Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nỗi sợ ám sát, đảo chính

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất mê tín và luôn sống trong nỗi lo sợ đảo chính. Ông luôn mong chờ viện trợ từ Mỹ nhưng cũng sợ bị Mỹ cho người ám sát.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nỗi sợ ám sát, đảo chính

Một số trích đoạn đặc sắc của cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh. Cuốn sách được viết dựa trên biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,… của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng. Cuốn sách được viết theo trình tự thời gian.Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975.
.

Năm con mèo và tuổi con chuột

Cáo trạng số 1 đăng trên các báo đồng loạt ra đầu tháng 2/1975 đều tố cáo đích danh những hành động tham nhũng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng gia đình và tay chân của vị Tổng thống. Bản cáo trạng tố cáo Tổng thống Thiệu hốt của trong đổi chác đất đai nhà cửa; bao che cho anh em, vợ vơ vét tiền bạc trong đầu cơ, xây dựng; cho tay chân kiếm tiền từ mạng lưới buôn lậu bạch phiến.

Trước Tết Ất Mão mấy ngày, AFP phát đi một bài báo từ Sài Gòn mang tên: “Năm con mèo và tuổi con chuột”. Nhiều báo, nhiều thầy bói, thầy tướng cũng đưa ra lời dự đoán về năm xấu của vị Tổng thống (tuổi Tý). Nguyễn Văn Thiệu không bỏ qua điều đó bởi ông là người cực kỳ mê tín và đa nghi.

Tổng thống Thiệu có hẳn một thầy tử vi, tướng số rất giỏi chuyên xem cho mình. Đó là lão thầy tướng tự xưng danh “Quỷ Cốc” ở đường Trương Minh Giảng. Quỷ Cốc người gầy đét, mặc bộ đồ thầy nho, chân đi guốc mộc rất lập dị. Lão nghiện thuốc phiện nặng, đầu tóc, quần áo lúc nào cũng đẫm mùi heroin. Trên cái cổ khẳng khiu với những đường mạch máu nổi cộm là khuôn mặt gầy choắt của tuổi 70. Da mặt nhăn nheo như tấm bánh tráng. Nước da màu thịt trâu tái. Sinh khí duy nhất trên bộ mặt của Quỷ Cốc là đôi mắt cực sáng, gian manh với ánh nhìn phóng ra như luồng điện.

Trước mỗi quyết định quan trọng, Tổng thống Thiệu đều hỏi ý Quỷ Cốc. Sở dĩ như vậy bởi Quỷ Cốc nhờ mấy tên cò mồi cấp tướng gần gũi Nguyễn Văn Thiệu, biết được nhiều bí mật đời tư và toan tính của ông.

Trưa 27 Tết, Tổng thống Thiệu cho cận vệ đón Quỷ Cốc đến Dinh Độc Lập. Không ai được bước chân vào phòng làm việc riêng của vị Tổng thống kể cả cố vấn thân cận nhất và vợ. Quỷ Cốc là trường hợp duy nhất ngoại lệ. Lật lá số tử vi của vị Tổng thống ra bàn, Quỷ Cốc giảng giải cặn kẽ mọi điều theo chủ ý của mình. Vừa nghe xong, Nguyễn Văn Thiệu giật thót người. Nhưng vốn là người ranh mãnh, Tổng thống Thiệu vẫn làm bộ tỉnh không.

… Nhằm đúng lúc vị Tổng thống đang hoang mang, Quỷ Cốc bồi luôn đòn quyết định để nuốt trôi cục tiền đút lót của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghị bị cách chức, đang nhờ lão thầy bói bẫy Nguyễn Văn Thiệu dùng lại mình.

Sau đó, chính Tổng thống Thiệu đã cử Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Quân đoàn 3 đóng ở Phan thiết như lời khuyên của Quỷ Cốc.

Lúc nào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng nơm nớp lo sợ bị giết, bị lật đổ vì một cuộc đảo chính của các tướng lĩnh, mặc dù tư lệnh ở cả bốn vùng chiến thuật đều là những tay chân tâm phúc do Nguyễn Văn Thiệu trực tiếp bổ nhiệm. Sở dĩ Cao Văn Viên được Tổng thống Thiệu bổ nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũng vì điều này. Viên không có tham vọng chính trị lớn. Có lần Tổng thống Thiệu nói: “Người như tướng Viên sẽ không bao giờ tham gia đảo chính”. Viên được gọi là Tổng Tham mưu trưởng bất đắc dĩ vì đã 7 lần viết đơn từ chức mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không chịu.

Đảo chính và ám sát là cơn ác mộng luôn ám ảnh Nguyễn Văn Thiệu kể từ cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm vào cuối năm 1963. Lúc đó, Nguyễn Văn Thiệu đang là sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 ở Biên Hòa. Nguyễn Văn Thiệu bị Dương Văn Minh (cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Sài Gòn) gọi về tham dự cuộc đảo chính, lật đổ Diệm. Vợ Nguyễn Văn Thiệu biết chuyện nên lén bỏ thuốc ngủ vào cà phê của chồng. Nhưng ông vẫn gượng thức dậy được và chỉ huy cuộc tấn công vào Dinh Tổng thống.

Từ Dinh Tổng thống đến trụ sở Bộ Tổng Tham mưu, Nguyễn Văn Thiệu thấy chiếc xe bọc thép đưa Diệm và Nhu từ Chợ Lớn về đỗ ở sân. Ông cho mở cửa hậu, thi thể Diệm và Nhu lỗ chỗ vết đạn và vết lê đâm. Bị cảnh tượng đó ám ảnh, Nguyễn Văn Thiệu luôn ghê sợ sự mưu sát do Mỹ chủ mưu.

Sợ hãi và đợi chờ

Khi lên ghế Tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu càng sợ bị ám sát. Ông thay đổi chỗ ở và buồng ngủ hằng đêm. Mỗi khi rời dinh Tổng thống lên xe đến trụ sở quốc hội ở đường Tự Do, ông lại lo sợ CIA có thể đặt kế hoạch trừ khử rồi đổ cho Quân giải phóng. Tổng thống Thiệu biết phòng làm việc, phòng nghỉ của mình đều bị Mỹ đặt máy nghe trộm.

Có lần, Nguyễn Văn Thiệu nói với Nguyễn Tiến Hưng (Cố vấn thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu): “Tôi chỉ thấy thoải mái trên sân quần vợt. Cứ bỏ vợt xuống là nỗi ám ảnh về cuộc đảo chính lại ập đến”.

Tổng thống Thiệu không muốn Bộ Tổng Tham mưu và bốn Bộ Tư lệnh vùng hợp tác với nhau. Ông luôn lo sợ một chính phủ của các tướng lĩnh. Thậm chí, ông không muốn họ gặp nhau. Nếu những người này ngồi với nhau bàn chuyện quân sự, thế nào họ cũng bàn về chính trị và đảo chính.

Trước khi ký hiệp định Paris năm 1973, quan hệ giữa Tổng thống Thiệu và Nick-xơn hết sức căng thẳng. Trả lời phỏng vấn Viện Nghiên cứu chiến lược (RAND – Hoa Kỳ), Bùi Diễm (nguyên đại sứ chính quyền Sài Gòn ở Washington) kể lại: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kiên quyết chống Hiệp định Paris vì điều khoản cho phép quân đội Bắc Việt Nam được ở lại miền Nam Việt Nam”.

Nhưng cuối cùng ông Thiệu buộc phải ký vì sức ép của Mỹ. Trong một số thư Nick-xơn gửi Tổng thống Thiệu, có những lời lẽ cứng rắn như: “Tôi hoàn toàn tin rằng, phương án khác thay thế cho việc ngài không chịu ký Hiệp định là Mỹ sẽ cắt bỏ hoàn toàn viện trợ cho nước ngài”.

Cuộc gặp với Nick-xơn ở Xan Clemente đã làm Tổng thống Thiệu hài lòng vì đưa ra được một bản thông báo chung rằng “Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ” nếu Hà Nội vi phạm ngừng bắn. Nhưng sau 2 năm, niềm tin của vị Tổng thống vào cam kết của Mỹ đã lung lay dữ dội…

Ngày 14/4, Tổng thống Thiệu chỉ thị TS. Nguyễn Tiến Hưng (Giáo sư Đại học Harvard) thảo một bức thư thống thiết gửi Tổng thống G. Ford xin vay 3 tỷ đô la. Lúc này, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang đều đã về tay Quân giải phóng. Tổng thống Thiệu và TS. Nguyễn Tiến Hưng không ngờ rằng cũng ngày hôm đó ở Washington, Ủy ban Đối ngoại thượng viện đã đột xuất yêu cầu họp với Tổng thống để bàn về tình hình Đông Nam Á. Bản thông điệp mà thượng nghị viện đưa ra rất ngắn gọn: Quốc hội Mỹ sẽ chỉ duyệt chi một khoản ngân sách lớn cho việc di tản, nhưng sẽ không chi một đồng nào cho viện trợ quân sự đối với Nam Việt Nam.

Đêm 20/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định từ chức và cuốn gói. Không phải vì sức ép của các phe đối lập mà bởi cuộc nói chuyện với đại sứ Martin trưa hôm đó. Martin nói rằng, Sài Gòn khó mà sống thêm được 3 tuần, “triển vọng viện trợ là rất đen tối” và “cộng sản không chấp nhận nói chuyện với Tổng thống hiện tại (Nguyễn Văn Thiệu)”.

Một tuần sau đó, khi đã chạy sang Đài Bắc, Ông Nguyễn Văn Thiệu thổ lộ với một tay chân tâm phúc của mình: “Đúng, tôi đã chuẩn bị ra đi từ rất sớm và tính toán rất đúng lúc. Tôi đợi đến khi người bệnh nằm trên giường đã tắt thở, chuẩn bị khâm liệm và cho vào áo quan, không còn ai có thể cứu được nữa – thế là đúng lúc đó tôi chuồn. Tôi không muốn để bất cứ ai có thể làm được điều gì hơn những cái tôi đã làm”.

Theo KHÁM PHÁ

Tags: , ,