Tìm mọi cách ngăn Nga trả nợ: Một trò hề lố bịch của phương Tây

Khi một quốc gia vỡ nợ, thì đâu là lí do, điều gì sẽ xảy ra, có gì là ngoại lệ; đặc biệt chúng ta thấy điều gì khi mà truyền thông phương Tây vừa khẳng định Nga lần đầu tiên đã vỡ nợ sau hơn một thế kỉ?

Không cho Nga trả nợ: Nhận diện một trò hề của phương Tây

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả – bác sĩ Trần Văn Phúc.

Khi mua một căn nhà, thông thường bạn có khoảng 30% số tiền, còn lại đi vay ngân hàng, vay người thân và bè bạn. Tất cả chúng ta ai cũng mắc nợ. Và chúng ta cùng có chung nhận thức, đó là không để nợ nần quá nhiều, tránh bị phá sản; nhận thức này cũng đúng với cả các công ti cá nhân.

Nếu ai đó nợ đầm đìa, muốn vay thêm sẽ bị người thân và ngân hàng từ chối, chủ nợ gọi điện đòi, xã hội đen lượn lờ ngoài cổng; về cơ bản uy tín xã hội rất suy giảm. Nếu là doanh nghiệp, sẽ đối mặt với phá sản, đối mặt với mất công ăn việc làm, thậm chí ông chủ phải trốn chui trốn lủi rất nhục nhã.

Có quá nhiều ví dụ về câu chuyện vỡ nợ.

Vậy khi một quốc gia vỡ nợ, thì đâu là lí do, điều gì sẽ xảy ra, có gì là ngoại lệ; đặc biệt chúng ta thấy điều gì khi mà truyền thông phương Tây vừa khẳng định Nga lần đầu tiên đã vỡ nợ sau hơn một thế kỉ?

Trên thế giới, quốc gia nợ nhiều nhất là Hoa Kỳ, thứ hai là Nhật Bản, rồi đến thứ ba là Trung Quốc. Riêng con nợ của Mỹ, thì Nhật Bản nợ 3000 tỉ USD, Trung Quốc nợ 1000 tỉ.

Các quốc gia nợ như thế nào?

Lí do cốt lõi dẫn đến tình trạng nợ, là do hệ thống kinh tế thương mại toàn cầu hoá, mọi quốc gia coi công nợ là lựa chọn phát triển hàng đầu. Suốt nhiều năm qua, các quốc gia vừa thu ngoại hối vừa đi vay để phát triển kinh tế. Nó cũng giống như chúng ta mua căn nhà trước khi kiếm đủ tiền. Sau đó vay sửa nhà, vay mua nội thất, vay mua ô tô, vay tiêu dùng… trăm ngàn khoản vay, vay mãi thành nghiện. Khái niệm bong bóng nợ toàn cầu đã trở nên quen thuộc. Các quốc gia nợ càng ngày càng nhiều, quả bóng nợ ngày càng lớn, nhiều nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí gây ra những vấn đề bất ổn xã hội, như hỗn loạn nội bộ, thay đổi chế độ; ví dụ các nước Mỹ Latinh, Argentina, Brazil, Hy Lạp… và mới đây là Sri Lanka.

Nợ là chứng thực tín dụng, miễn là quốc gia vay nợ tồn tại, thì khoản nợ đó luôn có giá trị.

Khoản nợ phổ biến là trái phiếu USD và đồng euro, do quốc gia đi vay phát hành, nó trở thành tín dụng được tiêu thụ trên thị trường toàn cầu. Chủ nợ là các quốc gia khác đầu tư mua trái phiếu để chống lạm phát chẳng hạn. Sau khi vay được tiền USD hoặc euro, ngay lập tức chính phủ phải cho in đồng tiền trong nước để đối ứng, đồng thời phải nỗ lực tham gia vào guồng quay thương mại toàn cầu để kiếm tiền trả nợ, nếu không sẽ trở thành kẻ cặn bã.

Quốc gia đầu tiên sụp đổ vì vỡ nợ là Iceland.

Đây là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới tự mình tuyên bố vỡ nợ. Sau khi vay nhiều khoản tiền, Iceland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, sau đó công bố không có khả năng trả nợ.

Một quốc gia khác là Hy Lạp, nổi tiếng trong lịch sử thế giới là không chịu trả nợ, nhiều chủ nợ châu Âu tìm cách cưỡng bức nhưng cũng bó tay. Năm 1828, Hy Lạp vay tiền để phục vụ cuộc chiến giành độc lập dân tộc, vay xong chưa kịp trả nợ thì nhà vua bị ám sát. Ba nước chủ nợ khi đó là Anh, Pháp và Nga suốt ngày rầu rĩ, sau khi họp bàn lên xuống, thống nhất cùng nhau siết nợ bằng thuế. Ngay lập tức, một ông vua trẻ con 17 tuổi được dựng lên, công việc chính của vị vua này là kí tá các giấy tờ thuế má cho dù rất vô lí, chính sách sưu thuế đã thực sự là gông cùm chỉ để trả xong nợ cho Nga, Anh và Pháp.

Ngoài thuế má, vua Hy Lạp phải dồn dân sang làm việc trừ nợ cho Nga, làm đủ thứ việc cho Anh và Pháp. Ngân khố của chính phủ Hy Lạp luôn rỗng. Một điều may mắn cho Hy Lạp, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và thứ hai, Hy Lạp được xếp vào phe chiến thắng, nên khoản nợ đầm đìa tưởng không thể nào trả nổi bỗng được chuyển sang các quốc gia thất trận. Ngoài ra, châu Âu thời kì này hỗn loạn như trẻ trâu, mày vả tao thì tao đấm mày, suốt ngày đánh nhau; đây là cơ hội để Hy Lạp thể hiện mình là dân anh chị, các quốc gia đến đòi tiền Hy Lạp chỉ cần nói “cút”.

Nhưng hậu quả cũng khôn lường.

Sau bao năm hút máu châu Âu, cái giá Hy Lạp phải trả là uy tín quốc gia rất thấp, nền kinh tế èo uột với ngân khố trống rỗng, nhân tài trong nước phải tha phương cầu thực nơi xứ người, cho đến tận hôm nay Hy Lạp vẫn dặt dẹo ăn bám, chẳng làm nên cái trò trống gì ở lục địa được gọi là văn minh nhất quả đất.

So với Hy Lạp, còn một quốc gia tanh tưởi hơn nữa, đó là Argentina. Đất nước này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, có quá nhiều mỏ, thêm những đồng cỏ xanh tươi rộng mênh mông. Argentina đã vướng phải lời nguyền tài nguyên. Có nghĩa là, nền công nghiệp Argentina bị cuốn vào chuỗi công nghiệp mỏ, một hình thức tập trung đơn lẻ. Điểm cốt tử của hình thức công nghiệp tập trung một mũi nhọn này là, đất nước kiếm được rất nhiều tiền nhưng lại chỉ tập trung vào số rất ít người, còn lại đa số dân thì quá nghèo. Có một trăm con gà, thì một người ăn 99 con, số còn lại 99 người chia nhau một con; đó chính là sự bất bình thường. Với một nền kinh tế như thế, nếu xảy ra khủng hoảng, thì nó không có khả năng phục hồi. Đó chính là lí do bao nhiêu năm nay, người dân Argentine chỉ biết ngửa mặt động viên nhau, uống nước và hít khí giời cho qua ngày.

Chúa đã cho Argentina tất cả mọi thứ, từ khoáng sản dồi dào, đất đai màu mỡ, không khí trong lành; vì thế mà ông trời ghép Argentina với một thứ xui xẻo đó là chính quyền không biết làm gì với những thứ ưu đãi ấy.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Simon Kuznets đã phân thế giới thành ba nhóm: những quốc gia phát triển, những quốc gia đang phát triển, Argentina và Nhật Bản. Ôi trời! Làm sao mà ông lại xếp Argentina và Nhật Bản vào một nhóm, trong khi nếu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì nước chết đầu tiên là Argentina, còn Nhật Bản sẽ nằm trong nhóm bị chết cuối cùng.

Lí do là nền kinh tế Argentina và Nhật quá hướng ngoại.

Cả hai nền kinh tế này đều phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đồng đo la Mỹ, trong đó Nhật Bản là con đẻ, Argentina là con nuôi.

Nhật là con nợ số một của Mỹ với 3000 tỉ USD, vì nền công nghiệp điện tử và ông tô đẳng cấp hàng đầu thế giới, các nguyên liệu đầu vào toàn nhập khẩu, nên phụ thuộc chính vào USD, nó tuân theo quy luật thay đổi của đồng tiền này; chưa kể Nhật là đồng minh cánh tay phải của Mỹ.

Argentina lại khác, nền kinh tế mỏ của nước này vừa bị trói chặt vào đồng USD, nhưng lại không tự sản xuất được dây chuyền công nghiệp và cũng không có lực lượng quân sự hùng hậu để hộ tống khi xuất khẩu, nên Argentina cũng vừa là nơi để Mỹ khai thác tuỳ tiện.

Nợ nần chồng chất, Argentina bị rối loạn trao đổi ngoại hối, dù chính phủ có tăng lãi suất để ổn định tình hình nhưng dân chúng đã phẫn nộ, dẫn đến rối loạn, đánh đập, cướp bóc, phá phách ở khắp mọi nơi, trong vòng một tháng phải thay đến 5 tổng thống, chỉ khi tổng thống thứ năm tuyên bố không trả nợ thì tình hình mới tạm lắng.

Các chủ nợ không đòi được tiền, liền bắt và giam giữ các tàu chiến Argentina tuần tra ngoài biển, đe doạ đủ kiểu nhưng cũng chỉ nuôi báo cô. Tổng thống Argentina định bay ra uý lạo chiến sĩ ngoài biển, liền bị các nhà tài phiệt phố Wall tuyên bố, máy bay của ông sẽ bị bắt trừ nợ, để tổng thống tự bơi vào đất liền; cuối cùng ông phải thuê máy bay của Pháp nhằm tránh “kền kền phố Wall”.

Tại sao Mỹ không vỡ nợ?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, tạm chọn một cách phân loại các nền kinh tế theo 5 tấng.

– Tầng trên cùng: Mỹ
– Tầng sát trên cùng: Châu Âu, Nhật, Hàn
– Tầng giữa: Trung Quốc
– Tầng công nghiệp thấp: Ấn Độ, Đông Nam Á
– Tầng cung cấp nguyên liệu: Nga, Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi…

Theo mô hình này, Hoa Kỳ ở tầng trên cùng, là quốc gia xuất khẩu USD và nhập khẩu hàng hoá. Cụ thể hơn, Mỹ dùng USD để mua hàng hoá từ các nước tầng công nghiệp thấp, trong khi các nước công nghiệp thấp hay nước cung cấp nguyên liệu phải đi nhập khẩu USD từ Mỹ.

USD trở thành tiền quốc tế bởi chữ tín.

Ngoài dầu mỏ làm bản vị, thì USD được bảo lãnh bởi sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự áp đảo của Hoa Kỳ; điều không có quốc gia nào có được.

Ví dụ Argentina, quốc gia này cung cấp nguyên liệu thô, năng lượng và khoáng sản, tức là sử dụng nguồn tài nguyên có trong lòng đất mang đổi lấy USD. Khi nguồn tài nguyên này trở nên rẻ mạt, để sống được, thì Argentina phải đi vay USD, vay xong không bán được tài nguyên để trả thì sẽ vỡ nợ.

Ngược lại, Hoa Kỳ xuất khẩu USD và đồng tiền này làm bá chủ, FED có thể cho điều chỉnh các kĩ thuật như tăng lãi suất, thậm chí chủ động làm cho đồng USD suy yếu, hay in tiền; nên không thể bị vỡ nợ. Với những khoản nợ, Mỹ không cần trả gốc mà chỉ trả lãi, có thể trả nợ cũ bằng cách phát hành trái phiếu mới.

Nhật Bản là một tình huống khác.

Là quốc gia nợ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng vì Nhật có nền công nghiệp toàn cầu quá mạnh, thu lại được giá trị rất lớn. Số tiền khổng lồ thu được, Nhật chỉ phải trích ra phần nhỏ mua nguyên liệu, thuê nhân công giá rẻ từ Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á, nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Những khoản vay của Nhật Bản tuy lớn, nhưng lại chỉ là phần nhỏ so với lợi nhuận từ nền kinh tế, vì thế mà Nhật không bị vỡ nợ.

Nga thì sao?

Một khi Ngân hàng Trung ương Nga không trả được nợ, tòa án Hoa Kỳ có thể đưa ra phán quyết không chỉ bắt buộc trả nợ, mà còn phạt tiền và tịch thu tài sản. Sau khi Nga phát động cuộc chiến với Ukraina, ngay lập tức 640 tỉ USD dự trữ ngoại hối ở Ngân hàng Trung ương Nga đã bị Mỹ đóng băng, toàn bộ tài sản của tài phiệt Nga bị phương Tây phong toả dưới danh nghĩa trừng phạt.

Làm sao để tịch thu được số tiền khổng lồ ấy?

Cho dù dưới danh nghĩa tịch thu để chuyển sang Ukraina, nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại cuộc họp G7, thì chưa có luật nào cho phép làm điều đó. Rõ ràng Nga là một cường quốc sở hữu số đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới, nếu Mỹ thẳng tay tịch thu tài sản, hành động này không chỉ đơn giản làm mất mặt Mỹ và phương Tây, mà phần còn lại của thế giới sẽ coi đó như hành động ăn cướp. Và điều nguy hiểm hơn là tạo ra một tiền lệ. Mỹ lấy được tài sản của Nga, thì đương nhiên sau này sẽ còn nhiều nạn nhân khác ngoài Nga, nếu gửi tiền ở các quốc gia khác sẽ bị xâu xé tịch thu. Đây là điều Mỹ phải cẩn thận. Bởi khi các quốc gia lo sợ, sẽ ngay lập tức rút dòng tiền đang lưu thông tại các ngân hàng Mỹ để gửi vào ngân hàng ở các quốc gia khác, thậm chí mang về nước mua vàng cho an toàn. Điều này cực kì tồi tệ với nền kinh tế Mỹ. Như vậy, để có cớ tịch thu tài sản Nga một cách “hợp pháp”, thì Mỹ có lựa chọn hay ho nhất là biến Nga thành quốc gia bị “vỡ nợ”.

Nếu Nga vỡ nợ, thì Mỹ và phương Tây không chỉ siết được toàn bộ số tiền nợ 40 tỉ USD, mà còn tịch thu được hết 640 tỉ USD dự trữ, tịch thu được cả số tài sản đang phong toả trên khắp thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là uy tín của Nga trên thị trường vốn toàn cầu sẽ không còn, chứng khoán trở về số 0, Nga không thể xuất khẩu được các mặt hàng vì sẽ bị tịch thu.

Thực tế Nga không thiếu tiền trả nợ.

Ngay từ năm 2010, Nga nợ Mỹ 170 tỉ USD, nhưng sau đó Putin đã chỉ đạo trả hết nợ, đến cuối năm 2021 về cơ bản các khoản nợ đã về con số 0. Khi cuộc chiến Nga – Ukraina nổ ra, bất kể Mỹ trói buộc bằng cách đóng băng tài sản, thì điều đó cũng không có vai trò lớn. Thời điểm Putin phát động cuộc chiến, Mỹ và phương Tây trừng phạt Nga toàn diện, cả thế giới tin rằng Nga nhanh chóng thắng Ukraina nhưng kinh tế sẽ khó trụ vững trong một tháng, đồng rúp ngay lập tức chỉ để làm giấy vệ sinh, nền kinh tế sẽ sụp đổ hoàn toàn và Putin phải đầu hàng. Nhưng không ngờ mọi chuyện diễn ra ngược lại. Cuộc chiến cứ cù nhầy dai dẳng, rúp là đồng tiền hoạt động tốt nhất năm 2022, mỗi ngày đánh nhau Nga thu về hơn 1 tỉ USD tiền bán dầu; nhưng thế giới thì lại bắt đầu lao đao chệnh choạng.

Mỹ chuyển sang chiến thuật biến Nga phá sản vì nợ.

Với 40 tỉ USD, Nga trả nợ không hề khó, nhưng Mỹ chặn tất cả các kênh không cho Nga trả, kiểu “mày muốn trả nợ nhưng tao không cho”. Trong tháng 4, Nga khôn khéo trả nợ thông qua các tài khoản ngoại hối bị đóng băng, tổng số tiền là 650 triệu USD. Mỹ đã phát hiện ra kẽ hở. Ngay lập tức Mỹ không cho phép các tài khoản này thanh toán ngoại hối, đồng thời cấm các chủ nợ nhận tiền của Nga từ các ngân hàng. Như vậy Nga có thừa tiền cũng không thể trả nợ. Cùng với đó, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s và Moody’s tuyên bố rằng nếu chủ nợ không nhận được tiền khi đến hạn trả nợ, sẽ được gia hạn thêm trong thời gian 30 ngày, nếu vẫn không trả sẽ được coi là vỡ nợ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh đóng băng và tịch thu 9,5 tỉ USD của của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, với lí do bồi thường cho các nạn nhân vụ 11/9 và viện trợ nhân đạo cho đất nước. Đây có thể cũng là tiền lệ, để Mỹ đóng băng rồi tịch thu toàn bộ tài sản của Nga, với lí do viện trợ cho Ukraina.

Chủ nhật tuần vừa qua, tức ngày 26/6 là thời điểm qúa 30 ngày gia hạn, truyền thông phương Tây đợi Nga không có cách nào mang tiền đi trả, để công bố Nga đã chính thức vỡ nợ. Thực tế đến thời điểm hiện tại, chưa có chủ nợ hay quốc gia nào tuyên bố Nga vỡ nợ, vì cuộc khủng hoảng nợ của Nga là khó giải quyết nhất trong lịch sử vì căn nguyên của sự vỡ nợ là chính trị hơn là tài chính.

Tôi không có kiến thức về tài chính, nhưng theo suy luận của tôi, Mỹ và phương Tây rất khó đẩy Nga vào tình trạng vỡ nợ. Sẽ có những rào cản Mỹ phải cẩn thận. Tôi lấy ví dụ, nếu có tiền lệ vỡ nợ như vậy, một số tội phạm có thể học cách làm của Mỹ, sử dụng các khoản vay thông thường để lừa đảo người dân. Đầu tiên, chúng cho vay các khoản, nhưng đến ngày trả nợ thì chúng “biến mất” để người vay không thể trả. Đến ngày hết hạn, kẻ lừa đảo bất ngờ xuất hiện và người vay bị rơi vào thế vỡ nợ, các tài khoản sẽ bị đóng băng và tài sản bị phong toả, con nợ sẽ đối mặt với phá sản.

Theo TRẦN VĂN PHÚC FACEBOOK 

Tags: , , ,