⠀
Văn học mạng: Vị cứu tinh hay kẻ tội đồ?
Truyền thông có vai trò quan trọng trong văn hóa đọc. Nhưng nó trở nên đáng sợ khi có thể “điều khiển” thị hiếu của bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi.
Một cách nào đó, rất khó để phân định văn học mạng là cứu tinh hay tội đồ trong tình hình văn hóa đọc giảm sút ở người Việt, bởi yếu tố ưu – khuyết song hành của nó. Khó có thể phủ nhận rằng, văn học mạng có nhiều lợi thế mà hình thức truyền thống không thể bì kịp. Trong đó, ưu thế lớn nhất là tính tương tác với độc giả.
Chỉ với một chương hay một vài trích đoạn, tác giả có thể “đo” được sự đón nhận của độc giả đối với tác phẩm như thế nào qua những phần bình luận, nhận định, đóng góp ý kiến. Đây cũng là một kênh đo thị hiếu độc giả nhanh và trực tiếp nhất.
Thậm chí, nhiều tác phẩm mà câu chuyện của nó được xây dựng và có kết quả từ ý kiến độc giả. Bên cạnh đó, độc giả cũng có thể biết được quá trình hình thành tác phẩm cũng như những câu chuyện ngoài lề xoay quanh nó qua những phần chia sẻ của tác giả, tính thấu hiểu cũng vì thế mà cao hơn. Thực tế, đây cũng chính là nguyên nhân khiến một vài gương mặt truyền thống khép văn học mạng vào dạng thương mại, phi văn học, bởi tính chạy theo thị hiếu độc giả quá cao.
Ngoài ra, với bối cảnh công nghệ số bùng nổ, khó có thể có kênh tiếp thị nào hiệu quả, nhanh nhạy và rộng khắp như Internet. Không chỉ độc giả các vùng sâu vùng xa mà cả độc giả nước ngoài cũng có thể tìm hiểu về tác phẩm, ngay cả khi tác phẩm đó chưa chính thức được phát hành.
Tuy nhiên, văn học mạng với những chiêu thức để tồn tại cũng bộc lộ nhiều bất cập, tác động không nhỏ đến nhận thức của người trẻ. Hiện tại, ngoài những hình ảnh ẩn chứa nhiều tính khơi gợi đôi khi hơi thái quá, tác phẩm trên Interner để cuốn hút người đọc phải mang một cái tựa “kêu”, gợi tính tò mò. “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Lỡ tay chạm ngực con gái”… đầy tính tượng thanh lẫn tượng hình một thời từng nhận nhiều chỉ trích vì bị cho là khiêu khích, gây ảnh hưởng đến giới trẻ.
Sự lo ngại này không hẳn là vô lý, bởi nhiều độc giả sau đó đã thừa nhận tìm đến sách chỉ bởi tựa quá sốc. Xu hướng đặt tựa “khiêu khích” này hiện tại nổi lên như một trào lưu và ngày càng “cạnh tranh” nhau về mức độ và đôi khi không ăn nhập với nội dung khiến nhiều độc giả nghiêm túc phẫn nộ. Điều đó khiến giới văn chương truyền thống cho rằng những giá trị thật của văn chương sẽ bị văn học mạng phá hủy.
Trong một thời kỳ quá độ, sự chuyển tiếp giữa thời đại số hóa và cũ xưa của văn học truyền thống và văn học mạng khó tránh khỏi có những bất cập. Truyền thông có vai trò quan trọng trong văn hóa đọc. Nhưng nó trở nên đáng sợ khi có thể “điều khiển” thị hiếu của bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, cần phải có sự thẳng thắn và tư duy mở rộng trước cái mới của người làm nghề.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
Tags: Văn học