Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10 tháng 3 Âm lịch?

Không nhiều người biết được vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch.

Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10 tháng 3 Âm lịch?

Tác giả: TS.Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Vùng tâm điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay là Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thôn Cổ Tích (có tên cổ là làng Cả, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, Lễ hội Đền Hùng khởi nguồn từ lễ hội của các làng Vi (Vi Cương) -Trẹo (Triệu Phú) có tên cũ là làng He, tách ra từ thời vua Lê Thánh Tông.

Theo các nhà nghiên cứu, đền Trung có tên chữ là: Hùng Vương Tổ miếu (Miếu thờ Tổ Hùng Vương) xuất hiện trên núi Hùng do dân thôn Trẹo thờ cúng. Đến thời Lý – Trần, cư dân thôn Trẹo đông lên, lập ra làng Cả. Làng Cả dựng đền Thượng trên đỉnh núi, sau đó lập ra đền Hạ. Từ làng Trẹo, cư dân lấy tên làm họ của mình và phiên âm Hán Việt thành Triệu. Từ đó, thôn Triệu trở thành thôn Triệu Phú và người làng Trẹo thành họ Triệu ngày nay. Họ Triệu hiện còn bản tộc phả hơn 500 năm kể về sự tích của làng và việc lập các đền thờ này.

Lễ hội Đền Hùng từ khi xuất hiện cho đến trước năm 1917 diễn ra vào tháng 8 Âm lịch (mùa Thu). Thời điểm này, thời gian diễn ra lễ hội Đền Hùng cũng trùng với thời gian diễn ra hội của hai làng Vi và Trẹo. Từ năm 1917 đến nay, lễ hội Đền Hùng đã chuyền từ tháng 8 sang tháng 3 Âm lịch (mùa Xuân) hàng năm.

Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào tháng 8 Âm lịch, đó là thời điểm cộng đồng cư dân chuẩn bị đón vụ mùa, họ tổ chức lễ hội ngoài ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh các Vua Hùng, còn mang hàm ý “cầu mùa”, cầu mong cho mùa màng năm đó được bội thu, tránh được tai ương, dịch bệnh ảnh hưởng đến mùa màng. Khi chuyển thời gian tổ chức lễ hội vào tháng 3 Âm lịch, đó là thời điểm cuối mùa Xuân, ngoài việc thực hành các nghi thức, nghi lễ… giỗ Quốc Tổ, cộng đồng còn cầu mong cho một năm mới với mọi điều tốt lành, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi… để cư dân an cư lập nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã chọn ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch để dâng hương lên bàn thờ Tổ. Theo Dịch học, số 3 là số của Địa chi; số 10 là số của Thiên can. Tháng 3 Âm lịch là tháng Thìn (theo lịch nhà Hạ), Thìn là con rồng, âm Hán Việt là Long, Long là đồng âm của Lang. Chính vì điều này nên con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua. Còn số 10 là can Kỷ. Kỷ được giải thích rằng hết một vòng trở về khởi đầu, nên ngày Kỷ cũng là Kỵ, mà ngày Kỵ tức ngày Giỗ. Do đó, số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can – Chi của Dịch học được giải mã là “Kỵ Long”, ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày Giỗ vua.

Trước thời Lê, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng mang tính làng xã khép kín – một không gian thiêng. Từ thời Lê Thánh Tông cho đến thời Hậu Lê, không gian diễn ra lễ hội Đền Hùng đã mở rộng không chỉ về không gian thiêng mà còn hàm chứa cả không gian địa lý.

Từ năm 2010, nhà nước đã quyết định chọn ngày mồng 10 tháng Ba Âm lịch là ngày “Quốc lễ” cho cả dân tộc, không gian tổ chức lễ hội Đền Hùng đã được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc, từ Bắc tới Nam, từ miền ngược xuống miền xuôi, từ trung du đến đồng bằng. Đồng thời, không gian tưởng niệm vua Hùng còn được mở rộng và lan tỏa sang đến các cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

Xu hướng biến đổi từ Hội làng (Hội làng He) lên Quốc lễ (Hội Đền Hùng) và ngày nay là lễ hội cấp Quốc gia (Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng) đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công khai chủ quyền của nhà nước ta qua các thời kỳ từ xã hội phong kiến đến ngày nay, có giá trị vĩnh hằng là nền tảng xác định chủ quyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ đỉnh núi Hùng – trung tâm thờ tự các vua Hùng, theo dòng chảy thời gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa tới các địa phương khác. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vào thời Lê (từ thế kỷ 15 – 18), trên cả nước có 1.026 đình, đền tại 944 làng xã thờ Hùng Vương và các nhân thần thời đại này. Đến nay, toàn quốc có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong số này, ngoài 326 di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, còn có không ít công trình tại các tỉnh, thành phố khác.

Theo BÁO PHÁP LUẬT

Tags: , ,