⠀
Trường phái Hiện thực và cuộc cách mạng hội họa thế kỷ 19
Khoảng giữa thế kỷ 19, các họa sĩ tại châu Âu đã giới thiệu một trào lưu hội mới mang tên: Realism (Hiện thực).
Tác phẩm Hiện thực tập trung khắc họa đời sống thường nhật của con người một cách chân thực, một điều chưa từng có trước đó. Có thể nói, trường phái Hiện thực đã cách mạng hóa hội họa phương Tây.
Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc Cách mạng hóa Hội họa của trường phái Hiện thực.
Trường phái Hiện thực là gì?
Trường phái Hiện thực xuất hiện tại Pháp vào thập niên 1850, theo sau cuộc Cách mạng đòi “quyền làm việc” vào năm 1848. Phong trào này đã hướng sự chú ý của các họa sĩ tới tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động, với bối cảnh là cuộc sống thường ngày.
Jean-François Millet, “The Gleaners” (1857).
Các họa sĩ theo chủ nghĩa Hiện thực đã bác bỏ những chuẩn mực của chủ nghĩa Lãng mạn (1800-1850), trường phái Hội họa đề cao mộng tưởng, tình cảm và sự tự do. Họa sĩ Lãng mạn thường tô hồng, bôi đen hiện thực, đề cao, hay mộng tưởng hóa những nhân vật thần thoại hoặc những khung cảnh thần tiên. Đây chính là điều mà nhóm họa sĩ Hiện thực kịch liệt phản đối.
Những cây cọ xuất sắc của trường phái Hiện thực
GUSTAVE COURBET
Gustave Courbet được coi là cánh chim đầu đàn của trào lưu Hiện thực. Ông đặt nền móng cho trào lưu hội họa này vào thập niên 1840, khi ông bắt đầu khắc họa chân dung những người nông dân và tầng lớp lao động khi mà hội họa đương thời chỉ hướng tôn giáo, lịch sử, hay những chủ đề phúng dụ.
Trước đó, họa sĩ sẽ không khắc họa một cách chân thực xã hội đương thời, thay vào đó, họ lý tưởng hóa chúng, và bỏ qua mọi khiếm khuyết cùng những thiếu xót. Với Courbet, sự tiếp cận này là không thể chất nhận bởi nó làm mất đi những đặc tính cá nhân của nhân vật cùng nội dung truyền đạt. “Tác phẩm của tôi phản ánh một cách chân thật mọi khía cạnh của xã hội,” ông chia sẻ. “Nói một cách ngắn gọn, qua tác phẩm, tôi truyền tải cái nhìn về xã hội, với tất cả niềm đam mê và sự thích thú, mỗi tác phẩm của tôi chính là một xã hội thu nhỏ”.
Gustave Courbet, “The Stone Breakers” (1849).
JEAN-FRANÇOIS MILLET
Tương tự Courbet, Jean-François Millet khắc họa hình ảnh tầng lớp lao động trong tác phẩm của mình. Bởi được sinh ra và lớn lên tại vùng quê của Pháp, Courbet nhiều lần vẽ về những người nông nhân. “Chủ đề nông thôn phù hợp với tôi nhất,” ông nói, “bởi thú thật, khía cạnh con người tác động lớn tới tôi trong hội họa.”
Không chỉ là một họa sĩ của phái Hiện thực, Millet còn tự mình thành lập nhóm hoạ sĩ Barbizon với mục đích thách thức và lật đổ chủ nghĩa Lãng mạn.
Jean-François Millet, “Man with a Hoe” (1860-1862).
HONORÉ DAUMIER
Honoré Daumier được nhắc tới là một họa sĩ, nghệ sĩ in ấn, nhà điêu khắc, và nhà biếm họa, người tận dụng tài năng của mình để chỉ trích một cách mạnh mẽ chính phủ Pháp lâm thời.
Khác với các tác phẩm của Courbet và Millet, tranh biếm họa của Daumier thường được cường điệu hoá, thể hiện cái nhìn chủ quan của ông. Tuy vậy, thông qua loạt tác phẩm của mình, Daumier đã thành công lột trần những mặt tối của xã hội Pháp vào thế kỷ 19.
Honoré Daumier, “The Third-Class Carriage”.
ROSA BONHEUR
Rosa Bonheur chuyên vẽ tranh động vật và hầu hết các tác phẩm của bà đều lấy bối cảnh tại nông trường, đồng cỏ và nông thôn.
Ngày nay, Bonheur được biết đến là một nữ họa sĩ kiêm nghệ sĩ điêu khắc với gia tài nghệ thuật vô cùng đồ sộ. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà mang tên ‘Ploughing in the Nivernais’ (Đi cày tại Nivernais) đã đạt giải nhất triển lãm Salon Pháp vào năm 1848 và cho tới nay vẫn được nhắc tới như một tác phẩm tiêu biểu của trường phái Hiện thực.
Rosa Bonheur, “Ploughing in Nevers” (1846).
ÉDOUARD MANET
Mặc dù thường được nhắc tới với vai trò của họa sĩ phái Ấn tượng, Édouard Manet cũng là một gương mặt tiêu biểu của trường phái Hiện thực. Trên thực tế, danh họa Manet là một cầu nối giữa hai trào lưu hội họa trên, ông truyền cảm hứng cho các họa sĩ Hiện thực phản ánh những ấn tượng về cuộc sống thường nhật.
Ông chia sẻ, “Bản thân tôi có cái nhìn riêng về cuộc sống và tôi luôn nỗ lực tìm cách truyền tải cái nhìn đó một cách hiệu quá nhất có thể tới người xem qua từng trang vẽ”.
Édouard Manet “The Old Musician” (1862).
Tầm ảnh hưởng của trường phái Hiện thực
Sau thành công tại châu Âu, trào lưu Hiện thực sớm lan tỏa tới Mỹ. Một số họa sĩ Hiện thực tiêu biểu tại Mỹ bao gồm Thomas Eakins với các tác phẩm chân dung, Edward Hopper với loạt tác phẩm về cuộc sống nơi thành thị, và James Abbott McNeill Whistler với bức họa “Whistler’s Mother”.
Ngoài ra, trường phái Hiện thực còn có tác động trực tiếp tới loạt trào lưu hội họa đương đại về sau bao gồm Photorealism (phong trào tranh mô phỏng ảnh chụp) và Hyperrealism (thể loại hội họa và điêu khắc mô phỏng ảnh chụp với độ phân giải cao, một tiến bộ của dòng Photorealism). Những phong trào nghệ thuật này là minh chứng rõ nét cho giá trị của trào lưu hội họa Hiện thực.
Theo DESIGNS.VN
Tags: Trào lưu nghệ thuật, Hội họa