Trồng cao su – cơn sóng thần hủy diệt rừng nguyên sinh Đông Nam Á

Nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn thế giới tăng vọt khiến các đồn điền cao su đang được mở rộng một cách nhanh chóng, lấn sâu vào những khu rừng giầu đa dạng sinh học và các vùng đất trồng trọt ở Đông Nam Á. Từ 2005 đến 2010, 110.000 héc-ta rừng thuộc các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao và khu bảo tồn đã bị cây cao su thay thế.

Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Singapore, Anh và Mĩ đã tiến hành đánh giá các khu vực có cao su tự nhiên phát triển và khảo sátquy mô mở rộng đồn điền cao su ở Đông Nam Á, nơi chiếm gần 97% diện tích cao su trên thế giới. Theo các tác giả, sau đợt bùng nổ cây cọ dầu, làn sóng trồng cao su được ví như “cơn sóng thần thứ hai” tại Đông Nam Á. Đây là nghiên cứu đầu tiên mang đến một bức tranh toàn cảnh, có tính định lượng trên toàn khu vực về phạm vi và xu hướng mở rộng diện tích trồng cao su.

Độc canh cao su lan tới cả vùng đất không phù hợp…

Theo nghiên cứu, Sản lượng cao su ở Đông Nam Á tăng từ 300.000 tấn vào năm 1961 lên tới hơn 5 triệu tấn vào năm 2011, tương đương 1.500%. Trước đây, cao su thường được trồng cùng với cây lấy gỗ, cây ăn quả và một số loại cây khác. Cấu trúc nông – lâm kết hợp này tương tự rừng thứ cấp, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì chức năng hệ sinh thái hơn phương pháp độc canh, giúp người nông dân mở rộng thêm nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn cao su được trồng theo phương pháp độc canh, đi kèm với việc sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Đây cũng là xu hướng được dự báo sẽ tiếp diễn trong tương lai để tối đa hóa hiệu suất và lợi nhuận. Khi phát triển độc canh, cao su cũng được mở rộng đến những khu vực không thuận lợi cho loài này.

Phân tích sản lượng cao su tại Đông Nam Á cho thấy trong khi hơn một nửa sản lượng cao su thế giới được sản xuất tại phía Bắc Thái Lan, chỉ có 1,5% diện tích tại đây có môi trường thực sự thích hợp với cao su.

Chẳng hạn, từ năm 2005, việc trồng cao su được mở rộng tới những vùng không phù hợp với độ cao lớn hơn, trên các sườn đồi dốc hơn và thường phải chịu sương giá hay khô hạn kéo dài. Năm 2010, đã có gần 2 triệu héc-ta cao su được canh tác trên các khu vực như vậy, với xu hướng chuyển đổi chủ yếu diễn ra tại Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc.

Sự thay đổi này cũng gia tăng nguy cơ mất năng suất cao su do thiên tai như bão lũ hay khô hạn. Chẳng hạn, cơn bão năm 2013 gây thiệt hại hơn 250 triệu USD đối với ngành cao su Việt Nam. Công tác phục hồi sau bão có thể mất từ 3 đến 7 năm, dẫn đến gián đoạn nguồn thu nhập. Hơn nữa, giá thành hạ cùng với nguy cơ mất mùa hay thiệt hại do môi trường có thể gây ra những hậu quả kinh tế khôn lường cho những chủ đất nhỏ.

Mặc dù chương trình lai giống đã được phát triển nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cây cao sutrong những điều kiện môi trường không tối ưu, song điều đó là chưa đủ. Thực tế cho thấy lợi ích thu về không đủ để bù lại những thiệt hại khi gặp rủi ro về môi trường. Những người nông dân trồng chè ở phía Nam Trung Quốc đã trải nghiệm điều này sau khi chuyển đổi sang trồng cao su và không thể thu hoạch do năng suất quá thấp.

Canh tác cao su tại các khu vực này cũng có thể gây ra những hậu quả sinh thái khác như làm xói mòn đất trên những sườn đồi dốc, thoái hóa đất do gia tăng sử dụng phân bón, giảm chất lượng nước…

… và các khu vực giàu đa dạng sinh học

Những đồn điền cao su còn lấn nhiều diện tích rừng và đất canh tác. Từ 2005 đến 2010, gần 250.000 ha rừng cây tự nhiên, 60.000 ha khu bảo tồnđã bị xóa sổ để trồng cao su do lợi nhuận hấp dẫn khi giá cao su tăng cao.

Trung Quốc là một ví dụ điển hình với tốc độ mở rộng diện tích cao su chóng mặt, điển hình là ở Tây Song Bản Nạp, phía Tây Nam tỉnh Vân Nam.Thậm chí, chính phủ còn khuyến khích trồng cao su với nhiều khoản trợ cấp. Từ 87.000 ha đất canh tác vào năm 1992, cây cao su đã chiếm diện tích 424.000 ha vào năm 2010 tại Tây Song Bản Nạp, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ecological Indicators. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc xóa sổ hầu hết các khu rừng tại đây. Ngoài các khu bảo tồn, rừng tự nhiên bị lấn chiếm hết, thậm chí đến tận ranh giới các khu bảo tồn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Lào và Campuchia. Hơn 70% trong diện tích 75.000 ha thuộc Khu bảo tồn hoang dã Snoul ở Campuchia đã bị tàn phá trong những năm 2009-2013 để trồng cao su. Dựa vào quy hoạch phát triển cây cao su, Ahrends và cộng sự dự báo rằng đến năm 2020, khoảng 640.000 ha diện tích các khu bảo tồn, hầu hết thuộc Việt Nam, Thái Lan và Campuchia sẽ bị chuyển đổi thành đất độc canh cao su.

Cây cao su chỉ có thể đem lại thu nhập tốt cho nhiều người nông dân khi được giá và sản lượng ổn định. Người nông dân canh tác nhỏ lẻ sẽ phải chịu rủi ro kinh tế khi giá cao su không ổn định và khả năng mất mùa do điều kiện thời tiết không phù hợp. Bên cạnh việc đe dọa đa dạng sinh học, chuyển đổi canh tác sang hướng độc canh cao su cũng đe dọa an ninh lương thực,hạn chế thu nhập tiềm năng của người nông dân và khiến họ trở nên phụ thuộc vào giá cả thị trường.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù lợi ích đối với đa dạng sinh học của cây trồng này không thể bằng rừng nguyên sinh, nhưng vẫn có giá trị hơn các vùng đất trống hoặc bị thoái hóa. Trồng cao su phần nào cũng có thể giúp ổn định đất, giảm xói mòn và tăng lưu trữ carbon, và tất nhiên là có giá trị kinh tế nhất định. Tuy nhiên, phá bỏ rừng nguyên sinh để trồng cao su, đặc biệt là vùng dễ bị tổn thương về khí hậu hoặc đất đai không phải là việc làm khôn ngoan. Cái giá phải trả cho đa dạng sinh học và môi trường là rất cao, trong khi lợi ích kinh tế lại chẳng là bao, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

.

Theo MÔI TRƯỜNG & ĐỜI SỐNG (2015)

Tags: ,