⠀
Tôi dành ngón tay mình cho trang sách, không dành cho phím điện tử
Nếu không thể đi hết mọi nơi trên thế giới, hãy tìm cả thế giới trong sách. Cuộc đời bắt đầu bằng một cuốn sách và kết thúc bằng việc viết một cuốn sách.
Nhiều năm nay tôi hay đọc sách cũ, một số đầu sách tôi đã quên béng và phải đọc lại, số sách vốn trữ từ lâu trên kệ tủ thì tôi đọc mới. Một khoảng thời gian dài, tôi ngăn cách với thế giới của chữ, bây giờ, tôi trở lại và đọc như một cách gặp gỡ lại những phần lẩn khuất của thế giới.
Sách liệu có tiêu biến đi không? Tôi từng nghĩ thế. Trong một xã hội xô bồ và quá thừa thãi phương tiện giải trí, những cỗ máy đủ quyền lực để lấp đầy sự rảnh rang mà ta thiêu đốt bằng cuốn sách. Đi trên đường thật khó để bắt gặp một người hoặc một vài người vừa đi vừa đọc sách. Nếu việc vừa đi vừa đọc là sự khôi hài, dễ gây tai nạn thì tôi có thể nhìn xa hơn. Cũng thật khó để thấy người nào ngồi xe bus, ghế đá, quán cafe hay một nơi chốn đủ yên tĩnh để dành tặng thời giờ mình có cho một cuốn sách. Trừ những lúc quá cần kíp, phải tìm đến sách thì thật khó để tìm ra một người chịu đọc sách với tất cả niềm say mê. Các quán game thống trị mọi học sinh, sinh viên; có quá nhiều thú vui và chuyện để làm hơn là sách. Những quầy sách, thư viện luôn quạnh quẽ bóng người.
Một đại bộ phận người trẻ sẵn sàng dành nhiều ngày cho những chuyến đi. Họ phân tán trí óc mình bằng các cuộc tụ tập, trên mạng xã hội hay một trò game đồng đội. Họ thừa tâm trí để tán tỉnh, mồi chài lẫn nhau hơn là để nghiền ngẫm một cuốn sách. Tuổi trẻ chết yểu với một cái đầu quá thiếu thốn tri thức. Công việc cùng nỗi lo cơm áo sẽ sớm nuốt họ đi. Thời gian trở nên khan hiếm. Và mỗi lúc rảnh bàn tay họ đã dành bấm điện thoại, lia máy ảnh thay cho mở sách. Tôi đã không dành ngón tay mình cho phím điện tử. Sách tôi giở thường xuyên. Một trang, hai trang và nhiều trang kéo dài một tối. Tôi không quấn quýt với sách tới mức bất cứ lúc nào cũng phải kè kè cuốn sách, đọc chẳng bao giờ là đủ. Một đời người quá ngắn dù chỉ để trọn tình với nàng Lolita hay dịch chuột, cổng Rashomon quá hẹp nhưng chắc gì tôi có thể tham thấu hết bí ẩn của nó.
Giá của một cuốn sách là quá rẻ. Chúng ta có thể tiêu tốn hàng triệu vào việc mua sắm, ăn nhậu nhưng quá hẹp hòi khi mua sách với số tiền tương tự vậy, giá của Tội ác và hình phạt chắc gì đã hơn được tiền điện hàng tháng, bỏ lại một trận lẩu, dăm chai bia là có thể sở hữu vài cuốn sách nhưng nhiều người vẫn chọn cơn đói dạ dày hơn là phút mê ly trong trang sách của người chết.
“Nhìn tôi xem!”, công việc văn phòng đã đánh ngã tôi nhưng chờ đón tôi về nhà vẫn là một cuốn sách gấp mép. Ngày nghỉ, tôi ở lì trong nhà, pha một ấm trà, cắn thuốc lá và dâng hiến ngày chủ nhật cho việc đọc. Uống hớp trà ấm, tôi mở sách và nhâm nhi từng con chữ. Một dòng hay, sẽ là món bích quy thượng hạng dùng chung với trà. Chẳng gì quý giá bằng việc chợt chững lại trước một đoạn viết trên trang sách. Mắt tôi đảo đi đảo lại dòng sách, và đầu tôi cũng nhẩm đi nhẩm lại. Việc đọc gián đoạn trong nỗi băn khoăn, lo âu nhiều khi là khiếp đảm. Tôi có thể đọc tiếp hoặc bỏ dở sau khi đã đánh dấu trang. Không thiếu những lần tôi vừa đi lại trong nhà vì một dòng chữ. Mắt tôi hướng ra ngoài khung cửa, hoặc hắt vào tủ sách. Cuốn sách bỏ ngỏ đang chờ tôi khám phá. Tôi sẽ vẫn nghĩ ngợi, chép lại dòng chữ trong sách lên mặt sổ để tiếp tục trằn trọc trên giường ngủ.
Đã từng ai mang theo một trang sách vào giấc ngủ chưa? Động tác vắt tay lên trán, hòng phá vỡ bát quái đồ của chữ để tiến sâu vào cuốn sách thật khoái trá. Động tác gập đi gập lại, tắt đèn rồi lại thắp lên quý giá còn hơn vé trúng độc đắc. Khi đọc, với tinh thần đọc sách sẽ chẳng ai bận tâm đến tiếng chuông đồng hồ. Thời gian như bị nghiền ra, bị đập mỏng như những quả lắc đồng hồ của Savaldo.
Lới nói im, ta nằm chờ siêu thoát
Mơ Hoàng thành dựng lại bản thanh âm
Đinh Hùng viết trong tôi hay tôi đang gợi tiếng thơ của người xưa. Và rồi, đi lại trong chữ nghĩa của người xưa, tôi chẳng nhặt được mảnh lệ nào ngoài sự tan hoang, xô bồ và quá trớn của phố thị.
Sách không tiêu tan nếu được ai đó đọc và ngấm vào đầu. Các nhà văn thí đời mình để viết một cuốn sách, không thiếu những người vì sách mà mù lòa và coi việc viết sách như sự sáng tỏ thế giới. Không thiếu người đã tự sát sau khi để lại hàng chồng sách được viết lên từ máu cuộc đời mình. Họ chết, và sẽ tái sinh nếu sách họ còn được đọc. Mua một cuốn sách, đâu phải để nhét vào kệ như một thú vui. Những quyển sách mới cứng, còn tỏa mùi mực và chốc lát lại thấy trang chưa rọc, được cất trong cái tủ thật đẹp và quét bụi định kì. Tôi không cho rằng đấy là sự tôn trọng đối với sách. Điều này như một tội ác.
Sách trở thành thứ trang trí, vật khoe mẽ và chết mục trong sự bảo vệ kĩ lưỡng tới mức không chạm một dấu vân tay. Sự trường tồn của sách đâu nằm trong rương tủ, kho vàng kho bạc. Sách cần được tự do. Một cuốn sách mối mọt là lỗi của thời gian. Còn cuốn sách quá mới, thì là lỗi của con người. Thay vì bị neo một chỗ. Các cuốn sách khác lại được trôi nổi khắp nơi, đi hết giá sách này đến quầy sách nọ. Lớp bìa cứng như bỏ cách bọ hung tróc dần dần, ngả màu, hoặc rách tan và được băng bó bằng một lớp bìa, một miếng băng dính. Những trang sách với nhiều nếp quăn, gấp, vệt ố, các dấu gạch bút chì và nhiều khi bị xé đi vì tham vọng được chiếm hữu. Chúng được truyền tay, có mặt trong nhiều cuộc tranh cãi và thành cảm hứng cho một cuốn sách. Chính những điều này đã làm sách thêm bất tử.
Các văn nhân được sống lại và có thể lắm, nếu tôi gặp họ trong giấc mơ. Một thoáng dằn vặt bởi một chương sách, để sau đấy thấu tường và tìm ra đảo giấu vàng, sẽ chẳng món quà nào trong sạch hơn sách. Trong một trang sách có biết bao cuộc đời, biết bao nỗi đau nhân loại. Khi thấy một cuốn sách rách tan nát, cũ mèm nhưng ai cũng biết, còn đọc và còn tranh luận, đấy là chiến thắng của sách. Một bữa tiệc thịnh soạn mấy cũng chỉ làm ta thỏa đói chốc lát. Bộ áo quần dệt tơ tằm rồi cũng lỗi thời. Tòa lâu đài có nguy nga cũng sẽ đổ nát, hoang phế. Còn sách sẽ đối trọng với cả thời gian miễn là còn con người và con người còn đọc.
Chính sách, chứ không phải thứ gì khác đã bắc thang và xóa đi mọi ranh giới để kéo con người lại gần nhau. Đừng than thở về sự cô đơn nếu như chưa chuẩn bị cho mình một tủ sách. Những cuốn sách hay không chắc sẽ làm thế giới tốt lên nhưng nó sẽ hạn chế thấp nhất phần xấu xa của con người.
Sách, là sự thật và sống thọ như một sự thật. Bên cạnh những cuốn sách chết yểu thì không thiếu những cuốn sách phải một thời gian mới sống lại. Sách giá trị thường khó được chấp thuận trong thời đại nó sinh ra. Cuốn sách bị vùi đi, nhưng chẳng vì vậy mà bị quên lãng. Đấy chỉ là một hạt giống nằm dưới đất sâu vẫn miệt mài đâm chồi. Để viết ra những sự thật, sẽ có cái chết hoặc những đọa đày thống khổ hơn cái chết. Sách hoặc chẳng được công khai rộng rãi, bị xé, đốt bỏ hoặc chỉ là xấp bản thảo dày được bảo vệ âm thầm. Nhưng cuối cùng sách sẽ chiến thắng.
Sách là thứ văn hóa cao hơn mọi văn hóa, uyên bác hơn mọi người thầy, tri kỉ hơn mọi tri kỉ và chính nghĩa hơn mọi chính nghĩa. Việc ruồng rẫy sách, dù bằng việc mua thật nhiều, rồi chất tủ, hay đánh mất đi tinh thần đọc, dù nhiều hay ít thì chúng ta đã tự đánh mất cơ hội để thay đổi. Cuộc sống rèn giũa ta lớn lên, còn sách dạy cho cách ta lớn lên. Nếu không thể đi hết mọi nơi trên thế giới, hãy tìm cả thế giới trong sách.
Cuộc đời bắt đầu bằng một cuốn sách và kết thúc bằng việc viết một cuốn sách.
Theo TRU SA / TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Văn hóa đọc