Về cuộc chạy đua giáo dục của các bậc cha mẹ Trung Quốc

Để “bọn trẻ không thua ngay ở vạch xuất phát”, nhiều bậc cha mẹ thành thị tham gia vào cuộc chạy đua giáo dục kéo dài, ngay từ lúc con mới chập chững biết đi.

Về cuộc chạy đua giáo dục của các bậc cha mẹ Trung Quốc

Trong những năm gần đây, sự cạnh cao trong giáo dục ở những thành phố lớn tại Trung Quốc khiến các gia đình ngày càng đầu tư nhiều hơn vào việc học hành của con cái, theo The Paper.

Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, chính sách một con đã xuất hiện và tồn tại khoảng 30 năm. Dưới cấu trúc gia đình tháp ngược “4-2-1” (bốn người già, hai vợ chồng, một con), đứa con một trở thành trung tâm và được người lớn chăm sóc tận tình.

Nhà xã hội học Pháp Bourdieu từng đưa ra khái niệm “vốn văn hóa”, cho rằng giáo dục là phương tiện che giấu để giai cấp duy trì tính ưu việt, vì vậy việc tích lũy vốn văn hóa cho thế hệ sau là đặc biệt quan trọng.

Những đứa con duy nhất trong các gia đình nhận được sự giáo dục vượt trội so với cha mẹ chúng: giáo dục trước khi sinh, giáo dục mầm non, chọn trường kỹ lưỡng, các lớp học kèm, lớp năng khiếu, ngoại khóa, trại hè…

Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh thứ bậc và áp lực từ phía cha mẹ khiến các em nhỏ căng thẳng và lo lắng. Ở thời kỳ những đứa trẻ sinh ra trong giai đoạn chính sách con một (người sinh những năm 1980,1990) cũng trở thành cha mẹ, họ sẽ tự nhiên truyền lại thói quen giáo dục cho thế hệ sau.

Không để con thua ở vạch xuất phát

Để “bọn trẻ không thua ngay ở vạch xuất phát”, nhiều bậc cha mẹ thành thị tham gia vào cuộc chạy đua giáo dục kéo dài, ngay từ lúc con mới chập chững biết đi.

Điều này định hình lại sự phân chia vai trò của gia đình thành thị mới: hầu hết phụ huynh không chỉ chú trọng đến giáo dục con cái và thực hiện phân công lao động, mà còn gây ra mẫu thuẫn, thậm chí phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Áp lực cạnh tranh giáo dục đối với thế hệ sau ngày càng lớn hơn, việc học trở thành mối quan tâm duy nhất trong cuộc sống của con cái. Nguồn cung cấp dịch vụ giáo dục cũng đa dạng: hệ thống trường tư thục, các lớp dạy thêm và khóa học năng khiếu được nâng cao.

Cha mẹ coi đầu tư vào giáo dục là phương tiện thúc đẩy sự thành đạt của con cái. Việc nâng cao địa vị, giai cấp xã hội thông qua tích lũy vốn văn hóa liên quan trực tiếp đến hy vọng của gia đình.

Sự phân bổ không cân đối giữa các nguồn lực và cơ hội giáo dục, sự chạy đua giữa các gia đình trong việc đầu tư cho con cái ngày càng gay gắt. Những người có “tài nguyên tiêu chuẩn” hy vọng tiến đến “tài nguyên cao cấp hơn”.

Lực lượng thương mại cũng nắm bắt được tâm lý này và đưa ra quan điểm tiêu dùng mới, khẳng định vai trò của các lớp dạy thêm không chỉ là “bù đắp sự khác biệt” mà quan trọng hơn là “đào tạo xuất sắc”. Thị trường càng mở rộng, “nỗi lo giáo dục” hình thành và liên tục nâng cấp.

Nghiên cứu của học giả Ke Xiaojing tin rằng vai trò của người mẹ ở Trung Quốc đã trải qua quá trình tái thiết vào đầu thế kỷ 20, ngày càng dựa trên tiêu chuẩn làm mẹ phương Tây. Kiến thức nuôi dạy trẻ truyền thống của Trung Quốc đã được cải cách, các bà mẹ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con trẻ, trong khi trước đây nhiệm vụ này thuộc về người cha.

Thông qua nghiên cứu về các gia đình ở thành phố Bắc Kinh, học giả Yang Ke chỉ ra rằng với sự phát triển của thị trường giáo dục Trung Quốc và sự nóng lên của các lớp dạy thêm, trách nhiệm của các bà mẹ thành thị trong việc giáo dục đã tăng lên, thể hiện một đặc điểm mới là “môi giới hóa”.

Xung đột về kỳ vọng

Hầu hết cha mẹ ở thành thị hy vọng rằng con đường lý tưởng cho con cái của họ là nhận được 4 nền giáo dục “hạng nhất” – mẫu giáo hạng nhất, trường tiểu học hạng nhất, trường trung học hạng nhất và trường đại học hạng nhất, sau đó giành lấy một công việc thỏa đáng.

Tuy nhiên, trong cả phiên bản Anh và Nhật của bộ phim tài liệu “Bảy năm cuộc đời”, người ta thấy rằng mặc dù đầu tư cho giáo dục thường được chú trọng trong giai đoạn đầu, đa số trẻ em lớn lên đều trở thành những người bình thường.

Sự gia tăng của kiểu làm mẹ thành thị ở Trung Quốc thậm chí tạo ra những mâu thuẫn gia đình mới, khi mục tiêu và kỳ vọng của cha mẹ trái với mong muốn của con.

Gia đình trở thành nơi làm việc với nhiệm vụ cốt lõi là giáo dục con, người lớn trong nhà trở thành các “đối tác giáo dục”. Về phân công lao động, người vợ trở thành “nhà quản lý” kế hoạch phát triển của trẻ và đảm nhận các trách nhiệm chính về giáo dục, trong khi người cha đóng vai trò hỗ trợ.

Vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con đang bị giảm xuống. Trong các gia đình thành thị, người mẹ được xem là “chủ vườn”, cố gắng loại trừ sự giám sát con cái của người cha. Điều này thể hiện trong nhiều bộ phim truyền hình khi người ta quen với cách định vị hình ảnh “mẹ hổ, bố mèo”.

Nhà giáo dục người Hà Lan Bista đã viết một cuốn sách có tên “Những rủi ro đẹp đẽ của giáo dục”. Trong đó, ông tin rằng cả phương Đông và phương Tây đều mong muốn làm cho nền giáo dục mạnh mẽ hơn, an toàn hơn, dễ dự đoán hơn và ít rủi ro. Song điều này đã mang lại những vấn đề mới, bởi vì giáo dục 100% an toàn và không có rủi ro có thể khiến không còn bất kỳ nền giáo dục nào nữa.

Theo ĐÌNH PHẠM / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,