Vẻ đẹp thuần khiết của nỗi buồn trong Dạ khúc của Chopin

Có lẽ tâm trạng tha hương buồn bã của Chopin phù hợp với các bản Dạ khúc – Nocturne, một thể loại nhạc gần như độc thoại nội tâm…

Vẻ đẹp thuần khiết của nổi buồn trong Dạ khúc của Chopin

Giống như Serenade, Nocturne thường được dịch là Dạ khúc – khúc nhạc đêm, bắt nguồn từ tiếng La tinh: Nocturnus (Sống về đêm). Ngoài ra còn một cách gọi khác (hơi lạ) là Ai ca.

Nocturne xuất hiện khoảng thế kỷ 18, thường được viết cho độc tấu piano. Các bản Nocturne thường rất biểu cảm, trữ tình và mang nỗi buồn man mác.

Frédéric Chopin là nhạc sĩ sáng tác rất nhiều Nocturne (21 bài). Đó là những sáng tác nổi bật bậc nhất của ông và chúng cũng là những tác phẩm nổi tiếng nhất của thế loại dạ khúc. Hình thức chung của những bản dạ khúc này là một phần phát triển kịch tính được xen giữa những chủ đề giai điệu mở đầu và kết thúc.

Có lẽ tâm trạng tha hương buồn bã của ông phù hợp với thể loại này, một thể loại nhạc gần như độc thoại nội tâm. Một nhà phê bình âm nhạc cho rằng Chopin chịu ảnh hưởng từ thơ ca và hội họa thời lãng mạn.

Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano vĩ đại Franz Liszt từng viết: “Chỉ duy nhất một thiên tài như Chopin mới đem lại cho thể loại dạ khúc tính chất nhạy cảm tinh tế và tình yêu mãnh liệt nồng cháy đến thế. Các nocturne thơ mộng của Chopin không chỉ hát lên những bài ca du dương lòng người với những hoài niệm thanh cao dịu ngọt, mà còn lay động đến tâm trí con người những nỗi day dứt hoang mang đến ngộp thở”.

Nocturne cung Đô thăng thứ (Nocturne in C-sharp minor) do Chopin sáng tác năm 1830 và được công bố năm 1870, là một trong những bản nocturne hay nhất của ông. Bản nhạc này được chọn làm nhạc chính cho phim The Pianist, một bộ phim rất xúc động với bối cảnh là các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Theo ĐỌT CHUỐI NON

Tags: , ,