Về nạn quấy rối tình dục trên xe buýt, tàu điện ở châu Á

Cả nam và nữ giới đều có thể bị tấn công tình dục trên phương tiện giao thông công cộng, nhưng phụ nữ chịu rủi ro cao hơn. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân chỉ biết im lặng.

Về nạn quấy rối tình dục trên xe buýt, tàu điện ở châu Á

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết vừa qua, Sở nhận được một số phản ánh trên báo và mạng xã hội về tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt.

Nhưng theo lời các nạn nhân, không ít vụ việc xuất hiện từ nhiều năm trước trên địa bàn thành phố, kể cả trước và sau khi camera được lắp trên xe buýt.

Quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, tàu hỏa là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc châu Á. Hầu hết chưa có quy định nghiêm ngặt nhưng một số nước đã đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Nạn nhân có thể là bất cứ ai

Shella (23 tuổi), nhân viên văn phòng ở Jakarta, Indonesia, tức giận nhưng bất lực khi thường xuyên phải đối mặt với nạn quấy rối tình dục trên xe buýt và tàu hỏa.

“Chuyện xảy ra vào những thời điểm trên xe chật cứng hành khách. Nhiều gã đàn ông lợi dụng để thỏa mãn ham muốn tình dục của họ”, Shella kể với UCA News.

“Không chỉ tôi mà nhiều phụ nữ đã trải qua điều tương tự”, cô nói thêm.

Tình trạng này tồn tại từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Shella cho biết cô và nhiều người từng bị động chạm vòng một hoặc cọ xát cơ thể. Khi nạn nhân phát hiện, thủ phạm lập tức bỏ đi nơi khác.

Đây là trải nghiệm đáng sợ nhưng Shella không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng xe buýt hoặc tàu hỏa để tới chỗ làm đúng giờ.

Theo cuộc thăm dò năm 2017 của Thomson Reuters Foundation, Jakarta đứng thứ 7 trong top 10 thành phố nguy hiểm nhất về nguy cơ bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Hệ thống giao thông công cộng cũng được xếp hạng nguy hiểm thứ 5 – nơi phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối bằng lời nói hoặc thể xác.

Trong bối cảnh đó, Liên minh vì không gian công cộng an toàn của Indonesia tiến hành cuộc khảo sát về quấy rối tình dục ở nơi công cộng vào năm 2019. Trong số hơn 62.000 người được khảo sát, 3/5 phụ nữ từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Nam giới cũng gặp tình trạng tương tự nhưng phụ nữ có nguy cơ trở thành nạn nhân cao hơn 13 lần, theo CNA.

Ngoài xe buýt, angkot (xe buýt nhỏ) và các tuyến đường sắt được báo cáo là 3 nơi không an toàn nhất đối với phụ nữ.

Andy Yentriyani, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Bạo lực Đối với Phụ nữ, thừa nhận lạm dụng tình dục đối với phụ nữ gia tăng hàng năm, bao gồm các vụ việc xảy ra trên phương tiện giao thông công cộng.

Bà cho biết nhiều trường hợp như của Shella được báo cáo cho Ủy ban. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật không giải quyết vụ việc vì không có đủ bằng chứng để xử lý.

Theo Yentriyani, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều phụ nữ không trình báo sự việc vì cảm thấy xấu hổ và coi đó là nỗi nhục nhã.

“Đó là sai lầm vì tạo điều kiện cho thủ phạm tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội”, bà nói.

Trong 8 năm qua, mỗi khi lên các phương tiện giao thông công cộng ở Uzbekistan, Nargiza (19 tuổi) lại cảm thấy lo âu. Cô luôn đảm bảo không ai đứng đằng sau mình và lên kế hoạch chạy thoát.

Năm 11 tuổi, Nargiza bị một gã đàn ông hành hung trên xe buýt ở thủ đô Tashkent. Hắn sàm sỡ cô trước khi bị các hành khách khác phát hiện và tống cổ.

“Tôi bị làm nhục đến mức không thể lên tiếng và khóc rất nhiều khi nhớ lại khoảnh khắc đó. Tôi may mắn khi có nhiều người hỗ trợ và nói rằng đó không phải là lỗi của tôi”, Nargiza kể với The Diplomat.

Theo cuộc khảo sát do Uznews thực hiện, cứ 10 bé gái Uzbekistan thì có khoảng 8 em từng bị quấy rối ở nơi công cộng (bao gồm quấy rối bằng lời nói như trêu chọc, huýt sáo, dùng từ ngữ phân biệt giới tính; quấy rối về thể chất như sờ soạng, theo dõi, rình rập, chặn đường, khoe bộ phận sinh dục, thủ dâm nơi công cộng và hành hung).

Tuy nhiên, hành vi quấy rối trên đường phố tại quốc gia Trung Á này không bị trừng phạt. Nếu được trình báo, thủ phạm chỉ có thể bị buộc tội “côn đồ”.

“Nếu bị sàm sỡ khi đi trên đường, một cô gái có thể không coi đó là hành vi quấy rối vì điều đó xảy ra hàng ngày và với bất cứ ai”, Nastya Cherepanova,nhà hoạt động nữ quyền, nói.

Ở Uzbekistan, trẻ em gái bị quấy rối trên đường phố từ 11-12 tuổi, khi bước vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, không có cuộc thảo luận cởi mở nào về chủ đề này ở trường. Học sinh không được hướng dẫn về cách đối phó với bạo lực trên cơ sở giới. Bởi vậy, khi bị quấy rối ở nơi công cộng, dù trên đường phố hay các phương tiện giao thông công cộng, các cô gái không biết phải phản ứng như thế nào.

Nạn nhân thường cảm thấy tội lỗi và xấu hổ, nhận trách nhiệm về những gì đã xảy ra với mình. Nhiều người chỉ biết im lặng vì sợ hãi. Một số ít đủ can đảm để đáp trả kẻ quấy rối bằng cách nói nhỏ hoặc đánh trả.

Tương tự, theo cuộc khảo sát được thực hiện với 1.500 phụ nữ bởi Mạng lưới các thành phố an toàn cho phụ nữ (SCWN) ở Thái Lan tháng 9 và 10/2016, cứ 3 phụ nữ thì có một sử dụng các phương tiện công cộng từng bị quấy rối tình dục dưới các hình thức khác nhau như bằng lời nói, hình ảnh, ánh mắt hoặc cơ thể. Xe buýt được xếp hạng đầu với tỷ lệ xảy ra quấy rối tình dục cao nhất, tiếp theo là xe ôm, taxi, tàu điện và xe khách, theo Chiangrai Times.

Ở Nhật Bản, quấy rối tình dục trên tàu điện là vấn nạn khó giải quyết, bất chấp nỗ lực như bố trí các toa chỉ dành cho phụ nữ nhằm ngăn chặn “chikan” (từ tiếng Nhật để chỉ đàn ông quấy rối phụ nữ trên tàu điện).

Ngăn chặn

Dù chưa phổ biến, từng có trường hợp kẻ quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng bị xử lý ở châu Á.

Theo CNA, tháng 2 vừa qua, Makesvaran Visuranatham (37 tuổi, quốc tịch Malaysia) bị buộc 3 tội danh gồm cưỡng bức, cố ý phơi bày cơ thể để thỏa mãn tình dục và xúc phạm sự khiêm tốn của nạn nhân.

Tòa án cho biết nạn nhân là một phụ nữ 30 tuổi. Trên chuyến tàu vào tháng 5/2021, cô bị Makesvaran liên tục quấy rối, cố tình thúc cùi chỏ vào người, sau đó phơi bày vùng kín trước mắt.

Ngay cả khi xuống tàu, gã đàn ông vẫn đeo bám và có cử chỉ xúc phạm nạn nhân. Cô hét vào mặt và giữ áo không cho hắn bỏ chạy. Người quản lý nhà ga gọi cảnh sát và Makesvaran bị bắt.

Công tố viên yêu cầu 5-6 tuần tù giam và phạt tiền 500-1.000 SGD cho hành vi “quấy rối nhiều lần đối với nạn nhân” của bị cáo. Anh ta sẽ ra tòa để lĩnh hình phạt cuối cùng.

Tháng 10/2019 đánh dấu lần đầu tiên một tòa án của Trung Quốc trừng phạt hành vi quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, một người đàn ông ở Thượng Hải bị kết án 6 tháng tù vì sàm sỡ một phụ nữ trưởng thành và bé gái chưa thành niên trên tàu điện ngầm.

Tuy vậy, SupChina đưa tin theo cuộc khảo sát toàn quốc năm 2015 do China Youth Daily thực hiện, hơn một nửa trong số 1.117 phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Trong khi vấn đề ngày càng được chú ý kể từ khi phong trào #MeToo diễn ra ở Trung Quốc vào năm 2018, hành vi sàm sỡ chỉ bị luật pháp Trung Quốc phân loại là tội nhẹ.

Tháng 6/2021, Chi hội Bắc Kinh của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc sử dụng các phương tiện nghe, nhìn tại các trung tâm giao thông công cộng ở thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quấy rối tình dục. Tổ chức này nhắm mục tiêu vào các ga tàu điện ngầm của thành phố với trung bình 13 triệu người đi lại hàng ngày nhằm giáo dục quần chúng về những yếu tố cấu thành quấy rối tình dục và cách ngăn chặn, theo Sixth Tone.

Quấy rối tình dục là vấn nạn phổ biến trên mạng lưới giao thông công cộng của Bắc Kinh. Vấn đề thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng vào năm 2017, sau vụ việc kẻ thủ ác cắt cổ người phụ nữ sau khi cô tát hắn vì hành vi sờ soạng trên xe buýt công cộng.

Trong khi đó, các vụ quấy rối tình dục xuất hiện tràn lan trên tàu điện ngầm của Bắc Kinh nhiều đến mức sở cảnh sát cử các nhân viên mặc thường phục đi giám sát các hành vi sai trái trên đường. Tháng 1-8/2020, đội “thợ săn biến thái” của cảnh sát đã bắt giữ 285 người vì các tội liên quan đến lạm dụng tình dục.

Quấy rối ở nơi công cộng không bao giờ là lỗi của nạn nhân. Theo Hollaback!, tổ chức toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng quấy rối trong không gian công cộng, khuyên mọi người luôn lắng nghe và tin tưởng vào bản năng của mình.

Trong trường hợp bị quấy rối, khi có người xung quanh và cảm thấy an toàn để phản kháng, bạn có thể:

Đòi lại không gian riêng tư. Đặt ranh giới bằng cách yêu cầu kẻ quấy rối dừng hành vi sai trái và tránh xa bạn. Đừng sa vào tranh cãi gay gắt vì thủ phạm đôi khi chỉ muốn nạn nhân trở nên kích động.

Di chuyển ra xa. Nếu ngồi một mình, hãy tìm một hành khách khác hoặc nhóm người và đứng/ngồi gần họ. Giải thích điều đã xảy ra và hỏi họ bạn có thể ở đó cho đến khi đến đích được không. Nếu chỉ có bạn và kẻ quấy rối trên xe buýt và tàu điện, hãy ngồi gần tài xế hoặc di chuyển đến gần nhân viên.

Yêu cầu giúp đỡ. Kể cho những người xung quanh biết bạn vừa trải qua điều gì và mô tả hung thủ trông như thế nào. Đứng bên cạnh đám đông cho đến khi kêu cứu hoặc nhờ ai đó thông báo cho tài xế hoặc cơ quan chức năng.

Ghi lại bằng chứng. Nếu cảm thấy an toàn, hãy thử chụp ảnh kẻ biến thái hoặc nhờ người xung quanh ghi lại những gì đang xảy ra cho đến khi được ứng cứu.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , , ,