Tinh thần quốc tế Cuba – tượng đài bất diệt trong lòng nhân loại

Tinh thần đoàn kết quốc tế của Cuba là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử quan hệ quốc tế. Hiện tượng này đã, đang và sẽ thôi thúc các nước đấu tranh tích cực vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Tham luận của tác giả Nguyễn Văn Toàn – ĐH Khoa học Huế

“Một đất nước bé nhỏ, và vẫn mãi tồn vong trong khuôn khổ chật hẹp ấy, thì không khi nào và không bao giờ tạo đủ số vật liệu để xây dựng nên tượng đài của mình trong lòng nhân loại. Và, càng là sự mộng tưởng hão huyền khi bản thể của nó là sự quay lưng lại với một thế giới tự do đang ngày càng thịnh vượng và phát triễn” – Một chính trị gia Hoa Kỳ đã nhận định như vậy về kẻ thù “cách 90 hải lý” của họ : nước Cuba xã hội chủ nghĩa.

Nhà chính trị gia trên đã nói đúng về một sự thật : thế giới đã và đang tồn tại một đất nước hải đảo bé nhỏ, nằm chơi vơi giữa trùng khơi của vùng biển Caribê. Sự thật về một đất nước còn nghèo khó, thiếu lương thực, thiếu năng lượng, thiếu sự cập nhật công nghệ hiện đại của thế giới và thiếu đủ mọi thứ. Song có một sự thật ông ta đã cố tình giấu đi (hay nói đúng hơn trong nhận định của ông ta, là một sự dối trá). Đó là việc tồn tại ngày một lớn dần của Tượng Đài : “TINH THẦN QUỐC TẾ CUBA” trong lòng nhân loại tiến bộ.

Người viết nhận thấy đây là một đề tài đáng được quan tâm nghiên cứu. Đề tài này không chỉ đơn thuần là sự cần thiết về tri thức lịch sử mà còn góp phần vào việc bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối chính trị-ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh đất nước đang ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Tại sao như vậy? Một là, “Tinh thần quốc tế” của Cuba và Việt Nam có khá nhiều điểm gặp nhau. Do vậy, vừa phải hiểu mình vừa phải hiểu bạn để tiến tới sự hoàn chỉnh hơn về lý luận chính trị-đối ngoại là điều phù hợp với tư duy lịch sử. Hai là, nghiên cứu “Tinh thần Quốc tế của Cuba” để phục vụ cho nền chính trị-ngoại giao Việt Nam hiện nay là một sự khởi điểm nhưng cơ bản và cần thiết. Bởi hiện nay chúng ta không chỉ có những mối quan hệ “thắm tình hữu nghị” như quan hệ với Cuba mà Việt Nam đã, đang và sẽ quan hệ với cả thế giới muôn hình vạn trạng. Do đó, chúng ta cần phải hiểu được các mối quan hệ ngoại giao truyền thống, hữu nghị  thì mới có điểm tựa vững chắc để “hòa nhập nhưng không hòa tan với thế giới”.

Trong bài tham luận này, trên cơ sở đúc kết những công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối đi trước về Cuba, người viết cũng đã nỗ lực tìm kiếm và tạo ra sự mới mẻ của vấn đề bằng các luận điểm riêng của bản thân. Nội dung của bài tham luận này tập trung vào những vấn đề chính sau :

– “Tinh thần Quốc tế” của Cuba được thể hiện như thế nào?

– Nguồn gốc của tinh thần đó từ đâu mà có?

– Nhân loại đã công nhận tinh thần Quốc tế của Cuba như thế nào?

Hy vọng các nhà nghiên cứu và những người quan tâm sẽ tận tình trao đổi, bổ sung và hoàn thiện thêm nội dung đề tài ý nghĩa này.

1.TINH THẦN QUỐC TẾ CỦA CUBA ĐƯỢC THỂ HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

1.1.Ủng hộ phong trào cách mạng thế giới

1.1.1. Đối với nhân dân Mỹ tiến bộ: đoàn kết và ủng hộ. Đối với đế quốc Mỹ: lên án và đấu tranh không khoan nhượng.

Cuba luôn bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với quần chúng lao động bị phân biệt đối xử và bị áp bức cũng như với các lực lượng tiến bộ khác ngay trên đất Mỹ. Cuba luôn ủng hộ phong trào đấu tranh của người da màu tại Mỹ đòi các quyền dân sinh, chống sự thù hận và phân biệt chủng tộc đối với người da đen, chống sự phân biệt đối xử với những người Mỹ gốc Mỹ Latinh và các dân tộc thiểu số khác…Mục sư da đen, lãnh tụ phong trào đấu tranh của người Mỹ da đen đòi bình đằng với người Mỹ da trắng, Martin Luther King là một người rất yêu thích tư tưởng bình đẵng của Chủ tịch Cuba Fidel. Sự kiện năm 1961, khi Hiến pháp Mỹ bổ sung thêm Tu chính án quy định sự bình đẵng giữa các màu da một phần cũng là nhờ sự tác động của cách mạng Cuba.

Cuba nhiều lần lên án và đấu tranh không khoan nhượng đối với sự hiếu chiến và dã tâm thực dân của đế quốc Mỹ. Chẵng hạn, nhằm cản trở sự bành trướng của tên lửa hạt nhân Mỹ trên thế giới, nhằm bảo vệ Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội anh em (Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ) trước những tên lửa hạt nhân của Mỹ được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Cuba đồng ý cho Liên Xô bố trí các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại đất nước mình. Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nói “Đó là bước đi dũng cảm…cần thiết cho hệ xã hội chủ nghĩa, thì chúng tôi đồng ý để bố trí tên lửa Liên Xô ở hòn đảo chúng tôi. Chúng tôi có thể sẽ là những người phỉa hy sinh trước tiên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ cũng chẵng sao”.(1)

1.1.2. Đoàn kết chặt chẽ với Châu Mỹ Latinh

Cuba đã tích cực giúp đỡ phong trào cách mạng của Châu Mỹ Latinh. Đầu tiên, sau khi Cách mạng mới thắng lợi, Cuba đã mạnh mẽ lên tiếng trước các tổ chức quốc tế, đấu tranh đòi độc lập cho Porto Rico. Cuba coi hai nhà cách mạng Juan Juarbe Juarbe và Laura de Albizu Campos của Porto Rico như công dân Cuba, đưa hai người này vào thành viên phái đoàn thường trực của Cuba tại Liên Hợp quốc, để tạo cho họ cất cao tiếng nói tại diễn đàn rộng lớn nhất thế giới, đòi phi thực dân hóa cho Porto Rico. Không chỉ dành sự giúp đỡ ấy cho Porto Rico, Cuba còn giúp đỡ bằng mọi cách cho Chính phủ dân chủ nhân dân của Tổng thống Chile Salvador Allende và Mặt trận Giải phóng dân tộc Sandino của nhân dân Nicaragua (do Daniel Ortega lãnh đạo). Cuba đã cử hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân xây dựng, nhân viên y tế, giáo viên giúp nhân dân Chile, Nicaragua chống đói nghèo, mù chữ, lạc hậu. Tại Nicaragua, khi bọn phản động tiến công, sát hại một số giáo viên, Cuba chẳng những không chùn bước, mà còn cử thêm 100.000 giáo viên sang tiếp tục giúp đỡ Nicaragua.

1.1.3. “Hiến dâng cả máu của mình” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Châu Phi

Mới giành được chính quyền hai năm, đất nước còn bao khó khăn, nhưng lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Algeria chống thực dân Pháp. Hành động ủng hộ thiết thực nhất, rất có ý nghĩa đối với Mặt trận Giải phóng dân tộc (FLN) Algeria nói riêng và đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung là việc Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với FLN, khi FLN chưa giành được chính quyền. Đó là việc thừa nhận sự tồn tại của phong trào giải phóng dân tộc như một chủ thể trong công pháp quốc tế hiện đại. Tháng 10/1963, theo yêu cầu của Tổng thống Algeria Ben Bella, trong khi đất nước còn phải giải quyết những vấn đề liên quan tới cuộc “khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962”, Cuba không ngần ngại cử một số đơn vị bộ binh cơ giới đến giúp Algeria ngăn chặn cuộc xâm lăng của quốc gia Morocco láng giềng. Từ tháng 1/1978, theo yêu cầu của Ethiopia, hơn 40.000 chiến sĩ quốc tế Cuba đã nhanh chóng có mặt tại Ethiopia, giúp nước này trong vòng ba tháng thu hồi lại vùng lãnh thổ rộng tới 300.000 km2 bị Somalia chiếm đóng. Sau đó, Cuba còn duy trì quân đội của mình ở Ethiopia vài năm sau đó, đến khi Somalia từ bỏ hẳn ý định xâm chiếm quốc gia láng giềng này.

Các chiến sĩ quốc tế Cuba cũng đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh vũ trang, cùng chiến đấu bên cạnh cách chiến sĩ du kích thuộc các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Congo, Guinea-Bissau trong những thập niên từ 1950 đến 1990 của thế kỷ XX.

Đặc biệt, tháng 9/1975, trước sự xâm lược của Nam Phi, cùng sự trợ giúp của nước láng giềng Zaire, Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) đã khẩn thiết kêu gọi và Cuba đã đáp ứng yêu cầu, cử chuyên gia quân sự tới huấn luyện cho các đơn vị vũ trang của MPLA, ngăn chặn cuộc tiến công của Nam Phi. Ngày 4/11/1975, các đơn vị chiến đấu đầu tiên của Cuba, hành quân bằng đường không và đường biển, đã có mặt tại Angola, cùng các chiến sĩ MPLA mở chiến dịch quân sự lớn có tên Carlota, đánh bại nhiều cuộc tiến công của các lực lượng thân Mỹ, Nam Phi. Thắng lợi quân sự mang ý nghĩa quyết định này góp phần khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Angola (ngày 11/11/1975). Ngay sau đó, Angola lâm vào cuộc nội chiến, có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Quân đội, chuyên gia quân sự và dân sự Cuba được yêu cầu tiếp tục ở lại giúp đỡ cách mạng Angola. Có lúc, có tới 53.000 chiến sĩ quốc tế Cuba hoạt động tại Angola. Họ đã cùng Quân đội Angola mở những chiến dịch lớn như chiến dịch Cuito – Cuanavale, đẩy lùi cuộc tiến công của các phe phái đối lập, được Chính quyền Nam Phi phân biệt chủng tộc và đồng minh hậu thuẫn. Thắng lợi quân sự của Cuba và Angola trong chiến dịch Cuito-Cuanavale nói trên không chỉ bảo vệ nền độc lập của Angola, mà còn có ý nghĩa quyết định đem lại nền độc lập cho Namibia – vốn bị Nam Phi biến từ lãnh thổ quản thác thành thuộc địa. Tác động dây chuyền từ việc Namibia giành được độc lập một lần nữa trở thành nhân tố quan trọng đẩy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi nhanh chóng suy sụp, tạo điều kiện cho nhân dân Nam Phi, dưới sự lãnh đạo của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) giành thắng lợi hoàn toàn năm 1993.

Hơn một phần tư thế kỷ làm nghĩa vụ quốc tế, Cuba đã cử trên 380 nghìn lượt binh sĩ (chưa kể 70 nghìn lượt nhân viên dân sự) kề vai chiến đấu, giúp đỡ các nước Châu Phi, giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 2.000 người con ưu tú của nhân dân Cuba đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Châu Phi.

1.1.4. Cuba nhiệt thành ủng hộ phong trào Cách mạng ở Châu Á

Ngay từ những năm đầu tiên trong chế độ mới, Cuba đã bày tỏ tình đoàn kết, giúp đỡ vật chất cho cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chư hầu của nó. Cuba dành một tình cảm đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 2-1-1966, khi nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử đối với đế quốc Mỹ, trong cuộc mítting có trên 1 triệu người Cuba tham dự và khách mời của các nước đến từ ba châu Á, Phi, Mỹ Latinh, Chủ tịch Cuba Fidel Castro tuyên bố : “Vì Việt Nam Cuba sằng sàng hiến dâng cả máu của mình”. Lời tuyên bố chí tình ấy đã làm rung động cả lương tri nhân loại. Hàng ngàn thanh niên Cuba viết đơn tình nguyện xin đến Việt Nam để cùng nhân dân Việt Nam đánh Mỹ. Khi đế quốc Mỹ có kế hoạch ném bom bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, Cuba liền viện trợ cho Việt Nam hàng trăm tên lửa SAM III (loại tên lửa đời mới của Liên Xô lúc đó mà Cuba có). Đây là vũ khí chủ lực để nhân dân Việt Nam tiêu diệt B52 của Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không”(18-30/12/1973). Trong tháng 9 năm 1973, bất chấp sự nguy hiểm, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến tận khu giải phóng Quảng Trị. Hình ảnh Chủ tịch Fidel đứng trên chiếc xe tăng Mỹ phất cao lá cờ truyền thống bách chiến bách thắng của sư đoàn Khe Sanh mãi là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam và cũng là biểu tượng cho sự hữu nghị chân chính của mọi thời đại.

Đối với khu vực Tiểu Á, ngay từ khi cách mạng mới thành công, Cuba đã giúp đỡ hết sức nhiệt thành về vật chất lẫn tinh thần cho phong trào giải phóng dân tộc Palestine. Cố Chủ tịch Palestine Yasser Arafat đã xúc động nói rằng: “Từ nơi sâu thẳm của trái tim mình và của từng người dân Palestine…đều mang trong trái tim mình và nhận thức của mình hình ảnh quang vinh của Ngài(chỉ chủ tịch Cuba Fidel-NVT) với chiếc khăn quàng Palestine trên vai”(2). Đối với sự xâm lược của Israel vào các nước Arập khác, Cuba đã kiên quyết phản đối. Không chỉ dừng lại trong sự tuyên bố Cuba còn thể hiện bằng hành động . Theo đề nghị của Chính phủ Syria, từ tháng 12/1973 tới tháng 1/1975, Cuba đã phái một lữ đoàn tăng – thiết giáp tới sát cánh cùng nhân dân Syria chiến đấu, chống lại cuộc xâm lược của Israel.

1.2. Luôn giúp đỡ những nước nghèo và những nước gặp khó khăn hoạn nạn

Đối với các quốc gia Mỹ Latinh như Haiiti,Venezuela, Peru, Brazin, Chile, Nicaragua, Mexico…Cuba tận tình giúp đỡ về mặt y tế, giáo dục và thể thao. Tại Haiiti, Cuba đã cử sang đây hơn 100 bác sĩ giúp nhân dân nuớc này và đón nhận hơn 1.000 sinh viên Haiiti sang học tập để sau này trở về xây dựng lại đất nước sau mấy chục năm khủng hoảng. Tại Venezuela, Cuba đã gửi 26.000 nhân viên tới giúp xóa nạn mù chữ, xây dựng mạng lưới y tế cộng đồng, giúp đỡ dân nghèo. Ở Mexico, trong 5 năm (từ 2001 đến 2006), hơn 345 nghìn dân Mexico, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa đã được Cuba giúp xoá nạn mù chữ. Tại Peru, Chile, Nicaragua khi đất nước này bị động đất, Cuba hào hiệp gửi ngay các bác sĩ, y tá, thiết bị bệnh viện dã chiến, thuốc men, lương thực và hàng trăm nghìn cơ số máu cứu giúp các nạn nhân.

Đối với khu vực châu Phi, Cuba cũng tận tình giúp đỡ nước bạn  xây dựng đất nước sau khi cách mạng thành công. Ngay từ tháng 9/1962, theo yêu cầu của FLN, Cuba đã kịp thời gửi nhân viên y tế, giúp đỡ Algeria xây dựng bệnh viện (mang tên Che Guevara) khi Algeria vừa giành được độc lập, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.Còn khi nước Cộng hòa nhân dân Angola ra đời, Cuba đã gửi hơn 50.000 công nhân, kỹ sư xây dựng, bác sĩ, giáo viên giúp đỡ Angola xây dựng lại đất nước sau nội chiến. Không những thế, Cuba còn đón nhận 8.000 thanh niên Angola sang học tập. Tại Liên bang Nam Phi, Cuba đã gửi 200 bác sĩ sang giúp đỡ nhân dân Nam Phi, ngay sau khi nước này thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Cựu Tổng thống Liên bang Nam Phi Nelson Madela thì nhấn mạnh: “Tôi là một người trung thực và không bao giờ tôi quên rằng trong những giây phút đen tối nhất của đất nước chúng tôi, trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Apartheid, Fidel đã ở bên cạnh chúng tôi”(3).

Ở châu Âu, Cuba vẫn chìa bàn tay giúp đỡ những người gặp nạn. Tại Ukraine, sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Tchernobyl, Cuba đã đón nhận 15.000 trẻ em bị nhiễm xạ sang nuôi dưỡng, điều trị tại các cơ sở y tế Cuba, đồng thời cử các bác sĩ Cuba sang Ukraine chăm sóc các bệnh nhân khác. Còn tại châu Á, khi có nước bị thiên tai(lũ lụt, sóng thần, động đất…) thì bao giờ trong số những nhân viên tình nguyện và nguồn hàng cứu trợ quốc tế luôn có bác sĩ và nhân viên tình nguyện của Cuba.

Từ năm 1991 đến năm nay, Cuba đã đào tạo miễn phí cho hơn 40.000 sinh viên của 80 nước trên thế giới, hơn 25.000 lượt giáo viên đến các nước kém phát triễn, gần 50.000 nhân viên y tế Cuba đến đến 91 nước(riêng tại Venezuela có hơn 26.000 nhân viên y tế và giáo viên Cuba).Ngoài ra, Cuba còn cử hơn 1300 chuyên gia thể thao đến 51 nước (chủ yếu là đến châu Mỹ Latinh).

2. NGUỒN GỐC CỦA TINH THẦN QUỐC TẾ CỦA CUBA

2.1. Sự kế thừa tinh thần đoàn kết Mỹ Latinh được tạo dựng bởi các nhà cách mạng khu vực, mà đại diện là Simón Bolivar và José Martí (thế kỷ XIX).

Tình đoàn kết Mỹ Latinh có những căn nguyên mang tính địa lý, lịch sử và văn hóa gần gũi, được Simón Bolivar(Venezuela) và José Martí(Cuba), hai nhà cách mạng tiêu biểu ở Mỹ Latinh, cùng nhau gây dựng, phát triển từ thế kỷ XIX. Đó là “Thuyết Liên Mỹ”, “Châu Mỹ Latinh của người Mỹ Latinh”. Đoàn kết với Mỹ Latinh được ghi thành văn bản, giấy trắng mực đen trong Chương trình Moncada từ năm 1953 của cách mạng Cuba. Trải qua thời gian, tình đoàn kết ấy được nhân dân Cuba và Mỹ Latinh chú trọng phát triển, vun đắp trong cuộc đấu tranh yêu nước, chống đế quốc và trở thành truyền thống tốt đẹp.

Bản thân José Martí, nhà cách mạng Cuba, đã bày tỏ quyết tâm chia sẻ với những người nghèo trên trái đất, không chỉ đối với những người nghèo ở Cuba: “Chúng ta cần một tư tưởng nhân đạo hướng tới những người nghèo trên trái đất, đòi hỏi một cái nhìn toàn diện của công lý và của những phẩm chất nhân văn không giới hạn mà những giá trị được tạo thành là sự tự do, bình đẳng và hữu nghị”. Ý nguyện đó ngày nay đã được thể hiện ở sự hiện diện của hàng nghìn tình nguyện viên của Cuba về y tế và một số lĩnh vực khác ở rất nhiều nước trên thế giới, với sự hiện diện của hàng nghìn thanh niên sinh viên ở nhiều nơi trên thế giới đang học tập tại Cuba. Tư tưởng Martí được mọi người dân Cuba tôn sùng từ sự cống hiến và hi sinh cho công cuộc đấu tranh đấu chống lại thực dân Tây Ban Nha để giành lại nền độc lập cho Tổ Quốc(cũng giống như dân tộc Việt Nam tôn sùng tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Trung Hoa tôn sùng Chủ nghĩa Mao vậy). Chủ tịch Fidel Castro là người cuồng nhiệt tôn sùng Martí từ thời trai trẻ: “Như một nguồn nước trong vắt như thủy tinh ông nhớ từng đoạn văn, vần thơ, những bức thư kêu gọi, truyền bá của Martí và gọi Martí bằng một đích danh: Thánh Tông đồ”. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ 4 năm 1991, Tư tưởng José Martí đã được nâng lên ngang tầm Tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó chứng tỏ ảnh hưởng của Tư tưởng José Martí đối với tinh thần quốc tế của Cuba mang tính truyền thống, tính nền tảng rất to lớn.

2.2. Xuất phát từ nhu cầu tồn tại và trụ vững cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại nơi chỉ cách Mỹ chưa đầy 90 hải lý.

Đây chính là đòi hỏi và nguyện vọng của xã hội Cuba. Cuba là “con đê” mà đế quốc Hoa Kỳ muốn vượt qua để thôn tính trở lại châu Mỹ Latinh, nhằm biến châu Mỹ Latinh trở thành “sân sau của Nhà Trắng”. Hoa Kỳ đã tìm mọi cách để chống phá Cuba. Sự kiện Hiron năm 1961(Mỹ đưa những tên phản động gốc Cuba từ Florida đổ bộ xâm chiếm Cuba), sự bao vây cấm vận nghiệt ngã đối với Cuba từ năm 1961 đến nay(Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố Cuba bị thiệt hại 200 tỉ USD vì sự cấm vận của Mỹ trong khi con số phía Mỹ đưa ra chỉ có 86 tỉ USD), các kế hoạch lật đổ chế độ Cách mạng và ám sát các nhà lãnh đạo Cách mạng chủ chốt(Chủ tịch Fidel Castro bị CIA ám sát 800 lần(!)) cho đến sự tuyên truyền sai sự thật của các hãng thông tấn Mỹ(CNN, AP, Times, Newyork Times…) về việc Cuba vi phạm nhân quyền, cấm tự do tôn giáo, thực thi chế độ độc tài gia đình trị…Đặc biệt, hiện nay Tổng thống Mỹ George W.Bush(con) đã lập ra kế hoạch “Cuba dân chủ” với nội dung “giúp người dân Cuba chuyễn tiếp nền dân chủ…tổ chức các cuộc bầu cử tự do và thiết lập một nền kinh tế thị trường trong òng 18 tháng”.Trong kế hoạch này, Mỹ tố cáo Cuba là “một lực lượng gây bất ổn trong khu vực và đã giúp đỡ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lật đổ các chính phủ trong khu vực”. Kế hoạch “Cuba dân chủ” bao hàm cả biện pháp tấn công quân sự vào Cuba và ám sát các nhà lãnh đạo Cuba(đặc biệt là nhắm vào Chủ tịch Fidel Castro)(4). Khoảng cách 90 hải lý giữa Cuba và Hoa Kỳ thực sự “đã trở thành một chiến hào, một chiến lũy, một hàng rào dây thép gai, một sự căng thẵng cao độ, một ranh giới giữa hai thế giới, hai quan điểm, hai hệ thống. Nó trở thành ranh giới của lịch sử”(5). Ngoài ra đến nay Mỹ còn chiếm đóng vịnh Guantanamo rộng 117,6 km2 của Cuba và sử dụng nó thành căn cứ chống lại Cách mạng Cuba(dòng người bất mãn chế độ di cư trái phép Cuba Mỹ đều đổ dồn vào đây và được phía Mỹ đưa đến bang Florida để đào tạo thành những chiến binh chống Cộng).

Do đó, để thực hiện được mục tiêu tồn tại trước kẻ thù đế quốc số một thế giới, trong “cuộc chiến giữa chàng Davit chống lại Goliat” thời hiện đại, Cuba không có giải pháp nào khác là thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nước đang tiến hành cách mạng xã hội, các dân tộc trong khu vực và thế giới có nguyện vọng cũng như những vấn đề tương tự như Cuba. “Thêm một người bạn là bớt đi một kẻ thù”, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, “giúp bạn là tự giúp mình”, “làm bạn với tất cả nhân dân các nước trên thế giới”…là những mục đích ngoại giao sống còn của Cách mạng Cuba .

2.3. Ảnh hưởng của tâm lý hòa hợp dân tộc và hòa hợp chủng tộc

Cuba thực sự là một đất nước đa dân tộc và đa chủng tộc. Người bản địa ở Cuba thời “tiền Colombus” có đến 50.000. Sau này, mặc dù bị người Tây Ban Nha sát hại song có một số ít vẫn sống sót. Người Tây Ban Nha chiếm toàn bộ Cuba, chỉ có ở Havana là do người Anh kiểm soát từ năm 1762(nhưng sau này trong cuộc chiến với Napoléon người Anh cũng trả lại cho Tây Ban Nha). Người Mỹ cũng di cư vào đây sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha 1898. Người Hoa cũng đã di cư tới Cuba trong làn sóng nhập cư vào Tân Thế Giới. Còn người da đen từ châu Phi được đưa đến Cuba từ thế kỷ XVIII. Với bề dày mấy trăm năm lịch sử đã tạo nên sự hòa quyện các chủng tộc lại với nhau thành người Mulatto(con lai giữa các chủng tộc, chủ yếu là lai giữa da trắng và da đen) chiếm đến 51% số dân Cuba. Cuba như là một nhân loại thu nhỏ(6) Nói tóm lại, dân tộc Cuba là sự hòa quyện tính “tự do, phiêu lưu, tầm nhìn sâu rộng” của người Tây Ban Nha(đa số), người Anh, người Mỹ da trắng và tính cách “bình đẵng, bác ái” của người Negro da đen Phi Châu, người Hoa và cư dân bản địa. Đúng như nhà khoa học Mỹ Ralph Waldo Emerson đã nói về sự hòa hợp giữa các dân tộc, chủng tộc ở Châu Mỹ: “Ở lục địa này, tiềm năng của người Ireland, người Đức, người Thụy Điển, người Ba Lan và của tất cả các bộ tộc Châu Âu, Châu Phi, người đảo Polinêdi sẽ hình thành một chủng tộc mới, một tôn giáo mới, một nhà nước mới”. Riêng đối với châu Mỹ Latinh, nhà khoa học Fernnand Braudel đã nhận xét: “ba chủng tộc…gặp nhau ở điểm hẹn: không chủng tộc nào đủ mạnh để loại bỏ, thậm chí có ý định loại bỏ các chủng tộc khác. Buộc phải sống chung với nhau, các chủng tộc đó, mặc dù có sự va chạm không thể tránh khỏi được, nhưng đã thích nghi với nhau, hòa vào nhau và đạt được mức độ nào đó sự khoan dung và sự quý mến lẫn nhau”(7).

Là một đất nước đa dân tộc và đa chủng tộc, nhưng Cuba là nơi duy nhất không có sự phân biệt dân tộc, kỳ thị màu da. Mọi người sống trong bầu không khí bình đẵng, yêu thương nhau. Và cái quan trọng ở đây là đã có sự hợp nhất về mặt tính cách của các chủng tộc để tạo nên những thế hệ công dân Cuba có những đức tính đáng khâm phục. Đó là tình yêu đối với con người và sự đấu tranh không mệt mỏi cho những mục tiêu cao cả của nhân loại: Hòa bình, Độc lập dân tộc, Dân chủ và tiến bộ xã hội, tiến tới mục tiêu bình đẵng giữa các dân tộc, các chủng tộc trên thế giới với tinh thần “bốn phương đều là anh em”, “vàng, đen, trắng không ngăn anh em kết đoàn. Biên giới xa không ngăn mối dây thâm tình…”

2.4. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Cuba thấm nhuần “Tình hữu ái vô sản” của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Marx đã từng kêu gọi : “Vô sản trên toàn thế giới! Liên hiệp lại!”. Sau này, Lênin mở rộng câu khẩu hiệu thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức! Đoàn kết lại!”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam chúng ta thì bằng hình ảnh “Và Hô-xê, anh chiến sĩ bãi công da đen, ngả mình trong cánh tay các đồng chí và các người bảo vệ anh, những đại biểu của công nhân da trắng” đã nêu ra được tính chất của mối đoàn kết hữu ái quốc tế vô sản  : “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.(8). Nguời cũng từng nói: “Bốn phương vô sản đều là anh em”, “giúp bạn là tự giúp mình”…Bên cạnh đó, chủ nghĩa Lênin đã từng nói rằng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn có thể diễn ra được ở những nước kém phát triễn. Điều kiện để xẩy ra cái sự biến đó là phải hiện hữu một hoặc hai, ba nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới và các nước xã hội chủ nghĩa tiên phong này phải ra sức giúp đỡ cách mạng các nước kém phát triễn đi lên cách mạng xã hội chủ nghĩa (“Bản sơ thảo lần thứ nhất của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa”). Do đó, Cuba, nước tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Mỹ Latinh và là nhà nước đi theo ngọn cờ xã hội chủ nghĩa từ tháng 12/1961 tự thân mình phải có trách nhiệm đối với phong trào cách mạng của các nước châu Mỹ Latinh, phong trào cách mạng của các nước Thế giới Thứ Ba và thậm chí là phong trào cách mạng thế giới, hướng cho phong trào này đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa như Lênin đã dạy.

Thấm nhuần tư tưởng đoàn kết của chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước Cuba đã phấn đấu, đi đầu và đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp đoàn kết Quốc tế. Đáng chú ý là Cuba giúp đỡ nhân dân các nước, nhưng không hề tính tới xu hướng chính trị của các chính phủ nhận sự trợ giúp của mình. Điều đó thể hiện tính vô tư và lòng nhân ái cao thượng, tình thương yêu đối với nhân dân lao động, nhất là những người nghèo, gặp khó khăn, hoạn nạn. Bên cạnh đó, lực lượng quân sự Cuba đến các nước bạn bè để giúp đỡ, sát cánh cùng các dân tộc chung cảnh ngộ, chiến đấu vì quyền làm Người, chứ không phải để áp đặt mô hình dân chủ hoặc bất kỳ mô hình chế độ chính trị – xã hội nào, càng không phải để vơ vét tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh Lạnh, Cuba không thể tiếp tục duy trì sự giúp đỡ quân sự như trước. Nhưng điều đáng khâm phục là Cuba tuy còn nghèo, gặp không ít khó khăn kinh tế, lại thường xuyên bị đe dọa, chống phá, nhưng Cuba vẫn thể hiện tinh thần nghĩa hiệp cao thượng của mình. Sự giúp đỡ của Cuba dành cho các dân tộc thể hiện tính nhân văn cao cả, vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, lạc hậu, bất công xã hội, đói nghèo, bệnh tật.

2.5. Tính cách quốc tế của Chủ tịch Fidel Catstro   

Chủ tịch Cuba Fidel Castro sinh ngày 13 tháng Tám năm 1926 tại làng Oriente, quận Birán, tỉnh Hol Giun miền Đông Cuba(cách La Habana 800km). Oriente là một làng rất nghèo khó của Cuba thời đó- và theo Fidel cái nghèo khó của nó đã ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng của ông. Bên cạnh đó, Fidel Castro được thừa hưởng tính cách yêu thương con người từ bố, điền chủ Angel Castro Arjiz và mẹ ông là bà Lina Ruz González, người giúp việc trong gia đình ông Angle và là vợ kế của ông Angle. Ông Angle Castro vốn là một một nông dân cùng khổ của Tây Ban Nha song khi đã làm ăn phát đạt ở Cuba và lập được trang trại Manacas thì ông liền tuyển những người dân nghèo mới di cư từ Tây Ban Nha, từ Haiiti sang và cả người bản địa Cuba đến làm việc cho ông. Ông Angel còn mở những dịch vụ giải trí miễn phí(rạp chiếu phim, hội đá gà chọi truyền thống của Tây Ban Nha, quyền anh), chăm sóc y tế miễn phí cho những người làm công và mặc dù là người mù chữ nhưng ông đã đứng ra thành lập trường tiểu học Marcane cho con em của những người nghèo tại nơi ông sống(Fidel và các anh chị em của ông cũng được học tại trường tiểu học này). Ông còn xây một nhà sàn 6 phòng để lữ khách nhỡ đường nghỉ ngơi. Ngoài ra, Ông Angle đã hiến đất nông trại của mình để cho người nghèo tới lập 240 ngôi nhà(sau này trở thành thị trấn Birán của Cuba)(9). Chính vì ảnh hưởng sâu đậm đạo đức của bố mẹ và lối sống tập thể trong một trang trại có mẫu hình như một nông trang tập thể xã hội chủ nghĩa của bố nên chàng thanh niên Fidel Castro sau này đã đi theo lý tưởng “hữu ái vô sản” rất nhiệt thành. Sau khi cách mạng thắng lợi, Fidel Castro thường nói ý thức xã hội của ông đã ra đời dưới mái trường quê Marcane và nông trang Manacas nơi ông đã học và chơi với lũ trẻ nghèo : “Chúng tôi ở đó giữa mọi người, giữa những người công nhân bình dị… nơi mà gia súc được nuôi ngay bên dưới nhà, nào bò, lợn, gà và tất tần tật… Cha mẹ tôi từng là nông dân rất nghèo nhờ chắt chiu dành dụm mà trở nên giàu có…Các bạn học của tôi, con trai của những nông dân nghèo, đi chân đất đến trường, và, rất thường phải mặc những bộ quần áo tàn tạ. Họ rất nghèo…”.

Sau khi học xong tiểu học, Fidel Castro đã theo học trường Dòng Tên(đầu tiên là ở Santiago, và sau đó là ở Havana) và cũng như bao đứa trẻ Cuba và những người dân Cuba sùng đạo Thiên Chúa, Fidel rất cảm phục trước sự hi sinh cao cả vì nhân loại của Đức Chúa Trời. Rất đông những đồng đội cách mạng thân nhất của Fidel đã theo học tại các trường Dòng Tên ở Santiago, Havana và những thành phố khác. Sau khi kết thúc khóa học tại trường Dòng, Fidel theo học Đại học Havana vào năm 1945. Kể từ đó cho tới khi tốt nghiệp ngành luật của trường năm 1950, Fidel đã tiếp xúc được với thực tế chua xót của sự nghèo đói mà Cuba phải hứng chịu mà theo ông nguyên nhân là vì “sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng ở Cuba”. Trong thời gian học đại học, Castro tham gia vào nhiều tổ chức chống đối chính quyền, đòi cải cách và cải thiện đời sống cho dân nghèo. Ngày 4 tháng Chín năm 1995, trước hàng ngàn sinh viên đại học Havana, Fidel đã nói về ảnh hưởng của đại học Havana đối với tính cách của mình như sau: “Ở nơi đây tôi đã học được gần hết những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi, bởi vì tại chính nơi đây tôi phát hiện ra những tư tưởng tốt đẹp nhất của thời đại chúng ta và của tất cả mọi thời đại, bởi vì ở đây tôi làm cách mạng, bởi ở đây tôi trở thành người theo chủ nghĩa Martí, bởi ở đây tôi trở thành người xã hội chủ nghĩa”(10).

Sau khi học xong, Castro trở thành một luật sư ở Havana. Kinh nghiệm khi hành nghề luật sư đã khiến Castro nhận ra và kịch liệt chỉ trích những bất bình đẳng lớn về sự giàu có tại Cuba. Giống như nhiều người Cuba khác, Castro phẫn nộ trước sự giàu có và quyền lực của các thương nhân Mỹ, những người kiểm soát quốc gia này. Năm 1947, Fidel Castro gia nhập đảng Nhân dân Cuba. Cương lĩnh vận động tranh cử của đảng mới này – chống tham nhũng, bất công, đói nghèo, thất nghiệp và lương thấp – đã lôi cuốn chàng luật sư trẻ tuổi này. Năm 1953, Fidel Castro là một trong 150 người tấn công vào trại lính nhằm lật đổ chế độ Batista song cuộc tấn công này bị thất bại. Năm 1955 ra khỏi tù, Fidel sống lưu vong tại Hoa Kỳ và Mexico. Tại Mexico City Fidel gặp được Che Guevara (sinh viên nguời Agertina và có xu hướng cộng sản) và họ trở thành đôi bạn thân. Từ tình bạn trở thành tình đồng chí và từ đó ông lao vào nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin. Người chiến sĩ Cộng sản Quốc tế kiên trung Fidel Castro đã thật sự ra đời.

3. NHÂN LOẠI ĐÃ CÔNG NHẬN TINH THẦN QUỐC TẾ CỦA CUBA NHƯ THẾ NÀO?

3.1. Chủ tịch Cuba Fidel Castro được bầu là ”Công dân Toàn cầu”

Cả nhân loại tiến bộ trên thế giới không ai là không yêu quí Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Chẵng hạn, Cố Chủ tịch Palestine Yasser Arafat đã nhận xét Fidel là:”Một nhà lãnh đạo thân yêu tầm cỡ quốc tế có được uy tín quốc tế trong mọi dân tộc và mọi nước trên thế giới”(11). Walter H.Berukoff, thương nhân Canada thì đã nhận xét Fidel Castro như sau:”Lịch sử của ông khác hẳn với lịch sử của rất nhiều vị lãnh đạo trên thế giới, tôi nghi ngờ rằng không có một nhà lãnh đạo khác trên thế giới lại có những mục đích và lịch sử trong sáng hơn của Fidel”(12). Đạo diễn Mỹ Oliver Stone về Chủ tịch Fidel Castro như sau: “Chúng ta phải nhìn nhận Fidel như một trong những người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên Trái đất này, một trong những người chúng ta cần hỏi ý kiến”(13)… Việc Chủ tịch Cuba Fidel Castro được Ban lãnh đạo Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới (FDIM) phong tặng là “Công dân Toàn cầu” vào ngày 5/12/2006 là hết sức xứng đáng đối với Fidel, đại diện cho tinh thần quốc tế của nhân dân Cuba anh hùng.

 3.2. Hàng triệu khách nước ngoài đến Cuba để thăm đất nước là “biểu tượng của tinh thần quốc tế”

Bất chấp những cấm vận gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ không thể như ý, làn sóng khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới đổ về các điểm tham quan của Cuba vẫn đang ngày càng tăng. Năm 2006, số lượng du khách quốc tế đến Cuba là 2,3 triệu người tăng 13,3% so với năm 2005. Năm 2007, Cuba đón gần 2,5 triệu khách quốc tế tăng gần 10% so với năm 2006. Trong sáu tháng đầu năm nay, Cuba đón hơn 1,339 triệu du khách với doanh thu đạt 1,07 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Với  mức tăng như hiện nay, ngành du lịch Cuba hoàn toàn có thể đạt kế hoạch đón 2,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2008 và đây cũng là năm thứ năm liên tiếp, khách du lịch nước ngoài đến Cuba vượt con số hai triệu trong một năm.

Chỉ với hơn 11 triệu người, người ta tự hỏi tại sao Cuba lại hấp dẫn du khách năm châu đến như vậy? Câu trả lời cần xem xét vào mục đích của các khách du lịch khi đến Cuba. Khách du lịch đến với Cuba với mong muốn tận mắt chứng kiến một đất nước đại diện cho xã hội tương lai, một đất nước tôn trọng những giá trị của Con Người và phấn đấu vì lợi ích của cả nhân loại. Bên cạnh đó, du khách còn muốn thụ hưởng được nền chính trị và dân sinh tốt đẹp kiễu mẫu từ đất nước Cuba. Đến Cuba, chúng ta sẽ thấy trên các con đường dẫn đến các di tích lịch sử của Cuba, làn sóng du khách người Ý, Đức, Pháp và Tây Ban Nha thường đi thành đoàn luôn chen chúc nhau. Còn đại lộ ven biển Malecon ở Havana thì thường tấp nập các khuôn mặt phương Tây trong trang phục mũ và áo sơ mi mang các biểu tượng của cuộc cách mạng ở Cuba. Mọi du khách đều thán phục khi chứng kiến sức sống của người dân Cuba dưới sức ép cấm vận của Mỹ.

3.3. “Mặt trận nhân dân thế giới” rộng rãi ủng hộ Cuba, góp phần quan trọng phá vỡ sự bao vây cấm vận của Mỹ

Mặc dù bị đế quốc Mỹ và các đồng minh của nó bao vây cấm vận nhưng nước Cuba xã hội chủ nghĩa vẫn hiên ngang đứng trong hàng ngũ các tổ chức quốc tế như :FAO, G-77, IAEA, ICAO, IFAF, IFAD, ICO, IMO, Interpol, IOC, ISO, ITU, OAS, UN, UNCTAD, UNESCO,UNIDO, UPU, WPTU, WHO,, WIPO, WMO, WTO… và chỉ riêng năm 2003, đã có 700 dự án nước ngoài của Nga, Nhật Bản, Hà Lan, Venezuela…(với số vốn 250 triệu USD) đầu tư vào Cuba(14). Đặc biệt, Cuba được đa số thành viên (trong 116 nước thành viên) của phong trào Không Liên Kết(NAM) bầu chức chủ tịch Phong trào Không liên kết lần thứ hai tại Hội nghị cấp cao NAM tổ chức tại La Habana từ tháng 9/2006.

Khu vực Châu Mỹ Latinh cũng đã có rất nhiều động thái thể hiện sự đoàn kết đối với Cuba. Tháng 7/2006, các nguyên thủ dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tại Argentina đã cam kết tăng cường thắt chặt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác với Cuba. Bên cạnh đó, các nướcVenezuela, Bolivia đã cùng với Cuba ký kết Hiệp định thương mại ba bên(ALBA)nhằm “trao đổi thương mại và hỗ trợ nhau cùng phát triễn”. “Trong lần đầu này, chỉ có ba chúng tôi. Nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó, tất cả các nước cùng góp mặt tại đây”, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã phấn khởi phát biểu như vậy(15).

Phong trào đòi đế quốc Mỹ tháo bỏ sự bao vây cấm vận nghiệt ngã đối với Cuba diễn ra mạnh mẽ. Trong các cuộc gặp gỡ quốc tế tại Hội nghị Hòa bình Thế Giới, Đại hội Sinh Viên Thế Giới, Hội nghị cấp cao thường niên của Phong trào Không Liên Kết…luôn vang lên lời tuyên bố ủng hộ Cách mạng Cuba và phản đối chính sách bao vây cấm vận của đế quốc Mỹ. Chẵng hạn, từ ngày 1 đến 4/12/2005, hơn 600 đại biểu thuộc 75 nước đại diện cho 300 tổ chức công đoàn trên thế giới đã tham dự Đại hội Công đoàn Thế giới diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba đã thông qua nghị quyết phản đối chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba. Đặc biệt, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc-cơ quan đại diện cho hầu hết của các nước trên thế giới, từ năm 1991 đã liên tiếp bỏ phiếu phủ quyết đòi Mỹ chấm dứt sự bao vây cấm vận đối với Cuba. Ngày 29/10/2008, Đại hội đồng Liên hợp quốc với 192 thành viên cũng đã thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống lại Cuba với 185 phiếu thuận, ba phiếu chống (Mỹ, Israel và Palau).

3.4. Việt Nam luôn chung thủy sắt son với nhân dân Cuba

Kể từ khi Cuba và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2-12-1960 cũng như với sự giúp đỡ của Cuba cho Việt Nam với tinh thần “vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” thì Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm sẽ chung thủy sắt son với nhân dân Cuba. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã cử chuyên gia sang giúp Cu-ba, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hòn đảo tươi đẹp này. Tiếp đến những năm tháng khó khăn của thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trong khi tình hình Cuba rơi vào “Thời kỳ Đặc Biệt”(1991-1993) thì Việt Nam đã có hết sức lo lắng cho Cuba. Để góp phần giúp đỡ cho nhân dân Cuba, Việt Nam đã mở một chiến dịch “vì Cuba” và đã quyên góp ủng hộ 50.000 tấn gạo cùng các dụng cụ học tập cho Cu-ba(16). Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết bán gạo ổn định cho Cu-ba, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực cho nước bạn. Hiện nay, nhiều chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã sang giúp nhân dân Cuba trồng lúa nước. Sự chung thủy sắt son giữa Việt Nam-Cuba cũng đã thể hiện qua nhiều lời Tuyên bố chung giữa hai nước. Những tình cảm sâu sắc, quan hệ hữu nghị đặc biệt `và tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba đã trở thành “biểu tượng của thời đại “.

Tinh thần đoàn kết quốc tế của Cuba là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử quan hệ quốc tế. Hiện tượng “Tinh thần quốc tế của Cuba” đang thôi thúc các nước đấu tranh tích cực hơn vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

————————————————

CHÚ THÍCH

1. Anatôli ĐôBrưnhin, Đặc biệt tin cậy: Vị đại sứ ở Oasinhtơn qua sáu đời Tổng thống Mỹ, người dịch Trịnh Trang, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001, tr 103.
2. Thông điệp của Chủ tịch Palestine Yasser Arafat gửi Chủ tịch Cuba Fidel Castro ngày 16/7/2001.
3. Phát biểu của Tổng thống Liên Bang Nam Phi Nelson Mandela tại thành phố Cabo, Liên Bang Nam Phi vào ngày 27-3-1998.
4. Võ Ninh, Kế hoạch mới của Mỹ can thiệp vào Cuba, báo An ninh Thế Giới,  số 578, ra ngày 12-8-2006, tr 18.
5. Luis Báez, Lịch sử đã minh xét, Nxb Thế Giới,Hà Nội, 2003, tr 12.
6. Hiện nay ở Cu ba có 51% người Mulatto (con lai giữa các chủng tộc), 37% người da trắng, 11% người da đen, 1% người Hoa. Xem Mạc Lý Quảng(cb), 250 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2004, tr 124.
7. Fernnand Braudel, Tìm hiểu các nền văn minh trên thế giới, người dịch Trần Hương Liên-Hoàng Việt Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr 624.
8. Bài “Đoàn kết giai cấp” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 25 tháng 5-1924.
9. Ông Angel được những người nghèo khổ tại địa phương coi như là một người cha đỡ đầu và khi ông mất có đến 5000 người đến đưa tiễn cụ, thậm chí đến năm 1975 khi thị trấn Birán bị nhấn chìm trong biển nước vì công trình đập ngăn sông Birán thì những người dân cũ tại thị trấn này vẫn sống quanh trang trại Manacas, nơi chôn cất ông bà Angel Castro. Xem Nguyễn Như Phong, Chuyện mới ghi ở Cuba, báo An ninh Thế Giới, số 610 ra ngày 2-12-2006.
10. Luis Báez, Lịch sử đã minh xét, Nxb Thế Giới,Hà Nội, 2003, tr 165.
11. Thông diệp của Chủ tịch Palestine Yasser Arafat gửi Chủ tịch Cuba Fidel Castro ngày 16/7/2001.
12. Lời của Walter H.Berukoff, thương nhân Canada đăng tại báo Granma Quốc Tế, La Habana, Cuba, 13-11-2000.
13. Trích từ “Fidel Cuộc đối đầu 10 đời tồng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA” – First News và NXB Trẻ phối hợp ấn hành.
14. Mai Lý Quang(cb), 250 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2004, tr 214-216.
15. Nguyễn Khắc Đức, Cánh tả Mỹ Latinh đang thắng thế, báo An ninh Thế Giới, số 610 ra ngày 2-12-2006, tr 6.
16. Mức tăng trưởng kinh tế của Cuba từ năm 1991 dến năm 1993, mỗi năm giảm 33% cũng như sự khó khăn về mọi mặt: “xăng dầu không có, thuốc chữa bệnh thiếu nghiêm trọng, hàng hóa tiêu dung gần như không còn thứ gì”-Đại sứ Cuba tại Việt Nam Jesus Aise Sotolongo trả lời phóng viên báo An ninh Thế Giới. Xem Bảo Sơn, Chúng tôi đã học được ở Việt Nam rất nhiều, báo An ninh Thế Giới, số 618 ra ngày 30-12-2006, tr 6.

Theo TẠP CHÍ CHÂU MỸ NGÀY NAY, SỐ 12/2008

Tags: ,