Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: Chủ nghĩa khoái lạc của Epicurus

Chủ nghĩa Khoái lạc (Hedonism) là hệ thống triết lý đề cao việc mưu cầu lạc thú và tránh né khổ đau như là mục đích chủ yếu trong cuộc sống.

Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: 3 – Chủ nghĩa khoái lạc của Epicurus

Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức duy nhất là thoả mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, hay chí ít giảm thiểu trong khả năng có thể, mọi nỗi khổ đau của mình trong đời.

Có nhiều trường phái tư tưởng khoái lạc; một số cổ xuý cho các khoái cảm nhất thời, số khác bàn đến cả lạc thú tinh thần. Trong số đó, trường phái vị kỷ (The Egoistic school) đề cao sự thoả nguyện tối đa cho bản thân, bất kể đến việc gây ra hậu quả đau khổ cho người khác. Tuy nhiên, những người theo trường phái vị lợi lý tưởng (the Ideal Utilitarians) chỉ chấp nhận những lạc thú mà mọi cá nhân đều được phép hưởng thụ, cho đó là mục tiêu khả dĩ mang đến lợi ích tối đa cho nhân loại.

1. Trường phái Cyrenaic

Trường phái khoái lạc này do Aritippus (435-356 trước CN) sáng lập, đề cao việc tận hưởng lạc thú nhất thời như là mục đích chính yếu trong đời. “Hãy ăn uống và vui thú, bởi vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết.” Trường phái này quan niệm rằng nên tận hưởng mọi thú vui và khoái cảm hiện có; nếu không, cơ hội hưởng thụ những kinh nghiệm như thế sẽ trôi qua và không bao giờ trở lại. Những người theo trường phái này chẳng hề quan tâm đến cuộc sống tương lai, chỉ chú tâm đến những lạc thú ở thời điểm hiện tại. Họ cũng nhấn mạnh rằng, bởi vì lạc thú chỉ mang đến điều tốt đẹp, mỗi cá nhân nên tận dụng mọi cơ hội có thể để hưởng thụ chúng.

2.Trường phái của Epicurus

Epicurus (341-270 trước CN) bất đồng với trường phái Cyrenaic về sự chấp nhận không phân biệt mọi lạc thú trong đời, bởi lẽ ông biết rằng có rất nhiều người thú vui tai hại và vì thế chúng cần được tránh xa. Đa số những người tuân thủ triết lý “ăn, uống và tận hưởng lạc thú, bởi vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết” đều không chết ngay vào thời điểm “mai đây.” Họ vẫn tiếp tục sống để hứng chịu hậu quả tai hại của cuộc sống sa đoạ trong thú vui vô độ.

Theo Epicurus, người ta cần phải phân biệt và chọn lựa thú vui để hưởng thụ. Bởi lẽ các lạc thú không phải đều có giá trị và hậu quả như nhau, vì thế chúng không xứng đáng để được hưởng thụ như nhau. Nói cách khác, một số khoái cảm cần được loại trừ hoàn toàn , trong khi một số kinh nghiệm đau khổ lại cần được cam chịu vì lợi ích tương lai. Thí dụ: Một bệnh nhân cần phải uống thuốc đắng, hoặc trải qua một số cuộc phẫu thuật, nếu đó là điều cần thiết cho cuộc sống tương lai.

Khôn ngoan – Lẽ Chân – Thiện – Mỹ trong cuộc đời

Đối với Epicurus, khôn ngoan là điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Khôn ngoan là tiêu chuẩn cần thiết để phân biệt những điều tốt đẹp và những thú vui đáng thụ hưởng. Hơn nữa, không ngoan cũng có thể thúc đẩy con người vượt qua khổ đau để có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Người sa đà vào cuộc sống hưởng thụ khoái lạc vô độ có thể chai sạn dần, đánh mất khả năng cảm nhận lạc thú, thậm chí biến nó thành niềm đau. Ăn mãi một món ăn hợp khẩu vị nào đó sẽ sinh ra cảm giác ngán sợ, chưa kể đến những tác hại khác đối với sức khoẻ. Vì thế, tiết độ cần được xem là biểu hiện của sự khôn ngoan khi một cá nhân đối mặt với cám dỗ của lạc thú.

Đau khổ và cái chết

Epicurus đề cập nhiều đến sự né tránh đau khổ hơn là bàn đến vấn đề mưu cầu khoái lạc. Ông lập luận rằng bản thân cuộc sống, về cơ bản, là tốt đẹp mặc dù có sự tồn tại của Khổ đau, Tật Bệnh và Nỗi Sợ Hãi Cái Chết. Ông nhận định rằng sợ hãi, đặc biệt sợ hãi cái chết, là nguồn gốc chủ yếu của mọi bất hạnh; rằng chiến thắng được nỗi sợ hãi sẽ khiến cuộc sống an lạc và “đáng sống” hơn. Để thuyết phục mọi người gạt bỏ nỗi sợ hãi ấy, Epicurus đưa ra mẫu lập luận lô-gích dẫn đến “tình trạng bế tắc” như sau: “Chúng ta đang sống, không có cái chết để sợ. Khi chết đi : Nếu có cuộc sống sau cái chết, chúng ta không cần quan tâm đến cái chết mang tính hiện tượng ấy. Nếu không có cái chết, chúng ta sẽ không còn gì để sợ hãi hay lo lắng nữa.Vì thế sợ chết là điều thực sự không cần thiết trong cuộc đời.”

S.T

Tags: , , ,