⠀
Tản mạn về hình tượng rồng trong các nền văn hóa thế giới
“Chẳng con vật nào khôn ngoan tựa như rồng. Sức mạnh phước lành của rồng là có thật. Nó có thể biến hóa nhỏ hơn cả nhỏ, lớn hơn cả lớn, cao hơn cả cao và thấp hơn cả thấp”.
Đó là lời miêu tả về rồng của học giả Lu Dian thời Tống ở Trung Quốc.
Dù rồng không có thật nhưng những truyền thuyết ly kỳ về loài rồng đã bám rễ sâu rộng trong hàng chục nền văn hóa, văn học nghệ thuật trên khắp thế giới. Chưa ai có cơ hội nhìn thấy một con rồng bằng xương bằng thịt. Nhưng hình ảnh chúng vẫn được khắc họa vô cùng sống động như thể thật sự chúng đã từng gầm vang trên hành tinh này. Ở mỗi quốc gia, loài rồng lại gắn liền với những điển tích và niềm tin khác nhau.
Trung Quốc có kho tàng thần thoại lâu đời nhất về những con rồng, từ cách đây hơn 5.000 năm. Trong quan niệm của người Trung Quốc, rồng là biểu tượng của quyền lực, thịnh vượng và may mắn. Theo lời kể dân gian, rồng sống ở vùng biển xa xôi, có kích thước cơ thể to lớn, dài như rắn nhưng có bốn chân. Mặc dù không có cánh nhưng rồng vẫn bay lượn được trên bầu trời. Rồng có thể hô mưa gọi gió, thay đổi mùa trong năm, cũng như cai trị sông, biển và đem đến vụ mùa thuận lợi. Theo quan niệm của người Trung Quốc, năm con rồng là tốt lành nhất.
Văn hóa rồng ở Trung Quốc đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Thanh (1644 – 1911). Trong xã hội phong kiến, rồng đại diện cho sự huyền bí và uy quyền. Họa tiết rồng chỉ dành cho hoàng tộc.
Số lượng móng của rồng trên hoàng phục sẽ thay đổi tùy theo cấp bậc trong hoàng tộc. Chỉ có hoàng đế mới được mặc áo thêu họa tiết rồng vàng năm móng vuốt. Rồng trên áo của các hoàng tử chỉ có bốn móng.
Họa tiết rồng trên từng vị trí của chiếc long bào mang những ý nghĩa khác nhau. Đầu rồng trên ve áo hoàng đế được thêu hướng lên trên, tượng trưng cho một con rồng đang bay. Nghĩa là hoàng đế giống như rồng ngẩng cao đầu, được dân chúng ủng hộ.
Ngày nay, rồng vẫn là biểu tượng không thể thiếu vào ngày tết hay lễ hội truyền thống của người dân Trung Quốc. Loài sinh vật kỳ bí này xuất hiện trong các điệu múa dân gian, được chạm trổ thành thuyền đua và gắn trang trí trên các công trình.
Biểu tượng con rồng đỏ từ lâu đã gắn liền với văn hóa và bản sắc của xứ Wales, vùng đất ở tây nam Vương quốc Anh. Với người dân Wales, loài mãnh thú này đại diện cho chiến thắng và lòng dũng cảm. Câu chuyện cổ xưa về rồng đỏ, hay còn gọi là “Y Ddraig Goch”, bắt đầu bằng một trận chiến khốc liệt. Vào thế kỷ 12, truyền thuyết về vua Arthur nhắc đến hai con rồng khổng lồ màu đỏ và trắng. Màu đỏ đại diện cho người Celt xứ Wales, trong khi màu trắng đại diện cho người Saxon ở Anh. Hai con rồng đánh nhau và cuối cùng rồng đỏ đã đuổi được rồng trắng.
Truyền thuyết này là phép ẩn dụ cho lịch sử kháng chiến ngoan cường của người Celt chống lại người Saxon. Sau này, hình ảnh con rồng đỏ đứng giơ cao một chân đã trở thành tiêu điểm trên lá cờ xứ Wales và cũng xuất hiện trên quốc huy của nhà vua gốc xứ Wales Henry VII của Anh. Lá cờ rồng đỏ giờ đây vẫn kiêu hãnh bay trên các tòa nhà ở khắp xứ Wales. Với khí thế hừng hực, người xứ Wales khi tham gia các trận thi đấu đều mang theo hình rồng đỏ để cầu may. Khi xem đấu bóng, đàn ông, phụ nữ và trẻ em xứ Wales không quên giơ cao biểu tượng rồng để thể hiện niềm tự hào về lịch sử và văn hóa của mình.
Có rất nhiều giai thoại về loài rồng huyền bí trong văn hóa Scandinavia. Trái ngược với sự tôn kính dành cho rồng ở châu Á, rồng ở Bắc Âu thường mang tới nỗi sợ hãi, gieo rắc sự hủy diệt và lòng tham.
Fafnir là một con rồng Scandinavia nổi tiếng. Thần thoại Bắc Âu miêu tả Fafnir to lớn sừng sững. Bộ móng vuốt của nó cong quặp sắc nhọn, cánh và vảy dày cứng đến nỗi vũ khí thông thường không thể xuyên thủng. Fafnir có thể phun ra lửa. Nó canh giữ kho báu chứa đầy của cải quý giá, song cuối cùng bị anh hùng Sigurd đánh bại.
Người Scandinavi sợ rồng, song cũng kính nể sức mạnh của chúng. Trong mắt họ, rồng là sinh vật mạnh mẽ, là hiện thân của sự hỗn loạn và hủy diệt. Sự xuất hiện của rồng chính là điềm báo về một kỷ nguyên bạo lực và loạn lạc đang kéo đến.
Người Viking có nguồn gốc từ vùng Scandinavia, cho nên văn hóa của họ cũng gắn liền với khu vực này. Các chiến binh Viking thiết kế mũi tàu tựa như đầu rồng. Sau khi người Viking dong thuyền viễn chinh cướp bóc hung hãn khắp vùng Địa Trung Hải, nỗi sợ hãi của người dân Bắc Âu đối với rồng càng tăng lên.
Vương quốc Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm ở phía đông dãy Himalaya, nơi thường xuyên phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt. Thời cổ đại, mỗi lần người Bhutan nghe thấy tiếng sấm rền vang, họ lập tức cho đó là tiếng gầm của rồng.
Người Bhutan rất sùng bái rồng. Họ tin rằng rồng là một sinh vật tượng trưng cho điều tốt lành và có sức mạnh kiểm soát bão giông. Nếu tôn kính rồng, họ sẽ được ban thời tiết tốt và mùa màng bội thu.
Người dân Bhutan gọi đất nước của họ là Druk Yul, tức là “Vùng đất của Rồng Sấm”. Quốc kỳ Bhutan in hình một con rồng trắng nằm giữa hai mảng màu cam và vàng. Màu vàng tượng trưng cho quyền lực của vương quốc và màu cam tượng trưng cho sức mạnh tâm linh của Phật giáo. Trong khi đó, màu trắng của con rồng biểu thị sự thuần khiết trong suy nghĩ và hành động của người dân Bhutan, cùng hướng đến mục tiêu chung là đoàn kết tất cả các sắc tộc và ngôn ngữ. Bốn chân rồng đều cầm châu báu. Chúng tượng trưng cho sự thịnh vượng và an toàn của người dân Bhutan.
Hình tượng rồng hiện diện tại nhiều địa điểm ở Kazan: Trong công viên Thiên niên kỷ, trên cánh cổng của tháp “nghiêng” 7 tầng Suyumbike, biểu tượng rồng trên phố Bauman, gần Điện Kremlin Trắng, hay rồng ở Trung tâm Gia đình “Kazan” (“Kazan” ở đây có nghĩa là “chiếc vạc”) – nơi đăng ký kết hôn chính của thành phố xây theo hình chiếc vạc khổng lồ. Và đáng chú ý là một con rồng, đội vương miện, hiện diện trên phù hiệu của thành phố Kazan.
Con rồng hay con rắn có cánh Zilant là một nhân vật huyền thoại trong sử thi của người Tatar. Theo truyền thuyết, ban đầu nó sống ở chính ngọn đồi nay là nơi tọa lạc của Điện Kremlin ở Kazan. Người Tatar cũng cho rằng con rồng vẫn sống ở hồ Kaban nằm ở trung tâm thành phố, nơi nó canh giữ kho báu của nữ hoàng Suyumbike. Một truyền thuyết về việc hình thành pháo đài Kazan kể rằng có rất nhiều rắn đã sống ở quả đồi nay có Điện Kremlin Trắng vào thời cổ đại và “Vương quốc rắn” này do rồng Zilant cai trị. Để xây dựng pháo đài, người Bulgar, tổ tiên của người Bulgaria đương đại, khi đến định cư ở vùng đất dọc sông Volga đã quyết định chất rơm đốt để đuổi rắn đi khiến rồng Zilant phải chuyển tới sống trong một cái hang ở ngọn núi cùng tên Zilantova. Tức giận vì bị mất nơi trú ngụ, rồng Zilant đã quyết định trả thù và trở thành nỗi khiếp sợ thường trực đối với người dân Kazan. Cuối cùng, người ta tìm thấy một tráng sĩ dũng cảm, người đã thách đấu với con rồng. Tráng sĩ giết chết Zilant, nhưng bản thân anh cũng chết trong trận chiến.
Một phiên bản lịch sử thân thiện hơn thì cho rằng, rồng Zilant khi bị đuổi khỏi ngọn đồi nay có Điện Kremlin đã nghĩ về sự vĩnh cửu, về tâm hồn và trở nên tốt bụng, hữu ích. Nó đã giúp con người bằng trí tuệ của mình, giúp xây dựng, phát triển, củng cố thành phố, ngày càng nổi tiếng và rốt cuộc trở thành người bảo vệ và giám hộ thành phố Kazan. Một truyền thuyết nữa về rồng Zilant cho rằng con rồng không bay đến núi Zilantova. Khi bị đuổi khỏi đồi Kremlin, nó bay lên trời rồi gieo mình xuống hồ Kaban và ở đó cho tới nay.
Nhiều nhà sử học cho rằng Zilant là di sản kết hợp văn hóa của người Turk và người Trung Quốc, vốn là một phần quá khứ du mục của người Tatar. Sinh vật đầu rồng mình rắn này có thể thấy trong nghệ thuật của người Turk cổ đại sống dọc sông Volga và Ural từ thế kỷ 18. Những hình ảnh tương tự đã được tìm thấy cả trong các cuộc khai quật ở Bilyar và ở Bulgar thời Hãn quốc Kim trướng (Golden Horde). Những con rắn đầu rồng tuyệt đẹp được chạm khắc trên các tấm đồng và bạc được tìm thấy tại các cuộc khai quật văn hóa vùng Volga thời trung cổ. Vào thế kỷ 16, hình ảnh Zilant xuất hiện trên quốc ấn của Ivan Bạo chúa (Ivan khủng khiếp hay Ivan IV), vị Sa hoàng đã chinh phục được thành Kazan. Truyền thuyết về con rồng Kazan được tìm thấy trong “Lịch sử Kazan”, một tượng đài văn học thế kỷ 16 và trong vở opera “Ivan bạo chúa, hay người chinh phục Kazan” của Gabriel Derzhavin. Cái chết của con rồng trong tác phẩm của Derzhavin đặc trưng cho cuộc chinh phục Kazan thành công của quân đội Ivan bạo chúa.
Hình ảnh của rồng Zilant cũng có thể liên quan chặt chẽ với quan niệm sùng bái chó của người Bulgar và những cư dân tiền Thiên chúa giáo ở nước Nga cổ thời Kiev, như đã được chỉ ra qua những phát hiện khảo cổ học có hình ảnh của những con chó có cánh. Trong thời kỳ quốc gia Bulgar ở Volga tồn tại, Zilant được coi là người bảo trợ của Bilyar và là biểu tượng của sự bất khả chiến bại, đồng thời cũng là lá bùa hộ mệnh chống lại “thế lực tà ác”. Ở Volga Bulgar thời tiền Mông Cổ, sinh vật này có đầu chó và không có sừng.
Trong thời đại Hãn quốc Kim trướng (Golden Horde) hùng mạnh, hình ảnh của sinh vật này là sự kết hợp giữa đầu chó, thân và chân của một con chim, đuôi rắn và sừng hươu. Hình ảnh này bị ảnh hưởng bởi sự phân chia biểu tượng Horde ở thế kỷ XIII- XIV thành hai dòng biểu tượng lớn: Dòng rồng và dòng hươu. Hình ảnh biểu tượng của cả hai dòng đều phổ biến trên lãnh thổ của Golden Horde. Sau cuộc chinh phục Kazan, hình ảnh Zilant đã đến vương quốc Nga, nơi nó được sửa đổi rất nhiều. Quốc ấn của Ivan bạo chúa mô tả một con rồng giống của Hãn quốc Kazan với đầu chim và bàn chân chó. Sinh vật này hợp nhất với tổ tiên người Bulgar qua thân và đuôi của rắn, cũng như đôi cánh của một con chim. Thời đế quốc Nga, Zilant lần đầu tiên được mô tả có đầu một con chó (trên phù hiệu Kazan năm 1781) và sau đó (trên phù hiệu năm 1856) nó mất đầu chó và có đôi cánh có màng, bàn chân của một con chim.
Trên phù hiệu của thành phố Kazan hiện nay, rồng Zinant đội vương miện là một con vật kết hợp giữa nhiều loại động vật khác nhau. Nó có đầu chó, mình có vảy, đuôi dài như rắn, đôi cánh có da đỏ như của đại bàng, chân gà trống với móng sắc nhọn và lưỡi hình mũi tên. Nó di chuyển trên mặt đất bằng hai chân, có thể bơi dưới nước và bay trên trời.
Vào những năm 1920, một bức tượng Zilant đã được lắp trên đỉnh tháp của nhà ga xe lửa Kazan ở thủ đô Moskva. Năm 1947, nó bị dỡ bỏ và thay thế bằng một bản sao do bức tượng nguyên bản xuống cấp. Năm 1966, bản sao được mạ vàng và biến thành con quay gió.
Theo BÁO TIN TỨC
Tags: Văn minh nhân loại, Rồng