⠀
Thưa các đồng chí, cây này do đồng chí XYZ trồng…
Trồng cây, hãy trồng bằng trái tim, bằng sự chân thành, bằng ý thức nuôi dưỡng màu xanh cho đất mẹ, cho thế hệ mai sau. Đừng trồng và gắn lên cây một biển tên hãnh tiến mà sau đó, người trồng cũng không biết là tên mình đã từng gắn với bao nhiêu cây, ở đâu, doanh nghiệp hay đơn vị nào.
“Tết trồng cây” là phong trào do Bác Hồ phát động, được duy trì qua nhiều thế hệ, được giữ tới ngày nay và cả mai sau nữa. 19/5 năm nay, đón sinh nhật Người, lãnh đạo nhiều tỉnh thành cũng có hoạt động trồng cây, ngoài tưởng nhớ Bác Hồ còn là phát động trong nhân dân tinh thần trồng cây, vì môi trường xanh – sạch – đẹp.
Ngày xưa Bác Hồ trồng cây con, trồng cây nhỏ. Cây to lắm cũng chừng như bắp tay bắp chân người. Đó đúng nghĩa là trồng cây, thêm một cây xanh cho đời. Còn bây giờ, rất dễ dàng thấy một số vị lãnh đạo luôn trồng cây to, cây không chỉ bứng từ vườn ươm mà còn có những loại cây nhìn là biết nó đã 40-50 tuổi hoặc hơn, có cây được coi là cổ thụ, cây trăm tuổi. Có cây tuổi còn lớn hơn tuổi người trồng!
Cái đó không phải là trồng cây, mà gọi đúng tên là “bứng từ nơi này trồng sang nơi khác”. Nghĩa là, trên trái đất chẳng thêm cái cây nào. Chưa nói hành vi bứng cây không những làm cho cơ thể xanh mất sức, yếu đi, sinh trưởng kém hoặc có thể chết, mà gây tốn kém tiền của, công sức cho việc vận chuyển và phô trương cờ phướn, biểu ngữ.
Đó là cũng chưa nói: người trồng thực chất chỉ xúc mấy xẻng đất cát trút vào gốc cây cho có lệ, rồi cầm bình tưới rê mấy giọt nước. Các nhà báo chụp hình và ngay sau đó báo chí đưa tin. Hoàn thành!
Nhiều cây còn có bảng tên, đóng đinh sắt thẳng vào thân cây, đề chữ: “Cây này do đồng chí XYZ… trồng”, kèm chức vụ. Nói chung đó là những cái cây rất có thân phận. Dễ dàng thấy những cái cây mang thân phận cao sang quyền quý và uy lực này ở nhiều nơi, nhiều công ty, ở các khu di tích và thậm chí, rất nhiều ở nơi tôn nghiêm đền chùa, miếu mạo.
Ở một tỉnh phía Bắc, nơi ngày xưa là căn cứ kháng chiến, có một vạt đồi mà ở đó, có nguyên một vạt rừng cây rất danh phận. Mỗi cây đều có biển treo trang trọng, ghi tên người trồng, đều là những người giữ chức vụ rất cao. Có một vài cây mất tấm biển treo. Cũng là lẽ thường, chắc do chăm sóc không chu đáo nên rơi rớt.
Đến con người đây, nhiều người nói toàn lời vàng ý ngọc nhưng thiếu rèn luyện tu dưỡng, làm rơi cả danh phận, phải chịu cảnh lao tù. Những cái cây từng có danh phận nay bỗng không danh không phận. Cây cũng như người. Cây cũng như đời. Không biết những cái cây rớt biển treo có ứng với ai đó đang cải tạo trong tù không…
Tôi nhớ lại ngày đi học. Hồi đó mỗi thứ 5, học sinh được huy động đi trồng bạch đàn phủ xanh đồi trọc. Mỗi học sinh trồng 10 cây, 20 cây. Những đội viên nhỏ xíu, đeo khăn quàng đỏ, từng tốp từng tốp mang xà beng đào lỗ, trồng cây, tưới nước… Những quả đồi trọc do bom đạn chiến tranh, do chất độc da cam sau 10-20 năm rợp bóng, xanh rờn. Những cái cây ấy không có tên tuổi, không có danh phận nhưng thiết thực đem lại màu xanh, nguồn nước cho đời.
Tôi có lần ra Trường Sa. Trên các đảo, màu xanh được chắt chiu. Ở những đảo đá, cây xanh và đất được chuyển từ đất liền ra, trộn với cát đá san hô Trường Sa mà trồng xuống. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chắt chiu từng giọt nước tắm, nước rửa để tưới cây. Mùa mưa bão, một cây bật gốc được đau đớn tiễn biệt như một mạng người ngã xuống. Một mầm xanh mọc lên được chào đón như một sinh linh.
Trồng cây, hãy trồng bằng trái tim, bằng sự chân thành, bằng ý thức nuôi dưỡng màu xanh cho đất mẹ, cho thế hệ mai sau. Đừng trồng và gắn lên cây một biển tên hãnh tiến mà sau đó, người trồng cũng không biết là tên mình đã từng gắn với bao nhiêu cây, ở đâu, doanh nghiệp hay đơn vị nào.
Khi bắt tay vào trồng một cây xanh theo tinh thần sống mãi của Bác Hồ, hãy nghĩ đến Trường Sa thân yêu khát màu xanh; hãy nghĩ đến núi rừng Tây Nguyên, Tây Bắc và cả dọc dãy Trường Sơn đang bị cạo trọc, chảy máu.
Không cần trồng nhiều. Chỉ cần trồng một cây nhưng biết chăm sóc nó ra hình ra dạng, hơn là trồng biểu diễn và gắn bảng tên để lưu danh hậu thế.
Dĩ nhiên, hậu thế nghĩ gì còn tuỳ cách ta trồng.
Theo ĐẶNG ĐẠI / DÂN VIỆT
Tags: Cây xanh, Đạo đức môi trường