Thử tìm lời giải đáp cho ‘cuộc xâm lăng’ của văn hóa Hàn Quốc

Không nên chỉ giải thích sự thành công của trào lưu văn hóa Hàn Quốc từ khía cạnh tăng trưởng kinh tế Hàn, hay sự đầu tư cho ngành công nghiệp giải trí bài bản và khoa học, mà cần phân tích sâu hơn từ các khía cạnh khác.

Thử tìm lời giải đáp cho ‘cuộc xâm lăng’ của văn hóa Hàn Quốc

Hallyu (Hàn lưu) – để chỉ làn sóng Hàn Quốc trong lĩnh vực âm nhạc và phim ảnh đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ các thị trường châu Á, và trong chừng mực nào đó lan sang tận Trung Đông, Mỹ Latin, châu Âu… Khái niệm này xuất hiện từ cuối thập niên 1990, bắt đầu từ Trung Quốc. Có lẽ chúng ta không cần bàn nhiều về sự thành công thế nào của nhạc pop, phim truyền hình, và phần nào là phim điện ảnh của xứ Hàn, ảnh hưởng ra sao đến văn hóa các nước Đông và Đông Nam Á, vì đã có quá nhiều tài liệu đưa ra với độ tin tưởng tương đối cao. Dĩ nhiên chúng ta cũng không nên quá tin làn sóng này chinh phục cả thế giới như một số bài báo thổi phồng miêu tả. Dẫu sao, đứng sau đó kéo theo hội chứng mê mẩn văn hóa Hàn Quốc, của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, từ yêu thích các mốt thời trang đến hàng mỹ phẩm, từ thích học ngôn ngữ Hàn, ẩm thực Hàn đến thích du lịch Hàn. Công nghiệp giải trí, chủ yếu trong khía cạnh âm nhạc và điện ảnh kéo theo bội thu của ngành du lịch, sản xuất hàng điện tử, nghe nhìn, may mặc, hàng xa xỉ phẩm…Để có một thành công như thế, không nên chỉ giải thích từ khía cạnh tăng trưởng kinh tế Hàn, hay sự đầu tư cho ngành công nghiệp giải trí bài bản và khoa học, mà cần phân tích sâu hơn từ các khía cạnh khác.

Tôi không phải là người mê nhạc pop, nhưng thấy giới trẻ nghe K-pop nhiều quá, thậm chí không ít như cuồng, điều này làm tôi tò mò chú ý và nghe thử. Cũng chẳng có gì hấp dẫn lắm, giai điệu phần lớn như nhau, giọng hát không quá ngọt, nhưng hồn nhiên lắm. Nghe cảm thấy yêu đời hơn, trẻ hơn, và một điều không thể phủ nhận, các ca sĩ nhảy rất bài bản, rất đẹp. Giới trẻ vốn nghe nhạc không quá kỹ tính cần nhiều đến lời thoại đẹp, mà hướng đến giai điệu và phong cách biểu diễn. Nếu so với phim, thì nhạc Hàn đến với thế giới muộn hơn, nhưng lại thành công hơn. Nay thì cả Mỹ và châu Âu cũng nghe pop Hàn không ít. Khó lý giải vì tôi không biết nhiều về pop, nhưng đại thể theo tôi biết, khi mà âm nhạc Âu – Mỹ ngày càng hướng tự do và thể nghiệm những mới mẻ, thì nhạc Hàn lại thiên về một sự kết hợp những thành công của dòng pop cổ điển của thế giới với nhưng bản sắc rất riêng của châu Á.

Thay vì đầu tư cho những giọng hát gạo cội, ở Hàn luôn cố gắng phát hiện những tài năng mới, đạo tạo rất bài bản, sàng lọc kỹ lưỡng, đặc biệt rất chú ý đến ngoại hình (nếu xấu, phải giải phẫu thẩm mỹ, nếu thấp, phải kéo dài chân). Ngoài ra kỹ xảo là không thể thiếu, vô số các ca sĩ Hàn chẳng hẳn quá xinh hay chân quá dài, nhưng nhờ hiệu ứng kỹ xảo nên vào các clip vẫn đẹp “như thiên thần”. Cái mà làm cho không ít fan ở cả Âu – Mỹ ưa thích, chính là phong cách ăn mặc của các ca sĩ Hàn, không quá phô trương, dù vẫn sexy nhưng bộc lộ được nét đẹp dịu dàng và kín đáo của người châu Á. Khi mà tự do tình dục đã trở nên quá phổ biến ở Âu – Mỹ, thì tiếp cận với những giá trị châu Á làm nhiều người trở nên thích thú… K-pop cạnh tranh với J-pop từ Nhật Bản, và trở nên lấn lướt Trung Quốc (khi họ quá chú trọng khai thác bề dày văn hóa của họ), và nhờ Facebook, Twitter, Yotube,… vẫn đang tiếp tục lan tỏa. Phim truyền hình của Hàn tích cực lồng ghép các ca khúc pop vào phim, cũng đưa không ít các ca khúc này trở nên nổi tiếng, dù thú thực vốn là người kỹ tính tôi không thấy họ thể hiện thành công lắm…

Trong điện ảnh lại khác. Phim của Hàn chủ yếu lôi kéo người dân châu Á là qua các kênh truyền hình. Khi mà các doanh nghiệp Hàn đầu tư nhiều hơn vào các thị trường yếu hơn, kéo theo quảng cáo và phim ảnh là một phương tiện quảng cáo có hiệu quả. Chiếu phim Hàn, kèm theo quảng cáo cho các thương hiệu Hàn, đã được nhiều kênh truyền hình khai thác triệt để. Tôi có xem một phóng sự của truyền hình Việt Nam, cho biết phim truyền hình Hàn chiếm 70% lượng phim công chiếu tại Myanmar, nơi mới mở cửa về chính trị và kinh tế rộng hơn với thế giới bên ngoài. Phóng sự cho biết giới bình dân tại Myanmar, nơi mà dân trí còn thấp mê mẩn phim Hàn tới cỡ nào.

Tại Nhật Bản, phim Hàn cũng có ảnh hưởng đáng kể, đến độ có không ít các cuộc biểu tình của một bộ phận dân chúng phản đối chiếu nhiều phim Hàn làm ảnh hưởng đến công nghiệp điện ảnh của họ, và cả sự “xâm lăng” văn hóa. Tại Việt Nam, phim ảnh Hàn cũng tràn ngập màn ảnh nhỏ, dù đa số nội dung na ná nhau, nhưng vẫn lôi cuốn rất nhiều các fan tuổi teen và phụ nữ, đặc biệt tầng lớp khán giả bình dân. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của phim ảnh Hàn, là do sự tương đồng của văn hóa, đặc biệt các giá trị của Nho giáo. Điều này cũng có thể đúng, vì phim Hàn đều chú trọng khuôn mẫu lấy gia đình làm trung tâm, từ đây các tình tiết của bộ phim sẽ xoay sang các hướng khác nhau. Tình yêu và sự chung thủy, một gia đình có nề nếp trật tự kỷ cương, kính trên nhường dưới, đàn ông là trụ cột của gia đình,…là những yếu tố phim Hàn hay khai thác. Hình ảnh đàn ông Hàn trong gia đình dễ chúng ta liên tưởng mẫu “quân tử Tàu”, còn phụ nữ thì phải thùy mị, nết na, “tam tòng tứ đức”. Khi ngồi ăn, người đàn ông lớn tuổi nhất bao giờ cũng ngồi giữa, dọc hai bên theo thứ tự rất rõ ràng.

Phim Hàn cũng hay khai thác các khía cạnh đời sống công sở, nơi các chủ tịch doanh nghiệp được kính trọng. Thường thấy khi ông chủ doanh nghiệp đến công ty, là toàn bộ bộ sậu ban quản trị đến nhân viên đứng dọc hai bên chào đón trọng thị, cúi rạp người. Lại nữa, trong doanh nghiệp, xưng hô phải gọi chức danh rõ ràng. Vị trí nào có phẩm giá của vị trí đó. Những mẫu người biết vươn lên từ khó nhọc, thành đạt nhờ những nỗ lực cá nhân cũng là một công thức hay được phim Hàn khai thác.

Khác với phương Tây, người ta hay nhấn mạnh sự đấu tranh, thì phim Hàn hay hướng sự nhẫn nhục, “ở hiền gặp lành”, biết trau dồi và học hỏi tất yếu thành công. Truyền thống hiếu học chưa bao giờ phai nhạt ở xứ Hàn, nơi ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo. Ăn mặc gọn gàng theo phong cách lịch thiệp kiểu Á châu cũng là một công thức hay được khai thác, dù những năm gần đây, có lẽ do ảnh hưởng nhiều hơn văn hóa phương Tây nên những hình ảnh sexy xuất hiện nhiều hơn. Nhưng kiểu sexy của Hàn không giống với ở Tây hay ở ta, kể cả các chi tiết quan hệ tình dục, thì vẫn có cái gì đó e lệ, kín kẽ, làm nhiều chàng trai có tư tưởng “quân tử Tàu” rất thích thú. Nếu như không có những quan hệ tình yêu luôn dập khuôn theo một motif thường thấy, ướt át, hay chỉ quanh quẩn những câu chuyện gia đình mẹ chồng – nàng dâu, hay bối cảnh đô thị, … tràn ngập thì có lẽ tôi đã mến điện ảnh Hàn hơn. Chí ít nó cho ta thấy nội dung phim Hàn mang tính giáo dục sâu sắc, như tình yêu trong sáng, gia đình hòa thuận, truyền thống hiếu học,… luôn được đặt lên hàng đầu.

Tiếp xúc với một chị người Hàn đang làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam, chị cho biết phim ảnh Hàn không hoàn toàn phản ánh những cái Hàn đang có, mà là những cái Hàn đang mơ ước. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây rõ nét, dù không đậm như tại Nhật, Hồng Kông hay Singapore, song cũng đang phá vỡ các truyền thống vốn có của dân tộc, như tệ ly hôn, tảo hôn, lối sống thực dục…đang gia tăng. Khai thác những yếu tố hợp lý của Khổng giáo, là việc cần làm nhằm bảo toàn những giá trị Á đông. Phim ảnh của Hàn cũng không hoàn toàn phản ánh những sự thực khác, như tệ làm việc lề lối gia trưởng trong doanh nghiệp, công sở Hàn chưa được giảm bớt, hố sâu khoảng cách thu nhập dãn ra, địa vị người phụ nữ chưa được nâng cao. Phụ nữ Hàn Quốc địa vị không bằng phụ nữ Việt Nam. Cũng phải thôi, vì Việt Nam hay Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn cách mạng trên khía cạnh tư tưởng và văn hóa, và đang quay lại một phần các giá trị xưa, cái ở Hàn không có, chưa từng trải qua. Ở Hàn không quá chú trọng đến mảng phim nghệ thuật, mà hướng đến đối tượng bình dân đông đảo (tình tiết chậm, lời thoại dễ hiểu, motif dễ ưa, đánh vào tâm lý một bộ phận lớn giới trẻ và phụ nữ hay có thời gian xem phim,…), “lấy ngắn nuôi dài”, các phim nghệ thuật rất ít được xem. Họ không quan tâm nhiều đến các khía cạnh tư tưởng, hay chính trị, những tranh luận không ảnh hưởng đến cuộc sống trực tiếp của họ.

Tuy phim truyền hình có một vai trò đáng kể trong đời sống tinh thần, nhưng người Hàn không quá quan tâm đến điện ảnh. Tại các rạp, các phim đến từ Mỹ vẫn có một vị trí đáng nể, nhất là các bom tấn cho dù có thể chưa bằng ở Trung Quốc hay tại Việt Nam. Ảnh hưởng phim Hàn thực tế không quá lớn như người ta tưởng. Xem nhiều phim Hàn ở các nước Đông Nam Á, chủ yếu vẫn là các cộng đồng chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, như Việt Nam, các cộng đồng người Hoa ở Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore,…cũng giống các cộng đồng Hindu giáo hay xem phim Ấn vậy. Tuy nhiên vài năm gần đây sự lan tỏa của phim Hàn lan sang cả các cộng đồng dân châu Á da vàng khác, tức chủng tộc Mongoloid. Ở Ấn Độ, mạn đông bắc nơi cộng đồng người Mongoloid sống đông đúc, xem phim Hàn rất nhiều. Phim của Thái Lan, nước chịu ảnh hưởng nhiều hơn Phật giáo Tiểu thừa, hay phim Philippines nơi chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa Thiên Chúa giáo , Tây Ban Nha và Mỹ cũng na ná giống nhiều phim Hàn. Ảnh hưởng phim Hàn lan tới cả Trung Đông, nơi chịu ảnh hưởng của Hồi giáo nhiều, Trung Á, Nga và một bộ phận châu Âu. Tuy nhiên ảnh hưởng của phim Hàn hay làn gió đông ở đây còn yếu hơn nhiều so với ảnh hưởng của Hollywood.

Khi mà châu Âu vật lộn với khủng hoảng kinh tế, các bom tấn phần lớn kém chất lượng so với Hollywood (do thiếu sáng tạo và thua kém công nghệ), họ chú trọng nhiều phim nghệ thuật hướng đến trí thức, thì lộ một khoảng trống để những làn gió mới mẻ từ châu Á đến chính phục. Người Âu vốn không đánh giá cao điện ảnh châu Á, thường do thiếu sáng tạo và yếu tư tưởng, nhưng với khán giả bình dân, các phim chưởng có tính giải trí, hay gần đây cả phim tâm lý Hàn coi trọng sự gắn kết gia đình cũng có một vị trí nào đó cho dù không tương thích lắm với một nền văn hóa coi trọng sự tư do ảnh hưởng nhiều của Mỹ và yếu tố nhân văn XHCN chú trọng bình đẳng và nhân đạo. Làn sóng này có thể không bền vững, hay chỉ là “bong bóng”, nhiều nhận định như vậy, nhưng cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Hàn Quốc vốn đã từng trải qua các nền độc tài cánh hữu và coi trọng sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế một thời. Trong điều kiện đó, sư phân hóa xã hội là rất lớn. Mô hình chủ nghĩa tư bản châu Á (chủ nghĩa tư bản Khổng giáo) tập trung cho một số doanh nghiệp lớn, và quản trị theo lề lối hà khắc, bất bình đẳng, luật lao động yếu kém vẫn còn ảnh hưởng dai dẳng đến ngày nay (dù sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 đã có chút điều chỉnh học hỏi từ Âu châu), thậm chí lan tới các nơi mà Hàn đầu tư. Làn sóng Hàn nếu không thể giải thích từ truyền thống ảnh hưởng Nho giáo, thì có thể tìm thấy trong văn hóa của chủng tộc người Mongoloid nói chung, dẫu theo tôn giáo tín ngưỡng nào hay vô thần.

Các tín ngưỡng và và tôn giáo hay học thuyết châu Á thường hướng con người vào một sự nhẫn nhục chịu đựng, một nếp sống coi trọng trật tự trong đẳng cấp, tin theo số phận, do đó, một bộ phận khá lớn người châu Á da vàng thường ảnh hưởng nhiều của tín ngưỡng hay tôn giáo (ở Hàn Quốc người ta không coi trọng nhiều đời sống tôn giáo bằng lý thuyết Khổng Tử), cũng sến hay ủy mị hơn các cộng đồng khác. Có lẽ thế, và nếu thích phim Hàn có lẽ cũng không quá khó hiểu. Ở các cộng đồng khác nếu có như một phản ứng ngược trước làn sóng tấn công quá mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản tự do và văn hóa tự do, của một bộ phận xã hội, nhất là những người chịu ảnh hưởng nhiều của tôn giáo. Tuy nhiên trên hết vẫn là sức bật của kinh tế, đầu tư nghiêm túc cho điện ảnh, cho tài năng và cả sự năng động của giới tư bản văn hóa, mới là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Hàn phát triển.

Nhiều người lo ngại ảnh hưởng văn hóa Hàn như một sự “xâm lăng” văn hóa làm mất đi bản sắc Việt, câu trả lời này phải chờ những người có trách nhiệm giải đáp. Với giới trí thức, không ít người kêu gọi bài trừ Nho giáo ra khỏi đời sống xã hội, nhất là ảnh hưởng ở các tầng lớp dưới, tuy nhiên cần nghiêm túc chắt lọc những giá trị tích cực từ học thuyết Khổng – Mạnh, kết hợp với các giá trị tự do, sáng tạo, bình đẳng và nhân đạo của văn hóa phương Tây có lẽ lại là hay hơn. Tôi không thích phim Hàn, vì đa số nó bình dân quá đỗi, diễn xuất cường điệu, nội dung gò bò. Phim Hàn nếu xét về nghệ thuật, hay tư tưởng có lẽ còn học hỏi nhiều từ điện ảnh châu Âu hay Hollywood. Tôi nghĩ thế, còn những người khác?

Theo ANH DŨNG / VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG

Tags: ,