Trận hải chiến thảm bại trước Nhật Bản khiến người Trung Quốc ôm hận ngàn thu

Trung Quốc thời nhà Thanh sở hữu hạm đội mạnh nhất châu Á nhưng đối thủ Nhật Bản thời Minh Trị từng bước trỗi dậy mạnh mẽ, dẫn đến cuộc chiến “một mất một còn” trên biển Hoàng Hải.

Cuối thế kỷ 19, Trung Quốc dưới thời nhà Thanh từng bước bị phương Tây nhòm ngó, xâu xé. Sau hai thất bại trước người Anh và người Pháp, triều đình nhà Thanh dưới thời Từ Hi Thái Hậu vẫn còn rất mạnh khi sở hữu hạm đội Bắc Dương với 78 chiến thuyền, tổng lượng giãn nước 83.900 tấn.

Giai đoạn này cũng đánh dấu Thời kỳ Minh Trị cải cách vượt bậc của Nhật Bản. Đón nhận tinh hoa của nền văn minh phương Tây, nước Nhật từng bước vượt qua sự lạc hậu để hiện đại hóa quân đội, mua nhiều tàu chiến đóng của Pháp và Anh.

Hải quân Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu nhau một trận quyết chiến trên biển Hoàng Hải được coi là điều tất yếu, giữa một Trung Quốc thống trị Đông Á và một Nhật Bản ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Trận thảm bại của hạm đội hàng đầu châu Á

Nhận thấy sức mạnh của Trung Quốc thời nhà Thanh suy yếu, đặc biệt sau khi bị người Anh và Pháp đánh bại, Nhật Bản bắt đầu thể hiện ý đồ bá chủ.

Ở thời điểm đó, Hạm đội Bắc Dương của Trung Quốc được coi là mạnh nhất châu Á và mạnh thứ 8 trên thế giới. Hạm đội còn được đánh giá là có vị thế và sức mạnh ngang bằng với các hạm đội hùng mạnh của phương Tây, vì sở hữu các tàu bọc thép mua từ Đức.

Mâu thuẫn Trung-Nhật lên đến đỉnh điểm vào ngày 4/6/1894, khi nhà Thanh lấy danh nghĩa diệt trừ phản loạn, đưa quân tiến vào Triều Tiên. Đáp trả lại hành động này, Nhật Bản cũng đưa 8.000 lính viễn chinh đổ bộ lên bán đảo.

Chỉ trong chưa đầy một tháng, quân Nhật bắt giữ vua Triều Tiên, thay bộ máy cầm quyền bằng những người thân Nhật. Trên đà thắng lợi, Nhật Bản tiếp tục tiến quân lên phía bắc.

Tại trận Phong Đảo diễn ra vào ngày 25/7/1894 trong vịnh Asan (Hàn Quốc ngày nay), tàu chiến Nhật tấn công dữ đội các tàu Trung Quốc, đánh chìm nhiều chiến hạm đối phương mà không phải chịu bất kỳ một tổn thất nào.

Hai tháng sau, Nhật Bản tiếp tục đánh chiếm Bình Nhưỡng, đẩy lùi quân Thanh tới tận sông Áp Lục. Đó là lúc mà hạm đội uy lực của Nhật Bản với các tàu chiến thế hệ mới tiến sâu vào trong lãnh hải Trung Quốc.

Đến lúc này, đại thần nhà Thanh là Lý Hồng Chương mới ra lệnh cho Hạm đội Bắc Dương xuất kích. Xét về sức mạnh, hạm đội nhà Thanh chiếm ưu thế đáng kể nhờ 2 thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn.

Hai thiết giáp hạm này bọc giáp dày đáng kể, gần như miễn nhiễm với mọi loại đại bác cỡ nhỏ trang bị trên tàu Nhật Bản. Tuy vậy, hạm đội Liên hợp của Nhật đã thể hiện tư duy chiến thuật vượt trội, khi tận dụng các tàu nhỏ hơn che chắn để tàu pháo đứng sau khai hỏa.

Trận hải chiến kéo dài suốt cả ngày 17/9/1894 kết thúc với phần thắng thuộc về người Nhật. Hạm đội Bắc Dương bị đánh chìm 5 tàu, bao gồm tàu tuần dương Zhiyuen, Jingyuan, Chaoyong, Yangwei và một tàu cỡ nhỏ Kwan Chia, trong khi những chiến còn lại bỏ chạy về căn cứ.

Phía Nhật cũng tổn thất 4 tàu chiến nhưng sức chiến đấu ngày càng tăng lên. Đại thần nhà Thanh Lý Hồng Chương khi đó không còn dám “tất tay” với toàn bộ hạm đội.

Trung Quốc nuốt mối hận ngàn thu

Sang đến năm 1895, hạm đội Nhật đánh thẳng vào Uy Hải Vệ, căn cứ của Hạm đội Bắc Dương. Lính viễn chinh Nhật đổ bộ chiếm các pháo đài Trung Quốc, tạo thế gọng kìm khiến các tàu của Hạm đội Bắc Dương không còn đường thoát.

Soái hạm Định Viễn cùng các tàu cỡ lớn bị đánh chìm trong khi thiết giáp hạm Trấn Viễn bị quân Nhật tịch thu. Hạm đội Bắc Dương coi như bị xóa sổ kể từ đó.

Bình luận về nguyên nhân thất bại, các nhà sử học ngày nay đều đồng ý rằng nhà Thanh sở hữu hạm đội mạnh bậc nhất, vũ khí thậm chí còn vượt trội so với quân Nhật nhưng sức chiến đấu quá yếu kém.

Kỳ hạm Matsushima của Nhật chỉ được trang bị duy nhất một khẩu pháo 320mm, trong khi thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn sở hữu tổng cộng 8 khẩu pháo 305mm.

Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc hầu như không được cấp đạn thật huấn luyện, trong khi số đạn dự trữ không nhiều, không đủ để chiến đấu dài hơi. 8 khẩu pháo 305mm trên 2 thiết giáp hạm chỉ có 300 viên đạn, không đủ chiến đấu trong một ngày.

Kế hoạch thay thế các khẩu pháo 305mm bằng loại pháo 305mm kiểu mới, có tốc độ bắn cao hơn và chính xác hơn được đề ra từ năm 1892, nhưng không bao giờ trở thành hiện thực.

Nhiều quả đạn pháo thậm chí còn bị nhồi mạt cưa và nước chứ không phải thuốc nổ, theo tài liệu chép lại của tác giả Sarah C.M. Paine, trong cuốn sách Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895). Cá biệt có trường hợp hai khẩu pháo 250mm trên tàu chiến của hạm đội bị đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.

Thất bại nặng nề trong 8 tháng giao chiến khiến nhà Thanh phải ký hòa hước với Nhật Bản, chấm dứt tầm ảnh hưởng ở Triều Tiên. Nhà Thanh phải nhượng đảo Đài Loan và nhiều vùng đất khác cho Nhật, bồi thường chiến phí khổng lồ.

Ngược lại, chiến thắng trước Trung Quốc tạo cơ hội để hải quân Nhật tích lũy kinh nghiệm, lấy tiền chiến phí bổ sung thêm lực lượng. Người Nhật còn tiếp tục đánh bại Đế quốc Nga trong cuộc chiến năm 1904-1905 để thay thế Trung Quốc, trở thành nước có lực lượng hải quân hàng đầu châu Á.

Người Trung Quốc ngày nay không mấy ưa Nhật Bản, một phần vì những vụ đụng độ mà họ phải chuốc lấy phần thất bại, trong đó có trận thủy chiến nổi tiếng nói trên.

Theo DÂN VIỆT 

Tags: , , ,