⠀
Thờ Tứ Pháp – một tín ngưỡng độc đáo của người Việt
Hiện tượng thờ Tứ Pháp đã ghi lại một mốc quan trọng đánh dấu thời điểm Phật Giáo Ấn Độ truyền vào nước ta. Nó cũng là một tài liệu sống về dân tộc học, văn hóa học, cho phép ta biết được một thực tế là khi Phật Giáo vào thì nơi đây đã ngự trị trong cư dân bản địa một tín ngưỡng dân gian…
Tượng Bà Dâu (giữa), Bà Đậu (phải), Bà Tướng (trái) ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh (1989).
Vùng Luy Lâu, một miền đất cổ, thủ phủ đất Giao Châu xưa (nay là xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nằm ở khoảng giữa đồng bằng Bắc Bộ, một vùng châu thổ phì nhiêu có mật độ quần cư đông đúc. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, nơi đây đã ra đời một loại hình tín ngưỡng mới của người Việt được một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là Phật giáo dân gian Việt Nam, với vị Phật tổ – Phật Mẫu Man Nương cùng bốn người con của Bà – bốn Phật Bà mà dân gian quen gọi là Tứ Pháp: Pháp Vân ,Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Sự ra đời của loại hình tín ngưỡng này gắn với câu chuyện Man Nương là người làng Mãn Xá nằm ở bờ Nam sông Đuống, ngay từ năm 12 tuổi đã được cha mẹ cho sang chùa Linh Quang ở bờ Bắc sông Đuống để thụ giáo thiền sư Khâu Đà La, người Thiên Trúc Ấn Độ. Một hôm Khâu Đà La đi hành lễ về muộn, vô ý bước qua người Man Nương đang nằm ngủ khiến nàng có mang. Nàng đành về nhà, một năm sau thì sinh con gái. Nàng bồng con sang chùa trả cho Khâu Đà La. Nhà sư đem đưa bé tới cây dâu cỏ thụ ven sông, niệm thần chú, rồi dùng thiền trượng gõ vào gốc cây. Gốc cây nứt ra, Khâu Đa La đặt đứa bé vào đó. Vết nứt khép lại và từ cây này, hương thơm tỏa ngát ra. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây thiền trượng, dặn rằng khi nào hạn hán, cứ cắm cây gậy xuống đất, đọc lời cầu nguyện thì sẽ có mưa. Ít lâu sau, trời đại hạn, ruộng đồng khô nẻ, dân tình đói khổ. Nhớ lời dặn, Man Nương đem cây Thiền Trượng ra thử phép màu, quả thấy ứng nghiệm. Thế rồi vào năm Giáp Tý nọ, sau những ngày mưa to gió lớn, cây cổ thụ Khâu Đà Là gửi con đổ xuống sông, trôi về vùng thành Luy Lâu và dừng lại. Người làng ra lôi cây lên bờ, nhưng không tài nào lôi được. Man Nương ra sông giặt giũ , thấy cây rập rình như vẫy gọi, liền tung dải yếm ra, cây bèn nương theo dải yếm mà dạt vào bờ. Đêm hôm ấy thần dân báo mộng khuyên dân làng nên đem cây gỗ tạc tượng mà thờ thì sẽ được hưởng phúc lớn. Dân làng làm theo, tạc được bốn pho tượng Pháp Vân (tức bà Dâu thờ ở chùa Thiền Định), Pháp Vũ (tức Bà Đậu thờ ở chùa Thành Đạo), Pháp Lôi (tức bà Tướng thờ ở chùa Phi Tương), Pháp Điện (tức bà Dán thờ ở chùa Phương Quan). Man Nương sau khi hiển thánh được thờ cùng với cha mẹ ở nền nhà cũ ở làng Mèn (tỉnh Bắc Ninh). Các chùa này nằm ở các làng sát cạnh nhau, quây quần thành một cụm trong mối liên minh làng chạ cổ truyền.
Tín ngưỡng Tứ Pháp nhanh chóng được cư dân các vùng lân cận mà hiện nay thuộc về các địa phương Hà Nội, Hà Tây (cũ), nhất là vùng đất phía Bắc, tỉnh Hưng Yên, nằm trong góc nhọn của hai con sông, sông Hồng và sông Đuống tiếp nhận.
Tứ Pháp là một sáng tạo tín ngưỡng đặc biệt của Việt Nam. Về sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng ở những ngôi chùa Tứ Pháp, chủ yếu là lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh và rước giao hiếu. Các lễ này tiến hành vào hai dịp là ngày 17 tháng Giêng – ngày hóa Phật Mẫu Man Nương và ngày mùng 8 tháng Tư âm lịch – ngày sinh Phật Thích Ca (Phật Đản) và Tứ Pháp.
Trong công việc nhà nông không phải bao giờ cũng được mưa thuận gió hòa, mà mưa nắng vô chừng đến độ chiêm khô, mùa thối. Khi hạn hán, người ta làm lễ cầu mưa. Nhưng cũng có khi gặp kỳ mưa dầm dai dẳng thối đất, thối trời, người nông dân cũng cầu viện đến Tứ Pháp. Người ta tin rằng các bà làm được mưa rơi, thì cũng có thể làm cho trời tạnh theo tiếng kêu cầu khẩn thiết của chúng sinh. Khi cầu tạnh, người ta mở cửa chùa ra, khiêng kiệu lên vai rước tượng đi. Và người ta kể lại, nhiều khi ngay lập tức có gió mát thổi và mưa tạnh ngay.
Như thế, hiện tượng thờ Tứ Pháp đã ghi lại một mốc quan trọng đánh dấu thời điểm Phật Giáo Ấn Độ truyền vào nước ta, bắt đầu từ vùng Luy Lâu. Nó cũng là một tài liệu sống về dân tộc học, văn hóa học, cho phép ta biết được một thực tế là khi Phật Giáo vào thì nơi đây đã ngự trị trong cư dân bản địa một tín ngưỡng dân gian. Đó là tín ngưỡng thờ các hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, được nhân hóa dưới dạng nữ thần, ảnh xạ của chế độ xã hội mà người đàn bà nắm quyền cai trị. Là cư dân nông nghiệp lúa nước, người Việt cúng trời đất, tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên Mây, Mưa, Sấm, Chớp, nhân hóa các hiện tượng này, cho rằng nó có thể giúp đỡ hoặc làm hại đến bản thân mỗi người và xã hội. Mây (Vân), Mưa (Vũ), Sấm (Lôi), Chớp (Điện) là những hiện tượng thiên nhiên liên quan trực tiếp đến nông nghiệp.
Vì thế, lễ hội Tứ Pháp đã không còn là một lễ hội chùa mà đã trở thành một lễ hội làng (liên làng) – một lễ hội đậm đà bản sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ trong bối cảnh Văn hóa Việt Nam. Chính vậy mà tín ngưỡng và lễ hội Tứ Pháp luôn duy trì được sức sống, được tiếp nhận để làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần người Việt hôm nay.
Theo TRƯƠNG QUỐC CHÍNH / VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Tags: Văn hóa Việt, Tín ngưỡng, Thờ Tứ Pháp