Về một thói rừng rú, điên loạn tràn lan trong xã hội Việt Nam thời nay

Tôi không hiểu sao mọi người chấp nhận việc các đám cưới có thêm trò hát nhạc sống ầm ĩ lúc đãi tiệc buổi tối cũng như ban ngày.

Về một biểu hiện rừng rú, mông muội trong xã hội Việt Nam thời nay

“Hủ tục” karaoke, nhạc sống đám cưới

Cuối năm, thấy mọi người than vãn về nạn karaoke, tôi cũng có một chia sẻ quanh vấn đề này. Đó là nạn hát karaoke, nhạc sống ở đám cưới.

Lúc xưa thì có cả dàn nhạc sống bao gồm các tay trống, organ… để đệm cho khách dự tiệc hát. Bây giờ, công nghệ phát triển nên “dàn nhạc” này bị thay thế bởi vài cái loa công suất lớn, chiếc laptop, một màn hình tivi và một người điều khiển.

Từng đi dự rất nhiều đám cưới ở quê, tôi thấy karaoke, nhạc sống ầm ĩ là một “hủ tục” cần phải được loại bỏ đi bớt. Đồng ý là có chút âm thanh ồn ào sẽ góp phần làm ngày vui thêm náo nhiệt hơn. Nhưng những tác hại mà nó mang lại cũng không kém.

Kể một vài ví dụ như nhạc quá ầm ĩ khiến thực khách không thể trò chuyện, hỏi thăm nhau, mạnh ai nấy gắp thức ăn trong tiếng nhạc chát chúa để rồi đi về cho sớm. Ảnh hưởng tiếng ồn đến hàng xóm. Chưa kể là khi rượu vào, lời ra, các thanh niên, đàn ông ngà ngà say lại cầm micro, hú hét như không còn là những tiếng hát nữa.

Chưa kể, rất nhiều đám cưới ở Việt Nam thường tổ chức như sau: gia chủ dựng rạp lấn ra lòng đường, đi kèm tiếng nhạc ầm ĩ, gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.

Nếu cứ nói nhân ngày vui để xí xóa cho gia chủ, tức là chúng ta đang sống dựa quá nhiều vào cái tình. Liệu có hợp lý không khi hàng xóm tổ chức liên hoan, tiệc nhậu đi kèm karaoke lại đòi xử lý theo luật pháp còn đám cưới thì lại bỏ qua?

Nhiều người sẽ nói tôi khập khiễng khi so sánh hai vấn đề này với nhau. Nhưng ô nhiễm tiếng ồn là ô nhiễm tiếng ồn. Nếu bây giờ cứ nhân nhượng với lý do “vì ngày vui” của một gia đình, một cá nhân mà ảnh hưởng chung đến không gian công cộng thì rõ ràng là chúng ta đang góp phần cổ súy cho những thói hư, tật xấu.

Theo tôi, đám cưới nên tổ chức gọn nhẹ, không nhạc ầm ĩ. Nếu thích, có thể vào buổi tối mọi người thân quen trong gia đình nên dẫn nhau ra tiệm karaoke mà hát cho thỏa thích. Như vậy vừa văn minh, vừa lịch sự.

Ngộ nhận “karaoke, nhạc sống ầm ĩ” là văn hoá

Nhiều bạn đang ngộ nhận karaoke ầm ĩ ở các đám cưới, đám tang là một “loại hình văn hoá”.

Tôi khẳng định ngay rằng karaoke, hát nhạc sống chỉ là loại hình giải trí mà thôi. Sự ra đời của karaoke bắt đầu vào năm 1969, từ chiếc máy Juke 8 do ông Daisuke Inoue người Nhật sáng chế. Đến năm 1971 nó mới phổ biến hơn, và bắt đầu cuộc “cách mạng” loại hình giải trí ca hát dành cho mọi người.

Từ “karaoke” hoàn toàn không có trong từ điển tiếng Nhật, vì nó là một từ ghép được dùng như tiếng lóng. Kara có nghĩa là “không”, như từ karatedo là “không thủ đạo”. Kara ghép với ok, mang ý nghĩa hát mà không cần ban nhạc nhưng vẫn “ok”.

Người Việt yêu thích ca hát. Đi làm đồng, bơi xuồng trên xong, đi làm rẫy, trồng cây, hái hoa… chúng ta cũng thường ê a hát hò. Đây cũng là nguồn gốc xuất phát những câu hò, điệu lý hay làn điệu dân ca truyền thống nổi tiếng.

Vậy nên, từ khi tiếp cận với karaoke, thứ chắp cánh cho tình yêu âm nhạc, mà nó đã đi từ những dàn loa kẹo kéo lề đường ở quán nhậu, đến sân khấu đám cưới, đám tang. Có thể thấy rằng, karaoke có mặt ở mọi nơi, mọi lúc và đã gây rất nhiều phiền toái tới cuộc sống của cộng đồng.

Karaoke là một loại hình giải trí, giao lưu vui vẻ. Nhưng đó đã bị ngộ nhận là “văn hoá”. Điều này khiến nó đang bị lạm dụng một cách triệt để. Để rồi nó gây bao nhiêu phiền toái, ai nấy cũng kêu ca nhưng những lý do kiểu một trăm cái lý không bằng một tý cái tình đã xí xoá đi tất cả.

Trở về với nước Nhật, nơi khai sinh ra loại hình giải trí này, người Nhật chỉ hát karaoke trong những căn phòng cách âm đạt tiêu chuẩn, những tụ điểm vui chơi giải trí được cấp phép. Hàng năm, người ta có thể thấy người Nhật thoải mái hát là ở những công viên ngắm hoa anh đào vào dịp lễ hội Hanami (ngắm hoa) hàng năm, nơi được phép tổ chức chính thức.

Có điều kiện đi du lịch Nhật Bản, bạn có thấy người dân nước họ hát hò ầm ĩ ở ngoài đường hay tại các sân khấu đám cưới được dàn dựng ở lòng đường hay chưa?

Còn ở ta, karaoke đang là nỗi khiếp đảm của nhiều người. Những năm qua, ai cũng than vãn, chỉ trích, phản đối vấn nạn này rất nhiều, nhưng tình hình vẫn vậy. Từ liên hoan, sinh nhật, tiệc cưới, ma chay cho đến một nhóm vài người ngồi nhậu ở quán lề đường, ở khu dân cư, nhà trọ… đều có thể “gào rú”, “hú hét” những bài hát với âm lượng thật to.

Tôi tự hỏi, nếu “karaoke” là văn hoá như mọi người nghĩ, thì liệu chúng ta có thể tìm một loại hình văn hoá nào khác gây phiền toái, nhũng nhiễu cho cộng đồng nào khác như thế nữa chăng?

Theo NGUYỄN MINH / VNEXPRESS

Tags: , , ,