Video nhảm nhí trên mạng đầu độc tâm hồn trẻ thơ như thế nào?

Trẻ chưa thể phân biệt thông tin đúng sai, nên khi xem các video có nội dung không lành mạnh, các em có thể học theo.

Video nhảm nhí trên mạng đầu độc tâm hồn trẻ thơ như thế nào?

Hưng Vlog bị chỉ trích “dạy trẻ ăn cắp” sau video đập heo đất, trộm tiền. Ảnh chụp màn hình.

Liên tục đăng tải các video có nội dung chơi khăm, nấu ăn mất vệ sinh, mới đây, Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt hai lần vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục chỉ trong vòng một tháng.

Với thông tin có nội dung chơi khăm, nấu ăn mất vệ sinh, trộm cắp, trẻ có thể là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất khi vô tình tiếp cận các kênh YouTube này.

Ảnh hưởng quá trình hình thành tính cách

Trao đổi với Zing, bác sĩ Hồ Nhật Quang, chuyên gia huấn luyện, trị liệu tâm trí, cho biết những kênh YouTube bị xử phạt đa số sản xuất nội dung không lành mạnh, chủ yếu là câu view nhờ đánh vào sự háo hức, tò mò của người xem, đặc biệt là trẻ em.

“Những đứa trẻ chưa thật sự nhận biết được những thông tin đúng, sai và dễ bị thu hút bởi những video có âm thanh, hình ảnh sinh động, kích thích sự tò mò. Sự tác động ngày càng lớn này có thể âm thầm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của đứa bé do bị tiêm nhiễm tư duy lệch lạc”, bác sĩ Quang nhận định.

Theo ông, nguyên nhân là trẻ chưa tư duy được thế nào là nội dung đúng và chưa đúng. Thậm chí, nếu nội dụng không có giá trị, không mang tính chất giáo dục, dạy cách chơi khăm, trộm cắp, trẻ rất dễ học theo.

Dù nội dung không có giá trị, cảm xúc của trẻ khi xem những video này thường thấy vui và bị thu hút. Điều này càng kích thích trí tò mò của trẻ, từ đó, dẫn đến hành vi không tích cực. Về lâu dài, chúng tác động trong việc hình thành thói quen và tính cách của đứa trẻ.

Chuyên viên tâm lý Phùng Thị Lụa, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), đơn vị này từng tiếp nhận một số trường hợp nhỏ tuổi bị tai nạn khi bắt chước theo các video trên mạng

Đó thường là kênh hoạt hình, chương trình giải trí và trẻ cố gắng bắt chước các hành động đã xem.

“Khi trẻ nhỏ đang hình thành hành vi nhận thức, việc nghiện xem YouTube, điện thoại có thể khiến các em học hành sa sút, giảm chú ý, ảnh hưởng hệ thần kinh. Các video có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, bạo lực, không có tư chất giáo dục… có thể khiến trẻ tò mò, học theo rất nhanh và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm”, bà Lụa cho hay.

Giải pháp

Bác sĩ Hồ Nhật Quang khuyến cáo người lớn cần dành nhiều thời gian để chú ý, quan sát trẻ. Đặc biệt là quan tâm đến các nội dung trẻ xem trên YouTube, quan sát hành vi bất thường của con. Đồng thời, cơ quan chức năng cần lên tiếng và tăng cường sự kiểm duyệt nhiều hơn với những kênh YouTube, video không lành mạnh.

Các chuyên gia thuộc Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết không ít trẻ tiếp cận với các nội dung bạo lực và “người lớn” trên Internet vượt mức nhận thức của bé mà phụ huynh không thể kiểm soát.

Điều này dẫn đến những cảm xúc cáu gắt, mất ngủ, gặp ác mộng ở trẻ. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý việc kiểm soát để con hạn chế tiếp xúc các nội dung không phù hợp.

Đồng thời, cha mẹ cần nhận thức bản thân chính là người thầy tốt nhất của con. Nếu cha mẹ chăm chú vào điện thoại hàng giờ bên cạnh trẻ, một cách vô hình, bé có thể học được điều đó và cho rằng đây là hành vi phù hợp. Vì thế, phụ huynh cần điều chỉnh thời gian sử dụng điện thoại hợp lý.

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh công nghệ không gây hại nếu chúng được sử dụng cho mục đích phù hợp. Do đó, phụ huynh hãy để điện thoại trở thành công cụ phục vụ cho việc học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,