⠀
Văn hóa tiểu nông và thói khôn lỏi của người Việt
Người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là “thông minh” của người Việt.
Xưa nay, người ta thường dùng khái niệm “văn hóa tiểu nông” để chỉ thứ văn hóa sản sinh bởi một xã hội sản xuất nông nghiệp, mạnh mún, mang tính tự cung tự cấp, ít tính liên kết và sản xuất chuyên sâu với trình độ phân công lao động thấp. Sản phầm của nền sản xuất tiểu nông ít được thị trường hóa. Văn hóa tiểu nông khiến con người luôn ở thế thủ, chỉ lo cho lợi ích bản thân và trước mắt, ít dám nghĩ chuyện lâu dài, và cũng ít có khả năng nghĩ chuyện lâu dài. Nền sản xuất tiểu nông luôn lặp lại và duy trì những quy trình có sẵn đã hạn chế tư duy tìm tòi khám phá của con người.
Thông minh hay tinh ranh tiểu tiết?
“Sự thông minh” của người Việt Nam tưởng chừng chẳng có liên quan gì tới thứ văn hóa tiểu nông. Văn hóa tiểu nông tưởng như vô hại đối với tính thông minh hay không thông minh của người Việt. Nhưng ở đây, bằng những nghiên cứu phân tích xã hội học, người ta đã lột tả rất rõ sợi dây liên kết này.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về sự thông minh của người Việt. Và có nhiều ý kiến đánh giá rằng: Người Việt thông minh với nghĩa so sánh tương đối với các chủng tộc trên thế giới.
Chúng ta luôn thừa nhận câu cửa miệng “người Việt thông minh”. Nhưng dường như chưa mấy ai đặt phạm trù thông minh của người Việt trong bối cảnh nền văn hóa, tâm lý và tập quán của cộng đồng xã hội người Việt, nên nhận diện về “sự thông minh ấy” còn phiến diện và không mang tính thuyết phục. Người Việt thông minh là vậy, thế tại sao ít có viễn kiến, ít có phát minh sáng chế, ít có nhà tư tưởng mang tầm cỡ nhân loại… Tại sao và tại sao?
Người Việt có thông minh không? Khách quan mà nói, giống người Việt không đến nỗi ngu độn (!). Có rất nhiều học sinh Việt Nam rất giỏi tại các trường danh tiếng thế giới. Những cuộc thi quốc tế về toán, lý hóa… thường đoạt giải cao. Nhưng để kết luận là thông minh (thông minh hơn so với các chủng tộc khác) thì phải so sánh. Hãy so sánh trí thông minh của người Việt với người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Trung Đông, người Do Thái, người châu Âu, số người chiếm tới 80% dân số thế giới.
Nếu nói “người Việt thông minh” có nghĩa trí tuệ người Việt là thượng đỉnh trong số 80% dân số địa cầu. Không, chẳng đời nào lại như vậy! Các nhà bác học lớn, những nhà tư tưởng vĩ đại đóng góp cho văn minh loài người mà người Việt ta là nhóm người đang được hưởng thụ đại đa số cũng chỉ nằm trong những giống người kể trên. Làm phép so sánh như thế, ai cũng tin rằng người Việt chẳng thể hơn ai về trí tuệ trên trái đất này.
Vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề là nằm ở chỗ, người Việt thường vận dụng trí tuệ của mình vào trong những hành vi ứng xử tạo nên những tiểu xảo trong cuộc sống, trong giao tiếp. Chính sự lanh lẹ, tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử tác động ngay trực tiếp tới người khác đã làm nổi bật cái gọi là “thông minh” của người Việt. Sự tinh ranh, tiểu tiết trong ứng xử cuộc sống cũng là căn nguyên chính tạo nên những thói hư tật xấu như thói hay ganh ghét, đố kỵ, trở thành một trong những đặc trưng tính cách của người Việt “một anh làm thì tốt, ba anh cùng làm thì hỏng việc”.
Ví von khác: Người Việt rất giỏi về các môn “chọc gậy bánh xe”, “qua cầu rút ván”, “gắp lửa bỏ tay người”, “ném đá giấu tay”… Tiểu xảo trong giao thiệp dễ để lại ấn tượng trong lòng người khác một cách vừa bất ngờ, vừa gây kích thích, vừa thú vị và có cả nể sợ. Chỉ thế thôi, tính chất thông minh đã được gắn với người Việt.
Người Đức nghĩ ra Mercedes và sản sinh ra Karl Marx tại sao không gắn tính thông minh vào? Người Trung Quốc có nhân vật Khổng Minh và viết ra Tây Du Ký hết thế hệ người Việt này đến thế hệ khác xem không chán, sao cũng không được gắn mác thông minh nhỉ? Vậy theo tôi, thật nực cười khi chúng ta tự nhận người Việt là thông minh.
Việc đánh giá người Việt thông minh hoàn toàn chỉ là sự đánh giá cửa miệng, thiếu cơ sở nghiêm túc. Đối với người nước ngoài nói về người Việt thì thường chỉ là lời khen “đãi môi”. Còn ai, người Việt nào tin và tôn sùng điều đó thì đó là kẻ ảo tưởng trầm trọng. Chưa có một công trình hay sự thừa nhận khoa học nào về nhân chủng học khẳng định tính thông minh nổi bật của dòng giống Việt.
Trí thông minh người Việt – sản phẩm của “văn hóa tiểu nông”
Người Việt rất ít khi dùng trí tuệ dành cho việc đi sâu khám phá. Bản chất vấn đề là thứ mà người Việt ít hướng tới, biến nó trở thành xa xỉ phẩm. Nên người Việt chẳng có mấy lý thuyết chuyên sâu, ít có sáng tạo phát minh cho nhân loại, không có mấy nhà tư tưởng. Nền khoa học của người Việt cũng chỉ toàn là thứ sao chép, lắp ráp, bắt chước do người khác làm nền tảng.
Những điều suy nghĩ chủ yếu của người Việt đối với cộng đồng thường không hướng vào lợi ích chung mà thường xuyên vận dụng để mưu cầu lợi ích riêng, để phù hợp với mục tiêu cá nhân, mang tính trước mắt. “Tính cộng đồng” mà nhiều người đánh giá là cao của người Việt thực chất là sự tri giác đối với xung quanh, một mặt để hạn chế sự khác biệt tức hạn chế sự phê phán, đánh giá của xã hội đối với bản thân (để đồng dạng).
Đồng thời người ta luôn tìm cách ứng xử để tạo vỏ bọc hình ảnh đẹp đẽ, giải tỏa thói sĩ diện huênh hoang cho chính mình. Cũng chính nó trở lại là thủ phạm của thói nhút nhát, tự ti khi cảm thấy mình yếu kém hơn xung quanh hoặc chưa chứng minh được mình hơn người.
Như vậy, trí tuệ của người Việt trở thành nô lệ của sự đánh giá, nó không hạn chế để phát triển lợi ích riêng có và rất hạn hẹp trong việc mở mang lợi ích chung. Người Việt chúng ta luôn tâm niệm với cái thiết thực nhất, trực tiếp nhất và là lợi ích trước mắt, những điều lớn lao, cao cả đối với cộng đồng là việc của người khác. Tâm lý “ôm rơm nặng bụng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” theo góc độ quan tâm tới vấn đề chung đã làm thiệt thòi cho lợi ích cộng đồng.
Thiên hướng chú trọng sử dụng trí tuệ vào mặt này mà không tập trung vào mặt khác của đời sống xã hội không phải tự trí tuệ, mà được quyết định bởi nền văn hóa, thói quen, tâm lý của xã hội. Thứ văn hóa, tâm lý, thói quen tạo nên việc tập trung sử dụng trí tuệ vào một mặt nhất định của đời sống xã hội hay nói cách khác là thiên hướng sử dụng trí tuệ của người Việt như những điều đã phân tích ở trên chính là do “văn hóa tiểu nông”. Đây là thứ văn hóa lạc hậu, sai lệch, trì trệ, là thứ di sản văn hóa bệnh dịch, khó có thể gột rửa được ngay nhưng cần có ý thức để gột rửa.
“Văn hóa tiểu nông” tạo nên một nếp sống bừa bãi, tùy tiện của người Việt (văn hóa sống, văn hóa ứng xử). Nhiễm “văn hóa tiểu nông”, con người sẽ thiếu sự tôn trọng xung quanh (bao gồm tất tần tật từ người cho đến vật)- tất cả những thứ mà họ cảm thấy không liên quan trực tiếp tới mình. Vì vậy, nó là thủ phạm của sự thờ ơ với lợi ích cộng đồng, cũng là nguyên nhân của tính cách đố kỵ, tham lam, bè nhóm, thiển cận, cục bộ…
Vậy là ngoài việc tìm ra thủ phạm tạo ra cái mác “thông minh” háo danh của người Việt, ta cũng đã tìm ra một trong những thủ phạm cản trở sự thăng tiến của dân tộc Việt Nam nằm trong lĩnh vực văn hóa, đó là “văn hóa tiểu nông”.
Theo MINH DŨNG / VIETNAMNET
Tags: Người Việt, Tư duy - nhận thức, Văn hóa ứng xử