Thế giới hậu sự thật và thách thức cho con người trong kỷ nguyên số

Internet đầy rẫy những huyền thoại, trò lừa đảo và các câu chuyện hoang đường, đồng thời tạo ra những tranh cãi bất tận. Dù bất kỳ sự thật nào cũng có thể được kiểm chứng (fact-check) rất nhanh, tại sao tiểu thuyết vẫn lấn át sự thật?

Thế giới hậu sự thật và thách thức cho con người trong kỷ nguyên số

Từ “In God We Trust” của người Mỹ

Cách đây vài năm, có một câu chuyện gây tranh cãi dữ dội trong lòng nước Mỹ: không hiểu từ đâu, tin đồn rằng Tổng thống Mỹ đang cố xóa dòng chữ nổi tiếng “In God We Trust” (Chúng ta tín thác vào Chúa) khỏi các tờ tiền của nước Mỹ. Ngay sau đó, bất chấp việc trang chống tin giả Snopes đã lên bài đính chính rằng đây chỉ là câu chuyện thêu dệt, tin đồn này vẫn bay khắp nơi và khiến người Mỹ cãi nhau vì mối lo ngại rằng rồi đây Mỹ sẽ trở thành một quốc gia vô thần.

“Truyền thuyết” này đã đứng vững trong nhiều năm và lần nào được nhắc lại cũng… tạo ra tranh luận. Các tin đồn dường như đã xuất hiện vào năm 2007, với những lo lắng về thiết kế của tờ 5 đôla mới. Hoặc, thậm chí có thể sớm hơn, từ trước đó một năm, khi Michael Newdow kiện chính phủ vì cho rằng cụm “In God We Trust” đã vi phạm quyền công dân của mình. Cũng có một số mầm mống của sự thật trong chuyện này: Đúng là vào năm 2007, có một số đồng đôla mới phát hành không in cụm từ này. Nhưng, đây là một lỗi kỹ thuật thuần túy, không phải nỗ lực xóa bỏ tôn giáo của Chính phủ Mỹ.

Tin đồn gần đây nhất về việc cựu Tổng thống Barack Obama bỏ cụm “In God We Trust” khỏi tất cả các tờ tiền bắt nguồn từ trang web chuyên châm biếm The National Report, vẽ ra một câu chuyện trào phúng vào tháng 12-2015, rằng tổng thống làm thế là để phản ánh một thực tế là số lượng những người tin vào Chúa đang giảm dần.

Dựa trên một lõi nhỏ sự thật, bài báo giả này đã kích động rất nhiều người Cơ Đốc giáo, cho đến tận hôm nay. Trong nhiều thế kỷ, con người đã khăng khăng tin vào những lời nói dối vì chúng củng cố cho những huyền thoại văn hóa. Nhưng, trong thời đại của internet, khi sự thật nằm trong tầm tay chúng ta, tại sao những lời nói dối trắng trợn kiểu thế vẫn tồn tại?

Trong khi một số huyền thoại trên Internet là phù dù và ngớ ngẩn, được thiết kế để chọc cười chúng ta, những huyền thoại khác lại khai thác niềm tin sâu sắc của chúng ta về xã hội và văn hóa. Ví dụ như tuyên bố về quyền riêng tư giả mạo trên Facebook có sức mạnh lan truyền vì nó kết nối với môi trường xung quanh chúng ta về lo ngại bảo mật và công nghệ. Hay như huyền thoại về việc loại bỏ “In God We Trust” đến từ một thực tế rằng có rất nhiều người lo lắng tương lai của nước Mỹ là quốc gia vô thần.

Điều này hóa ra chẳng có gì mới và xã hội văn minh của chúng ta đã quay lại với làn sương mù từ thế kỷ 18. Vào thời điểm ấy, tại Dublin, một tin đồn ác ý lan truyền rằng Grizell Steevens, một bà cô giàu có, có khuôn mặt lợn. Steevens là con gái của một giáo sĩ giàu có. Sau cái chết của cha và anh trai sinh đôi, bà được thừa hưởng toàn bộ tài sản của gia đình. Là một nhà từ thiện vĩ đại, người ta thường nhìn thấy Steevens đi quanh thị trấn trên chiếc xe ngựa, trong khi những người hầu phát tiền cho người nghèo.

Vì mắt có vấn đề, Steevens thường phải đeo mạng che mặt và câu chuyện bắt đầu từ đây: Các tờ báo bắt đầu đăng tải lời kể của những người tuyên bố đã nhìn thấy khuôn mặt heo khủng khiếp của bà. Thậm chí, Steevens đã ngồi trước hiên và mở cửa sổ để mọi người có thể nhìn rõ khuôn mặt thật của bà. Chẳng ích gì cả. Ngay cả khi bà qua đời vào năm 1747, những người đến viếng thăm bệnh viện mà bà đã bỏ tiền xây vẫn được tham quan một cái… máng bạc, được cho là dụng cụ ăn uống dành cho ân nhân của họ. Những câu chuyện này, giống như hầu hết các truyền thuyết thành thị, có sức mạnh duy trì vì chúng xoáy sâu vào mối ganh ghét với sự giàu có lẫn sắc đẹp.

Chẳng biết tin ai

Bạn có thể thấy những “huyền thoại” này rất quen: Chúng ta tạo ra những chuyện kiểu vậy trên internet hằng ngày và phiên bản nào cũng có độc giả trung thành. Từ chuyện “con này giàu thế hẳn phải có đại gia bao rồi”, cho đến “đàn ông đi nước ngoài ông nào chả muốn thử râu ngô”, rồi “nghệ sĩ sống thác loạn lắm, thế này đã là gì”.

Năm 2012, Johah Berger và Katherine Milkman, giảng viên của Trường Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Pennsylvania, đã phân tích tập mẫu gồm 7.000 bài báo từ tờ New York Times để đánh giá xem điều gì đã khiến các câu chuyện hoang đường lan truyền. Những gì họ phát hiện ra là những câu chuyện khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ – cả tích cực lẫn tiêu cực – được chia sẻ thường xuyên nhất. Mọi người tin vào các câu chuyện mà qua đó họ cảm thấy kết nối, khẳng định được quan điểm của họ về thế giới và trong các trường hợp này, sự thật chỉ là một thứ đáng nguyền rủa.

Vào tháng 11, tạp chí Rolling Stone đăng tải câu chuyện về một phụ nữ tên là Jackie bị cưỡng hiếp tại Đại học Virginia. Sau bài báo, trường Virginia đã cấm túc hội nữ sinh trong khuôn viên trường để điều tra ngọn ngành. Rolling Stone sau đó rút lại câu chuyện của họ, do phát hiện ra rất nhiều mâu thuẫn trong lời kể của Jackie và sau khi điều tra thêm, họ không còn tin lời cô ta nữa.

Nhưng, kể cả khi chính Rolling Stone đã thừa nhận đó là câu chuyện bịa đặt thì nó vẫn phát triển dưới nhiều phiên bản khác nhau. Người lấy nó làm ví dụ về việc phụ nữ đã chủ động hủy hoại đàn ông bằng những cáo buộc hiếp dâm sai sự thật. Kẻ cho rằng tờ báo đã bị mua chuộc để gỡ bài khỏi web. Việc đính chính chẳng có tác dụng gì ở đây cả, giữa một thời đại mà sự bất hòa nhận thức ở mức đỉnh điểm. Sự thật luôn nằm trong tầm tay chúng ta nhưng thay vì để chúng giải phóng chúng ta, ta lại trở thành một nạn nhân trong những cuộc chiến ý thức hệ.

Bất cứ khi nào sự thật mâu thuẫn với một trong những niềm tin của chúng ta, ta luôn được nhắc nhở rằng hãy sửa đổi lại hệ thống niềm tin của mình. Nhưng, đa số thường từ chối điều này, thậm chí sự thật còn củng cố lại hệ thống niềm tin của họ, giúp họ đương đầu với thực tế bằng một cứng đầu đến sắt đá. Thậm chí, bạn bắt đầu lờ đi các dữ kiện có lý và đi tìm những dữ kiện phù hợp với niềm tin của mình. Nếu dùng Google đủ lâu, bạn đủ sức biến bất kỳ điều hoang đường nào trở thành sự thật.

Thế giới hậu sự thật (post-truth) này đang đặt ra những thách thức cho con người, nhưng không phải bằng bất kỳ kẻ thù nào từ bên ngoài. Nó bắt nguồn từ chính tiếng nói nội tâm của chúng ta và vì thế, nó khó đánh bại hơn bao giờ hết.

Theo BAN CẦM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,