Về một số loài côn trùng trong Sách Đỏ Việt Nam

Cho đến nay có rất ít thông tin về tình hình bảo tồn và khai thác nhóm động vật nhỏ bé này. Ngay cả những trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng chỉ quan tâm đến nhóm thú và chim.Về một số loài côn trùng trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2020

Trong gần 30 năm qua, vấn đề môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm đã làm thay đổi nhận thức của người dân và đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là thành lập các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học theo quy định của các công ước quốc tế (như CITES), ban hành Luật Đa dạng sinh học, xuất bản “Sách Đỏ” về động thực vật… Mặc dù vậy, ở nước ta hiện nay hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học còn mang nặng tính hành chính và còn nhiều “lỗ hổng”, ít mang tính khoa học và thực tiễn.

Về những loài côn trùng trong Sách đỏ Việt Nam năm 2020

Bọ lá (Phyllium succiforlium L., 1766)

Bọ lá cơ thể có dạng lá màu xanh. Thân dài 95 mm, hai cánh trên dài và rộng, hình chiếc lá màu xanh. Hai cánh dưới hình quạt nan, có nhiều gân và trong suốt. Đốt ngực giữa dài hơn hai đốt ngực trước và sau. Bụng dẹt mỏng theo hướng lưng bụng, Đôi chân trước, đốt ống có riềm mỏng rộng hơn nhiều, các riềm này cũng có màu xanh và trông giống như lá cây bị rách. Hai đôi chân tiếp theo cũng có viền như đôi chân trước, nhưng  nhỏ hơn.

Bọ lá biến thái không hoàn toàn. Trứng nở ra ấu trùng có dạng như trưởng thành, chỉ khác cánh và hệ sinh dục chưa phát triển. Bọ lá thuộc nhóm côn trùng hiếm thấy, có ít số lượng loài và cá thể.

Bọ lá chỉ sống ở vùng nhiệt đới, trên các cành cây trong rừng ẩm, ít thấy trên các cây cỏ ở mặt đất. Chúng thường bị bò sát, chim tấn công và một số ong ký sinh, ruồi ký sinh lên trứng.

Phân bố: ở Việt Nam, Bọ lá sống trong vùng rừng các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình), trên thế giới: Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Giá trị sử dụng: vẻ đẹp của tính ngụy trang giống lá cây ở côn trùng.

Mức độ đe dọa: sẽ nguy cấp (VU).

Bọ ngựa thông thường (Mantis religiosa L., 1758)

Về một số loài côn trùng trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2020

Cơ thể Bọ ngựa dài 40-80 mm, hai cánh trước hơi cứng, đồng màu với thân; hai cánh sau phát triển rộng, mỏng, trông như tấm kính, dùng để bay. Đốt ngực trước dạng ống kéo dài. Đôi chân trước có dạng lưỡi kiếm, bờ trong có răng, dùng để bắt mồi và chiến đấu với kẻ thù. Bọ ngựa thông thường có màu sắc thay  đổi, thường xanh lá cây, màu cỏ úa hoặc vàng, nâu.

Bọ ngựa thuộc côn trùng săn mồi, ăn thịt, thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau, đặc biệt con cái có thể ăn thịt con đực ngay trong thời gian giao phối hoặc sau đó. Một lần đẻ khoảng 100-300 trứng, sắp đều đặn trong nang trứng. Bọ ngựa sinh sống khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là loài duy nhất thuộc bộ Bọ ngựa (Mantodea) được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Bọ ngựa là loài có ích vì tiêu diệt nhiều côn trùng có hại, là vị thuốc đông y và vẻ đẹp trong thiên nhiên. Số lượng Bọ ngựa còn rất ít và hiếm gặp do phun thuốc trừ sâu, biến đổi môi trường, kẻ thù tự nhiên (chim, bò sát…), ăn thịt lẫn nhau…

Mức độ đe dọa: sẽ nguy cấp (VU).

Bướm đuôi dài xanh lá chuối (Argemo maenas Donbleday, 1947)

Bướm có đuôi dài, xuất hiện ở miền bắc Ấn Độ, Malaysia, Java, Sulawesi và ở Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam. Đây là một trong những loài bướm đẹp nhất, có độ sải cánh gần 20 cm, đuôi dài có màu xanh lá chuối non, con đực có râu dạng kép ngắn. Con đực nhỏ và thon, sải cánh đẹp hơn con cái, chân có nhiều lông. Riêng con đực, bàn chân sau và giữa có hai cựa.

Do là loài bướm có màu sắc đẹp, nên chúng thường bị nhiều người sưu tầm côn trùng tìm kiếm và do môi trường rừng ngày càng bị thu hẹp nên trở thành loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ của Việt Nam ở mức rất nguy cấp (CR).

Bướm khế (Attacus atlas L., 1758)

Bướm đêm Atlas, còn được gọi là Bướm khế vì hay đẻ trứng và phát triển trên cây khế, cũng có nơi gọi là Bướm bà. Vùng phân bố loài này ở rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Đông Nam Á, phổ biến ở quần đảo Malaysia. Bướm đêm Atlas được xem là loài Bướm đêm lớn nhất trên thế giới với tổng diện tích bề mặt cánh lên tới 400 cm2. Sải cánh của chúng cũng thuộc loại lớn nhất (25-30 cm). Con cái lớn và nặng hơn con đực. Bướm khế là một trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ Việt Nam ở mức rất nguy cấp (CR).

Bướm phượng cánh kiếm (Pathysa antiphates (Cramer), 1775)

Bướm phượng cánh kiếm hay Bướm đuôi kiếm xanh có tên khoa học là Graphium antiphates, tên khác là Pathysa antiphates, là loài bướm có kích thước trung bình, chiều rộng sải cánh đạt 80-95 mm. Cánh con đực và con cái có kích thước như nhau, màu trắng vàng, có nhiều vạch đen. Mặt trên của cánh trước có 7 vạch đen, vạch thứ 2 kéo dài tới giữa cánh và các vạch cánh còn lại kéo dài khoảng 1/5 cánh. Cánh sau có đuôi dài dạng kiếm. Mép cánh và kiếm có màu đen. Mặt trên của cánh sau màu trắng vàng với nhiều vết và chấm đen.

Loài này thường thấy ở bìa rừng, ven suối và nơi ẩm ướt. Chúng được xếp vào nhóm nguy cấp (EN).

Cánh kiến đỏ (Kerria lacca (Kerr, 1782))

Cánh kiến là sản phẩm được tiết ra từ loài Rệp sáp Kerria lacca thuộc họ Lacciferidae, bộ Homoptera, sống ký sinh trên một số loài cây.

Từ xưa, nhựa cánh kiến đỏ đã được xếp vào mặt hàng “lâm, thổ sản” quý hiếm. Những năm 70, 80 của thế kỷ 20, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã trồng hàng trăm ha rừng cây Cọ phèn với mục đích tạo rừng phòng hộ đầu nguồn và tận dụng để sản xuất cánh kiến đỏ, sản lượng cánh kiến đỏ đã lên tới hàng trăm tấn mỗi năm và được xuất khẩu ra thế giới. Sau này do mất thị trường Đông Âu, cùng với những thay đổi trong cơ chế quản lý và sự thiếu quan tâm của nhiều cấp, cùng nhiều nguyên nhân khác, nghề sản xuất cánh kiến đỏ tại Mường Lát bị suy thoái. Hàng loạt ha rừng Cọ phèn bị chặt hạ làm củi, lấy gỗ, thậm chí đốt bỏ để lấy đất canh tác nương rẫy.

Có hai nhóm cây chủ được sử dụng để thả Cánh kiến đỏ là nhóm cây lâu năm và cây ngắn ngày. Nhóm cây lâu năm có Cọ phèn, Cọ khiết, Sung, Ngơn, Cọ páu… Hiện nay, mô hình nuôi thả Cánh kiến đỏ trên cây Cọ phèn và Cọ khiết là mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, sẽ là mô hình canh tác chủ yếu trong tương lai. Cây chủ ngắn ngày là Đậu thiều, người dân thường trồng xen với các cây lương thực như lúa, ngô và sắn trên nương rẫy vào cuối mùa xuân, khi bắt đầu có mưa. Sau khi thu hoạch cây nông nghiệp khoảng 2-3 tuần thì cũng là thời gian thu và thả Cánh kiến. Trong các loài cây chủ thả Cánh kiến ở Mường Lát, Cọ khiết đang được coi là cây chủ hữu hiệu nhất cả về sinh thái và năng suất so với các loài cây chủ khác.

Sự phân bố Cánh kiến đỏ ở nước ta ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau và được xếp vào nhóm sẽ nguy cấp (VU).

Một số loài côn trùng quý hiếm

Bướm phượng đuôi kiếm răng cưa (Teinopalpus aureus Mell1923)

Đây là một loài Bướm phượng quý hiếm, phân bố hẹp, chỉ có ở các khu rừng tự nhiên trên núi cao từ Nepal đến bắc Ấn Độ, ở Nam Trung Hoa (cả đảo Hải Nam), Trung Lào và vùng đông bắc Việt Nam.

Thường thấy loài bướm này ở độ cao trên 1.500 m. Con đực ưa thích bay trên đỉnh núi, trong khi đó con cái chỉ bay giới hạn ở nơi có nhiều loài cây họ Ngọc lan (Magnoliaceae).

Bọ cua bay hoa (Cheirotonus battareli, Pouillaude, 1913)

Cơ thể con đực dài tới hơn 60 mm; tấm lưng ngực trước có màu xanh cổ vịt óng ánh, diềm bên có lông màu vàng. Cánh trên màu đen, có những hàng chấm hoa nâu dọc trên cánh. Chân trước con đực phát triển. Ống chân trước mảnh, dài và cong, đỉnh có 1 gai dài chìa vào phía trong; giữa ống chân có 1 gai ngắn (chỉ bằng 1/3-1/2 chiều dài của gai trước). Chân giữa và sau bình thường, có nhiều gai ngắn. Con cái có màu sắc giống con đực, nhưng chân trước không phát triển, đốt ống chân trước ngắn và bờ ngoài của nó có gai dạng răng cưa.

Chưa có tài liệu nghiên cứu sâu về thức ăn và ấu trùng của loài này. Thường thấy cá thể trưởng thành xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 8 ở vùng rừng núi có khí hậu ôn hòa.

Phân bố trong nước đã thấy có ở Sa Pa (Lào Cai), Bảo Lạc (Cao Bằng) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Trên thế giới mới chỉ thấy có ở miền Bắc Việt Nam, Lào và Nam Trung Hoa.

Bọ hung năm sừng (Eupatorus gracilicornis Arrow, 1908)

Phạm vi phân bố của Bọ hung năm sừng là vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam theo Sách đỏ 2007, chỉ có khoảng 2.000 cá thể còn sinh tồn, sống chủ yếu ở khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo. Cơ thể màu đen huyền, sáng bóng, trong khi cánh cứng và cánh màng có màu vàng. Cơ thể được bao phủ bởi một bộ xương ngoài dày và một đôi cánh cứng dày với cánh màng bên dưới, cho phép con bọ bay được, cho dù không phải bay giỏi do kích thước lớn, cơ thể nặng nề của nó.

Mùa bay thường là vào tháng 9, khi hầu hết các con đực thường xuất hiện để chờ giao phối. Chiều dài cơ thể khoảng 50-95 mm. Ấu trùng ăn gỗ mục, còn trưởng thành ăn mật hoa, nhựa cây và hoa quả. Nó được mô tả lần đầu tiên bởi nhà côn trùng học người Anh Gilbert John Arrow vào năm 1908.

Tình hình bảo tồn và khai thác

Cho đến nay có rất ít thông tin về tình hình bảo tồn và khai thác nhóm động vật nhỏ bé này. Ngay cả những trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng chỉ quan tâm đến nhóm thú và chim. Các báo cáo điều tra côn trùng cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo đã phát hiện được những loài có tên trong công ước CITES hay trong Sách đỏ của Việt Nam. Sau đó đưa ra khuyến cáo như tuyên truyền, giáo dục; cấm săn bắt, khai thác, mua bán… Thậm chí với Bọ ngựa, người ta còn khuyên “trẻ em không nên bắt để chơi”!

Có thể thấy việc bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng nói chung và bảo tồn những loài côn trùng có trong Sách đỏ và quý hiếm ở nước ta chưa xác định được chiến lược và chiến thuật. Theo chúng tôi, với một số loài côn trùng nêu trên, có thể chia thành 3 nhóm cần phải giải quyết khi muốn bảo tồn và khai thác.

Nhóm thứ nhất, như Bọ lá, Bọ ngựa… cần phải có nghiên cứu điều tra cơ bản và xây dựng khóa định loại cho các loài này có ở Việt Nam. Điều mà đến nay chưa ai thực hiện.

Nhóm thứ hai, như các loài bướm và cánh cứng, rõ ràng để bảo tồn cần phải biết chúng ăn gì, sống thế nào hay những đặc điểm sinh học, sinh thái học cơ bản của chúng. Trên cơ sở đó xem xét lại vùng chúng đang sinh sống có bị tàn phá không… Nếu môi trường sống của chúng bị suy giảm, cần có biện pháp gì để phục hồi. Chẳng hạn, trồng lại một loài cây là ký chủ của sâu bướm để chúng tồn tại như tiền nhân đã dạy “rau nào sâu ấy”.

Nhóm thứ ba, như Cánh kiến đỏ… đang được nhân nuôi và khai thác, sẽ phải xác định cần bảo tồn hay khai thác bền vững ra sao?

Thay lời kết

Bảo tồn và khai thác, thật ra là hai mặt của một vấn đề, giống như ngày và đêm, không nên tách rời. Việc khai thác côn trùng ở nước ta đang ở giai đoạn “tự phát”, mang tính hủy diệt. Thậm chí, việc phá rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế khác cũng trực tiếp làm hạn chế sự phát triển của côn trùng, đặc biệt đối với những côn trùng quý hiếm, có phổ sinh thái hẹp.

Theo chúng tôi, có lẽ con đường hiệu quả nhất để bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên côn trùng, đặc biệt đối với những loài quý hiếm hoặc trong Sách đỏ nên nhân nuôi bán nhân tạo hoặc nhân tạo tại chỗ (nơi chúng đang tồn tại) ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hay thành lập một số trung tâm nhân nuôi côn trùng vừa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và du lịch.

Theo VJST.VN

Tags: ,