng chiến đấu và ứng cứu chờ sẵn. Lực lượng CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũng nhanh chóng điều lực lượng tới ứng cứu và có cả chó nghiệp vụ. Sau khi máy bay hạ cánh, nhà ga tổ chức ngay việc cấp cứu cho những người bị thương, đồng thời cơ quan an ninh tổ chức điều tra thu thập tang vật chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, việc điều tra thủ phạm gặp nhiều khó khăn. Liệu ngoài những tên nhảy khỏi máy bay tự sát thì còn có đối tượng nào khác tham gia? Chúng có trà trộn trong hành khách để tẩu thoát?

Nhớ lại vụ án này, bác Nam Hà – nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và ông Trần Xuân Thành – nguyên cán bộ của Phòng Bảo vệ chính trị (CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) kể, đây là sự kiện chấn động Đà Nẵng lúc bấy giờ. Bởi đó là lần đầu tiên xảy ra vụ không tặc như vậy ở Đà Nẵng nên việc điều tra, truy bắt kẻ chủ mưu được thực hiện khẩn trương. Rà soát danh sách các hành khách đi trong chuyến bay, cơ quan điều tra xác định được 3 kẻ không tặc nhảy khỏi máy bay là Châu Đình Kính, Trần Văn Thảo và Chênh Sênh Công, tuy nhiên thông tin có hay không về những đối tượng khác cùng tham gia thì vẫn rất mù mờ. “Trong danh sách chuyến bay hôm ấy có người tên là Lý Quảng (trú thôn 1, xã Hòa Ninh), tuy nhiên lúc chúng tôi đến tìm hiểu thì Lý Quảng không đi chuyến bay đó, hằng ngày vẫn ở nhà. Anh Quảng cho biết đã mất giấy tờ tùy thân mấy hôm trước khi xảy ra vụ không tặc. Điều đó có nghĩa, kẻ nào đó mượn tên của anh Quảng để được đi chuyến bay đó” – ông Huỳnh Xuân kể.

Qua điều tra và thu thập chứng cứ, CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũng dần xác định được các đối tượng tham gia vụ cướp máy bay. Ngoài 4 tên có hành động cướp máy bay và đã chết là Châu Đình Kính, Chênh Sênh Công, Trần Văn Thảo và Châu Đình Dũng, CQĐT còn phát hiện thêm các tên khác là Nguyễn Văn An, Huỳnh Thị Sương, Phan Ngọc Huệ, Hồ Thị Trúc Mai và Cao Văn Sơn. Trong đó, Nguyễn Văn An (trú Khuê Trung, Cẩm Lệ) là kẻ đã mạo danh anh Lý Quảng để đi trên chuyến bay và chính y là kẻ chủ mưu thực hiện vụ cướp máy bay.

Tuy nhiên, An rất ngoan cố, không thừa nhận hành vi của mình. Ông Trần Xuân Thành kể: Nguyễn Văn An – nguyên đại úy công binh VNCH, sau khi cùng đồng bọn thực hiện vụ cướp máy bay bất thành, y và những tên còn lại cố tình trà trộn vào hành khách để thoát thân. Để chứng minh An chính là kẻ chủ mưu, CQĐT đã tiến hành giám định chữ viết được tìm thấy ở hiện trường và xác định đây là chữ viết của An, cộng với những chứng cứ quan trọng khác nên An đã phải nhận tội. Từ đó, CQĐT đã khởi tố vụ án và bắt giam các đối tượng An, Huệ, Hồ Thị Trúc Mai, Cao Văn Sơn.

Qua đấu tranh khai thác, An khai nhận vào đầu tháng 6-1978 đã gặp Châu Đình Kính tìm hiểu và biết được ý đồ của nhau nên cả hai lên kế hoạch tổ chức việc cướp máy bay để trốn đi nước ngoài. Để tổ chức và thực hiện kế hoạch, Kính móc nối được với 3 đối tượng là Dũng, Thảo, Công. An chịu trách nhiệm lo giấy tờ và vé máy bay cho đồng bọn và cũng rủ thêm được Huệ, Sương (vợ của An), Mai và Sơn. Để ngụy trang vũ khí, An đã cưa một bức tượng, cho lựu đạn vào trong rồi bỏ vào hộp, bên ngoài ghi: “Xin nhẹ tay, dễ bể. Ty Giáo dục Quảng Nam – Đà Nẵng kính tặng Phòng Học vụ TPHCM”.

Sau đó, An giao cho Kính đưa lên máy bay để hành động. An còn đem theo dao nhọn làm vũ khí để ở túi trái cây. Lúc máy bay đã cất cánh, An giấu mặt ở khoang hành khách và ngầm chỉ đạo cho Kính, Công, Thảo, Dũng ra mặt hành động. Khi 2 tên Châu và Dũng cho nổ lựu đạn nhằm phá hủy máy bay, lựu đạn nổ làm Dũng chết tại chỗ và bị thương một số người khác, trong đó có Nguyễn Văn An. 3 kẻ nhảy khỏi máy bay là Thảo, Công và Kính. Cơ quan điều tra sau đó đã khám xét nhà An và thu được nhiều vật chứng liên quan đến vụ án. Kết thúc điều tra, lực lượng CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKS Quân sự Trung ương để truy tố trước Tòa. Ngày 9-9-1978, VKS Quân sự Trung ương truy tố An cùng đồng bọn ra tòa. Ngày 4-10-1978, Tòa án Quân sự xử phạt Nguyễn Văn An mức án tử hình, các đối tượng Huệ, Sương, Mai, Sơn từ 2 đến 8 năm tù.

Việc lực lượng CA tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng phá án và bắt nhanh những tên chủ mưu vụ cướp máy bay có ý nghĩa quan trọng, kịp thời trấn an và mang lại niềm tin cho nhân dân. Và vụ cướp máy bay năm 1978 cũng để lại nhiều bài học về đảm bảo an ninh, an toàn trong những chuyến bay.

Theo BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (2015)

Tags: , ,