Việt Nam và những tiêu chí của nền kinh tế thị trường hiện đại

Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước những áp lực thích ứng với các thông lệ quốc tế, vấn đề quan trọng đặt ra là phải có tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường và với điều kiện ở Việt Nam, các tiêu chí này phải thống nhất được các yêu cầu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa với thông lệ được thừa nhận phổ quát của nền kinh tế thị trường thế giới.

VIệt Nam và những tiêu chí của nền kinh tế thị trường hiện đại

Tác giả: TS. Trần Quang Tuyến – Lê Vân Đạo; Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Kinh tế thị trường tự do – tiêu chí đánh giá trên thế giới

Để đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường, các nhà nghiên cứu về cơ bản sử dụng hai nhóm yếu tố chủ yếu, đó là chỉ số tự do kinh tế (Economic Freedom – EF) và mức độ can thiệp của chính phủ.

Hiện nay, để đo lường mức độ tự do thị trường hiện đại, chỉ số EF là thước đo được sử dụng rộng rãi(1). Về nguyên tắc, bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở: Tự do kinh tế là quyền cơ bản của mỗi con người trong việc kiểm soát sức lao động và tài sản của mình. Trong một xã hội tự do về kinh tế, các cá nhân được tự do làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo bất kỳ cách nào họ muốn. Trong xã hội tự do về kinh tế, chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa di chuyển tự do và không ép buộc hoặc hạn chế quyền tự do vượt quá mức cần thiết để bảo vệ và duy trì quyền tự do(2). Điều này cũng bao gồm các hành động can thiệp nhằm bảo vệ tính tự do kinh tế, ví dụ như các quy chuẩn chất lượng được ban hành, giải quyết vấn đề bất đối xứng, cung cấp các loại hàng hóa công…

Chỉ số EF do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố và Chỉ số EF của thế giới và của Bắc Mỹ do Viện Fraser (The Fraser Institute) công bố và đo lường. Các chỉ số này bao gồm các mục như bảo đảm quyền tài sản, gánh nặng các quy định và độ mở của thị trường tài chính, cùng nhiều mục khác(3). Chỉ số này đo lường căn cứ trên 4 trụ cột lớn với 12 tiêu chí quan trọng:

1- Pháp quyền (Rule of Law): Bảo vệ con người và tài sản của họ có được một cách hợp pháp là yếu tố trung tâm. Đây là chức năng quan trọng nhất của Nhà nước, bao gồm các tiêu chí: Quyền sở hữu; hiệu quả tư pháp; chính phủ liêm chính.

2- Quy mô của chính phủ: Khi chi tiêu của chính phủ, thuế và quy mô của các doanh nghiệp do chính phủ kiểm soát tăng lên, việc ra quyết định của chính phủ thay thế cho sự lựa chọn của cá nhân và tự do kinh tế bị giảm đi. Ngược lại, nếu các thất bại không được can thiệp đúng lúc, sự tự do trong thị trường chịu những thiệt hại đáng kể. Quy mô của chính phủ gồm các tiêu chí: Gánh nặng thuế; chi tiêu chính phủ; “Sức khỏe” tài khóa.

3- Hiệu quả của các quy định: Các chính phủ không chỉ sử dụng các công cụ để hạn chế quyền trao đổi quốc tế, họ còn có thể phát triển các quy định hạn chế quyền trao đổi, nhận tín dụng, thuê hoặc tự do điều hành doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trụ cột này gồm các tiêu chí: Quyền tự do kinh doanh; tự do lao động; tự do tiền tệ.

4- Thị trường mở: Quyền tự do trao đổi – theo nghĩa rộng nhất của nó, mua, bán, lập hợp đồng,… là điều cần thiết đối với tự do kinh tế, điều này bị giảm bớt khi quyền tự do trao đổi không bao gồm các doanh nghiệp và cá nhân ở các quốc gia khác. Trụ cột thị trường mở gồm các tiêu chí: Tự do thương mại; tự do đầu tư; tự do tài chính.

Chỉ số EF coi mọi tiêu chí thành phần đều quan trọng như nhau trong việc đạt được những lợi ích tích cực của tự do kinh tế. Mỗi quyền tự do đều có trọng số như nhau trong việc xác định điểm số của quốc gia.

Một trong những câu hỏi quan trọng khác cần giải quyết nhằm xác định tiêu chí trong xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế là: Quy mô và phạm vi tác động của chính phủ tới nền kinh tế thị trường thế nào là tối ưu?.

Các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách đồng ý về việc tồn tại các thất bại của thị trường mà tự nó không thể giải quyết và các can thiệp của chính phủ là cần thiết. Có nhiều thất bại của thị trường khác nhau đã được thảo luận qua hàng thập niên như bất đối xứng thông tin, hàng hóa công, các hiện tượng ngoại ứng,… Một trong những thất bại đó là sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Cụ thể là khoảng cách tài chính (người giàu dễ tiếp cận tài chính hơn) và hiệu ứng tràn (spillovers) hoặc hiệu ứng ngoại tác (externalities) của nó tới sự phát triển bền vững nền kinh tế(4). Do đó, những can thiệp và thiết kế chính sách phù hợp của chính phủ có thể là tác nhân quan trọng để giải quyết vấn đề tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và việc làm đều đặn.

Thực tế, các chính phủ trên khắp thế giới đã áp dụng một loạt các chính sách để khuyến khích hoạt động kinh doanh và có tác động tích cực đến sự tự do kinh tế. Các quốc gia đã phát triển với hệ thống kinh tế thị trường tự do mạnh mẽ và tuyên bố mạnh mẽ về thị trường tự do đều đã áp dụng các chính sách can thiệp của chính phủ như chính sách bảo hộ liên quan đến thuế hoặc phi thuế quan trong giai đoạn đầu của sự phát triển(5); chính sách của chính phủ giúp loại bỏ lo lắng của người lao động trong sản xuất thông qua xây dựng hệ thống y tế tốt hơn, hệ thống giáo dục được cải thiện cũng sẽ tạo thêm nguồn lao động chất lượng và giúp doanh nghiệp có thông tin để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn(6). Bằng chứng thực tế là các quốc gia Bắc Âu, mặc dù đánh thuế cao và bảo đảm phúc lợi lớn của nhà nước nhưng không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế thị trường.

Ngược lại với dòng quan điểm trên là những ý kiến cho rằng chính phủ nên hạn chế can thiệp và để các chủ thể kinh tế trên thị trường tự do cạnh tranh(7). Theo đó, thị trường có thể tự giải quyết các vấn đề của chính nó và các can thiệp của chính phủ chỉ phát đi các tín hiệu sai lệch(8). Bằng chứng thực nghiệm cho thấy các chính sách khởi nghiệp theo chủ nghĩa can thiệp có khả năng dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực và nỗ lực của doanh nhân hướng tới các hoạt động kém hiệu quả hơn về mặt kinh tế(9). Bằng chứng thực nghiệm khác tại Mỹ chỉ ra rằng chính sách can thiệp của chính phủ có thể làm hạn chế cạnh tranh năng động/liên tục (business dynamism) của doanh nghiệp, mà hệ thống này lại có vai trò kích thích cạnh tranh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm(10). Nói cách khác, các can thiệp của chính phủ sẽ làm “nhiễu” cách thức vận hành của thị trường năng động trong quá trình ra quyết định của doanh nghiệp để tái phân bổ nguồn lực từ kém hiệu quả hướng đến trạng thái hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự can thiệp của chính phủ còn có những vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, các chính sách can thiệp để khuyến khích tinh thần kinh doanh có thể làm sai lệch chức năng phi tập trung và tự phát của thị trường, hạn chế tự do kinh tế thông qua việc phân phối lại các nguồn lực cho các doanh nghiệp và lĩnh vực cụ thể bằng quá trình chính trị thay vì thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm, bao gồm cả tài năng kinh doanh, cho các công ty và lĩnh vực kém năng suất hơn(11). Một phân tích gần đây của các công ty Thụy Điển cho thấy những công ty nhận trợ cấp R&D (nghiên cứu và phát triển) của chính phủ có năng suất thấp hơn và lợi nhuận kém hơn(12). Việc trợ cấp cho các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả không chỉ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cản trở khả năng phân bổ nguồn lực của cơ chế lựa chọn thị trường cho các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn.

Thứ hai, các chương trình của chính phủ cung cấp, trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt các quan chức chính phủ vào vị trí có quyền quyết định để xác định công ty hoặc nhà đầu tư nào sẽ nhận được tài trợ. Trong khi đó, thông tin liên quan để thẩm định có thể không căn cứ trên các tiêu chí đơn giản như doanh thu, số năm vận hành, tiềm năng phát triển hiện tại,… chưa kể đến những vấn đề của hệ thống quan liêu liên quan. Nói cách khác, việc thẩm định trợ cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nào của chính phủ có thể không căn cứ trực tiếp trên các tín hiệu thị trường(13). Tồn tại tính không đồng nhất và hạn chế thông tin trong việc xác định các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt nhất để nhận hỗ trợ chính phủ(14).

Thứ ba, liên quan đến các vấn đề lợi ích nhóm. Không thể phủ nhận các bằng chứng chứng minh nhiều quyết định của chính phủ đôi khi không liên quan đến lợi ích kinh tế của quốc gia và được thay bằng các nhóm lợi ích(15). Cuối cùng, các chính sách can thiệp thường cản trở cơ chế thị trường trong việc khen thưởng các doanh nhân làm việc hiệu quả, đồng thời trừng phạt các doanh nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Các tranh luận về sự can thiệp của chính phủ hiện nay vẫn còn rất gay gắt nhưng hầu hết đều đồng ý về một số nguyên tắc cơ bản: các thể chế và chính sách hỗ trợ thị trường phải nhất quán với các nguyên tắc tự do kinh tế, bao gồm lựa chọn cá nhân, trao đổi tự nguyện, bảo vệ con người và tài sản cũng như tự do tham gia và cạnh tranh trên thị trường; chính phủ có thể tăng cường chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng và hạn chế hơn trong thời kỳ phát triển thịnh vượng; các can thiệp của chính phủ chủ yếu tập trung vào việc khắc phục các khuyết tật của thị trường.

Mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam thông qua chỉ số tự do kinh tế

Chỉ số EF đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều công bố quốc tế nhằm đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, tính đại diện của chỉ số EF trong việc thể hiện mức độ phát triển kinh tế thị trường được thể hiện thông qua sự tương quan của nó tới các chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội liên quan (các đầu ra sáng tạo, phát triển công nghệ, phát triển kinh tế…). Việt Nam tự do hóa kinh tế bắt đầu vào năm 1986 với đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đến nay, những cải cách theo hướng tự do kinh tế, phát triển kinh tế thị trường đạt được nhiều kết quả.

1- Hệ thống pháp quyền (Rule of Law): Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tính đến tháng 9-2018, Chính phủ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,9% diện tích đất. Quyền tài sản và các quyền khác trong kinh doanh đã được thiết lập cơ bản và vẫn tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, theo một số đánh giá quốc tế, cơ quan tư pháp của Việt Nam còn nhiều hạn chế và tình trạng tham nhũng vẫn là vấn đề cần được cải thiện.

2- Quy mô Chính phủ: Mức độ tham gia của Chính phủ tới nền kinh tế tại Việt Nam ở mức vừa phải. Trong đó, mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35% và mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất là 22%. Các loại thuế khác bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tài sản. Tổng gánh nặng thuế tương đương 18,6% tổng thu nhập trong nước. Chi tiêu của Chính phủ đã lên tới 28,3% sản lượng (GDP) của quốc gia trong 3 năm qua (tính đến năm 2018) và thâm hụt ngân sách trung bình là 4,7% GDP. Nợ công tương đương 57,5% GDP.

3- Hiệu quả thi hành pháp luật doanh nghiệp: Mặc dù việc khởi nghiệp ngày càng trở nên dễ dàng hơn và chi phí đăng ký kinh doanh cũng được cắt giảm nhưng nhìn chung các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và việc thực thi pháp luật lao động còn yếu. Các biện pháp kiểm soát bình ổn giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng, nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm.

4- Độ mở cửa của thị trường: Tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ bằng 187,5% GDP. Mức thuế trung bình được áp dụng là 2,7% và 80 biện pháp phi thuế quan đang có hiệu lực. Khuôn khổ đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, dẫu vậy, căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế, vẫn bị đánh giá là thiếu hiệu quả. Khu vực tài chính tiếp tục phát triển và việc cho vay theo chỉ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được thu hẹp trong những năm gần đây.

Nhìn chung, chỉ số EF được cải thiện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, ở Việt Nam, năm 2020 chỉ số EF là 58,8 so với 41,7 năm 1995. Tốc độ tăng trung bình khoảng 1,4%/năm. Tiêu chí đánh giá của bộ chỉ số EF gồm 12 khía cạnh. Chi tiết theo 12 khía cạnh này ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1995 – 2020 có một số tiêu chí còn ở mức thấp (chưa đến 50/100) tính đến hết năm 2020 như: hiệu quả tư pháp, tự do doanh nghiệp, chính sách tiền tệ tự do (tính toán của tác giả từ dữ liệu EF). Nhưng nhìn chung, hầu hết các khía cạnh đều có sự cải thiện đáng kể do các nguyên nhân khác nhau, trong đó, sự hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò quan trọng.

Về quyền tài sản, sự cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian 2016 – 2017 liên quan đến quyền tài sản được đánh giá là bước phát triển quan trọng trong kích thích sự phát triển của hệ thống kinh tế thị trường. Đây là kết quả những nỗ lực rất lớn, nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo đó, một số văn bản và nghị quyết quan trọng được ban hành nhằm xác lập rõ ràng hơn về quyền sở hữu và quản lý tài sản, đặc biệt là liên quan đến tài sản công như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật xác định rõ ràng về phạm vi tài sản công, các tài sản chuyên dùng, tài sản đấu giá,… Điều 4 của Luật phân loại chi tiết các tài sản công khác nhau. Các quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng cũng khá minh bạch (Điều 6).

Chỉ số gánh nặng thuế cũng được cải thiện liên tục từ năm 1995 đến năm 2020. Đặc biệt, sự cải thiện đáng kể trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 (Luật số 57-L/CTN) và có hiệu lực năm 1999; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 (Luật số 09/2003/QH11) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (Luật số 14/2008/QH12) đã góp phần cải thiện môi trường thuế của doanh nghiệp và hướng đến nền kinh tế thị trường.

Sau những áp lực từ nợ công, trong đó cao nhất là năm 2016 với nợ công khoảng 59,7%/GDP(16), Chính phủ đã có những kế hoạch chi tiêu hiệu quả hơn với các biện pháp cụ thể và gắn trách nhiệm các cơ quan trong chi tiêu Chính phủ. Có thể, chính những biện pháp này đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể về chính sách tài khóa, góp phần nâng cao chỉ số tự do kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế.

Luật Doanh nghiệp 2005 (Luật số 60/2005/QH11) cũng mang đến sự cải thiện trong xây dựng kinh tế thị trường tại Việt Nam. Trong đó, Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp; công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp; tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính (Điều 5). Doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm (Điều 7) và các quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp cũng được công nhận (Điều 8).

Việt Nam có sự phát triển đáng kể về trao đổi quốc tế và phát triển tự do tài chính trong những năm gần đây. Những điều ước quốc tế song phương và đa phương một phần đòi hỏi kinh tế thị trường Việt Nam phải thích ứng, một phần cũng cải thiện môi trường kinh doanh trực tiếp khi các doanh nghiệp quốc tế hoạt động ở Việt Nam.

Bên cạnh những tiêu chí đã được cải thiện, xây dựng kinh tế thị trường tại Việt Nam cần lưu ý một số khía cạnh quan trọng sau:

– Chính sách tiền tệ của Việt Nam có sự dao động lớn (theo chu kỳ) trong suốt thời kỳ 1995 – 2020. Theo đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều chỉnh nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và điều chỉnh/hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp trên thị trường. Từ chính sách tiền tệ thắt chặt (giai đoạn 2011 – 2015) được chuyển sang thực hiện tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát trong nhiệm kỳ 2016 – 2020.

– Hai vấn đề quan trọng khác trong xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại tại Việt Nam phải kể đến là đầu tư tự do và xây dựng Chính phủ liêm chính chưa có nhiều cải thiện, mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và các chương trình nhằm nâng cao tính liêm chính của các cơ quan hành chính Nhà nước như: nâng cao chất lượng quản trị công; xây dựng cơ chế một cửa; xây dựng chính phủ điện tử;…

Như vậy, căn cứ trên các đánh giá và so sánh quốc tế, có thể rút ra một số điểm nổi bật sau:

– Phát triển kinh tế thị trường (theo tiêu chí tự do kinh tế) của Việt Nam có nhiều cải thiện đáng kể. Trong 12 khía cạnh quan trọng, chỉ tiêu hội nhập quốc tế đang được thực hành tốt nhất và đem lại những kết quả khả quan. Ngược lại, tự do đầu tư và nâng cao mức độ liêm chính của các cơ quan hành chính Nhà nước cần được cải thiện trong thời gian tới.

– Trong sự cải thiện rõ ràng của các tiêu chí đều có sự khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến các cải thiện hệ thống luật pháp theo hướng tôn trọng các quy luật của thị trường và nâng cao các áp lực cạnh tranh.

Các tiêu chí được phân tích ở trên chủ yếu liên quan đến các khía cạnh về xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy việc nâng cao đời sống người dân làm nền tảng. Mối quan tâm không chỉ về kinh tế mà còn về đời sống và sự phát triển bền vững như giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu… Do đó, cần xem xét thêm các yếu tố đặc thù của Việt Nam để đánh giá mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những lập luận lý thuyết, hiệu quả thực nghiệm của sự hỗ trợ Nhà nước Việt Nam trong các khía cạnh khác của đời sống là hết sức nổi bật. Trong đó, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ doanh nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu cần được xem như một nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước. Để xem xét hoàn thiện việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, bài viết đề xuất thêm một số tiêu chí kết hợp với các tiêu chí ở trên, bao gồm:

– Nghèo đa chiều: Cách tiếp cận này đã được quy định trong Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19-11-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đánh giá nghèo trên 2 trụ cột quan trọng là thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản: 1- Các dịch vụ xã hội cơ bản (5 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin. 2- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Ngoài ra, chiều về việc làm tử tế cũng đang được xem xét đưa vào trong chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam.

– Bất bình đẳng giới: Chỉ số này đã được đề xuất trong xây dựng chỉ số EF do những đóng góp của nó tới phát triển bền vững và tự do toàn cầu. Hiện nay, đánh giá chỉ số này có thể căn cứ trên chỉ số bất bình đẳng giới (Gender Inequality Index – GII).

– Trách nhiệm giải trình và mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Có một số ý kiến liên quan đến mức độ trách nhiệm giải trình thấp của các cơ quan nhà nước đối với người dân. Tại Việt Nam, các chỉ số này chính là 2 trong số 8 trụ cột của chỉ số PAPI, đo lường chất lượng quản trị công(17).

– Chất lượng môi trường: Việt Nam luôn đề cao phát triển bền vững với môi trường, coi là một trong ba trụ cột. Do đó, đánh giá sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng cần xem xét chỉ số đo lường này. Hiện tại, chỉ số quản trị môi trường (thuộc bộ chỉ số PAPI) xem xét 3 khía cạnh cơ bản: nghiêm túc bảo vệ môi trường; chất lượng không khí và chất lượng nước.

Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế

Như vậy, để giải quyết câu hỏi nghiên cứu quan trọng: “Tiêu chí nào để đánh giá sự phát triển của kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa?”, nhóm nghiên cứu đã phân tích và đánh giá trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đưa ra cách tiếp cận lý thuyết về kinh tế thị trường tự do theo quy chuẩn quốc tế, những tiêu chí thực nghiệm trong đo lường. Qua đó, khuyến nghị nên sử dụng bộ chỉ số EF nhằm so sánh và đánh giá quá trình phát triển kinh tế thị trường Việt Nam so với thế giới. Những lập luận cho việc sử dụng bộ chỉ số EF để đo lường trình độ kinh tế thị trường cũng được đề xuất trong các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ hơn các giải pháp hay điều kiện để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn này, gắn với cải cách thể chế kinh tế một cách hiệu quả và thực tiễn.

Thứ hai, nghiên cứu góp phần đưa ra các ý kiến quan trọng liên quan đến mức độ can thiệp chính phủ tới sự tự do của nền kinh tế thị trường. Nghiên cứu khẳng định Nhà nước đóng vai trò cực kỳ to lớn trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường, đặc biệt với các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Các bằng chứng trong lịch sử và bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam cũng ủng hộ luận điểm này. Do vậy, vai trò của Nhà nước trong sự can thiệp hiệu quả nên được xem xét và hoàn thiện gắn với các tiêu chí kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các cải cách trong sự vận hành của bộ máy nhà nước và sự điều hành hiệu quả các chính sách kinh tế nên được thể hiện qua các chỉ số đo lường để từ đó làm căn cứ cho việc hoàn thiện bộ máy quản lý.

Thứ ba, nghiên cứu phân tích các tiêu chí cụ thể trên bộ tiêu chí thế giới về những mặt hiệu quả và chưa hiệu quả trong quá trình xây dựng kinh tế thị trường. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần nghiên cứu đề xuất một số tiêu chí liên quan trong bộ tiêu chí nhằm xác định rõ thang đo trong thời gian tới.

Thứ tư, các tiêu chí nền kinh tế thị trường cũng nên gắn với bối cảnh phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao mức sống người dân. Do vậy, các chỉ số về hiệu quả phát triển một nền kinh tế thị trường, suy cho cùng phải hướng tới tiến bộ xã hội cho mọi người. Vì vậy, các tiêu chí cũng gắn với các chỉ số về nghèo đa chiều, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

—————————-

Chú thích:

(1) J. Gwartney, R. Lawson, J. Hall & R. Murphy: Economic Freedom of the World, 2019 Annual Report
(2) J. Chappelow: Free Market, https://www.investopedia.com/terms/f/freemarket.asp, 2020
(3) J. Gwartney, R. Lawson, J. Hall & R. Murphy: Sđd
(4) D. Cumming, S. Johan & Y. Zhang: Public Policy towards Entrepreneurial Finance: Spillovers and the Scale-Up Gap, Oxford Review of Economic Policy, 34(4), 2018, tr. 652 – 675
(5)H.J.Chang: Kicking Away the Ladder: Development Strategy in Historical Perspective, 2002
(6) Z. J. Acs, T. Astebro, D. Audretsch & D.T. Robinson: Public Policy to Promote Entrepreneurship: A Call to Arms. Small Business Economics, 47(1), 2016, tr. 35 – 51
(7) S. Shane: Why Encouraging More People to Become Entrepreneurs Is Bad Public Policy, Small Business Economics, 33, 2008, tr. 141 – 149
(8) F. A. Hayek : The Road to Serfdom, 1944
(9) R.S. Sobel: Testing Baumol: Institutional Quality and the Productivity of Entrepreneurship, Journal of Business Venturing, 23, 2008, tr. 641 – 655
(10) K. Barnatchez & R. Lester: The Relationship between Economic Freedom and Economic Dynamism, Contemporary Economic Policy 35, 2017, tr. 358 – 372
(11) Y. Alperovych, G. Hübner & F. Lobet: How Does Governmental versus Private Venture Capital Backing Affect a Firm’s Efficiency? Evidence from Belgium, Journal of Business Venturing, 30, 2015, tr.508 – 525
(12) A. Gustafsson, P. G. Tingvall & D. Halvarsson: Picking Winners or Picking Whiners? The Logic and Performance of Multiple Subsidized Firms, Retrieved from Sweden, 2017
(13) F. H. Knight: Risk, Uncertainty and Profit, Courier Corporation, 2012
(14) R. Brown, S. Mawson & C. Mason: Myth-Busting and Entrepreneurship Policy: The Case of High Growth Firms. Entrepreneurship and Regional Development, 29, 5-6, 2017, tr. 414 – 443
(15) A. Gustafsson, P. G. Tingvall, & D. Halvarsson: Sđd
(16) https://tradingeconomics.com/vietnam/government-debt-to-gdp
(17) http://papi.org.vn/

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: , ,