Thiếu những nốt trầm thiên nhiên, dân đô thị sẽ phát điên

Như một bản nhạc, đời sống phố thị không chỉ toàn những nốt cao mà còn có những nốt trầm, không chỉ có những tiết tấu nhanh mà còn có những khoảng lặng. Chính sự kết hợp nhanh – chậm, cao – thấp mà tạo ra sự cân bằng cần thiết trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, nhất là xã hội đô thị. Đó là sự vốn có trong thế giới tự nhiên và cố tình trong thế giới nhân tạo.

Thiếu thiên nhiên, dân đô thị sẽ phát điên

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa.

Hãy xem, đất ở các trung tâm đô thị đắt thế mà người ta vẫn phải dành ra những khoảng lớn làm công viên, vườn dạo, vườn hoa, hồ nước; bởi nếu không có những phần “mềm” trong một thành phố quá “cứng” toàn bêtông, sắt thép, nhôm kính thì con người sẽ phát điên lên.

Hãy xem, ở bất cứ cộng đồng dân cư nào cho dù Âu hay Á đều thấy hiện diện của những mái chùa, nhà thờ, thánh thất, nơi đó là điểm đến của mọi người sau một ngày, một khoảng thời gian mưu sinh. Ở một vài thời điểm nào đó, ở không ít quốc gia, những người có quyền lực đã cho đập phá chùa chiền, san phẳng nhà thờ, nhưng rồi đến một ngày chính họ thấy linh hồn bơ vơ không nơi trú ngụ, nhất là khi rủi ro ập xuống đầu. Ngày nay ở bất cứ thành phố nào, người ta cũng thấy những mái chùa cong thâm trầm, những nhà thờ gothic cao vút, những thánh đường rộng lớn đứng bên nhau hữu nghị và thân thiện.

Có một sự thật là trong giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hoá và công nghiệp hoá nhanh, hầu hết các quốc gia, các thành phố lớn ở châu Á đều rơi vào tâm lý nôn nóng, ai nấy đều phát cuồng chạy theo “tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng”. Họ cũng hiểu chạy nhanh quá dễ ngã, phát triển “nóng quá” chắc chắn gây hậu quả xấu về môi trường, về văn hoá và xã hội, nhưng trong cơn say nắng làm sao để có được tăng trưởng hơn hai con số, họ nhủ rằng “tăng trưởng trước, rồi dọn dẹp sau”, có tiền sẽ làm lại được hết, rằng “muốn công bằng thì phải làm ra cái bánh to đã”… cứ như thế nhiều thứ bị bỏ qua, nhiều thứ bị mất đi, nhiều thứ bị phai nhạt dần. Sau vài chục năm tỉnh lại, thấy đau đớn và nuối tiếc, bởi có những thứ có thể tái tạo lại được, nhưng có những thứ thuộc về đạo đức và văn hoá truyền thống thì tiền muôn bạc bể cũng không sao làm lại được. Tổng thống Hàn Quốc bỏ ra hơn 3 tỉ USD và phải mất hơn năm năm để khôi phục lại một con sông dài 5,8km có tên là Cheonggyecheon, chảy qua Seoul mà trước đó năm 1968 bị san lấp để làm xa lộ, nhưng sau nhiều đời tổng thống của đất nước kim chi này phải cay đắng thừa nhận, có bỏ bao nhiêu tiền ra thì có những giá trị văn hoá nông nghiệp truyền thống đã bị tàn lụi trong cơn mê sảng đô thị hoá nhanh không sao khôi phục được, nếu có chăng thì cũng là đồ “giả cổ”.

Hơn ai hết, người Nhật hiểu cái giá phải trả của sự chạy quá nhanh này, sau đại chiến thế giới lần thứ hai, rất nhiều người Nhật đã chết ngay trên dây chuyền sản xuất, trên bàn làm việc bởi căn bệnh làm việc quá sức mà họ gọi là karoshi. Có biết lịch sử của đất nước này mới hiểu tại sao người Nhật Bản là người đi du lịch nhiều nhất thế giới và họ bằng mọi giá duy trì những nét văn hoá truyền thống như trà đạo, nghệ thuật xếp giấy, bài trí vườn đá, gốm thủ công, giấy thủ công, kịch Nô, lễ hội ngắm hoa anh đào… dẫu rằng những thứ này tiêu tốn của người ta rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Nhưng nếu không có những thứ làm chậm lại đời sống như thế thì người Nhật không sao cân bằng được cuộc sống luôn gấp gáp, nếu biết rằng người Nhật Bản nổi tiếng là người đi nhanh và có một thói quen mà chính họ cho là tật xấu xuất hiện thời hiện đại là vừa đi vừa ăn.

Sau hơn 200 năm phát triển, các đô thị châu Âu đang có xu hướng quay trở lại với truyền thống. Họ kiến tạo ra các thành phố nhỏ hơn, ít dân hơn, không nhà cao tầng, nhiều màu xanh hơn, thân thiện hơn và giản dị hơn. Số người dân châu Âu ăn chay, uống nước không gas, mặc đồ cotton, tập thiền, yoga, dưỡng sinh, theo đạo Phật, học kungfu, vovinam ngày một nhiều hơn. Họ khôi phục lại dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống nguyên thuỷ để kết nối con người lại với nhau. Phong trào phản kháng đô thị ngày càng mạnh, các hoạt động ban đầu chỉ là đơn lẻ như một sự phản kháng yếu ớt, thậm chí bị coi là điên rồ; thì nay trở thành phong trào lôi kéo hàng triệu người hưởng ứng như “ăn chậm”, một ngày không IT (không điện thoại di động, internet), một ngày không xe hơi, một ngày không tivi, một ngày về với gia đình, những hành vi “ôm miễn phí”, “hãy nói chuyện với người không quen biết”… mặc dù có những hoạt động đôi khi hơi cực đoan như “chạy trốn thị thành”, bỏ đô thị ra hoang đảo, sống trên ngọn cây, từ bỏ tiền và tiện nghi nhưng cho thấy nhu cầu làm giảm tốc độ sống lại như một thước đo của chất lượng sống đô thị là một nhu cầu có thực.

So với các thành phố khác trong cả nước và khu vực Đông Nam Á thì TP.HCM được coi là thành phố sôi động nhất. Khách nước ngoài gọi đây là thành phố không bao giờ ngủ. Và hơn thế nữa, ấn tượng những dòng xe máy cuồn cuộn đổ vào rồi lại chảy ra, vần vũ chuyển động khắp thành phố khiến cho người ta có cảm giác thành phố này như một dòng chảy không bao giờ dứt.

GS Masazumi nhiều lần dạo bộ khắp thành phố và cũng nhiều lần ông hỏi người dân thành phố này thư giãn vào lúc nào, họ tự cân bằng ra sao trong khi mà các công trình hỗ trợ từ Nhà nước như công viên, vườn dạo, rừng cây tập trung, các nơi vui chơi giải trí công cộng không những quá ít mà chất lượng rất thấp so với các thành phố khác. Điều ông ta nói quả không sai nếu chỉ khuôn đời sống người Sài Gòn ở phần “mặt tiền”, mà thành phố này còn có một phần khác nữa đó là những khoảng lặng của hàng ngàn hẻm phố nhỏ bé nhưng thanh bình nơi trú ngụ bình yên của những cộng đồng dân cư người Việt, người Khmer, người Hoa theo đạo Phật, người Chăm theo Hồi giáo, và của những người theo Công giáo. Người Sài Gòn chưa có thói quen đến công viên, quảng trường, rừng vào mỗi cuối tuần, bởi thành phố này chưa có Manhattan như New York, hay Sentosa như Singapore; nhưng bù lại người Sài Gòn lại tạo ra những góc thư giãn ở mỗi gia đình, người giàu có hồ bơi, vườn cây, người khá giả có hòn non bộ, thác nước, người nghèo có dăm cây cảnh ở ngoài hành lang hay dành một góc sân nho nhỏ cho vài cây cảnh. Có thể do hoàn cảnh hay cũng do tính cách mà người Sài Gòn có điều hơi lạ là không quá cầu kỳ khi tìm sự cân bằng nội tâm. Họ không phải cầu kỳ, hoành tráng như dân Hà Nội hay câu nệ nghi thức như dân Huế; mà phần nhiều là bình dân, đôi khi thật dễ dãi. Một quán càphê cóc đầu ngõ, một tiệm cắt tóc vỉa hè, một quán nhậu bình dân với mấy cái ly mẻ xoay vòng bên bờ kênh Nhiêu Lộc còn nặng mùi vậy là cũng đủ “dzui”.

Sẽ có ai đó nói người Sài Gòn nói chung chơi chưa sang, ít thứ đỉnh, chưa vươn tới hàn lâm, kinh viện; nhưng có sao đâu, có thể chính điều đó lại tạo ra một môi trường sống không quá khuôn phép, khô cứng, không quá màu mè hình thức, có lẽ vậy mà người Sài Gòn thân thiện, cởi mở và thực lòng. Nếu không tin, nhân ngày đầu xuân bạn hãy đến bất cứ bàn nhậu nào cũng sẽ được mời cụng ly mà không hề biết bạn là ai, ở đâu đến miễn bạn thực lòng, nhưng xin nhớ đừng quá chén, nếu quá đà lúc đó bạn sẽ biết một phía khác của người Sài Gòn, dẫu điều lỗi lầm đó đôi khi cũng hồn nhiên như không. Khách nước ngoài khoái cái tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” của người Sài Gòn là “dzậy”!

Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: ,