Toàn cảnh trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại ở Kursk

6.000 xe tăng, 4.000 máy bay, 2 triệu binh lính đã được huy động trong trận Vòng cung Kursk, trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại, làm xoay chuyển cục diện Thế chiến II.

Theo History, sau khi đánh bại phần lớn châu Âu một cách dễ dàng với chiến thuật “Blitzkrieg” – sử dụng bộ binh cơ giới với nòng cốt là xe tăng hùng hậu đánh thọc sâu, phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương ở tốc độ cao, sự áp đảo về quân số và xe tăng của Đức quốc xã khiến quân đội các nước châu Âu nhanh chóng vỡ trận và thất bại. Adolf Hitler cao ngạo dồn hết lực lượng quyết tâm đánh bại bằng được Liên Xô.

Đến tháng 6/1942, quân đội Đức quốc xã đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Hitler tin rằng sẽ dễ dàng chiếm thành phố chiến lược Stalingrad, từ đó mở đường cho việc đánh bại Liên Xô. Tuy nhiên, khi Tập đoàn quân số 6 của Đức quốc xã tấn công vào Stalingrad đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân.

Cuộc vây hãm ở Stalingrad khiến quân đội Đức quốc xã tổn thất nặng nề. Binh sĩ Đức không được chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt ở Nga, trong khi nguồn cung lương thực ngày một cạn kiệt. Binh sĩ đói rét, bệnh tật, trong khi lời hứa tăng quân tiếp viện mà Hitler cam kết trước đó không thực hiện được.

Tướng Friedrich Paulus, Tư lệnh Tập đoàn quân số 6 đã đầu hàng Hồng quân vào tháng 2/1943, hành động mà Hitler gọi là “phản quốc”. Thất bại ở Stalingrad trở thành điểm then chốt trong cuộc chiến. Nó đẩy Đức quốc xã ở lại phía nam Liên Xô và yếu đi.

Nó cho thấy quân đội Đức quốc xã không phải là đội quân “bất khả chiến bại”. Với Hitler đó là “sự sỉ nhục” và quyết tâm lấy lại thanh thế bằng một cuộc tấn công với quy mô chưa từng có.

Kế hoạch liều lĩnh của Hitler

Sau thất bại Stalingrad, mùa hè năm 1943, quân đội Đức quốc xã quyết định tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực vòng cung Kursk nhằm làm suy yếu tiềm năng của Liên Xô.

Hitler cho rằng chiến thắng ở đây sẽ khẳng định sức mạnh của Đức, nâng cao uy tín với các đồng minh đang muốn rút khỏi cuộc chiến.

Để phục vụ cho trận đánh chiến lược quyết định này, quân đội Đức quốc xã đã huy động 22 sư đoàn bộ binh với tổng quân số 912.460 binh lính, 17 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới với tổng số 2.982 xe tăng các loại trong đó có 800 chiếc Tiger – loại xe tăng chiến đấu chủ lực lừng danh của Đức, 9.966 khẩu pháo các loại, 2.110 máy bay chiến đấu.

Lực lượng này chiếm đến 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía Đông.

Hitler đã đặt mật danh cho chiến dịch này là Citadel. Ông chính là người đã khai sinh việc đặt mật danh cho các chiến dịch quân sự lớn về sau. Theo sắc lệnh số 6 do Hitler phát hành, tập đoàn quân Trung tâm do Thống chế Gunther von Kluge chỉ huy phối hợp cùng Tập đoàn quân số 9 do tướng Walter Model lãnh đạo tạo thành gọng kìm ở phía bắc.

Tập đoàn quân phía nam do Thống chế Erich von Manstein chỉ huy phối hợp cùng Quân đoàn Panzer 4 tấn công.

Ban đầu chiến dịch Citadel dự định bắt đầu vào ngày 3/5/1943, nhưng sau đó Hitler đã cho hoãn chiến dịch đến ngày 12/6. Ông cho rằng, xe tăng là chìa khóa của chiến dịch nên tiếp tục hoãn chiến dịch đến ngày 5/7 để chờ đợi các vũ khí mới như xe tăng Panzer và nâng cấp xe tăng Tiger.

Việc Đức hoãn kế hoạch tấn công để củng cố thêm lực lượng đã tạo điều kiện cho đối phương gia tăng tuyến phòng ngự.

Về phía Liên Xô, từ các thông tin tình báo và trinh sát thu thập được, Nguyên soái Georgy Zhukov khẳng định rằng, quân đội Đức sẽ tiến hành chiến dịch quân sự lớn vào khu vực Kursk cách 450 km về phía tây nam Moskva.

Nguyên soái Zhukov đề nghị xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc kéo quân Đức sa vào cái bẫy để đập tan lực lượng thiết giáp, tạo điều kiện cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định. Hồng quân đã xây dựng 6 vành đai phòng thủ với chiều sâu 130-150 km trong đó có 3 khu vực phòng ngự chính với chiều sâu 40 km.

Lực lượng công binh Hồng quân đã cài 503.663 quả mìn chống tăng, 439.348 quả mìn sát thương trên 3 khu vực phòng ngự chính. 4.800 km giao thông hào đã được đào chằng chịt trong khu vực. Các bãi mìn tại khu vực Kursk có mật độ 1.700 quả mìn sát thương và 1.500 mìn chống tăng trên km 2, gấp 4 lần mật độ được sử dụng để bảo vệ Moskva.

Lực lượng huy động cho chiến dịch phòng ngự tại vòng cung Kursk lên đến 1,3 triệu quân, 3.600 xe tăng các loại, 20.000 khẩu pháo chủ yếu là pháo chống tăng, 2.729 máy bay chiến đấu các loại. Lực lượng này chiếm 26% tổng quân số Hồng quân, 26% lực lượng pháo binh, 35% máy bay và 46% lực lượng tăng thiết giáp.

1.200 xe tăng xung trận cùng lúc

Sáng sớm ngày 5/7/1943, quân đoàn II SS Panzer phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực Kursk. Sau một tuần công kích, mũi tấn công phía nam của Thống chế Von Manstein tiến được 36 km vào tuyến phòng ngự nhưng không phá vỡ được. Hướng tấn công phía bắc của Tập đoàn quân trung tâm chỉ tiến được 12 km vào tuyến phòng ngự.

Ngày 10/7, Hồng quân bắt đầu chiến dịch phản công quy mô lớn, cuộc chạm trán giữa đôi bên lên đến đỉnh điểm vào ngày 12/7 tại cánh đồng Prokhorovka.

Chỉ trong vòng 3 ngày, hai bên đã tung vào trận chiến những sư đoàn xe tăng hùng mạnh nhất với tổng số lên đến 1.200 xe tăng và pháo chống tăng tự hành. Trận đánh tại Prokhorovka trở thành cuộc chiến xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại.

Tại Prokhorovka Tập đoàn quân xe tăng số 5 của Hồng quân đã chạm trán Tập đoàn quân II SS-Panzer của Đức.

Hồng quân đã sử dụng chiến thuật táo bạo khi cho xe tăng hạng trung T-34 cắt vào giữa đội hình xe tăng Đức. Những chiếc T-34 nhanh nhẹn quần thảo giữa đội hình những chiếc Tiger và Panzer nặng nề khiến đội hình tấn công bị cắt đứt buộc phải rút lui.

Cả hai bên đều chịu thiệt hại nặng song đợt tấn công của Đức đã bị chặn đứng. Tối 12/7, Hitler triệu tập Kluge và Manstein yêu cầu ngưng chiến dịch Citadel để rút quân về đối phó với đợt tấn công của quân đồng minh vào miền Nam nước Pháp.

Ngày 16/7 quân Đức rút về vạch xuất phát, trong khi Hồng quân đã phát động đợt phản công quy mô lớn nhằm chiếm ưu thế trên mặt trận phía đông. Lần đầu tiên, một đợt tấn quy mô lớn chưa từng có của Đức phải dừng lại trước khi đạt được sự đột phá.

Tổn thất của đôi bên

Trận Vòng cung Kursk là chiến thắng mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến trường. Thắng lợi của Hồng quân đẩy quân đội Đức quốc xã từ thế chủ động lâm vào thế bị động. Tuy nhiên, cái giá của chiến thắng không hề rẻ.

Theo số liệu của nhà sử học Grigoriy Krivosheyev, trong trận Kursk, 429.890 chiến sĩ Hồng quân hy sinh, tổng số quân hy sinh và thương vong lên đến 685.456 người. Tổn thất về trang thiết bị vũ khí rất lớn, 1.614 xe tăng bị phá hủy trong tổng số 3.600 chiếc tham chiến. 2.349 khẩu pháo các loại bị phá hủy, 1.116 máy bay bị bắn rơi.

Các số liệu về tổn thất của quân Đức không rõ ràng. Theo nhà sử học Karl Heinz Frieser, khoảng 198.000 binh lính thiệt mạng hoặc bị thương, 760 xe tăng bị phá hủy, 524 máy bay bị bắn rơi. Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói “Trận Stalingrad là kết thúc của sự khởi đầu nhưng trận Kursk là khởi đầu của sự kết thúc”.

Thất bại tại trận vòng cung Kursk khiến cục diện Thế chiến II đảo chiều. Hồng quân phản công, kết hợp với Mặt trận phía tây của phe Đồng minh tạo nên gọng kìm siết chặt lực lượng Đức quốc xã.

2 năm sau thất bại tại Kursk, quân đội Đức quốc xã đã bị đánh tan. Một số nhà sử học nhận định, chính sự ngông cuồng của Hitler trong việc đánh bại bằng được Liên Xô đã khiến Đế chế thứ 3 sớm lụi tàn.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,