Tổ chức quân sự – quan chế của người Chăm trong lịch sử

Lâm Ấp – Champa trong lịch sử từng là vương quốc mạnh, tuy lãnh tổ không rộng lớn nhưng về quân đội võ lực thì có một lực lượng hiếu chiến đáng gờm từng Bắc cự Việt, Tây bình Miên, Đông chống Chà Và, Nam đánh Bồ Đào Nha (gửi quân giúp Johor chống Bồ Đào Nha).

Tổ chức quân sự – quan chế của người Chăm trong lịch sử

Về quân sự

Quân đội Chăm theo các bi ký, hình khắc rời rạc trong sử thì là đạo quân thường trực của vua với khoảng 4 -5 vạn người, khi cần thì huy động thêm quân từ các tiểu vương trong xứ Chăm. Binh sĩ Chăm được trang bị áo giáp đan từ mây, sử dụng cung tên chủ yếu làm từ tre, bên cạnh những thứ đó thì còn sử dụng cả kích, nỏ, toản (1 thứ vũ khí giống kích), giáo và mộc. Do là quân thường trực nên các binh sĩ được trả lương bằng hiện vật gồm thóc gạo và quần áo với 2 giạ lúa cho 1 tháng cũng như 3 -5 bộ quân phục cho mùa đông và mùa hè.

Trong chiến trận, ở 1 vài thời kỳ, quân Chăm còn duy trì cả kỉ luật sắt khi mà nếu trong 1 đội nhóm chiến đấu cơ bản ( thường là 10 người trở xuống) có 1 hay vài binh sĩ đào ngũ thì các binh sĩ còn lại trong nhóm có nguy cơ sẽ bị xử tử.

Bên cạnh bộ binh, quân đội Lâm Ấp – Champa còn có các đơn vị binh chủng khác như tượng binh, kỵ binh, hải quân và trong 1 vài trường hợp như khi vua Po Klong Garai tiến đánh đế quốc Khmer khoảng năm 1185 thì còn có cả chiến xa vốn được miêu tả trong bản sử là lên tới cả ngàn chiếc.

Về tượng binh thì voi chiến Champa – Lâm Ấp được trang bị giống quân Chân lạp, Voi chiến loại thường của quân sĩ bên cạnh bành voi thì vũ khí chiến đấu trên lưng voi chủ yếu là lao sắt với cung tên., khác hẳn với voi chiến Thái – Miến đời sau vì voi chiến Thái – Miến tướng cưỡi đầu voi, khi lâm trận thường dùng đao dài giáp chiến với voi chiến kẻ thù. Ngoài ra, voi chiến Lâm Ấp – Champa, với voi chiến của chỉ huy thì bên cạnh những thứ thường có thì họ còn trang bị thêm lọng che làm nơi ngồi cho cấp chỉ huy. Voi chiến Champa có lúc đạt cấp thiết tượng – voi bọc giáp

Tuy rằng với lãnh thổ nhiều rừng núi của mình, việc đào tạo và sở hữu 1 lực lượng tượng binh hùng hậu là không hề khó nhưng ở thời kỳ đầu, voi chiến có nhiều mặt hạn chế khi trong 1 trận giao tranh với quân viễn chinh nhà Lưu Tống thời Nam Bắc triều, quân phương bắc do Đàn Hòa Chi chỉ huy đã dùng hình nộm sư tử khiến cho đoàn quân thiết tượng của Lâm Ấp – Champa tưởng thật , phải bỏ chạy tán loạn ngay khi vừa nhìn thấy làm cho quân Lâm Ấp trận đó thua tan nát.

Bên cạnh đội voi chiến chủ lực thì lực lượng kỵ binh dù sinh sau đẻ muộn nhưng cũng không kém phần quan trọng trong quân đội Lâm Ấp – Champa. Thông thường khi xuất trận, thường đội hình chiến đấu của quân Lâm ấp – Champa là 1 voi chiến được kèm bởi 5 kị binh và 30 bộ binh với 15 người phía trước và 15 người ở phía sau để trợ trận với hiệu lệnh tấn công thường là tiếng trống trận.

Bên cạnh các đơn vị lục quân, thủy quân Chăm cũng có quy mô đáng kể. Do lãnh thổ cư trú của người Chăm là ven biển, thuận lợi cho việc giao thương nên ngay từ trong thời gian buổi đầu thành lập nhà nước Lâm ấp, người Chăm đã có được 1 lực lượng thủy quân quy mô đáng kể.

Chỉ riêng trong lần hộ tống Ngô Nhật Khánh tiến đánh nhà Tiền Lê năm 979, vua Ba mị Thuê Paramesvaravarman đã huy động tới tận 1000 chiến thuyền tiến ra bắc dù cho sau đó hạm đội này gặp bão nên bị chìm phần lớn ở vùng biển 2 cửa Đại Ác và Tiểu khang .

Và thường trong xã hội Chăm, vua là người đứng đầu lực lượng quân đội kiêm luôn nhiệm vụ tư lệnh tối cao. Trong không ít các chính sử, các vua Chăm đều thường đích thân dẫn binh ra trận như Po Klong Garai, Po Binasuor, Harijit, Porome…

Về quan chế

Bên cạnh lực lượng quân sự thì không thể ko kể đến hệ thống quan lại của người Chăm, do ghi chép rời rạc và phần lớn bị tiêu hủy trong chiến loạn nên ghi chép hệ thống bộ máy quan lại của Lâm Ấp – Champa không còn nhiều. Vua Champa là người trị vì toàn bộ liên bang Chăm với tước hiệu thường là Maharaja – Đại vương (tước hiệu này vay mượn từ Ấn độ) hoặc Maharajadhiraja a.k.a Rajadhiraja (Đại vương tối cao, vua của các vị vua) hay Adhikharaja với ý nghĩa cũng tương tự. Các vị tiểu vương ở các vùng thì xưng là Raja.

Cấp bậc dưới vua là Yuravaja a.k.a người kế vị vua hoặc phó vương, Amatyra là thượng thư, Dandavaso bhatah (chỉ huy quân cấm vệ), Adhipati (tể tướng), Danay Pinang (Quan hầu trầu)…

Nhìn chung bộ máy quan lại Champa được chia làm 3 loại là tôn quan là những quan đầu triều với chức Senapati Tây Na Ba Đế đứng đầu hàng võ quan, Tapatica Tát Bà địa ca đứng đầu văn quan. Hạng thấp hơn là thuộc quan được chia làm ba cấp nhỏ là Luân Ba đình, Ca Luân tri Đế và Ất tha Gia Lan. Cấp cuối cùng là Ngoại quan với 2 cấp là Phất La và Khả Luân.

Với các cấp bậc chỉ huy quân đội, bên cạnh Senapati (tướng) còn có Mahasenapati (đại tướng), Agrasenapati (tư lệnh, chỉ huy)…

Bên cạnh đó thì do tính chất lưỡng hợp vương quyền – thần quyền, nên cũng có 1 bộ phận tu sĩ Bà la môn cũng được tham gia vào triều đình. Và họ cũng trở thành 1 bộ phận quan trọng của triều đình Chăm và được kế tục bới các vị tu sĩ Bà la Môn trong xã hội Chăm ngày nay.

Theo LỊCH SỬ CÓ GÌ HAY

Tags: