⠀
Vài suy nghĩ về căn tính của dân tộc Việt Nam
Tôi không muốn mãi kể về cách dân tộc mình đã đánh thắng năm cường quốc, dù rất yêu lịch sử Việt Nam.
Tác giả: Lê Nguyễn Duy Hậu, luật sư.
Trải nghiệm du học cho tôi cơ hội làm quen những người đến từ mọi nơi. Các buổi tụ họp thường diễn ra với món ăn, thức uống, hay âm nhạc, điệu nhảy của hàng chục quốc gia, dân tộc. Nhiều năm trước, tại Đức, tôi thường mang kẹo đậu phộng Huế ra ăn cùng mochi Nhật, uống tequilla trong tiếng nhạc Flamengo.
Trong một cuộc gặp đa văn hóa, cô bạn người Mexico bỗng lên tiếng: “Điều gì khiến các bạn tự hào về đất nước của mình?”.
Câu hỏi bất ngờ khiến tôi và nhóm du học sinh đến từ năm châu mất khá lâu để suy nghĩ.
Cô bạn Mexico tự hào với hai kỳ World Cup và một kỳ Olympic họ đã tổ chức. Brazil hãnh diện là quốc gia xuất khẩu café lớn nhất thế giới, và tất nhiên là bóng đá. Cậu bạn Tây Ban Nha chẳng nói nhiều, đem cây guitar ra chơi một bản cổ điển để “mọi người tự hiểu”. Anh bạn Nhật say sưa kể về cách nước Nhật vươn lên sau Thế chiến, và tất nhiên rồi, Olympic và World Cup. Hàn Quốc có K-pop chinh phục thế giới.
Là người yêu lịch sử dân tộc, tôi đã nghĩ mình trả lời câu hỏi dễ dàng. Nhưng kỳ lạ, đến lượt mình, tôi lại do dự. Tôi không muốn kể về lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, về cách dân tộc mình đã đánh thắng năm cường quốc, không phải vì trang sử đó không đáng tự hào.
Tôi có thể kể cho “người ngoài” nghe về văn hoá gia đình, xóm làng gắn bó, nhưng có lẽ nó là thứ quá bình thường. Làm gì có dân tộc nào không đoàn kết khi hoạn nạn. Cuối cùng, tôi chọn nói về sự phong phú của ẩm thực Việt. Các bạn hôm đó gật gù, nhưng tôi lại không hài lòng lắm.
Tôi đã không bận tâm về chuyện này suốt thời gian dài. Mãi gần đây, đại dịch COVID-19 khiến tôi nghĩ về câu hỏi năm nào.
Điều gì khiến bạn tự hào về đất nước mình?
Năm 2020, người ta nói rất nhiều về thành tích chống dịch, về sự đùm bọc lẫn nhau, cụm từ “Tự hào Việt Nam” ở khắp nơi. Nhưng với riêng tôi, chỉ đến khi đại dịch thực sự đặt Việt Nam vào rất nhiều thử thách, trong chính những mất mát của năm 2021 này, tôi lại thấy được điều khiến tôi tự hào về đất nước.
Đó chính là văn hoá chung sống hài hòa của dân tộc. Văn hoá này cho phép trong mọi hoàn cảnh, Việt Nam không phải đứng một mình. Bất chấp những tranh chấp lịch sử, những khác biệt về tư tưởng, thể chế chính trị, đất nước tôi vẫn duy trì được mối quan hệ bằng hữu với tất cả tổ chức, quốc gia trên thế giới.
Chứng kiến những chuyến hàng viện trợ đến từ khắp nơi, những nỗ lực ngoại giao thành công cũng như sự đóng góp, thậm chí thao thức của kiều bào và nhân dân quốc tế, tôi thấy rằng điều mà người Việt có thể tự hào chính là luôn có những người bạn giúp đỡ mình mọi thời điểm. Tôi gọi đó là tinh thần “chung sống hài hòa”.
Ngẫm lại, đặc tính đó dường như đã tồn tại sâu xa trong lịch sử, văn hoá của dân tộc này.
Nhìn về huyền sử, cách chúng ta nói về sự ra đời của dân tộc. Cách người Việt khai sinh từ chiếc bọc 100 trứng ngụ ý rằng ngoài chúng ta ra thì những dân tộc khác vẫn là anh em. Vị trí địa chính trị đặc biệt, bên cạnh các nền văn hoá lớn tưởng rằng sẽ khiến dân tộc mất đi bản sắc, nhưng trái lại, nó giúp người Việt phát triển một triết lý sống chung mạnh mẽ.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia phụ thuộc sâu sắc vào nước lớn, Việt Nam dung hoà được nhờ lối sống khá chiết trung, bảo bọc cho dòng chảy ngầm là bản sắc của dân tộc. Nó là đặc tính quan trọng giúp chúng ta tồn tại.
Các cuộc chiến tranh đã rất khốc liệt. Có lúc người Việt thua trận, phải chịu ách đô hộ. Nhưng có lẽ tinh thần chiết trung đã giúp người Việt thu nạp thêm văn hoá mà không hoà tan bản sắc truyền thống. Thái độ đó cũng góp phần giúp chúng ta tránh được cực đoan khi hoà bình lập lại, sẵn sàng quay lại làm bạn với chính những người mà trước đó không lâu còn xem nhau là kẻ thù.
Hai mươi năm sau ngày kết thúc cuộc chiến trường kỳ, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Trước đó không lâu, Trung Quốc và Việt Nam bắt tay, dù chưa hết bất đồng.
Nếu đó không phải là căn tính quan trọng của văn hoá dân tộc, tôi không biết điều gì mới phải.
Lớn lên khi thường nghe thấy thông điệp “Việt Nam muốn làm bạn với thế giới”, tôi không bao giờ được dạy về tinh thần dân tộc cực đoan mà luôn là lòng yêu nước khiêm nhường. Quan điểm làm bạn đã thành công có lẽ vì nó trùng với đặc tính khá tự nhiên của dân tộc Việt, một năng lực tự thân đã hình thành qua nhiều thế hệ. Khi phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng cần “tôn trọng sự khác biệt”, tôi thấy nó gần gũi, vì đó chính là thứ tôi được nuôi dạy.
Tất nhiên, cái lạ, cái không hợp chuẩn bao giờ ban đầu cũng được tiếp nhận e dè, đôi khi là bài trừ, nhưng khả năng dung nạp cái mới, tìm tòi cái hay chưa bao giờ mất trong xã hội Việt Nam. Như nhạc Rap từng bị xem là của “giang hồ” chỉ cách đây hơn một thập kỷ, nay là cách để giới trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình. Các vấn đề về tính dục, về khởi nghiệp, về giới, lối sống mới… cũng dần được thảo luận cởi mở. Không gian cho các thể nghiệm mới vẫn tồn tại và được chấp nhận. Kết quả là Việt Nam hiện có một nền văn hoá khá sôi động và đan xen, giao lưu với quốc tế cực kỳ mạnh mẽ. Tôi cho rằng chính văn hoá chung sống hài hòa là chìa khoá cho sự thịnh vượng của đất nước về sau.
Sẽ còn rất nhiều thử thách về văn hoá và đặc tính dân tộc được mổ xẻ. Nếu phải chỉ ra một vấn nạn mà các xã hội của thế kỷ 21 cần dè chừng, thì đó là chủ nghĩa cực đoan, dân tộc hẹp hòi khiến các dân tộc trở nên kiêu ngạo, thậm chí thù ghét lẫn nhau. Dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tuổi trẻ, cần tránh cái bẫy đó, không đi vào cổ suý những xu hướng đao to búa lớn, hơn thua với đất nước khác, văn hoá khác. Sẽ đáng nể hơn nếu chúng ta tôn trọng sự khác biệt, khoan dung với đa dạng.
Sống hài hòa với các dân tộc khác hôm nay là một ý chí chứ không phải ngẫu nhiên.
Theo VNEXPRESS
Tags: Việt Nam và quốc tế, Người Việt, Văn hóa Việt