Thảm họa nắng nóng Bắc bán cầu: Một hệ lụy của biến đổi khí hậu

Nhiều khu vực tại Bắc Bán cầu đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thảm họa nắng nóng Bắc bán cầu: Một hệ lụy của biến đổi khí hậu

Thị trấn nhỏ bé Lytton của Canada nắm giữ một kỷ lục đáng sợ. Ngày 29/6/2021, Lytton trải qua mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay ở Canada, trong một đợt nắng nóng chưa từng có kéo dài hơn một tuần, giết chết hàng trăm người và gây ra hơn 240 vụ cháy rừng trên khắp bang British Columbia.

Nhiệt độ ở Lytton đã đạt mức 49,6 độ C, một điều khó tin đối với thị trấn vỏn vẹn 250 người nằm nép mình trên núi, nơi nhiệt độ tối đa trong tháng 6 thường vào khoảng 25 độ.

Giờ đây, các đám cháy đã biến phần lớn Lytton thành tro bụi và buộc người dân thị trấn cũng như vùng lân cận phải chạy đi lánh nạn.

Các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Thực tế đó đang diễn ra ở Canada cũng như nhiều khu vực khác của Bắc Bán cầu, nơi nhiệt độ ngày càng tăng cao đến mức con người không thể sinh sống.

Nắng nóng thiêu đốt tại Bắc Bán cầu

Mặt đường tan chảy vào tuần trước ở Tây Bắc nước Mỹ. Để tránh tình trạng quá tải lưới điện, người dân New York được yêu cầu không sử dụng các thiết bị năng lượng cao như máy giặt, máy sấy và ngay cả điều hòa nhiệt độ.

Tại Nga, Moscow trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt kỷ lục 34,8 độ C ghi nhận ngày 23/6. Trong khi đó, nông dân Siberia đang cố gắng từng giờ cứu mùa màng của họ khỏi chết héo.

Ngay cả ở Vòng Bắc Cực, một trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt lên đến 38 độ C vào ngày 20/6.

Tại Ấn Độ, hàng chục triệu người dân vùng tây bắc nước này đang bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã xếp loại thủ đô New Delhi và các thành phố xung quanh vào vùng “nắng nóng cực nghiêm trọng”, với nhiệt độ duy trì ổn định ở mức 40 độ trở lên, cao hơn 7 độ so với bình thường.

Còn ở Iraq, chính quyền một số tỉnh đã thông báo nghỉ lễ vào ngày 2/7 vừa qua, vì người dân không thể làm việc hoặc học tập dưới cái nóng hơn 50 độ C trong khi hệ thống điện bị cắt.

Các chuyên gia cho biết rất khó để xác định chính xác mối liên hệ của những sự kiện thời tiết này. Tuy nhiên, không có khả năng việc các đợt nắng nóng ập đến một số khu vực của Bắc Bán cầu cùng một lúc như vậy chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Vòm nhiệt chết chóc

Các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết các vòm nhiệt hiện nay được tạo ra bởi một luồng phản lực áp suất cao khiến cho sức nóng luôn bị duy trì vì không thể thoát ra khỏi khu vực.

“Các hệ thống áp suất cao mà chúng ta đang thấy ở Canada và Mỹ đều được điều khiển bởi một thứ gọi là luồng phản lực – một dải gió rất mạnh ở độ cao khoảng 9000 m”, bà Liz Bentley, giám đốc điều hành tại Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh nói với CNN.

“Luồng phản lực trở nên gợn sóng và bị mắc kẹt trong cái mà chúng ta gọi là khối Omega. Một khi đã vào trong đó, nó bị chặn và không di chuyển đi đâu cả. Vì vậy, luồng áp suất cao đang lớn dần sẽ bị mắc kẹt trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần liên tục, dẫn đến những Omega xuất hiện ở các khu vực khác nhau của Bắc Bán cầu mà chúng ta đang thấy”.

Ở Mỹ, điều tương tự đã xảy ra vào giữa tháng 6, phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ ở bang Mexico và Arizona. Vài tuần sau, một mái vòm áp suất cao lại hình thành trên bầu trời vùng Tây Bắc nước này, xô đổ các kỷ lục nhiệt độ ở Washington, Oregon và Tây Nam Canada.

“Những kỷ lục cũ bị phá vỡ không chỉ bởi một vài độ, mà là hoàn toàn bị đánh sập”, bà Bentley nói.

Lỗi do con người

Nhà khí tượng học người Anh Nikos Christidis cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng nếu không có sự tác động của con người, thì gần như không thể có một kỷ lục nhiệt độ mới và một tháng 6 nóng như vậy trong khu vực”.

Ông Christidis cho biết trong quá khứ, nếu không có sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, thì nhiệt độ khắc nghiệt ở Tây Bắc Mỹ hoặc Tây Nam Canada chỉ xảy ra “hàng chục nghìn năm một lần”.

Còn hiện tại, nó có thể xảy ra sau mỗi 15 năm.

Và nếu con người tiếp tục phát thải khí nhà kính, chu kỳ sẽ là 1-2 năm/lần vào cuối thế kỷ này, theo ông Christidis.

Thay đổi trước khi quá muộn

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là các đợt nắng nóng và bão.

“Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 30/6. “Chúng ta đang chứng kiến những đám cháy rừng có cường độ lớn hơn, di chuyển nhanh hơn và kéo dài hơn thường lệ”.

Các nhóm hoạt động cũng đã thúc giục Canada gia tăng các cam kết và từ bỏ sản xuất dầu và khí đốt.

Ông Eddy Pérez, Giám đốc phụ trách ngoại giao khí hậu quốc tế của Mạng lưới Hành động khí hậu Canada cho biết: “Canada đang phải trải qua những mất mát và thiệt hại lịch sử do biến đổi khí hậu gây ra trong khi không hề làm tròn nghĩa vụ của mình để chống lại biến đổi khí hậu. Với tư cách là một nhà sản xuất dầu và khí đốt, Canada vẫn đang xem xét việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch, điều trực tiếp dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia trong Liên minh châu Âu, gần đây đã gia tăng cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và nhà hoạt động nói rằng họ vẫn chưa đi đủ xa để giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu chênh lệch trong khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / CNN

Tags: ,