Tự do và trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại

Nghệ thuật hiện đại đưa chúng ta vào cảnh ngộ khó xử. Những tác phẩm nghệ thuật kỳ dị khác với bất kỳ thời đại nào trước đó khiến chúng ta không thể nào thích ứng được. Nó mang đến cho con người sự tuyệt vọng khi phát hiện ra đây chẳng qua chỉ là sự trống rỗng, một cuộc chơi của bản thân tác giả, không hề biểu đạt ý nghĩa gì. Gặp phải nguy cơ chưa từng gặp, nghệ thuật hiện đại, nếu muốn tiếp tục cuộc hành trình của mình, tất yếu phải xây dựng lại lòng tin của đại chúng với nó. Công việc mà Nghệ thuật và vấn đề ý nghĩa (1) của Hans Kung làm chính là như vậy.

Tự do và trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại

Tác giả: Đỗ Văn Hiểu

Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 341, tháng 11/2012.

Hans là nhà thần học. Ông đã nói, nhà thần học không thể đem đến kỳ tích cho nghệ thuật, không thể thay thế nghệ sĩ giải quyết vấn đề của nghệ thuật. Nhưng nhìn lại lịch sử, đến cách đây khoảng 200 năm, tác phẩm nghệ thuật mới bắt đầu dần thoát ra khỏi chủ đề tôn giáo, và thực sự độc lập cũng chỉ bắt đầu từ thế kỷ 20. Trong thời đại mà nghệ thuật đã rời xa thần học, việc Hans nhìn nhận nghệ thuật thế nào, xử lý mối quan hệ giữa thần học và nghệ thuật ra sao là điều khiến người đọc hứng thú. Với cái nhìn hiện đại, Hans bàn luận về thần học và nghệ thuật trên tính hiện đại. Cả đời ông dương cao ngọn cờ cải cách tôn giáo, thúc đẩy chuyển biến mô hình tôn giáo, hòa hợp giá trị nhập thế trong thời đại mới (2). Thái độ của Hans đối với nghệ thuật là nhập thế tích cực. Ông cho rằng nghệ thuật nên độc lập, nghệ sĩ nên tự do thể hiện quan niệm và cảm nhận của mình. Nhưng, sự tự do này không phải vô điều kiện. Nghệ sĩ có được năng lực lý giải và trực giác vượt qua người thường, họ biểu đạt các loại quan niệm và giá trị. Vì thế, khi tiếp nhận quyền tự do, nghệ sĩ phải đảm nhận trách nhiệm của tự do, cũng là trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại. Để chống lại các quan niệm nghệ thuật hư vô chủ nghĩa, điên đảo, hỗn loạn, cần phải dựa vào niềm tin của nghệ sĩ, được xây dựng trên cơ sở nhận thức lý tính đối với sự tồn tại của bản thân và thế giới. Nghệ thuật xây dựng trên niềm tin ấy mới là nghệ thuật thực sự thuộc về con người. Với ông, tính người trở thành tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật.

Hans chia tiểu luận ra 6 chương, luận chứng cho phán đoán và mạch tư duy của mình. Chương 1 chỉ ra sự khác nhau giữa việc xuất hiện nghệ thuật hiện đại và tính căn bản của nghệ thuật truyền thống, khiến chúng ta cảm thấy nghệ thuật hiện đại là trống rỗng, vô nghĩa. Chương 2, 3 chứng minh nghệ thuật hiện đại không phải không có ý nghĩa, mà nên khảo sát nghệ thuật và ý nghĩa trong bối cảnh tổng thể. Chương 4 khẳng định nghệ thuật nên độc lập với tôn giáo, nhưng không thể hư vô, mà cần đảm nhận một cách lý tính trách nhiệm đối với thế giới. Chương 5 nhắc nhở nghệ sĩ không nên mù quáng sùng bái quá khứ, tương lai và hiện tại, rơi vào đủ các loại chủ nghĩa. Cuối cùng, tác giả mong muốn nghệ thuật hiện đại mang tính người chân chính, dẫn dắt nhân tính hướng tới hoàn mỹ, mở ra không gian mới cho nghệ thuật.

1. Sự suy thoái và khả năng mới của ý nghĩa

Tình trạng mỗi loại một kiểu, hoàn toàn không thể giao lưu khiến rất nhiều người cảm thấy nghệ thuật hiện đại đã suy thoái. Hans không phủ nhận, nhưng ông muốn chẩn đoán và cứu chữa căn bệnh của nghệ thuật hiện đại, mà ông cho rằng có thể chữa được, hơn nữa, có thể kê đơn thuốc hữu hiệu.

Điều khó nhất khi bàn luận nghệ thuật là làm thế nào để định nghĩa nghệ thuật. Sự phát triển của nghệ thuật không ngừng phá vỡ định nghĩa về nó. Khó có thể đưa ra một định nghĩa, hoạch định phạm vi cho nghệ thuật hiện đại. Người ta cho rằng nghệ thuật hiện đại và ý nghĩa bài trừ lẫn nhau, nghệ thuật hiện đại phản đối việc dùng ý nghĩa để nắm bắt và hạn định nó, ngược lại, muốn biểu đạt ý nghĩa, thì không thể dùng phương pháp nghệ thuật. Không thuộc về bất kỳ một phạm vi có thể xác định nào, nghệ thuật hiện đại là hoạt động không thể dùng định nghĩa hạn định. Vì thế, bản thể nghệ thuật là một giả định của luận bàn, không định nghĩa cho nghệ thuật chính là một sự giải thích đối với bản thể nghệ thuật (3). Gác lại vấn đề bản thể nghệ thuật, xuất phát điểm bàn luận của Hans là hiện thực và kinh nghiệm nghệ thuật, không kể hình thức, giới hạn.

Dựa theo sự phát triển lịch sử của nghệ thuật, có thể thấy, nghệ thuật hiện đại chịu sự tác động mạnh mẽ của đủ các loại kỹ thuật tiên tiến, đã dần dần từ bỏ chức năng mỹ hóa, truyền bá, ghi chép. Sự phổ biến của các loại khoa học kỹ thuật đã khiến nghệ thuật không cần thiết phải đảm nhiệm các chức năng này nữa, và có thể biểu đạt các loại ý niệm, thể nghiệm các loại chất liệu và phương thức sáng tạo. Nghệ sĩ không ngừng thâm nhập vào lĩnh vực hoàn toàn mới. Điểm tiếp xúc giữa nhận thức vốn có và sự theo đuổi của nghệ thuật chính là không gian của hoạt động nghệ thuật. Do kỹ thuật hiện đại mở rộng nhận thức trên quy mô lớn, không gian của hoạt động nghệ thuật không ngừng bị tấn công. Hoạt động nghệ thuật muốn bảo lưu không gian riêng, tất yếu càng phải tăng cường tính đối kháng, hoặc là tiến lên phía trước, hoặc bị ép quay trở về với phạm vi nhận thức đã định (4).

Hoàn cảnh sinh tồn của nghệ thuật hiện đại quyết định nghệ thuật một mặt là đột phá, cách mạng, mặt khác bị lăng mạ, xa lánh. Biểu tượng của nghệ thuật và sự lý giải về ý nghĩa của nghệ thuật trên phương diện truyền thống đã phát sinh xung đột lớn, nghệ thuật hiện đại không ngừng giải trừ ý nghĩa truyền thống, ngày càng rời xa ý nghĩa, dẫn đến nghệ thuật hiện đại nhất cũng chính là nghệ thuật trống rỗng, vô nghĩa nhất.

Chính sự phân tách giữa hiện tại và quá khứ đã khiến cho nghệ thuật hiện đại mất đi trọng tâm. Sự đứt đoạn này rất khó quy cho bản chất của nghệ thuật hiện đại, mặc dù trên đại thể lại do hiện trạng nghệ thuật hiện đại tạo ra. Duy trì quan niệm phê bình bảo thủ, Sid Mayer, phản đối tuyệt đối hóa trên phương diện nghệ thuật, khiến nghệ thuật dị hóa và vỡ nát, cho rằng: nhân loại từ thời cận đại đã không ngừng mất đi trung tâm ý nghĩa (nhân tính bản nguyên), ý nghĩa không ngừng hướng đến cảm giác (xác thịt), xa rời tinh thần (thượng đế), vì thế rơi vào trống rỗng. Hans không đồng ý, ông cho rằng nghệ thuật có ý nghĩa của nó. Theo đuổi ý nghĩa của nghệ thuật, không thể coi nhẹ sự chuyển biến của ý nghĩa, không thể chỉ lý giải nó thành sự mất mát của ý nghĩa, mà nên coi sự dịch chuyển này sẽ mang đến tính cởi mở rộng lớn hơn cho việc nắm bắt ý nghĩa mới.

2. Con người, trung tâm mới của ý nghĩa

Kant đã dựa trên nhận thức luận và luân lý học để chuyển từ thần luật (tha luật) sang tự luật. Nhận thức của con người trở thành tiêu chuẩn phán đoán thế giới, con người có thể trở thành tiêu chuẩn của chính mình. Tính hợp pháp của nghệ thuật trở thành vật nội tại, nghệ thuật không phán đoán từ tiêu chuẩn bên ngoài (thượng đế), mà do con người tự đặt ra.

Tính hợp pháp của nghệ thuật đến từ tính đặc thù của bản thân nó, giữa chúng không tồn tại sự phân biệt cao thấp. Tự luật của nghệ thuật chính là nguyên nhân dẫn đến sự đứt đoạn trong lịch sử nghệ thuật, mỗi thời đại đều có tiêu chuẩn nghệ thuật riêng, không tồn tại tiêu chuẩn thống nhất xuyên suốt. Đây chính là then chốt của vấn đề ý nghĩa trong nghệ thuật hiện đại. Ý nghĩa không còn là cái duy nhất, cố định, biểu hiện phức tạp hơn, dấu vết cũng càng không xác định.

Tính đa dạng của tiêu chuẩn mang đến khả năng cộng sinh cho sự thưởng thức nghệ thuật hơn là phá hoại nó, mang đến lợi ích lớn lao cho tư duy con người. Phải thừa nhận thành tựu của nghệ thuật hiện đại là tích cực, nó khai phá lĩnh vực mới trong nhận thức của nhân loại.

Trong đủ các loại truy tìm cách biểu đạt mới, Hans dùng đề tài tôn giáo làm đột phá khẩu cho nghệ thuật hiện đại. Khác với nghệ thuật gia viết về đề tài tôn giáo trước kia, những nhà nghệ thuật hiện đại đứng ở cảnh ngộ chênh vênh đứt đoạn với quá khứ để miêu tả đề tài tôn giáo, cho dù có chọn đề tài tôn giáo liên quan đến truyền thống, nhưng lập trường và mục đích của họ lại xuất hiện trên cơ sở hiện tại. nghệ thuật hiện đại và ý nghĩa không hề đối lập nhau. nghệ thuật hiện đại dùng các loại phương thức để đề xuất ý nghĩa, bất luận thủ pháp biểu hiện và đề tài là gì, tích cực đem bản thân đặt vào sự biểu đạt và truy tìm ý nghĩa.

Vậy nghệ thuật hiện đại phát sinh quan hệ với ý nghĩa như thế nào. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật không vụ lợi. Sự phát sinh từ không đến có của nghệ thuật vô tư là quá trình xuất hiện của tinh thần con người. Cái mà nghệ thuật theo đuổi là bản thể siêu hình của đời sống tinh thần, nhu cầu này là tiêu chuẩn thuần túy duy nhất và tuyệt đối của nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật tuy là tự luật, nhưng lại không tự đủ. Nó tất yếu phải phát sinh quan hệ với tinh thần bên ngoài, dù là nghệ thuật thuần túy cũng không bao giờ hoàn toàn khép kín, nó tất yếu hình thành quan hệ với đời sống chung, với chính trị, xã hội. Nghệ thuật có thể trả lời các vấn đề xã hội và chính trị, xây dựng ý thức (giáo dục nghệ thuật),… Hans cho rằng, nếu như đem quan hệ giữa nghệ thuật và ý nghĩa đặt vào trong vĩ độ như vậy, thực sự là quá hạn hẹp, quay lưng lại với mục đích vốn có của nghệ thuật, chưa hẳn sẽ có hiệu quả tích cực, ngược lại có thể khiến cho nghệ thuật trở thành dung tục, vụ lợi. Với ông, cách giải quyết tốt hơn vẫn là đem quan hệ giữa nghệ thuật và ý nghĩa đặt vào vĩ độ tổng thể hơn để xem xét, vĩ độ này không có gì khác chính là con người (5).

3. Tích cực chống lại chủ nghĩa hư vô

Với Hans, nghệ thuật bất luận như thế nào đều không thể đưa ra đáp án cuối cùng, chính xác. Nó không phải là tôn giáo, cũng không nên bị thần thánh hóa thành tôn giáo, càng không thể thay thế tôn giáo. Mục đích cao nhất của nghệ thuật là hướng tới con người, nhưng mục đích cao nhất của con người lại không phải là nghệ thuật. Tác giả cũng chỉ ra nguy cơ của nghệ thuật hiện đại – không phải bị thần thành hóa, mà bị dị hóa. Nghệ thuật đã đi từ phiếm thần luận sang chủ nghĩa hư vô, làm mất đi sự tôn kính, sự phán đoán cao thấp…

Nhưng, sự biểu đạt đối với thế giới dị hóa này sẽ sản sinh ra vấn đề hoang ngôn của tính khẳng định. Nhà nghệ thuật, cho dù đứng ở trong thế giới đầy tính phủ định, có thể dùng tinh thần phủ định của mình một cách tích cực. Như thế, bất luận những biểu tượng của tác phẩm nghệ thuật này tích cực như thế nào, nhưng nội tâm nhà nghệ thuật trước sau đều giống thế giới: điên đảo, hỗn loạn. Vì thế, để nghệ thuật trở về với nhân tính, Hans đề xuất dùng niềm tin để thay thế cho sự bất tin. Nhà nghệ thuật có thể coi nghệ thuật là trò chơi, nhưng tất yếu phải có trách nhiệm đối với trò chơi.

Với tư cách là nhà nghệ thuật, làm thế nào để tin rằng thế giới điên đảo này lại có nhân tố tích cực; làm thế nào để khắc phục chủ nghĩa hư vô. Hans giải thích rằng, vì con người tồn tại, thế giới tồn tại. Cho dù thế giới hỗn loạn như thế nào, vẫn tồn tại cơ sở ổn định nhất, đó là nhân thế, là con người. Vì con người vĩnh viễn không thể làm rõ được căn bản của tồn tại, nhưng nó lại là thể tài nguyên sơ nhất chuyển tải ý nghĩa của thế giới và nhân sinh. Cho dù không thể chứng minh ý nghĩa của tồn tại nguyên sơ chính là điều tích cực, nhưng cũng không thể phản bác sự tồn tại của thế giới. nghệ thuật hiện đại có thể lật đổ tất cả, nhưng không nên lật đổ phán đoán giá trị cơ bản nhất, nếu không sẽ vấp phải nguy cơ mất đi ý nghĩa. Muốn kéo phán đoán giá trị trở lại, nó cần phải phân biệt đúng sai, thiện ác, đối với thế giới đương đại. Niềm tin bằng lý trí này là nền tảng giá trị cơ bản nhất để để bảo giữ duy trì ý nghĩa của nghệ thuật.

4. Nhân tính là tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật

Hans nhấn mạnh không nên đưa ra yêu cầu quá đáng đối với nghệ thuật, nhưng nên đòi hỏi và tác động tới nghệ thuật. Nhà nghệ thuật nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn thấy, biến những điều không thể nhìn thấy thành những điều có thể nhìn thấy. Ngày nay, nhà nghệ thuật được hoàn toàn tự do, điều này là cơ hội tốt để xây dựng phong cách hoặc thái độ nghệ thuật mới. Bất luận biểu đạt loại đề tài nào, chỉ có gắn nghệ thuật vào một giá trị nào đó, nghệ thuật mới có thể có ý nghĩa. Hans chỉ ra đề tài tôn giáo đem đến nhiều lựa chọn. Nhà nghệ thuật cần phải, giống như tôn giáo, xác lập trách nhiệm đối với giá trị tồn tại. Đây chính là lý do khiến nghệ thuật và tôn giáo đồng hành.

Chỉ có nhà nghệ thuật biết gốc rễ của sự tồn tại của thế giới và con người và không thể mù quáng sùng bái những giá trị và chủ nghĩa không hợp thời. Gốc rễ của tồn tại đã quyết định chúng ta đến từ đâu (từ tồn tại nguyên sơ), cũng đã quyết định chúng ta sẽ đi về đâu (quay lại với bản thể nhân tính). Chính vì xác lập nhận thức tỉnh táo đối với tồn tại, con người sẽ không thần thánh hóa quá khứ và tương lai, không rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa tương lai. Chỉ có thoát khỏi sự sùng bái đối với quá khứ và tương lai mới có thể xác lập được giá trị mới ổn định trong hiện tại. Nhưng, cũng không nên sùng bái đương thời, vì truy đuổi khoảnh khắc rất dễ sa vào nắm bắt cái bên ngoài mà mất đi sự thể nghiệm giá trị bên trong, chỉ có chú tâm vào hiện tại trên cơ sở lý giải và thừa nhận sự tồn tại nguyên sơ mới không thần thánh hóa hiện tại.

Hans kiên trì đem nghệ thuật hướng vào hiện tại. Không thể né tránh hiện tại, cầu nối giữa quá khứ và tương lai, con đường trung gian ổn thỏa nhất giữa phong cách đã ổn định và không phong cách. Bất luận chọn con đường nào, nghệ thuật phải nắm được nhân tính, và nhân tính nên là tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật.

Phán đoán và cách giải quyết của Hans trong Nghệ thuật và vấn đề ý nghĩa đối với nghệ thuật hiện đại thể hiện thái độ tín nhiệm tích cực của nhà nghệ thuật đối với con người và thế giới. Niềm tin này là trách nhiệm luân lý tất yếu phải tuân theo, là yêu cầu đạo đức mà nhân loại phải có sau khi có tự do và tận hưởng tự do đích thực. Người đến từ những nền văn minh khác nhau, mang những quan niệm giá trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, chỉ có cùng tôn trọng giá trị phổ quát, tôn trọng chuẩn tắc cơ bản nhất của đời sống phổ quát, mới có thể tự do hơn, cùng sống một cách hài hòa hơn trong xã hội hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Không ngừng mở ra những khả năng mới vì một thế giới tràn đầy nhân tính chính là ý nghĩa cơ bản nhất của sự tồn tại nghệ thuật.

———————–

Chú thích:

1. Trong bộ Thần học và tư tưởng văn nghệ đương đại, Tam liên thư điếm, Thượng Hải, 1995.
2. Xem Trác Tân Bình, Thần học Thiên chúa giáo phương Tây đương đại, Tam liên thư điếm, Thượng Hải, 1988, tr.352 trở về sau.
3. Chu Thanh Sinh, Không có ai là nhà nghệ thuật, cũng không có ai không phải là nhà nghệ thuật, Thương vụ ấn thư quán, 2000, tr.91.
4. Trong bản tiếng Trung, chương 1, đoạn 3, dòng 5 trở về sau, tác giả liệt kê một danh sách dài các nhà nghệ thuật, từ trường phái ấn tượng nửa cuối thế kỷ 19 đến chủ nghĩa lập thể, trường phái trừu tượng… đầu thế kỷ 20 đến chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa siêu thực giữa thế kỷ 20. Trình tự này chính là quá trình không ngừng chống lại truyền thống, thử nghiệm phương thức biểu đạt mới.
5. Hans Kung, Cấu tứ luân lý thế giới, Tam liên thư điếm, 2002, tr.117.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: