Thay đổi trong quan hệ của Philippines với Trung Quốc – Mỹ và hàm ý với Việt Nam

Đã hơn một năm kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nhậm chức, Philippines đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các bước đi thực chất hơn nhằm hàn gắn quan hệ với đồng minh Mỹ thay vì nghiêng về phía Trung Quốc như người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, qua đó nước này tìm cách duy trì lợi ích quốc gia bất chấp sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thay đổi trong quan hệ của Philippines với Trung Quốc và Mỹ và hàm ý với Việt Nam

Bài viết tập trung nghiên cứu những thay đổi trong đường lối đối ngoại của Philippines với hai siêu cường kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr lên cầm quyền đến nay. Đây là một đề tài có thể đi sâu nghiên cứu, trao đổi để tìm hiểu những vấn đề liên quan trong bối cảnh khu vực đang có những biến động phức tạp, từ đó góp phần tạo luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực an ninh – đối ngoại với các nước trong và ngoài khu vực.

1. Bối cảnh tác động đến việc triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất vô cùng nặng nề đối với thế giới, khu vực và Philippines không phải là trường hợp ngoại lệ. Sau gần 3 năm qua (2020 – 2022), đại dịch COVID-19 đã làm hàng triệu người chết, gây tổn thất kinh tế nặng nề, phải hàng thập kỷ sau mới phục hồi được và Philippines là một những quốc gia phải chịu tổn thất thất nặng nề nhất. Bởi, dưới thời Tổng thống Philippines Duterte biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 đã không mang lại hiệu quả, gây bức xúc cho người dân Philippines khi không hài lòng đối với biện pháp của chính phủ trong phòng chống đại dịch, cũng như các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới kéo để dài phòng dịch đã làm tê liệt nghiêm trọng nền kinh tế.

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài hơn một năm qua cùng những biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo giá cả xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao, điều này đã tác động đến nền kinh tế các nước, trong đó có Philippines. Đây là nhân tố thúc đẩy Philippines lựa chọn đường lối “không chọn bên”, thay vào đó nước này đã tranh thủ bất kỳ lợi ích nào có thể nhận được từ quan hệ với hai cường quốc Mỹ – Trung, và thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại cân bằng của Manila.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực ngày càng gay gắt đã tác động đến sự điều chỉnh, triển khai chính sách đối ngoại của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc – Mỹ, cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng trở lên gay gắt khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền đã tuyên bố đảo ngược tất cả các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng ông không từ bỏ chính sách quan hệ với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông, thậm chí còn thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn như thay thế cách coi Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump là “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” sang là “đối thủ cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất”, “thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ 21”. Mỹ đã lôi kéo, tập hợp đồng minh, đối tác trong khu vực để đối trọng với Trung Quốc.

Sau khi nhậm chức ngày 20/01/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chính sách quay trở lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cùng với khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên” dưới thời Donald Trump, đường lối đối ngoại của Washington đã gây ra sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và một số nước Đông Nam Á do nhiều đòi hỏi thực dụng. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “nước Mỹ trở lại”, Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ sự khác biệt so với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump, điều ông thường chỉ trích là đã khiến nước Mỹ trở nên “đơn độc”. Theo đó, trọng tâm trong trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Joe Biden đó là “hàn gắn” các quan hệ đồng minh, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng dưới chính quyền tiền nhiệm. Ngày 04/2/2021, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden khẳng định, quan hệ đồng minh là một trong số tài sản quý giá nhất của nước Mỹ, đồng thời cam kết Mỹ sẽ sát cánh với các nước đồng minh và đối tác để hợp sức giải quyết các thách thức chung của nhân loại([1]). Một trong những ưu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Bieden là thực hiện lại “chủ nghĩa đa phương” và “chủ nghĩa khu vực”, điều mà Chính quyền Tổng thống Trump đã từ bỏ, đồng thời hợp tác nhiều hơn với ASEAN, cử lãnh đạo cấp cao thăm các nước cũng như tích cực tham gia các hội nghị của ASEAN. Mặc dù tuyên bố từ bỏ chính sách của người tiềm nhiệm Donld Trump, nhưng ông Joe Biden vẫn duy trì chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí có phần quyết đoán hơn. Trong những tuần đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

2. Quan hệ Philippines với Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr lên cầm quyền đến nay

Những điều chỉnh trong quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr so với cựu Tổng thống Rodrigo Duterte

Sau khi lên cầm quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã có sự điều chỉnh triển khai chính sách đối ngoại khác biệt so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trong mối quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, ông Marcos đã thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là việc nghiêng về phía Trung Quốc như Tổng thống Rodrigo Duterte. Cụ thể, trong bài phát biểu trước Quốc hội Philippines ngày 14/08/2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã nhấn mạnh, Philippines sẽ giữ vững chính sách đối ngoại độc lập, lấy lợi ích quốc gia làm kim chỉ nam hàng đầu, trở thành “láng giềng tốt” với các quốc gia. Theo đó, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr thực hiện chủ trương “thân Mỹ, làm bạn với Trung Quốc”.

Để hiện thực hóa tuyên bố này, bất chấp tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc vẫn phức tạp nhưng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr vẫn thực hiện chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh (từ ngày 03 – 05/01/2023), điều này theo lời quan chức Philippines, là “không thể hoãn lại” nhằm “tái khẳng định mối quan hệ láng giềng thân thiện” giữa hai quốc gia. Sau các cuộc bầu cử gần đây tại cả hai nước, chuyến thăm được dự kiến sẽ định hình và thiết lập quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trong vòng 5 đến 6 năm tới([2]). Đây là lần đầu tiên ông Marcos tới thăm Trung Quốc kể từ khi nhậm chức Tổng thống, và chuyến thăm này cũng là chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia ngoài ASEAN của ông. Tổng thống Marcos cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón vào năm 2023. Những điều này đều thể hiện sự coi trọng của cả Trung Quốc và Philippines đối với quan hệ song phương. Kết quả chuyến thăm, hai nước đã ký Thỏa thuận về việc thiết lập một đường dây “liên lạc trực tiếp” để tránh “những tính toán sai lầm” ở Biển Đông. Khoảng 14 thỏa thuận song phương về hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển và các khoản tài trợ lớn của Trung Quốc dành cho Philippines đã được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, theo tuyên bố chung([3]). Hai bên đồng ý “nối lại đàm phán về thăm dò dầu khí, thúc đẩy hợp tác dầu khí tại các khu vực không có tranh chấp”. Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do đi lại trên biển, trên không ở Biển Đông và sẽ tổ chức đối thoại an ninh thường niên. Chuyến thăm này đã phản ánh mong muốn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr là duy trì quan hệ ổn định và thu hút lợi ích kinh tế của Trung Quốc, trong khi làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh với Mỹ.

Trong vấn đề Biển Đông, bên cạnh thể hiện mong muốn làm bạn với Bắc Kinh, giới lãnh đạo cấp cao Philippines cũng khẳng định sẽ không từ bỏ hay để “một tấc đất nào” rơi vào tay Trung Quốc, đồng thời sẽ dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Philippines nhằm chống lại yêu sách tham vọng quy mô của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, ngày 26/05/2022, phát biểu khi chưa nhậm chức tân Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr tuyên bố: “chúng ta đã có được một phán quyết rất quan trọng có lợi cho chúng ta, và chúng ta sẽ sử dụng phán quyết này để tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ”([4]). Trong khi người tiền nhiệm Rodrigo Duterte ngay sau khi lên cầm quyền lại gạt bỏ phán quyết của PCA năm 2016 để đổi lấy lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, cho rằng phán quyết lịch sử trên chỉ là “tờ giấy lộn, chỉ đáng để vứt vào sọt rác”([5]) và phải mất đến 4 năm sau, khi lần đầu tiên phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 23/9/2020), Tổng thống Duterte mới thay đổi quan điểm về vấn đề này khi đề cập đến tranh chấp Biển Đông, bằng cách nhấn mạnh phán quyết PCA năm 2016 là “vượt ra ngoài sự thỏa hiệp”, đồng thời khẳng định Philippines “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại nó”([6]).

Trong cuộc hội đàm ngày 04/01/2023 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Trung Quốc (từ 03 – 05/01/2023), mặc dù ông Ferdinand Marcos Jr đã nhận được lời cam kết “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển với Philippines thông qua hiệp thương hữu nghị, tái khởi động đàm phán về khai thác dầu khí, thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí ở các khu vực phi tranh chấp, triển khai hợp tác năng lượng xanh như quang điện, năng lượng gió và ô tô năng lượng mới”([7]) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời hai bên đã đồng thuận một thỏa hiệp và giải pháp cho phép ngư dân Philippines hoạt động trong ngư trường lịch sử của họ. Tuy nhiên, hầu hết các cam kết của Trung Quốc chỉ là trên bàn đàm phán và không mang tính thực chất. Bằng chứng là, sau gần một tháng kể từ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Marcos Jr, vào đúng ngày Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Philippines (01/02/2023), tầu tuần duyên BRP Andres Bonifaciao (PS-17) của Philippines khi đang tiến hành hoạt động tuần tra quanh bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thì bị hai tầu hải cảnh Trung Quốc có số hiệu GCC 5204, GCC 5304, cùng với hai tầu dân quân biển là Qiong Sansha Yu 0001 và Qiong Lin Yu 19002 tiến hành theo dõi, đeo bám nhằm cản trở hoạt động của lực lượng này gần Đá Vành Khăn. Ngày 06/02/2023, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser vào tàu của Philippines trên khu vực bãi Cỏ Mây, khiến các thủy thủ Philippines trên tàu bị mù tạm thời. Phản ứng với hành động này, ngày 14/02/2023 Tổng thống Marcos Jr đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước sự kiện này, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối liên quan tần suất và cường độ ngày càng gia tăng của các hành động gây hấn từ phía Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối chính thức đến Trung Quốc, chỉ trích hành động chiếu laser của tàu hải cảnh Trung Quốc là đi ngược lại thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 01/2023, vốn thỏa thuận những khác biệt trên biển nên được giải quyết thông qua đối thoại thay vì dùng vũ lực, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh đảm bảo các tàu nước này ngừng ngay “các hoạt động gây hấn”.

Ở chiều ngược lại, trong quan hệ với Mỹ, Tổng thống Philippines đã nỗ lực thúc đẩy các bước đi thực chất hơn nhằm hàn gắn quan hệ đồng minh với Washington, điều này đã được thể hiện rõ nét qua chuyến công du kéo dài 03 ngày (từ 21 – 24/11/2022) của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Philippines, diễn ra chỉ hơn một tháng trước khi ông Marcos Jr thực hiện chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, 21 dự án hợp tác do Mỹ tài trợ đã được hai bên thảo luận triển khai cùng với lời cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ bất cứ khi nào xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Philippines. Bên cạnh thắt chặt hợp tác an ninh, phía Mỹ cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác với Philippines trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hợp tác về hạt nhân, an ninh lương thực, kinh tế kỹ thuật số, y tế, hàng hải. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Philippines và điều này cho thấy quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm đã nồng ấm trở lại. Trong khi đó người tiền nhiệm, Tổng thống Rodrigo Duterte ngay sau khi lên cầm quyền (06/2016), hết lần này đến lần khác đề cập tới việc “thân Trung Quốc”, gạt bỏ phán quyết của PCA năm 2016, đồng thời né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh nhằm thu hút các khoản đầu tư, lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc diễn ra năm 2016, ông Duterte từng tuyên bố “đã đến lúc chào tạm biệt Washington” trước sự vui mừng của lãnh đạo nước chủ nhà, đồng thời hoan nghênh các khoản đầu tư thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, đe dọa đình chỉ các cuộc tập trận chung với Mỹ và gọi Trung Quốc là “bạn tốt”. Đây là sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại “thân Trung Quốc”, khi ông luôn có quan điểm, lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như thu hút đầu tư kinh tế của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tích cực “hàn gắn” quan hệ với Mỹ

Có thể nói, phần lớn thời gian nắm quyền dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte (2016 – 2022), việc Tổng thống Duterte “ngả” sang Trung Quốc và “xa rời” đồng minh Mỹ, đã khiến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ – Philippines có những rạn nứt khá lớn. Ông Duterte đã thường xuyên đưa ra nhiều tuyên bố không nhất quán nhưng khá cứng rắn nhằm vào Mỹ cũng như các quyết định gây tranh cãi trong quan hệ với đồng minh lâu đời như đơn phương tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) vào tháng 02/2020, vốn là một phần không thể tách rời của Hiệp ước Phòng thủ chung (MTD) được hai nước ký kết năm 1951, được xem là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội Philippines và quân đội Mỹ, giúp Philippines có thêm các trang thiết bị, phương tiện quân sự và hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ. Thậm chí Tổng thống Duterte còn có ý định chấm dứt Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III ký năm 2014 cũng như vô hiệu hóa Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) bằng cách không cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại đất liền cũng như các vùng biển của Philippines.

Sau khi nhậm chức, chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nỗ lực đưa đất nước quay trở lại mối quan hệ truyền thống, đồng minh ngoài NATO với Mỹ như chưa hề có “cuộc chia ly”. Để hiện thực hóa các mục tiêu đưa mối quan hệ song phương Philippines – Mỹ nồng ấm trở lại, các quan chức quốc phòng và ngoại giao của hai nước đã tích cực thúc đẩy các chuyến thăm lẫn nhau và chuyến thăm Philippines của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra từ ngày 20 – 22/11/2022, được xem là bước đi tiếp theo trong nỗ lực tiếp cận tân chủ nhân Điện Malacanang và khởi động lại quan hệ song phương của Mỹ. Bà Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Philippines kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr nhậm chức (06/2022). Trước bà Kamala Harris, Tổng thống Marcos đã có cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (09/6/2022), tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken (06/08/2022). Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã có chuyến thăm Mỹ và dự tuần lễ cấp cao của Ðại Hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77 (20 – 29/09/2022), trở thành nhà lãnh đạo Philippines đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ năm 2015. Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ Tổng thống Marcos cho biết, Philippines sẽ gắn liền với Mỹ với tư cách là một “đối tác”. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho rằng “Mỹ-Philippines là một liên minh có tầm quan trọng sống còn”([8]), còn Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định “Philippines là bạn, là đối tác và đồng minh không thể thay thế của Mỹ”.

Ngày 29/09/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp người đồng cấp Philippines Jose Faustino Jr tại Hawaii trong khuôn khổ cuộc họp 03 ngày với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles. Trong cuộc hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Philippines, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông và Đài Loan. Hai bên đã bày tỏ quan ngại về sự về sự cưỡng ép và quả quyết của Trung Quốc trải dài từ khu vực biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan, Biển Đông, khắp các quần đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Philippines sẽ để Mỹ sử dụng những căn cứ của nước này nếu xảy ra xung đột liên quan Đài Loan hoặc trong một số tình hình cụ thể. Ngày 20/01/2023 Philippines và Mỹ đã nối lại Đối thoại an ninh và hai nước đã tiến hành cuộc họp 2+2 giữa lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng của đôi bên vào ngày 11/4 tại Washington sau 7 năm đình trệ. Trong chuyến thăm Philippines ngày 01/02/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra thông báo về việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ quân sự ở nước này, khẳng định Mỹ mong muốn mở rộng các lựa chọn an ninh tại Philippines như một phần trong nỗ lực ngăn chặn bất kỳ động thái nào của Trung Quốc chống lại Đài Loan, trong khi Philippines mong muốn Mỹ tăng cường bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông đang có tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, chuyến thăm nhằm mục đích “để xây dựng mối quan hệ song phương mạnh mẽ của chúng ta, thảo luận về một loạt sáng kiến an ninh và thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Sau chuyến thăm, hai nước đã đạt được một thỏa thuận tiếp cận và đề xuất các địa điểm bổ sung theo Thỏa thuận EDCA mở rộng có từ năm 2014. Theo đó, quân đội Mỹ đã được phép tiếp cận 4 căn cứ bổ sung trên vùng đất phía bắc Luzon, phần gần nhất của Philippines với Đài Loan, cũng như một căn cứ khác trên đảo Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp ở Biển Đông. Bằng cách này, Mỹ sẽ có 9 căn cứ quân sự ở Philippines, hiện thực hóa sự hiện diện quân sự lớn nhất đầu tiên ở Philippines sau khi Mỹ rút các căn cứ quân sự vào những năm 1990. Giải thích cho quyết định này, Tổng thống Philippines Marcos khẳng định “chúng tôi cảm thấy rằng các hợp tác sẽ giúp đảm bảo tuyến hàng hải an toàn ở Biển Đông. Và hơn nữa, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng tôi”([9]). Để trấn an Trung Quốc trước động thái này, ông Marcos cho biết “chúng tôi sẽ không cho phép các căn cứ quân sự của mình được sử dụng cho bất kỳ hành động tấn công nào. Điều này chỉ nhằm mục đích giúp đỡ Philippines nếu cần thiết”([10]).

Từ ngày 01 – 04/5/2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Philippines trong 10 năm qua, với mục đích “cập nhật lợi ích quốc gia trong bình diện địa chính trị mới tại khu vực”. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 03/5 hai nước đã ký thỏa thuận “Hướng dẫn Phòng thủ Song phương”([11]), qua đó khẳng định cam kết phòng thủ chung trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công “bất kỳ ở đâu trên Biển Đông”. Điều này đã giúp Philippines có “một hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn” với Mỹ, xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong Hiệp ước quốc phòng MDT ký từ năm 1951, đây là lần đầu tiên có các hướng dẫn mới tiếp theo hàng loạt phản đối về ngoại giao của Manila trong năm qua về những gì mà Philippines gọi là “các hành động và mối đe dọa hung hăng của Trung Quốc” đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines. Cùng với MDT, Thỏa thuận VFA ký năm 1998 và Thỏa thuận EDCA ký năm 2014, đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ đó sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ, không gian mạng, ở dạng “chiến tranh bất đối xứng”, và bất thường của chiến thuật “vùng xám”. Điều quan trọng nhất là qua chuyến thăm lần này, ông Marcos đã cho thấy một cách tiếp cận tinh tế hơn của Manila khi vừa khéo léo thúc đẩy các xu hướng kiểm soát xung đột vừa khai thác những đặc điểm trong cạnh tranh Mỹ – Trung để hoán chuyển thành lợi thế cho thế trận tự chủ chiến lược của Philippines. Cụ thể, tại các cuộc trao đổi trong chuyến thăm, cả Philippines và Mỹ đều đạt đồng thuận khi xác định nội dung hợp tác ở bốn căn cứ mới theo Thỏa thuận EDCA sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Trước đó, chính ông Marcos cũng khẳng định sẽ không cho phép Mỹ được đặt các vũ khí liên quan đến Đài Loan tại bất kỳ căn cứ nào trong khuôn khổ EDCA, điều này đã góp phần xoa dịu những căng thẳng không đáng có với Trung Quốc.

Những động lực thúc đẩy Philippines tích cực “hàn gắn” quan hệ với Mỹ

Trải qua 05 năm không mấy suôn sẻ, “cơm không lành, canh không ngọt” với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, việc thiếu vắng Mỹ đã để lại những khoảng trống không thể bù đắp về cả kinh tế, an ninh và quốc phòng,…đối với Philippines, nhất là trong bối cảnh các kỳ vọng của chính quyền ông Duterte trong việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc không được như mong muốn. Nhận thức được điều này, ngay sau khi ông Duterte hết nhiệm kỳ (6/2022), tân Tổng thống Philippines đã nhanh chóng có những động thái làm “nồng ấm” mối quan hệ với Mỹ, đồng thời có những bước điều chỉnh nhất định theo hướng cân bằng hơn quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, từ đó thổi luồng gió mới vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ, điều vốn được người dân Philippines và nhiều chính khách nước này ủng hộ.

Tích cực hàn gắn quan hệ đồng minh ngoài NATO với Mỹ nhằm đạt được những lợi ích về an ninh. Quan hệ Philippines – Mỹ đã kéo dài 70 năm qua, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Điều đó khiến cho quan hệ hai nước gắn bó với nhiều lợi ích ràng buộc, Philippines luôn dựa vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ để bảo đảm an ninh nội địa và chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, chống lại sự xâm phập từ bên ngoài. Vũ khí, trang bị, huấn luyện đào tạo cho quân đội Philippines đều do Mỹ bảo đảm, đổi lại Philippines cho Mỹ triển khai các căn cứ quân sự, hậu cần, kỹ thuật trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, ông là tổng thống đầu tiên thực hiện chính sách xa rời Mỹ kể từ khi Philippines giành được độc lập. Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 6 năm (2016 – 2022), nhà lãnh đạo này đã có nhiều tuyên bố không nhất quán và được coi là cứng rắn nhằm vào Mỹ. Ngoài việc hủy bỏ VFA, ông Rodrigo Duterte còn tuyên bố sẽ chấm dứt EDCA, thậm chí vô hiệu hóa MDT bằng cách không cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên đất liền, cũng như các vùng biển của Philippines. Chính điều đó đã khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines ngày càng trở nên mong manh, dễ đổ vỡ. Phân tích việc Tổng thống Rodrigo Duterte hoạch định chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính có thể bắt nguồn từ sự chỉ trích của chính quyền Mỹ đối với chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu và gây nhiều tranh cãi do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines thì việc Mỹ không cấp thị thực cho Thượng nghị sĩ Rolando dela Rosa, người bạn thân thiết, đồng minh chính trị thân cận của ông Rodrigo Duterte và cũng là người chỉ đạo cuộc chiến chống ma túy với tư cách cảnh sát trưởng quốc gia (2016 – 2017) mới là “giọt nước tràn ly”, nhưng có lẽ, gốc rễ của vấn đề lại xuất phát từ cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn tại Đông Nam Á, khu vực có nguy cơ trở thành trung tâm xung đột lợi ích giữa các cường quốc. Bởi, Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa kinh tế, chính trị và quân sự trọng yếu; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một thực thể chính trị – kinh tế quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương; là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới, ngoài ra các quốc gia tại khu vực này có đường lối đối ngoại cân bằng, ít bị tác động bởi chính sách các nước lớn. Chính vì lý do đó, nên Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra quyết định hủy bỏ VFA nhằm hạn chế sự lệ thuộc vào nước lớn, hệ quả là nhiều hoạt động từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh đều không còn yếu tố Mỹ. Tuy nhiên, sau 6 năm rời xa Mỹ, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr sau khi lên cầm quyền đã nhận thấy, việc rời xa Mỹ đã khiến Philippines mất nhiều hơn được và ông Marcos đã quyết định điều chỉnh chính sách quay trở lại quan hệ đồng minh ngoài NATO với Mỹ để đạt lợi ích an ninh.

Bên cạnh đó, mặc dù Tổng thống Ferdinand Marcos Jr luôn mong muốn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc càng nhiều càng tốt, nhưng sau các hành động nguy hiểm Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, và đảo Đài Loan khiến ông đi đến kết luận không thể hy sinh chủ quyền của Philippines. Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục các hành vi bức hiếp ở Biển Đông, thì một liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và đồng minh là biện pháp ngăn chặn tốt nhất đối với Philippines trước thế bá quyền của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn Nikkei Asia ngày 13/02/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho rằng: “khi chúng tôi xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi có thể thấy rằng, chỉ cần xét đến vị trí địa lý của chúng tôi thôi cũng đã thật khó để hình dung ra tình huống mà Philippines bằng cách nào đó sẽ không bị dính líu, nếu thực tế có xung đột ở khu vực đó”([12]). Tỉnh Ilocos Norte quê hương ông Marcos nằm ở phía bắc Philippines chỉ cách thành phố Cao Hùng phía nam Đài Loan 40 phút bay. Mối e ngại từ Philippines cũng có cơ sở khi điểm gần nhất giữa Đài Loan và Philippines chỉ cách nhau khoảng 159km, có nghĩa những xung đột giả định xảy ra ở Đài Loan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới họ, Philippines cảm thấy rằng họ đang ở tuyến đầu trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Từ diễn biến phức tạp trong tình hình khu vực và quốc tế hiện nay đã khiến Chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr buộc phải tìm kiếm sự đảm bảo và thể hiện mong muốn mạnh mẽ nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong giai đoạn phức tạp này. Bên cạnh đó là lợi ích của Philippines ở khu vực Biển Đông khi Manila tuyên bố sẽ theo đuổi các nỗ lực cùng Mỹ hướng tới “phòng thủ tập thể” cho khu vực quanh Biển Đông đang xảy ra tranh chấp.

Tích cực hàn gắn quan hệ đồng minh ngoài NATO với Mỹ nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế. Đại dịch COVID-19 gần 3 năm qua đã gây tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế Philippines mà hàng thập kỷ sau mới có thể phục hồi được. Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Philippines đã tích cực hàn gắn quan hệ với Mỹ. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Philippines đứng trên cả những nhà đầu tư lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. Với khoảng 4 triệu công dân Mỹ là người gốc Philippines, hằng năm lượng kiều hối họ gửi về nước khoảng 6 tỷ USD. Nếu quan hệ hai nước không được cải thiện, Mỹ tăng thuế nhằm vào số kiều hối này thì nền kinh tế Philippines sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Hơn nữa, đại đa số các chính trị gia của quốc gia này cũng có xu hướng ngả về Mỹ. Bên cạnh đó, trong đại dịch COVID-19 Philippines đã nhận được hàng chục triệu liều vắc xin của Mỹ và cũng là một trong những nước trong khu vực  nhận được nhiều vắc xin phòng chống COVID-19 nhất do Mỹ trao tặng. Khi nối lại mối quan hệ với Mỹ, Philippines đã đẩy mạnh các định hướng “kinh tế hóa” nhằm tăng cường lợi ích chung, tạo sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước. Trong đó, Philippines chấp thuận trở thành “giao điểm” giữa các khuôn khổ kinh tế mà Mỹ đang thúc đẩy nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực trong năm 2023 như Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF), Khuôn khổ kinh tế IPEF và Diễn đàn APEC mà Mỹ đang giữ vai trò nước chủ nhà. Ngoài ra, Philippines cũng tạo điều kiện cho khoản đầu tư 3 tỉ USD của Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) vào chuỗi cung ứng khoáng sản thế mạnh của nước này (đặc biệt là niken có trữ lượng lớn thứ tư và đồng có trữ lượng lớn thứ năm toàn thế giới). Đổi lại, Philippines thúc đẩy thành công quan hệ đối tác về năng lượng hạt nhân dân sự với Mỹ.

Tóm lại, sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại này của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr không phải là “chọn bên” trong quan hệ với các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc trong giai đoạn đầy biến động hiện nay mà là sự quay trở lại với đồng minh lâu đời sau thời kỳ “rạn nứt”, từ đó giúp củng cố và hiện đại hóa hơn nữa hệ thống phòng thủ của Manila trước các mối đe dọa về an ninh ngày càng tăng. Những bài học và kinh nghiệm nhãn tiền trong thời kỳ “băng giá” với Mỹ cũng như các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã khiến ông Marcos nhận thấy sự cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ với đồng minh lâu đời Mỹ, tăng cường hợp tác và hướng tới tương lai vì lợi ích của riêng Philippines cũng như lợi ích của đồng minh chiến lược. Trở lại quỹ đạo đồng minh với Mỹ không đồng nghĩa với việc Manila sẽ không coi trọng đối thoại thân thiện với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Philippines hiện nay.

3. Dự báo quan hệ Philippines với Trung Quốc và Mỹ thời gian tới

Chiều ngày 24/7/2023, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã đọc Thông điệp Quốc gia (SONA) thứ hai trong nhiệm kỳ. Các nội dung được đề cập trong bản SONA lần này chủ yếu nhấn mạnh vào các vấn đề đối nội, trong khi tỏ ra thận trọng hơn trong đề cập về đối ngoại. Đối ngoại là điểm khác biệt đáng kể nhất giữa Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr và người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Nếu như dưới thời ông Duterte, từ khóa “Trung Quốc” và “Biển Đông” xuất hiện một cách đều đặn trong các bản SONA thì hai từ khóa này hầu như không xuất hiện trong hai bản SONA dưới thời Tổng thống Marcos Jr. Thay vào đó, ông tập trung vào hợp tác song phương và đa phương thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Philippines “sẵn sàng theo đuổi đối thoại liên tục và cách tiếp cận ngoại giao để tìm kiếm giải pháp với các vấn đề phát sinh”. Tuy nhiên, Manila sẽ “bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”([13]).

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc ở khu vực ngày càng gay gắt,  Chính phủ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng linh hoạt và mềm dẻo trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, một mặt, Philippines sẽ duy trì và củng cố mối quan hệ với Mỹ, đồng minh an ninh quan trọng bậc nhất, tiếp tục dựa vào “ô an ninh” của Mỹ để bảo bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự gia tăng các hành vi gây hấn, bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, Philippines tăng cường làm bạn với Trung Quốc để đạt được lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời không từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Philippines sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi đàm phán hòa bình, trên cơ luật pháp quốc tế và phán quyết của PCA năm 2016 để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Marcos Jr tới Trung Quốc (tháng 1/2023) và Mỹ (tháng 4/2023) là một phần trong nỗ lực cân bằng đó.

4. Những tác động đối với khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông

Sự điều chỉnh, triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đã, đang, và sẽ tạo ra các tác động trực tiếp đối với khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Theo đó:

Thứ nhất, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr điều chỉnh, triển khai chính sách đối ngoại trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo sự dịch chuyển địa – chính trị ở khu vực theo hướng có lợi cho cho Philippines và các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Sự hiện diện của Quân đội Mỹ sẽ làm giảm sự ngang ngược, bắt nạt các nước trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và xu thế tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông được đảo ngược từ từng cặp nước liên quan đàm phán, hiệp thương giải quyết và giải quyết song phương với Trung Quốc quay trở lại đoàn kết giữa các nhóm nước ASEAN có tranh chấp và ASEAN với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, Philippines điều chính sách quay trở lại quan hệ đồng minh ngoài NATO với Mỹ và cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ tránh được tình trạng đi đêm của nước này trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc và làm thất bại chính sách “bẻ đũa từng chiếc” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ đoàn kết hơn trong đấu tranh chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ ba, sự quay trở lại quan hệ đồng minh ngoài NATO với Mỹ của Philippines sẽ làm cho Trung Quốc hung hăng, quyết đoán hơn trong tranh chấp chủ quyền với các nước ở Biển Đông và sẽ tạo ra tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông.

Thứ tư, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế, thông qua một mạng lưới liên minh mạnh mẽ nhằm chống lại những hành vi gây hấn, cưỡng ép các nước ở Biển Đông sẽ làm cho an ninh khu vực bất ổn hơn, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Thứ năm, Thỏa thuận quân sự Philippines – Mỹ có thể gia tăng sức ép với Trung Quốc, theo đó Mỹ sẽ tăng hiện diện quân sự ở Philippines khi sử dụng thêm 4 căn cứ theo thỏa thuận mới, động thái có thể gia tăng đáng kể sức ép với Trung Quốc. Giới chức Mỹ ngày 01/02/2023 thông báo họ sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Philippines, khi Manila cho phép lực lượng Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ mới ở những vị trí chiến lược. Đồng thời củng cố năng lực tại 5 căn cứ mà họ đang triển khai quân. Thỏa thuận quân sự Philippines – Mỹ đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, vốn lâu nay luôn phản đối hiện diện quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “hành động làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định của khu vực”([14]).

Thứ sáu, chính sách đối ngoại của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ sẽ không mang đến nhiều xáo trộn đối với quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông của Philippines nói riêng và ASEAN nói chung. Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Marcos đang bắt đầu những bước đi thận trọng đầu tiên trong việc định hình chính sách đối ngoại cân bằng đối với các nước lớn và khu vực. Đối với nhiều quốc gia, đó sẽ là một chính sách khôn ngoan. Tuy nhiên, với Philippines đó sẽ là một thách thức khi họ đang có một quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ. Không dễ để vừa có thể kết thân với Trung Quốc vừa nâng quan hệ đồng minh với Mỹ lên tầm cao mới, nhất là khi vị Tổng thống của đất nước lại từng có món nợ gia tộc chưa trả với chính quốc gia đồng minh([15]).

Thứ bảy, việc Philippines cho Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ  quân sự theo Thỏa thuận EDCA, không chỉ gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc, mà còn gây ra lo ngại đến quốc phòng – an ninh của Việt Nam, bởi trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam Mỹ đã sử dụng những căn cứ quân sự này để tấn công Việt Nam. Hơn nữa, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 5/2023, hai bên đã cùng nhau thống nhất ký kết một bộ Hướng dẫn Phòng thủ Song phương. Trong đó các chỉ dẫn được thiết kế để tăng cường khả năng phối hợp, tương tác của các bên, đồng thời hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines, mở rộng việc chia sẻ thông tin. Ngoài ra, văn bản này cũng khẳng định rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, cảnh sát biển, máy bay hoặc phương tiện công cộng của Philippines “ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông” sẽ kích hoạt Hiệp định Bảo vệ Chung([16]). Cần phải nhấn mạnh rằng, trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Philippines tại Biển Đông, không chỉ có Trung Quốc mà còn có Việt Nam, giả sử trong trường hợp không mong muốn, giữa lực lượng chấp pháp hai nước phát sinh va chạm, sẽ trực tiếp kéo Mỹ vào cuộc, điều này không chỉ làm rạn nứt quan hệ giữa Việt Nam và Philippines trong nội khối ASEAN, đồng thời cũng sẽ khiến quan hệ Việt – Mỹ rơi vào tình trạng khó xử.

Thứ tám, một trong những ưu tiên trong hợp tác với Philippines của Mỹ là giúp nước này phát triển năng lực quân sự, Mỹ sẽ trực tiếp hỗ trợ hoặc gián tiếp thúc đẩy các quốc gia đồng minh, đối tác hỗ trợ trao đổi thông tin, đánh giá nguy cơ và tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, bán cho Philippines các trang bị vũ khí hiện đại như máy bay, tàu ngầm nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, điều này sẽ làm gia tăng áp lực an ninh đối với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei… Từ đó gián tiếp tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường năng lực quân sự của các nước. Cuối cùng là tăng nguy cơ quân sự hóa biển Đông vì sự hiện diện đông đảo của lực lượng quân đội từ nhiều bên([17]).

Thứ chín, hợp tác phát triển dầu khí chung của Trung Quốc với Philippines được đề cập trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines nằm trong chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thực chất các khu vực mà Trung Quốc đề nghị hợp tác khai thác chung đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước khác, điều này tác động không nhỏ tới cục diện an ninh khu vực nói chung cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam nói riêng. Chính việc hợp tác khai thác chung với Trung Quốc như vậy sẽ giúp Bắc Kinh đạt được thành công bước đầu trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. Dựa trên thành công bước đầu đó, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia còn lại phải thực hiện theo chủ trương này và như vậy nguy cơ các quốc gia tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại Biển Đông phải “gác tranh chấp cùng khai thác” các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của chính mình với Trung Quốc là rất lớn([18]).

5. Hàm ý đối với Việt Nam

Chính sự tính toán thận trọng của ông Marcos trong việc khôi phục lại quan hệ cân bằng với Mỹ đã mở ra cơ hội thuận lợi cho năng lực điều phối nước lớn của không chỉ Philippines nói riêng mà còn cho cả khối ASEAN nói chung, góp phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ ổn định chiến lược cho cả khu vực. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Philippines Marcos Jr trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ đó là: độc lập, “không chọn bên” trong cạnh tranh giữa Trung Quốc – Mỹ, thay vào đó là quan tâm tới bất kỳ lợi ích nào có thể nhận được từ hai cường quốc này; Thúc đẩy hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ; Theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập được nhận định sẽ giúp Philippines tránh bị lôi kéo vào sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây chính là chìa khóa để tồn tại, phát triển trong giai đoạn đầy biến động hiện nay.

Mỹ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tư do và rộng mở, hàn gắn đồng minh ngoài NATO với Philippines, thúc đẩy nâng cấp quan hệ Đội tác chiến lược với Việt Nam nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng trong khu vực để kiếm chế ngăn chặn Trung Quốc dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc, gây phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông. Trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung không ngừng leo thang trên mọi phương diện như hiện nay, khi Tổng thống Philippines Marcos Jr đưa các nhân tố bên ngoài vào để gia tăng “vốn chiến lược” nhằm đối trọng với Bắc Kinh, điều này sẽ gây ra những nguy cơ xung đột tiềm tàng trong khu vực, Việt Nam cần theo dõi sát sao những diễn biến có liên quan để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm xoa dịu tình hình.

Dù là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines hay mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines cũng đều có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á, nhất là trên Biển Đông. Những hành động của các bên dù là đơn phương hay đa phương đều có thể làm phức tạp tình hình. Để duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; Việt Nam cần tiếp tục tích cực trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Philippines nhằm thực hiện đầy đủ DOC và thúc đẩy sớm xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Mặc dù hợp tác phát triển dầu khí chung của Trung Quốc với Philippines đã được đề cập trong chuyến thăm Trung Quốc nhưng căn cứ vào những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông cho thấy, Philippines không dễ để vừa có thể giữ được mối quan hệ đồng minh khăng khít lâu đời với Mỹ, vừa có thể kết thân với Trung Quốc. Bởi, Mỹ – Trung đang ngày càng cạnh tranh gay gắt trên mọi mặt trận. Do vậy, triển vọng về hợp tác khai thác dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc trước mắt còn khá nhiều gian nan([19]). Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình, nhận định chính xác những chuyển biến trong mối quan hệ giữa các quốc gia để tìm ra đối sách phản ứng, không để Việt Nam đứng sau sự thỏa hiệp của các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, cũng không được thỏa hiệp với họ, phải kiên trì với mục tiêu của quốc gia.

Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này sẽ hạn chế được những căng thẳng giữa các nước lớn trong khu vực, đồng thời giúp nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, toàn cầu.

Việt Nam không những chỉ tăng cường và mở rộng quan hệ Đối tác chiến lược với Philippines, mà còn làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Đối tác toàn diện với Mỹ nhằm xây dựng lòng tin với các nước, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng môi trường xung quanh ổn định để phát triển đất nước.

———————

Tài liệu tham khảo:

[1]. Joe Biden, 2021, Remarks by President Biden on America’s Place in the World (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng thống Joe Biden về vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/, truy cập ngày 04/02/2021.
[2]. VOV, 2023, Đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-thong-philippines-post994245.vov, truy cập ngày 03/01/2023.
[3]. Website Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2023, Joint Statement Between The People’s Republic Of China And The Republic Of The Philippines (Tạm dịch: Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Philippines), https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202301/t20230105_11001064.html, truy cập ngày 05/01/2023.
[4]. Benarnews, 2022, Marcos: Philippines will assert maritime territorial rights under his leadership (Tạm dịch: Marcos: Philippines sẽ khẳng định quyền lãnh thổ trên biển dưới sự lãnh đạo của ông), https://www.benarnews.org/english/news/philippine/sea-plan-05262022124609.html, truy cập ngày 26/5/2022.
[5]. Philstar, 2021, ‘Just a piece of paper’: Duterte says he will ‘throw away’ Philippines’ arbitral win vs China (Tạm dịch: ‘Chỉ là một tờ giấy’: Duterte nói sẽ ‘vứt bỏ’ chiến thắng phán quyết từ tòa trọng tài của Philippines trước Trung Quốc), https://www.philstar.com/headlines/2021/05/06/2096287/just-piece-paper-duterte-says-he-will-throw-away-philippines-arbitral-win-vs-china, truy cập ngày 06/05/2021.
[6]. Philstar, 2020, Duterte at UN meet: South China Sea ruling is ‘beyond compromise’ (Tạm dịch: Duterte tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc: phán quyết về Biển Đông là ‘không thể thỏa hiệp’), https://www.philstar.com/headlines/2020/09/23/2044288/duterte-un-meet-south-china-sea-ruling-beyond-compromise, truy cập ngày 23/09/2020.
[7]. Tân Hoa Xã, 2023, 习近平同菲律宾总统马科斯举行会谈 (Tạm dịch: Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Philippines Marcos), http://www.news.cn/politics/leaders/2023-01/04/c_1129256367.htm, truy cập ngày 04/01/2023.
[8]. Nhà Trắng, 2022, Remarks by President Biden and President Marcos of the Republic of the Philippines Before Bilateral Meeting (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Marcos của Cộng hòa Philippines trước cuộc gặp song phương), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/09/22/remarks-by-president-biden-and-president-marcos-of-the-republic-of-the-philippines-before-bilateral-meeting/, truy cập ngày 22/9/2022.
[9]. Nikkei Asia, 2023, Transcript: Philippine President Marcos speaks with Nikkei Asia (Tạm dịch: Tổng thống Philippines Marcos nói chuyện với Nikkei Asia), https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/Transcript-Philippine-President-Marcos-speaks-with-Nikkei-Asia, truy cập ngày 13/02/2023.
[10]. Dân trí, 2023, Philippines không cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự để tấn công, https://dantri.com.vn/the-gioi/philippines-khong-cho-my-su-dung-can-cu-quan-su-de-tan-cong-20230410174701888.htm, truy cập ngày 10/04/2023.
[11]. Bộ Quốc phòng Mỹ, 2023, U.S.-Philippines Bilateral Defense Guidelines (Tạm dịch: Hướng dẫn Phòng thủ Song phương Hoa Kỳ-Philippines), https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3383607/fact-sheet-us-philippines-bilateral-defense-guidelines/, truy cập ngày 03/5/2023.
[12]. Nikkei Asia, 2023, Transcript: Philippine President Marcos speaks with Nikkei Asia, TLĐD.
[13]. Báo Quốc tế, 2023, Thông điệp quốc gia Philippines: Đậm đối nội, nhạt đối ngoại, https://baoquocte.vn/thong-diep-quoc-gia-philippines-dam-doi-noi-nhat-doi-ngoai-235857.html, truy cập ngày 26/07/2023.
[14]. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2023, 2023年2月2日外交部发言人毛宁主持例行记者会 (Tạm dịch: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh chủ trì họp báo thường kỳ ngày 02/02/2023), https://www.mfa.gov.cn/web/wjdt_674879/fyrbt_674889/202302/t20230202_11018699.shtml, truy cập ngày 02/02/2023.
[15]. Hoàng Hải, 2022, “Quan hệ của Philippines với Mỹ, Trung, Nga thời tân Tổng thống Marcos và tác động đến việc giải quyết vấn đề Biển Đông”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/quan-he-cua-philippines-voi-my-trung-nga-thoi-tan-tong-thong-marcos-va-tac-dong-cua-no-den-viec-giai-quyet-van-de-bien-dong/, truy cập ngày 29/8/2022.
[16]. Nguyên Nguyễn (dịch), 2023, “Philippines với tham vọng trở thành một cường quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/philippines-voi-tham-vong-tro-thanh-mot-cuong-quoc-o-an-do-duong-thai-binh-duong/, truy cập ngày 26/6/2023.
17]. Thi Thi, 2023, “Khả năng thành lập liên minh ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/kha-nang-thanh-lap-lien-minh-ba-ben-my-nhat-ban-philippines/, truy cập ngày 08/4/2023.
[18]. Nguyên Long, 2022, “Triển vọng hợp tác khai thác chung Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông và hàm ý với Việt Nam”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/trien-vong-hop-tac-khai-thac-chung-philippines-trung-quoc-o-bien-dong-va-ham-y-voi-viet-nam/, truy cập ngày 01/11/2022.
[19]. Nguyên Long, 2022, TLĐD.

Theo PHẠM LƯU BÌNH / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG 

Tags: , , ,