Tấn bi kịch lịch sử của Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly (1336-1407) là nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử. Các sử gia Lê – Nguyễn chê mắng ông thậm tệ, các học giả hiện đại bắt đầu đánh giá lại ông, tuy nhiên việc “bình công luận tội” vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Tấn bi kịch lịch sử của Hồ Quý Ly

Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Việc Hồ Quý Ly “cướp ngôi” nhà Trần mà các sử gia Lê – Nguyễn nguyền rủa là “bất trung, bất chính” ngày nay không có vấn đề gì đáng bàn cãi, vì thay một triều đại đã rệu rã bằng một triều đại khác là hợp với quy luật và lẽ phải. Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly có thể tóm tắt như sau:

Về chính trị, ông xây dựng một nhà nước tập quyền và thực hiện pháp trị. Về tư tưởng văn hóa, ông phê phán hệ tư tưởng Tống Nho hủ lậu, đề cao văn hóa dân tộc, dùng chữ Nôm vào các văn bản hành chính thay cho chữ Hán; đối với tăng nhân, ông bắt những người dưới 50 tuổi phải hoàn tục, những người trên 50 tuổi phải qua sát hạch, nếu đạt yêu cầu mới tiếp tục cho tu hành, không đạt thì bị sa thải.

Về giáo dục, ông bỏ lối học tầm chương trích cú, đưa kiến thức thực hành, toán pháp và chữ Nôm vào chương trình học hành thi cử nhằm đào tạo ra những nhân tài hữu dụng. Về kinh tế, ông tước bỏ bớt đặc quyền đặc lợi của giới qúy tộc bằng chính sách hạn điền, hạn nô; thống nhất hệ thống đo lường trong cả nước; vừa chia lại ruộng đất vừa tiến hành khai khẩn đất hoang, mở rộng giao thông, phát triển các công trình thủy lợi, thực hiện công bằng về thuế khóa; đặc biệt, ông là ông vua đầu tiên cho phát hành tiền giấy để thúc đẩy lưu thông hàng hóa.

Về quốc phòng, ông xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố, xây dựng quân đội chính quy thường trực tinh nhuệ, với trang bị vũ khí hiện đại; có thể nói vũ khí của quân đội nhà Hồ là vũ khí hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.

Cuộc cải cách sâu rộng của Hồ Quý Ly không thành công vì diễn ra quá ngắn trước cuộc xâm lược quy mô lớn của nhà Minh. Dù quyết tâm chống xâm lược và tổ chức cuộc chiến tranh vệ quốc một cách bài bản, nhưng nhà Hồ không đủ sức đương đầu với kẻ thù hùng mạnh. Nước mất, cả nhà Hồ Quý Ly bị bắt đi tha hương. Đổ hết tội làm mất nước cho cha con Hồ Quý Ly là không công bằng. Trách nhiệm còn của cả dân tộc này nữa.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất nước được các sử gia, kể cả các sử gia hiện đại, đề cập là nhà Hồ không được lòng dân. Hồ Nguyên Trừng đã từng nói với Hồ Quý Ly: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Lòng dân ở đây là gì? Thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy, dân chúng không tự mình theo hay không theo ai. Phải có “truyền thông”.

Ngày xưa không có các phương tiện thông tin đại chúng, sách vở thì chỉ người có học mới đọc được, người có học là các nhà nho. Người dân biết được chuyện quốc sự ít hay nhiều và biết theo hướng nào đều thông qua các nhà nho này, chính họ là những người “định hướng dư luận”, “dẫn dắt tư tưởng” dân chúng. Mà hệ tư tưởng Tống Nho bảo thủ cuối thời Trần đã bén rễ bền gốc trong xã hội thông qua các nhà nho này, họ lạc hậu rất xa so với tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly.

Theo ĐVSKTT, năm 1392 “Quý Ly soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên”, trong đó coi Chu Công là “tiên thánh”, hạ Khổng Tử xuống “tiên sư”, cho sách Luận Ngữ “có bốn chỗ đáng ngờ”, coi Hàn Dũ (một danh Nho thời Đường) là “đạo Nho” (ý nói cóp nhặt, trộm cắp tư tưởng của người khác), coi các bậc đại nho thời Tống như Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử “tuy học rộng nhưng ít tài, không sát sự việc, chỉ thạo cóp nhặt văn chương người xưa”.

Cũng theo ĐVSKTT, năm 1395, Hồ Quý Ly lại chép thiên “Vô Dật” của Chu Công, dịch ra quốc ngữ để dạy vua chứ không dùng sách của Tống Nho, năm sau lại soạn “Quốc ngữ thi nghĩa” kèm một bài tựa theo ý mình, bỏ đi phần bình của Chu Tử. Việc hạ bệ Khổng Tử, mạt sát Tống Nho là những việc tày đình khiến cho các sử gia từ Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cho đến Trần Trọng Kim sau này “nhảy dựng” lên.

Ngô Sĩ Liên viết: “Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được; hậu thánh sinh ra nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết lượng sức mình”. Vị sử thần này viết tiếp: “Chu Tử sinh vào cuối đời Tống, kế tiếp công việc chú giải lục kinh của các nhà nho Hán, Đường, ngược dòng tìm nguồn, hiểu được ý của thánh nhân ở các bộ kinh để lại, rõ được đạo thánh nhân ở những lời huấn giải, vắt óc nghiền ngẫm, lý và tâm dung họp.

Ông giải thích thì tường tận, chỉ dẫn thì xa rộng, thực là tập đại thành của các tiên nho và cũng là khuôn mẫu cho những kẻ hậu học. Huống chi lại có Trình Tử xướng ơ trước, và Chu Tử bổ sung chỗ chưa hoàn hảo ở sau, thì nghĩa đã tinh lắm rồi. Người sau mà có trước tác, thì cũng chỉ là mở mang cho rộng thêm, tô chuốc cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê bai bàn cãi”. Còn Ngô Thì Sĩ thì cho rằng việc Hồ Quý Ly giáng Khổng Tử xuống làm tiên sư là “người mù chê mặt trời, mặt trăng không sáng”.

Theo Ngô Tất Tố thì những điều Hồ Quý Ly nói trong sách Minh Đạo “chẳng những ở ta từ trước đến hồi gần đây chưa ai nghĩ tới, mà đến ở Tàu, trừ bọn Thanh nho sinh sau Quý Ly ba bốn thế kỷ, cũng chưa có ai dám nói”. Tiếc rằng các bộ sách của Hồ Quý Ly đã thất truyền, nên ngày nay chúng ta không biết gì hơn một số dẫn chứng sơ sài kèm theo những lời mắng mỏ của các sử gia.

Những tư tưởng cải cách của Hồ Qúy Ly không những chưa đủ thời gian mang lại kết quả để làm thay đổi não trạng của đám nho sĩ mà còn gây sốc cho họ. Và như đã nói, sự phản ứng của đám nho sĩ kéo theo sự phản ứng của dân chúng, đó là một trong những nguyên nhân cản trở Hồ Qúy Ly tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm như nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần đã làm thành công trước đó. Tư duy, tầm vóc của Hồ Qúy Ly vượt xa tư duy, tầm vóc của dân tộc. Dân tộc không theo kịp ông nên quay lưng lại với ông.

Thực ra Hồ Qúy Ly không phải là không hiểu “lòng dân”, thực chất là não trạng “ngu trung” của đám hủ nho, nên ông cũng đã có một vài động tác đối phó, như việc không nhường ngôi cho người con trưởng có trí tuệ kiệt xuất là Hồ Nguyên Trừng mà nhường ngôi cho con thứ Hồ Hán Thương, là cháu ngoại của vua Trần Minh Tông, nhưng những động tác kiểu này không mấy thuyết phục. Con qủy sứ Minh Thành Tổ đã khôn khéo lợi dụng đúng thời cơ, giương ngọn cờ “phản Hồ phục Trần” thôn tính gọn nước ta.

Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI

Tags: , ,