⠀
Thảm họa chìm tàu thảm khốc chỉ sau Titanic: 1.200 người chết sau 18 phút
Lusitania từng được coi là một trong những con tàu chạy nhanh và an toàn nhất thời đại bấy giờ. Nhưng khi thảm họa ập tới, nó lại “sụp đổ” nhanh hơn nhiều so với thiết kế.
Được mệnh danh là “Những chú chó đua của đại dương”, Lusitania và con tàu chị em của nó, Mauretania, là những chiếc tàu chở khách nhanh nhất trong thời đại bấy giờ, có khả năng băng qua Đại Tây Dương chỉ trong vòng năm ngày.
Với trọng lượng hơn 30.000 tấn mỗi chiếc, chúng cũng là những chiếc tàu lớn nhất thế giới kể từ khi được ra mắt vào năm 1906 cho đến khi bị Olympic và Titanic vượt qua lần lượt vào năm 1910 và 1911.
Vào ngày 7/9/1907, con tàu thực hiện chuyến đi đầu tiên, đi từ Liverpool , Anh đến Thành phố New York. Rồi ngay trong tháng sau đó, nó giành được giải Blue Riband cho lần vượt qua Đại Tây Dương nhanh nhất, tốc độ trung bình gần 24 hải lý.
Đẹp, nhanh, sang trọng và được đánh giá là vô cùng an toàn, không ngẫu nhiên mà Lusitania có thể thu hút rất nhiều hành khách giàu có, nổi tiếng đến trải nghiệm những hải trình thú vị.
Thậm chí trong chuyến đi cuối cùng, nó còn được triệu phú Alfred Vanderbilt, nhà sản xuất Broadway Charles Frohman và nữ diễn viên Rita Jolivet, cũng như nhà sưu tập nghệ thuật Hugh Lane ghé thăm. Cùng với đó là gần 2.000 hành khách (1959 người), đủ ngành nghề, lứa tuổi.
Ngoài ra, các tài liệu và chứng cứ bí mật trong những cuộc nghiên cứu sau này cho thấy, rất có thể Lusitania cũng mang theo 4,2 triệu viên đạn súng trường, 1.250 vỏ đạn pháo… Tổng số vũ khí đạn dược có thể lên tới 173 tấn – một con số khổng lồ.
Vào tháng 5 năm 1915, Lusitania dự kiến trở về Liverpool từ New York với 1.959 hành khách và thủy thủ. Việc một số tàu buôn bị bắn chìm ngoài khơi bờ biển phía Nam Ireland và báo cáo có hoạt động tàu ngầm của Đức đã khiến Hải quân Anh cảnh báo Lusitania tránh khu vực này.
Họ còn được đề nghị áp dụng chiến thuật “lạng lách”, thay đổi hướng theo mỗi vài phút một, thật bất thường để tránh sự đe dọa từ các con tàu ngầm của phía Đức.
Đến ngày 1/5/1915, đại sứ quán Đức tại Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo trong một số tờ báo rằng, du khách trên tàu Lusitania phải cẩn thận. Những hàng hóa bất thường (ý chỉ đạn dược vũ khí) rất có thể sẽ biến họ trở thành mục tiêu quân sự.
Tuy nhiên, William Turner, thuyền trưởng của Lusitana vẫn làm ngơ và quyết định thực hiện đúng hành trình sắp tới. Ông trấn an hành khách rằng, Lusitana là con tàu có thiết kế kiên cố, tốc độ luôn chạy tối đa, khoảng 27 hải lý/giờ, không một thứ gì có thể đuổi kịp nó trên biển cả.
Giống như Turner, hàng nghìn hành khách khác cũng tỏ ra coi thường lời cảnh báo trên và không một ai trong số họ hủy vé tàu. Họ không biết rằng mình đang đâm đầu vào một trong những thảm họa hàng hải đáng sợ nhất trong lịch sử thế giới.
Về phía Lusitana, dù cho một trong bốn phòng nồi hơi đã bị đóng cửa để tiết kiệm than đá nhưng nó vẫn có thể dễ dàng vượt qua bất kỳ tàu ngầm Đức nào nếu hoạt động ở tốc độ tối đa. Đó là một ưu thế không hề nhỏ.
Tuy nhiên có vẻ chính điều đó đã khiến thuyền trưởng Turner trở nên chủ quan, thay vì cho tàu đổi hướng liên tục, tránh tàu ngầm Đức thì ông lại lên kế hoạch cho Lusitana chạy theo đường thẳng về phía cảng để nhanh chóng hoàn tất hành trình.
Và thật không thể đen đủi hơn khi một tàu ngầm mang số hiệu U-20 phát hiện ra Lusitania đang ở những hải lý cuối của chặng hải trình. Nó không hề cảnh báo mà phóng ngay một quả ngư lôi về phía con tàu khổng lồ.
Sau khi bị tấn công bởi ngư lôi ở mạn phải Lusitania, một vụ nổ lớn hơn diễn ra ngay sau đó từ bên trong, gây thiệt hại nặng nề cho động cơ hơi nước và hệ thống đường ống của tàu. Ngạc nhiên hơn, con tàu gục ngã và chìm hẳn chỉ sau 18 phút đồng hồ dù cho nếu theo đúng thiết kế, nó phải trụ được nhiều hơn một giờ đồng hồ.
Phải nhắc lại một chút để thấy rõ sự “chóng vánh” đáng sợ của thảm họa này. Titanic là con tàu lớn, có kích thước tương đương so với Lusitania (thậm chí còn lớn hơn một chút) sau khi gặp tai nạn cũng phải mất đến hơn 2 giờ mới chìm hẳn. Như vậy, con số 18 phút của Lusitana khiến cho nó trở thành một thắc mắc lớn, gây nên nhiều tranh luận trái chiều.
Cho tới nay, người ta vẫn tin rằng, vụ nổ thứ hai đến từ số lượng vũ khí, đạn dược khổng lồ mà con tàu mang theo. Cũng có người nói, nguyên do đến từ một vụ nổ nồi hơi. Nhưng dù thế nào, nó cũng gây ra lỗ hổng lớn từ phía trong thân tàu, khiến Lusitana không thể trụ được lâu hơn mà chìm hẳn chỉ sau 18 phút.
Thảm họa này cướp đi sinh mạng của gần 1.200 người (1.198) trong tổng số 1959 hành khách đã lên tàu, trong đó có 128 người Mỹ. Vụ đắm tàu Lusitana vô tình gợi nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ đến Đức dù cho đại sứ quán của họ đã đưa ra lời cảnh báo rộng rãi. Người ta cũng tin rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định tham chiến.
Theo HELINO
Tags: Thảm họa, Thế chiến I