Tĩnh tâm và nhìn nhận lại xu thế ‘bỏ phố về quê’ ở Việt Nam

Tôi hoàn toàn hiểu khi trong mùa dịch bệnh, càng nhiều người nuôi giấc mơ bỏ thành phố để sống ở quê.

Tĩnh tâm và nhìn nhận lại xu thế ‘bỏ phố về quê’ ở Việt Nam

Tác giả: Marko Nikolic, nhà văn người Serbia, sống ở Việt Nam từ 2014. Nguyên tác tiếng Việt.

Nông thôn Serbia khiến các bạn nước ngoài thích mê ly. Nó yên tĩnh, nhiều cây xanh, không khí trong lành, thực phẩm tươi. Nhưng đối với tôi khi còn là một cậu bé, vùng quê có vẻ buồn tẻ, nhàm chán, thiếu chỗ vui chơi. Mùi hôi của gia súc còn gây cảm giác khó chịu. Mỗi lần về quê bố mẹ ở Serbia, tôi cứ thấy bơ vơ bứt rứt, chỉ thèm sớm quay lại thành phố.

Tôi rất ngạc nhiên khi chú tôi, một người vốn năng động, từng làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế và dành phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, quyết định bỏ nước Anh để về sống trong ngôi nhà nhỏ miền quê Serbia. Chú sống giản dị, nuôi chó và chăm sóc vườn cây trái, “già rồi nên chú muốn trở về thiên nhiên để tìm lại bình yên”.

Thời gian càng trôi qua, lời chú càng khiến tôi suy nghĩ. Tôi ngày một thấy mệt mỏi, khó thở khi phải vật lộn tại thành phố chen chúc, xô bồ. Tôi đã sống tại Hà Nội 5 năm. Ở đây, hình như ai cũng sống gấp để mưu sinh. Sáng sớm đã phải chạy xe trên phố đông, hít khói xe rồi tới công ty, chấm công, làm việc cạn sức để chiều lại bị kẹt giữa biển xe cộ.

Vợ chồng tôi quyết định tổ chức đám cưới vào tháng tư để tranh thủ thời điểm Việt Nam không có dịch lây lan cộng đồng. Mặc dù gia đình tôi không thể sang Việt Nam để dự lễ do đại dịch, đám cưới vẫn diễn ra ấm áp, vui vẻ.

Vừa cưới xong hôm 25/4, tôi cùng gia đình vợ đi du lịch Đà Nẵng. Bãi biển Mỹ Khê, phố cổ Hội An đông nghẹt người, phần lớn không đeo khẩu trang vì chưa có tin tức nào về virus trong cộng đồng.

Thế rồi chuỗi lây nhiễm cộng đồng mới ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái… Mới thoát khỏi gánh nặng về tài chính liên quan đến đám cưới, tôi lâm vào cảnh bấp bênh cùng nhiều giáo viên khác khi Hà Nội cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa COVID-19.

Nghĩ đến cảnh sẽ phải cố thủ hàng tháng trong bốn bức tường ở Hà Nội, giá cả có thể đắt đỏ hơn, chưa kể nỗi lo thu nhập bị giảm sút vì COVID, tôi bỗng dưng không sợ mùi gia súc ở nông thôn nữa. Tôi thấy đồng cảm với những người bỏ phố về quê. Hai năm qua, người quen của vợ chồng tôi, có người về quê để tránh dịch mỗi làn sóng COVID, có người đã bỏ thành thị luôn.

Các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM hôm nay điên đảo trong vòng xoáy của sự phát triển. Lao động từ các tỉnh lân cận ngày một đổ về nhiều hơn đem theo ước mơ ngày mai tươi sáng. Nhưng tươi sáng không phải khi nào cũng đến. Nguồn cung lao động tăng, đất chật chỉ làm sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Mức lương đôi khi không đủ để tận hưởng các dịch vụ hiện đại của phố thị. Chênh lệch giàu nghèo ngày một tăng, giá cả đắt hơn ở quê, nhà đất tăng liên tục khiến giấc mơ ổn định ở thành phố ngày một rời xa tầm với.

Trong khi đó, vùng quê dường như trở nên lôi cuốn người thành thị. Nó thanh bình, thoáng đãng, dễ thở hơn. Chi phí sống ở quê thấp, chưa kể có rau sạch để ăn. Nó khiến ta mơ mộng về một cuộc sống bình dị, an nhàn, nhất là khi xem những bức ảnh mộng mơ trên mạng. Ai đó thư giãn bên hiên một ngôi nhà xinh xắn, đọc sách dưới bóng cây và ngắm hoàng hôn hờ hững phía đồi xanh. Người ta khoan khoái hít không khí trong lành và ăn thực phẩm tự nhiên, nở nụ cười mãn nguyện. Chẳng phải giấc mơ của mỗi chúng ta sao?

Nhưng trào lưu bỏ phố về quê, bỏ việc văn phòng để về nông thôn cầm cày cuốc; thậm chí có người bán nhà phố để về quê khởi nghiệp, mở nông trại hay homestay liệu thực sự là giải pháp cho những khuyết điểm của phố thị hay chỉ là lối thoát vội vã và sai lầm?

Trấn tĩnh lại, tôi thấy hình như chúng ta có khuynh hướng lãng mạn hóa vùng quê. Thực tế cho thấy, lựa chọn này không dễ dàng và vui thú. Bạn yêu thiên nhiên không có nghĩa là bạn có thể trồng cây, làm nông nghiệp và chịu được việc nặng nhọc. Thức dậy lúc 5 giờ sáng để cho gia súc ăn, dọn phân rồi ra vườn cuốc đất, phơi mình ngoài nắng là công việc vất vả ngoài sức tưởng tượng với ai chưa quen với lao động chân tay ngoài trời. Thu nhập bấp bênh cộng với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, lạc hậu. Thậm chí không khí có thể không trong lành, nước không sạch như ta tưởng vì người dân ồ ạt đốt rơm rạ, dùng bếp củi, bón phân hóa học.

Tôi tận mắt chứng kiến nỗi khó khăn ở nông thôn mỗi khi về quê vợ, một vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Lào của tỉnh Nghệ An. Trong làng gần như không có dịch vụ nào nên mọi người phải xuống núi để sắm thực phẩm và nhu yếu phẩm. Người lớn tuổi gặp nhiều khó khăn vì dịch vụ y tế kém, phải lên thành phố, đi xa để khám chữa bệnh. Người trẻ phải đối mặt với những bất cập về giáo dục và không có nhiều cơ hội để học tốt. Thất nghiệp trá hình đẩy nhiều người ở nông thôn vào tệ nạn xã hội như nghiện rượu.

Trong khi các thành phố lớn ở Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục trong thập kỷ qua, hình như thời gian ở nông thôn đã ngừng lại. Tôi có cảm giác rằng người dân ở đây sợ hơn hết một điều: sự đình trệ, không chút phát triển trong thời gian dài và ngày một tụt lại phía sau các đô thị.

Tuy vậy, tôi không khẳng định rằng bỏ phố về quê là một quyết định sai lầm hay hão huyền. Thay vì tranh luận đúng sai, đại dịch là dịp để chúng ta định nghĩa lại trào lưu này.

Thứ nhất, về quê không nhất thiết phải làm nông. Nhờ sự phát triển của mạng Internet và do đại dịch, nhiều người đã làm việc từ xa và kiếm sống trực tuyến. Họ có sự tự do nhất định về mặt tài chính và sống ở quê có thể giúp họ giảm chi phí sinh hoạt.

Thứ hai, bỏ thành phố không nhất thiết là phải sống ở nông thôn. Thay vào đó, ta có thể chuyển về một thị xã hay thị trấn đỡ đông đúc, chen chúc như thành phố lớn nhưng vẫn tiện nghi hơn vùng quê. Nếu nó ở vị trí gần một đô thị lớn để có thể di chuyển nhanh khi cần thiết thì càng tốt.

Tôi dự đoán trào lưu bỏ phố về quê sẽ lắng xuống thời gian tới. Vì dù có dịch bệnh hay không, đô thị hóa vẫn là con đường phát triển tất yếu tại đại đa số quốc gia – nhờ đó nền kinh tế mới có thể tiếp tục đi lên. Những người trẻ mới bước ra đời, luôn có xu hướng tìm tới đô thị bởi ở đó cho họ cơ cơ hội có thu nhập và tự khẳng định bản thân. Với tốc độ phát triển năng động của Việt Nam, có thể một nhóm người từ các đô thị lớn sẽ lựa chọn di cư đến những thành phố nhỏ hơn nhưng nhiều tiềm năng và chưa bị quá tải.

Nhưng ở vai trò của mình, tạo ra chính sách khuyến khích người trẻ về xây dựng nông thôn cũng là hướng đi rất tốt cho Việt Nam để có nền kinh tế cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Tôi hỏi người quen, họ nói hiện chưa thấy những chính sách như vậy.

Cỏ bên kia đồi chắc là ngon. Con người, dù ở phố hay quê, thường có khuynh hướng đứng núi này trông núi nọ, cảm thấy chưa hài lòng với những gì mình có và luôn cho rằng người khác đang sung sướng hơn.

Vậy nên, thay vì đi theo cảm xúc hay lời đồn, ta nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ về lợi hại nếu thay đổi môi trường sống. Biết đâu, bạn lại tìm ra chính xác nơi mình muốn sống nhất trong cuộc đời nhờ thời gian tránh dịch.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,