Về sự dối trá của các game show giải trí trên truyền hình

Ranh giới giữa dàn dựng và lừa dối rất mong manh. Nếu một chương trình đi quá giới hạn và bóp méo sự thật, khán giả cần tẩy chay và lên án, sàng lọc những điều phạm vào các giá trị đạo đức.

Bài viết của Trevor Hearing, nhà sản xuất và là tiến sĩ lĩnh vực truyền hình người Anh, có kinh nghiệm 20 năm hợp tác với các đài truyền hình BBC, ITV và Chanel 4 trong lĩnh vực giải trí và kịch nghệ. Ông được biết tới qua các chương trình như Highway, Crime Story, Sins of the Father. Hiện, Trevor Hearing là trưởng bộ môn Sản xuất Truyền hình tại Đại học Bournemouth, Anh. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.

Ở đất nước chúng tôi, việc tiếp nhận đánh giá khen, chê có thể khác với một số quốc gia ở châu Á do đặc trưng văn hóa. Thậm chí, công chúng tại xứ sở sương mù còn thích được nghe người khác nhận xét hoặc tranh cãi để có cơ sở hoàn thiện bản thân.

Năm 2016, chương trình Naked Attraction của Chanel 4 gây tranh cãi về nội dung và luật chơi khi nhân vật chính lựa chọn người hẹn hò dựa trên quan sát hình thể khỏa thân của sáu ứng viên.

Một bộ phận người xem cho rằng Naked Attraction đang đi ngược lại những giá trị nhân văn khi đánh giá con người bằng việc phán xét hình thể.

Trong khi, nhóm người ủng hộ Naked Attraction phản biện chương trình cung cấp cho công chúng thông tin bổ ích về sinh lý con người – chủ đề mà phần lớn khán giả chưa có nền tảng kiến thức sâu, kỹ.

Những người chơi thì khẳng định nhờ tham gia show, họ không còn tự ti về các khiếm khuyết cơ thể và cảm thấy rất giải trí.

Tôi lấy Naked Attraction làm tiền đề để nói về câu chuyện game show truyền hình tại Anh.

CÔNG TY TƯ NHÂN ĐANG “ĐÀO VÀNG” TỪ TRUYỀN HÌNH

Trước tiên, chúng ta nên nhìn tổng quan về lịch sử cách thức vận hành của các đài truyền hình. Tại Anh, khoảng 40-50 năm trước, nhà đài tự sản xuất nội dung. Xu hướng bán sóng hoặc thuê đơn vị tư nhân (agency) thực hiện chương trình bắt đầu từ năm 1992 do kênh Chanel 4 khởi xướng. BBC và ITV tiếp bước sau đó.

Cách làm này đặt ra thách thức trong việc quản lý và duy trì độ xác tín trong từng sản phẩm. Để giải quyết vấn đề, nhà đài và các đơn vị tư nhân phải giao kèo với nhau những điều khoản.

Theo đó, đài truyền hình thiết lập đội ngũ, được gọi là “biên tập viên ủy quyền” và “nhà sản xuất ủy quyền” đại diện cho đơn vị phát sóng, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Họ nắm quyền giám sát cũng như đưa ra quyết định, bao gồm duyệt chi, lựa chọn nhân lực sản xuất và nhân tố xuất hiện trên show.

Vấn đề kiểm soát người lên sóng là tất yếu và vô cùng quan trọng, đòi hỏi nghiên cứu nghiêm túc. Người biên tập cần kiểm tra độ phù hợp, khả năng chịu áp lực dư luận của khách mời hoặc người chơi. Tùy tính chất từng game show, ê-kíp thậm chí phải dành thời gian làm quen, tiếp cận và sống chung với nhân vật trước khi đưa họ lên sóng phương tiện đại chúng.

Nếu công ty sản xuất không tuân theo yêu cầu của các “biên tập viên ủy quyền”, hợp đồng sẽ chấm dứt. Ngoài ra, các đài truyền hình tại Anh hiện nay đã có sẵn những đối tác quen thuộc. Theo đó, nhà đài sẽ hạn chế được những sai sót do thiếu kinh nghiệm trong khâu sản xuất. Một công ty non tay và không có mối quan hệ khó có thể được trao cơ hội.

Việc thuê sóng, bán sóng đặt ra thách thức cho nhà đài trong việc quản lý và duy trì độ xác tín trong từng sản phẩm.
.

Nhìn chung, đài truyền hình vẫn chịu trách nhiệm chính trong các khâu kiểm duyệt. Họ chỉ sử dụng tài nguyên của các agency để tạo ra chương trình.

Về ưu điểm, đài truyền hình sẽ phát sóng được nhiều chương trình hơn mà không quá tốn nhân lực. Một kênh sóng có đa dạng nội dung đương nhiên sẽ thu hút người xem hơn. Tuy nhiên, trong một số giao kèo, đài truyền hình lại thiệt thòi về mặt kinh tế. Hơn nữa, vấn đề kiểm định chất lượng luôn là nhiệm vụ nặng gánh và đòi hỏi trách nhiệm cao cho nhà đài.

Nhìn vào thực tế, số ít đài truyền hình đang quay trở lại với việc “tự cung tự cấp”. Chẳng hạn, các chương trình mới của ITV là do ITV Studios thực hiện. Đối với những game show có lượng người xem lớn, nhà đài cũng giành lấy quyền sản xuất để thu về những món hời kinh tế.

Ngoài ra, xu hướng xem nội dung trên các nền tảng trực tuyến và video theo yêu cầu đang được ưa chuộng. Những đơn vị như Netflix thừa sức phát hành chương trình “nhà làm”. Theo đó, các công ty tư nhân có thể không còn đất để tung hoành trong tương lai.

Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán xa. Hiện tại, các đơn vị tư nhân vẫn ngày ngày “đào vàng” từ truyền hình. Họ thậm chí còn phải mở rộng quy mô, chia thành nhiều nhánh nhỏ để sản xuất chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu của nhà đài. Một số công ty phát triển theo hướng đa quốc gia, đặt chi nhánh tại các nước lớn như Anh, Mỹ, Australia để cạnh tranh với các đơn vị nội địa.

Ở ANH, THAM GIA GAME SHOW HẸN HÒ THƯỜNG LÀ SAO HẠNG C

Cuộc cạnh tranh phía sau máy quay đã căng thẳng nhưng trận chiến rating còn khốc liệt hơn nhiều. Chúng ta đã qua thời điểm truyền hình phát sao khán giả xem vậy. Thị hiếu của công chúng là chìa khóa thành công ngày nay.

Ở Anh, xu hướng xem truyền hình thay đổi theo thời gian. Đa phần chúng tôi thích xem các nội dung mang lại kiến thức hoặc kỹ năng sống. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, công chúng dành sự quan tâm lớn cho bản tin thời sự và các buổi thông cáo của chính phủ.

Dẫu vậy, game show, đặc biệt là game show hẹn hò, luôn nằm trong nhóm chương trình được yêu thích. Nguyên do nằm ở việc nhóm chương trình này biết cách để đánh vào tâm lý và đẩy cao cảm xúc người xem.

Một trong những phương thức phổ biến để thâu tóm tâm lý người xem là nhà sản xuất chủ đích tuyển chọn người tham gia chương trình dựa trên tuyến nhân vật vạch sẵn. Họ cũng tạo dựng câu chuyện và kiểm soát cách kể. Ngay cả những show thực tế, tính thực tế chỉ chiếm một phần. Nhiều chương trình đem lại cho khán giả cảm giác như xem phim, có đủ chính diện, phản diện và xung đột.

Bên cạnh đó, các ngôi sao cũng có thể được coi như “chất kích thích” cho các game show truyền hình. Khán giả Anh thích xem người nổi tiếng tham gia show vì muốn tìm được sự đồng cảm. Người xem cảm thấy thú vị khi ngôi sao cũng phải đối mặt các vấn đề đời thường và tìm cách tháo gỡ chúng.

Tuy nhiên, ở Anh, những “người nổi tiếng” tham gia các game show hẹn hò đa phần là sao hạng C, hoặc những người muốn kiếm danh hay tìm lại danh tiếng. Hai chương trình Love Island và Big Brother là điển hình. Những tên tuổi lớn thường chỉ nhận lời góp mặt trong talk show hoặc các chương trình mang tính chuyên môn.

LỪA DỐI KHÁN GIẢ ĐÁNG BỊ LÊN ÁN

Ở một khía cạnh khác, ranh giới giữa dàn dựng và lừa dối người xem rất mong manh. Thế nhưng, đây lại là vấn đề công chúng nên đánh giá. Nếu khán giả chấp nhận và hiểu rằng chương trình chỉ mang mục đích giải trí, mọi chuyện không còn là vấn đề.

Ngược lại, nếu người xem cảm thấy bị lừa gạt, họ cần và nên tẩy chay chương trình đó. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng lừa dối khán giả và bóp méo sự thật đáng bị lên án.

Khi được gọi là chương trình giải trí thì nhiệm vụ của những show này là đem lại niềm vui cho khán giả chứ không nặng tính chân thực như phim tài liệu. Về mặt cơ bản, các nhà sản xuất có giới hạn mềm về việc tạo ra những nút thắt, xung đột nhằm thu hút người xem.

Lấy game show hẹn hò làm ví dụ, chúng ta thấy tỷ lệ thành đôi của người chơi trong chương trình thường rất thấp. Có nhiều cặp tỏ ra ăn ý trên sóng truyền hình nhưng nhanh chóng đổ vỡ khi trở lại cuộc sống bình thường.

Thực tế này có thể giải thích khách quan rằng thời gian trên truyền hình ngắn ngủi, người chơi thường chưa đủ thời gian để tìm hiểu đối phương. Sau khi chương trình kết thúc, các cặp đôi mới gặp phải bất đồng rồi quyết định dừng mối quan hệ.

Mặt khác, chiêu trò của nhà sản xuất có thể là một phần nguyên nhân. Vì muốn chương trình trở nên thú vị, họ đã thêm thắt nhiều yếu tố ngoại lai. Chúng ta cần phải hiểu game show giải trí phải có kịch tính, xung đột, trái chiều và cao trào cảm xúc. Bản chất của game show là chiêu trò, những chiêu trò này được ẩn sau kịch bản, ẩn trong cách tính toán, đong đếm của đơn vị sản xuất về cảm xúc, phản ứng từ người xem khi chương trình bắt đầu lên sóng đến khi kết thúc.

Trong chương trình hẹn hò, có những nhân vật được ê-kíp ghép đôi dựa trên phản ứng khán giả, bao gồm cả phẫn nộ lẫn ủng hộ. Thậm chí, một người chơi được tạo cơ hội với nhiều ứng viên để kiểm tra sự nồng nhiệt của khán giả.

Thế mới thấy, ý kiến của khán giả có tầm ảnh hưởng rất lớn tới một chương trình truyền hình. Trách nhiệm của nhà đài là phải lắng nghe góp ý từ người xem vì nội dung phát sóng có độ ảnh hưởng lớn. Nếu một chương trình đi quá giới hạn và bóp méo sự thật, ở vị thế khán giả, chúng ta cần tẩy chay và lên án, sàng lọc những điều phạm vào các giá trị đạo đức.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,