⠀
Về mối liên hệ mật thiết giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, làm cho môi trường bị hủy hoại thì trong tương lai, con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Muốn phát triển bền vững thì đầu tiên phải tính đến yếu tố môi trường. Bởi môi trường là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống và sản xuất của con người. Có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tác động lẫn nhau trong thế cân đối thống nhất: Môi trường tự nhiên (bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên) cung cấp nguyên liệu và không gian cho sản xuất xã hội. Sự giàu nghèo của mỗi nước phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài nguyên: Rất nhiều quốc gia phát triển chỉ trên cơ sở khai thác tài nguyên để xuất khẩu đổi lấy ngoại tệ, thiết bị công nghệ hiện đại. Có thể nói, tài nguyên nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương.
Môi trường là nơi cung cấp các nguyên, nhiên vật liệu cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, con người cần phải khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên trong môi trường. Theo đó, nhu cầu của con người về các nguồn tài nguyên cũng không ngừng tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng và mức độ phức tạp theo trình độ phát triển của xã hội. Nó cung cấp và lưu giữ cho con người các nguồn gen, các loài động thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ, tôn giáo và văn hoá khác.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002 đã xác định Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, bao gồm:
– Phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế).
– Phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm).
– Bảo vệ môi trường (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Trong đó, tiêu chí để đánh giá sự Phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; Thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Như vậy, bảo vệ môi trường là một trong ba yếu tố cấu thành của Phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra đối với mọi quốc gia là không thể xem nhẹ, hoặc coi trọng bảo vệ môi trường, hay phát triển kinh tế, phát triển xã hội, mà trọng quá trình hoạch định chính sách, đặt ra các quy định pháp luật, các quốc gia đều phải bảo đảm hài hòa việc Phát triển bền vững cả ba yếu tố này. Đây là một bài toán khó không chỉ đối với các nước kém phát triển mà cả đối với các nước phát triển và đang phát triển.
Giữa môi trường và sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội có mối quan hệ chặt chẽ. Môi trường là địa bàn và đối tượng của sự phát triển, còn phát triển là nguyên nhân tạo nên các biến đổi của môi trường. Trong hệ thống kinh tế – xã hội, hàng hóa được di chuyển từ sản xuất đến lưu thông, phân phối và tiêu dùng cùng với dòng luân chuyển của nguyên liệu, năng lượng, sản phẩm, chất thải. Các thành phần đó luôn luôn tương tác với các thành phần tự nhiên và xã hội của hệ thống môi trường đang tồn tại trong địa bàn đó. Và môi trường chính là nơi chứa đựng các phế thải của mọi quá trình sản xuất và tiêu dùng đó, cũng là nơi con người tồn tại và phát triển. Nhưng chất lượng môi trường sống của con người ngày càng giảm xuống do các hoạt động của chính mình dẫn chỉ số ô nhiễm mỗi trường đang ở mức báo động ở một số nước trên thế giới.
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK), nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại 38 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm không khí. Đó là số tiền mà chính quyền Trung Quốc phải chi trả để khắc phục hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy những thiệt của việc lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường quá mức, đưa các phế thải của mọi quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thải ra môi trường mà không qua xử lí là rất lớn.
Bảo vệ môi trường chính là để giúp cho sự phát triển kinh tế cũng như xã hội được bền vững. kinh tế – xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc. Điều đó lại tạo điều kiện ổn định chính trị xã hội để kinh tế – xã hội phát triển. bảo vệ môi trường là việc làm không chỉ có ý nghĩa hiện tại, mà quan trọng hơn, cao cả hơn là nó có ý nghĩa cho tương lai. Nếu một sự phát triển có mang lại những lợi ích kinh tế trước mắt mà khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường, làm cho các thế hệ sau không còn điều kiện để phát triển mọi mặt (cả về kinh tế, xã hội, thể chất, trí tuệ con người…), thì sự phát triển đó có ích gì! Nếu hôm nay thế hệ chúng ta không quan tâm tới, không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, làm cho môi trường bị hủy hoại thì trong tương lai, con cháu chúng ta chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả tồi tệ.
Theo MÔI TRƯỜNG & XÃ HỘI
Tags: Phát triển bền vững, Bảo vệ môi trường