Tận diệt chim trời: Thói man rợ vẫn tồn tại giữa thế kỷ 21

Mặc dù đã có những quy định của pháp luật song tình trạng săn bắn, bẫy bắt chim cò vẫn diễn ra khá phổ biến theo kiểu tận diệt tại nhiều địa phương dẫn đến nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã nói chung, chim trời nói riêng.

Tận diệt chim trời: Thói man rợ vẫn tồn tại giữa thế kỷ 21

Bắt chim trời theo kiểu tận diệt

Ngày cuối tuần về quê, một vùng trung du miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang, tôi được mấy thanh niên cho xem “chiến lợi phẩm” sau một buổi đi săn bắn chim cò. Tôi thực sự giật mình không tin nổi số lượng chim cò bị các thanh niên bắn hạ lại nhiều đến thế. Cả một bao tải xác của nhiều loài từ cò, vạc, giang, chim cuốc, chào mào, sâu, sẻ,… Theo như lời kể của các “xạ thủ” thì chúng sẽ trở thành mồi nhậu hấp dẫn cho bữa tối hôm đó.

Vác khẩu súng săn hầm hố, một thanh niên kể, mình mua được chiếc súng săn này ở trên mạng, mỗi khi thời tiết đẹp, một vài anh em trong khu thường rủ nhau đi săn chim cò khắp các cánh đồng, khu rừng trong khu vực. Thời điểm thích hợp nhất để săn bắn chim thường vào cuối Thu, đầu Đông, khi các loài chim di cư về nhiều tìm chỗ trú ẩn và nguồn thức ăn. Dân săn chim cò tìm đến các cánh đồng nước trắng xoá, nơi có sẵn thức ăn là tôm, cá cho cò, vạc để săn bắn chúng. Đó là ban ngày, còn ban đêm, nhóm sẽ men theo các lối mòn lên các khu rừng soi đèn bắn hạ những chú cò đang ngủ trên cây. Giữa đêm thanh vắng, tiếng cò kêu thảm thiết, bay toán loạn vào không trung mịt mù, âm thanh ấy khiến người nghe không khỏi nhói lòng.

Cò mẹ thì bị bắn, còn những tổ cò treo trên đỉnh ngọn cây, cánh thợ săn chỉ cần đứng dưới gốc rung cây là cò non rơi xuống đất, khi chưa đủ lông đủ cánh thì chúng sẽ bị con người bắt một cách dễ dàng. Cò to, cò nhỏ, chim già, chim non tất cả được cho vào bao tải mang về làm mồi nhậu. Nhóm thanh niên không ngại băng rừng, lội suối với trò tiêu khiển vừa gây nguy hiểm, lại tổn hại nặng nề đến môi trường sinh thái. Bởi thực tế đã có không ít trường hợp sử dụng súng săn làm bị thương hoặc gây ra chết người.

Đâu chỉ dùng súng, một nhóm khác còn chuyên dùng lưới giăng bẫy với “thiên la địa võng” giữa đồng. Ở đó có chim mồi, có âm thanh phát ra từ loa máy giả tiếng các loài chim để đánh lừa dụ dỗ chim trời đến, tưởng đồng loại của mình đang ở đó, chim tự nhiên cứ thế lao vào và sẽ bị mắc vào những tấm lưới bùng nhùng khó mà thoát ra. Với cách làm trên, có đêm cánh thợ săn bắt được cả trăm con chim các loại.

Ở quê tôi ngày trước có nhiều loài chim quý, chim đẹp, nhiều loài hót rất hay nhưng vài năm gần đây đã không còn thấy bóng dáng chúng. Những mùa đông cách đây khoảng chục năm, tôi vẫn thường thấy hàng trăm đàn chim di cư bay qua địa bàn, nhưng nay chẳng còn nữa. Các loài chim bìm bịp, cuốc, chim xanh bói cá, chiền chiện, gà gô, xèo quạt, chèo bẻo, chích chòe, chim cắt, diều hâu, thậm chí cả cú mèo, chim lợn giờ cũng hiếm… Với tình trạng săn bắn, bẫy bắt phổ biến như hiện nay, tương lai có lẽ sẽ chẳng còn được nghe tiếng hót của chim trời.

Chế tài xử lý chưa nghiêm

Được biết những hoạt động này diễn ra thường xuyên, song tại địa phương hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm. Tôi thắc mắc hỏi cánh thợ săn chim tại sao họ săn bắn động vật hoang dã mà không sợ chính quyền, ngành chức năng xử lý, người thanh niên tên H nhanh nhảu đáp, mình săn bắn chủ yếu là giải trí, lấy chút mồi nhậu, không phải dân chuyên nghiệp nên ít bị cơ quan chức năng chú ý. Hơn nữa đi vào rừng cây cối um tùm cũng khó phát hiện ra chúng tôi. Tuy nhiên theo tôi được biết, ở địa phương này có những người đi săn bắn, bẫy bắt chim khá chuyên nghiệp, họ lấy công việc này như một nghề mưu sinh.

Có cung ắt có cầu, từ những con chim trời vốn quen sải cánh bao la trên bầu trời rộng lớn đã phải nằm trên đĩa phục vụ các thực khác Vip. Và cứ thế nhiều hàng quán cung cấp các đồ nhậu “đặc sản” từ chim trời được mở ra.

Ngược lên vùng cao, tại một quán ăn trông bề ngoài tuy khá bình dân nằm ngay bên đường 293 thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang), thế nhưng khi vào ăn được chủ nhà hàng giới thiệu với thực khách toàn đặc sản chim trời, đồ rừng do người dân bẫy, bắn cung cấp gồm cầy hương, cầy vòi, sóc, dúi, kỳ nhông, rắn, chim rừng các loại…

Xuôi về phố Bách Nhẫn (huyện Hiệp Hoà, Phú Thọ), những quán chuyên đồ chim cò luôn đắt khách với nhiều món được chế biến được quảng cáo hấp dẫn như: Cò hấp, cò rang, cháo cò, miến chim, cò xáo đỗ, chim sẻ quay… Theo chủ những nhà hàng này, chim cò rừng luôn có sẵn do người dân bẫy, bắt được cung cấp. Thi thoảng trên phố ta vẫn bắt gặp những người dân chở theo hàng chục, hàng trăm con chim, cò vẫn còn sống nguây nguẩy đã được vặt trụi lông, chúng được rao bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi con. Và còn rất nhiều những nhà hàng mua bán động vật hoang dã mà không hiểu sao vẫn tồn tại suốt nhiều năm nay.

Để chấm dứt tình trạng tận diệt chim trời, thiết nghĩ việc quản lý, thu hồi các loại vũ khí nhất là súng săn rất cần được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Công an địa phương ngoài tuyên truyền vận động, còn cần mở các đợt cao điểm kiểm tra, mạnh tay xử lý vi phạm.

Hệ thống văn bản pháp luật của nước ta về bảo vệ động vật hoang dã có từ khá sớm. Đặc biệt mới đây nhất là Chị thị số 29/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó nhấn mạnh về sự kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên…
.

Theo BÁO DÂN TỘC

Tags: , ,