Vấn đề nhân khẩu học và triển vọng của một ‘thế kỷ Ấn Độ’

Tháng 4/2023, Ấn Độ chính thức vượt Trung Quốc, trở thành nước đông dân nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2050, cấu trúc dân số thế giới sẽ tiếp tục ghi nhận những biến động, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc vẫn giữ vị trí hàng đầu, Nigeria soán ngôi quốc gia đông dân thứ ba của Mỹ. Theo sau là Pakistan, Indonesia, Brazil, Congo, Ethiopia và Bangladesh. Đặc biệt, Ấn Độ đứng trước cơ hội vàng nhờ lượng lớn công dân bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, đi kèm cơ hội là thách thức rất lớn…

Vấn đề nhân khẩu học và triển vọng của một ‘thế kỷ Ấn Độ’

Nhân khẩu học thay đổi thế giới

Tháng 11/2022, dân số toàn cầu chính thức chạm mốc 8 tỉ người. Năm 2013, Nhật Bản ghi nhận 1/4 dân số ở độ tuổi trên 65, trở thành quốc gia “già” đầu tiên thế giới theo cách hiểu về nhân khẩu học. Tuy nhiên, New York Times cho hay, chẳng bao lâu nữa, phần lớn Tây Âu sẽ tiếp bước Nhật Bản. Kế tiếp đó là Hàn Quốc, Anh, nhóm quốc gia ở Đông Âu và có thể cả Trung Quốc. Theo New York Times, trong nhóm các quốc gia phát triển, nhờ tỷ lệ nhập cư và tỷ lệ sinh cao, chỉ Mỹ và Australia có dưới 25% dân số cao hơn 65 tuổi vào năm 2050. Trong khi đó, tại cùng mốc thời gian này, nhóm dân số trên 65 tuổi chiếm tới 40% dân số ở một số khu vực Đông Á và châu Âu. Đặc biệt châu Âu sở hữu ít hơn 35 triệu lao động vào năm 2050 nhưng có 50 triệu người nghỉ hưu.

Sự “già” đi của dân số là thành quả của sự thịnh vượng, khi mọi người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn; thế nhưng những người lớn tuổi không đi làm được trả lương hưu từ bảo hiểm xã hội, mà trong đó có đóng góp của những người đang ở độ tuổi lao động. Yếu tố này buộc các chính phủ phải thay đổi cơ chế lương hưu, tuổi nghỉ hưu để duy trì động lực phát triển. Thực tế cho thấy việc cải tổ chính sách an sinh xã hội không dễ và mất nhiều thời gian. Trong khi các chính phủ ở châu Âu tìm cách nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phần đông dân chúng phản đối sự thay đổi.

Đối mặt với các thách thức từ dân chúng trong nước, nhiều nước giàu kì vọng nền giáo dục tốt hơn và tiến bộ công nghệ có thể bù đắp những tác động của lực lượng lao động bị thu hẹp. Ngoài ra, cũng có những chỉ dấu cho thấy châu Âu, Mỹ và các quốc gia châu Á phát triển tìm cách thúc đẩy nỗ lực tiếp nhận người di cư có trình độ cao. Tuy nhiên, nỗi lo sợ về người nhập cư đã thúc đẩy cử tri bỏ phiếu ủng hộ các chính trị gia cánh hữu bảo thủ, khiến các chính sách nhập cư “dễ thở” không có đất sống. Giống như những gì Nhật Bản từng ứng phó, châu Âu lúc này cũng đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực có trình độ trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin; hay thậm chí các lĩnh vực đòi hỏi ít kỹ năng như dịch vụ ăn uống, chăm sóc y tế cơ bản và nông nghiệp.

Với Trung Quốc, xu hướng đã được dự báo về nhân khẩu học sẽ đặt ra nhiều bài toán khiến nước này khó đạt được các tham vọng kinh tế hơn hoặc khó thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khoảng 203 triệu người, tương đương 14,3% dân số Trung Quốc, hiện nay trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, tăng so với mức 87,5 triệu người vào năm 2000. Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc là 1,18 trẻ vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 2,1 cần thiết để giúp ổn định dân số.

Ấn Độ trước cơ hội và thách thức

Theo dự báo của Liên hợp quốc (Liên Hợp Quốc), lực lượng lao động cân bằng sẽ sớm tập trung ở các nước Nam và Đông Nam Á và châu Phi. Trong đó, Ấn Độ nổi bật nhất. Một bài báo đăng trên New York Times mô tả thế kỷ 21 có thể là “thế kỷ Ấn Độ” nếu New Delhi tận dụng được lợi thế dân số. Theo tờ báo, cấu trúc dân số không chỉ định hình cơ cấu kinh tế thông qua sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang quốc gia có nguồn nhân lực và sức mua, mà còn cả thế cân bằng địa chính trị.

Sự gia tăng dân số ở độ tuổi lao động có nghĩa là Ấn Độ sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn, sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn cho thế giới, từ đó đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Nếu như cách đây 30 năm, Ấn Độ đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng các cường quốc kinh tế, thì nay họ đã chiếm vị trí thứ 5 của Anh. Dự báo tỷ trọng kinh tế Ấn Độ sẽ vượt Đức vào năm 2027; vượt Nhật Bản năm 2029, để vươn lên vị trí thứ 3. Trong khi đó, về GDP theo sức mua tương đương (PPP), Ấn Độ hiện ở thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Một ví dụ cho sức ảnh hưởng đang tăng lên của Ấn Độ là tiếng nói của nước này ở G20, cùng việc nhiều cường quốc gần đây tỏ ra sẵn sàng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo hướng tăng ghế ủy viên thường trực, với một “suất” chắc chắn dành cho New Delhi.

Theo các chuyên gia, nhờ chính sách dân số không khắt khe và tỷ lệ ổn định, Ấn Độ có cơ hội gặt hái “lợi tức nhân khẩu học” trong thời gian dài. “Lợi tức nhân khẩu học” được hiểu là lợi ích về kinh tế từ những thay đổi về dân số khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức ổn định sau thời gian dài ở mức cao. Khi tỷ lệ dân chúng trong độ tuổi lao động đã cao sẵn, còn số người phụ thuộc giảm, phụ nữ không cần dành quá nhiều thời gian chăm lo gia đình, tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất. Số liệu mới nhất cho thấy 2/3 dân số Ấn Độ ở độ tuổi từ 15-59. Trong năm 2022, tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ là 47 người không trong độ tuổi lao động phụ thuộc vào 100 người lao động trong năm 2023, giảm từ tỷ lệ 68/100 của 25 năm trước.

Các chỉ số khác cũng rất hấp dẫn, mỗi năm nước này có 1,5 triệu kỹ sư tốt nghiệp các trường đại học lớn và đại học tổng hợp, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định. Dữ liệu của BusinessInsider cho thấy, khoảng 43% người Ấn Độ tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là phụ nữ. Con số này tại Mỹ chỉ vào khoảng 34%, tại Đức là 28%.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang gặp phải nhiều thách thức trong việc sử dụng nguồn nhân lực đó sao cho hiệu quả. New York Times thông tin, Ấn Độ cần tới 90 triệu việc làm (ngoài nông nghiệp) từ nay đến năm 2030 để giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp, một con số rất khó khăn. Nhiều người được học hành bài bản ở Ấn Độ đang không thể tìm việc làm phù hợp và phải làm nông. Ở bang Andhra Pradesh, 35% sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm tương xứng với trình độ. “Nếu các quốc gia không kiến tạo được việc làm cho những người trong độ tuổi lao động thì chẳng có gì đảm bảo “lợi tức nhân khẩu học” xuất hiện”, nhà kinh tế học Carolina Cardona tại Đại học Johns Hopkins nói với New York Times.

Số liệu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, dù tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp đại học cao, nhưng phụ nữ chiếm vỏn vẹn 14% trong tổng số 280.000 nhà khoa học, kỹ sư và nhà công nghệ làm việc trong các tổ chức nghiên cứu. Ngoài ra, chỉ khoảng 20% phụ nữ Ấn Độ có việc làm chính thức (ngoài nông nghiệp), bằng một nửa Trung Quốc. Một nền kinh tế không thể phát huy hết tiềm năng nếu không có sự đóng góp phù hợp của lao động nữ.

Tháng 8/2020, trong một báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey nhận định rằng Ấn Độ cần tạo ra 90 triệu việc làm phi nông nghiệp trong thời gian từ năm 2023 đến năm 2030 để có thể tiếp nhận được nguồn nhân lực mới gia nhập thị trường. Ngoài ra còn có tới 30 triệu người lao động chuyển đổi từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực phi nông nghiệp. Như vậy Ấn Độ cần thêm 12 triệu việc làm mới ngoài ngành nông nghiệp bắt đầu từ năm tới. Con số này gấp 3 lần số lượng việc làm mới tạo ra mỗi năm trong giai đoạn 2012 – 2018. Để tạo ra số chỗ làm mới với quy mô như vậy, kinh tế Ấn Độ cần duy trì tăng trưởng ở mức 8-8,5% mỗi năm trong thập niên tới và tăng trưởng về năng suất lao động cũng phải giữ được ở mức từ 6,5 đến 7%.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn đối mặt các thách thức khác như đảm bảo an ninh lương thực, dịch vụ y tế và giáo dục. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ 9 năm qua tăng chi thường niên cho đường bộ và đường sắt gấp 5 lần giai đoạn trước, nhưng chưa đáp ứng kì vọng về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Một trong những vấn đề then chốt khác đang chờ đợi lời giải là việc quân bình tốc độ phát triển trên toàn quốc. Trong khi một số bang của Ấn Độ đã đạt mức thu nhập bình quân cao, nhiều bang chưa thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Dù nạn đói không xảy ra, nhưng 1/3 trẻ em Ấn Độ trong tình trạng suy dinh dưỡng, theo New York Times. Ngay lúc này, việc phân phối các nguồn lực nhà nước về các địa phương đang gây ra các cuộc tranh cãi chính trị gay gắt ở Ấn Độ.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,