Tầm quan trọng của ‘nhận thức trung thực’ với sự tồn vong quốc gia

Những nhìn nhận không trung thực, những đánh giá không trung thực, những báo cáo không trung thực sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Trong phạm vi của một quốc gia, nó có thể làm sai lệch chính sách, khiến số phận hàng triệu con người ngả nghiêng.

Tầm quan trọng của ‘nhận thức trung thực’ với sự tồn vong của đất nước

Câu chuyện thứ nhất: Vào khoảng thời gian 1958-1961, Trung Quốc thực hiện chính sách đại nhảy vọt với mục tiêu tăng sản lượng nông nghiệp lên gấp 2, gấp 3 lần so với trước. Không lâu sau đó, các bản báo cáo từ địa phương gửi lên trung ương thể hiện đúng mục tiêu đó, nghĩa là sản phẩm nông nghiệp tăng vọt. Tin vào những báo cáo, hàng triệu tấn gạo được bán ra nước ngoài. Hậu quả là không lâu sau đó ở trong nước xảy ra một nạn đói với hàng chục triệu người thiếu ăn. Hóa ra tất cả những báo cáo mà địa phương gửi lên trung ương trước đó đều là báo cáo “ảo”.

Khi các con số giả đi lên bậc thang hành chính, mỗi công chức chỉ nói khống lên, thêm vào chỗ này chỗ kia một con số 0 chỉ với một vài nét bút. Kết quả là năm 1958, chính quyền Trung Quốc được báo cáo sản lượng ngũ cốc hằng năm nhiều hơn 50% so với thực tế” – sử gia Harari kể lại trong tác phẩm “Homo Deus”.

Cùng với câu chuyện này, ông muốn cảnh báo: những nhìn nhận không trung thực, những đánh giá không trung thực, những báo cáo không trung thực sẽ tạo ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Trong phạm vi của một quốc gia, nó có thể làm sai lệch chính sách, khiến số phận hàng triệu con người ngả nghiêng.

Câu chuyện thứ hai: Vào khoảng thời gian 1937-1945, hàng loạt kế hoạch quân sự Nhật Bản thất bại và nước Nhật sau đó phải chấp nhận một kết cục hết sức bi đát trong Thế chiến 2. Khi Nhật muốn phủ đầu Mỹ bằng trận Trân Châu Cảng, họ tất yếu muốn hướng đến một lợi thế nhất định cho mình. Đánh phủ đầu như thế, người ta phải rất tự tin vào những gì mình đang có và sẽ có. Nhưng, với những gì diễn ra sau này thì ai cũng thấy đó là một quyết định không khác gì tự sát.

Học giả Jared Diamond (Mỹ) kể rằng ông từng gặp một nhà sản xuất thép nổi tiếng Nhật Bản thời kỳ đó và nghe vị này phân tích: Nếu biết rằng tổng số thép Nhật làm ra trong một ngày chỉ bằng 1/70 so với Mỹ thì sẽ thấy việc tự tin đối diện, đánh phủ đầu Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng.

Nguyên nhân sâu xa của hàng loạt quyết định sai lầm, dẫn đến những thất bại liên tiếp là gì? Jared Diamond hé lộ một góc nhìn: “Một phần, không phải toàn bộ lí do của việc nước Nhật khởi phát Thế chiến 2, bất chấp những sự chênh lệch vô vọng là do lớp lãnh đạo quân sự trẻ ở thập niên 1930 thiếu nền tảng kiến thức và kinh nghiệm lịch sử cần thiết cho việc tự đánh giá trung thực, thực tế và cân nhắc cẩn trọng. Kết quả là một thảm họa cho Nhật Bản”.

Nếu câu chuyện thứ nhất cho thấy việc đánh giá không trung thực khiến một đất nước phải trả giá trong quá trình xây dựng và phát triển như thế nào thì câu chuyện thứ hai cho thấy việc đánh giá không trung thực đã khiến một đất nước tất yếu thất bại trong một cuộc chiến ra sao. Thành thử, thời bình hay thời chiến, kế hoạch quân sự hay kế hoạch kinh tế, nguyên tắc đầu tiên giúp con người có thể hy vọng tới thành công chính là việc: phải biết đánh giá trung thực. Đánh giá trung thực về mình, đánh giá trung thực về đối phương/đối tác của mình và đánh giá trung thực về bối cảnh mình đang hiện diện. Đánh giá mình quá cao so với đối phương/đối tác/bối cảnh sẽ dẫn đến ảo tưởng, từ đó dễ thiết kế những kiểu chính sách/quyết định duy ý chí. Đánh giá mình quá thấp lại dẫn đến việc tự ti, sợ hãi, không thể thiết kế những chính sách hiệu quả như nó tất nhiên phải thế.

Đánh giá trung thực là một phạm trù của nhận thức. Những bài học lịch sử lớn của nhân loại cho thấy: người lãnh đạo có những đánh giá trung thực là người có tư duy khoa học biện chứng, biết tôn trọng thực tế khách quan và biết lắng nghe mọi tương tác, phản biện một cách lý tính. Tự rèn luyện và được rèn luyện để có được năng lực nhận thức như vậy là điều không đơn giản. Nhưng, xét từ cấp độ quốc gia/xã hội đến cấp độ gia đình/cá nhân thì đó là điều bắt buộc phải hướng đến. Thời đại càng tiềm ẩn những dấu hiệu khôn lường, khó nắm bắt, xã hội càng xuất hiện những kiểu giá trị đen trắng lẫn lộn thì năng lực đó càng trở thành năng lực sống còn. Tuy nhiên, có ít nhất 2 chướng ngại vật ngăn cản chúng ta chạm vào năng lực đó.

Một là chủ nghĩa cảm xúc cực đoan. Khi chúng ta để chất lượng cảm xúc can thiệp quá nhiều vào chất lượng tư duy thì một nhận thức trung thực – một phản ánh trung thực là điều không thể nào xảy ra. Hãy trở lại với nước Nhật ở thế kỷ 19, khi một nhóm samurai trẻ tuổi giận dữ việc Mạc Phủ đã kí những hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây, khiến người phương Tây hiện diện ngày một nhiều trên đất Nhật. Nhóm samurai này tổ chức những cuộc ám sát người phương Tây mà đỉnh điểm là cuộc tấn công thương nhân Anh Charles Richardson vào ngày 14/9/1862.

Kết quả là gì? Sau đó nước Anh không những bắt Mạc Phủ bồi thường mà còn cho hạm đội nã pháo, hủy diệt cả một vùng lãnh địa rộng lớn cùng hàng ngàn chiến binh Nhật. Rất nhiều nhà nghiên cứu và người dân Nhật Bản sau này đã nghiền ngẫm câu chuyện và tự rút ra đánh giá: cảm xúc với quốc gia, dân tộc vốn là điều hết sức thiêng liêng nhưng khi ta và địch chênh lệch quá lớn, không biết khôn khéo làm chủ cảm xúc để tính kế lâu dài, mà hành động nóng vội cực đoan thì cái giá phải trả là hết sức khôn lường.

Cuối thế kỷ 19, nước Nhật nói riêng và thế giới nói chung còn chưa có Internet, mạng xã hội. Còn thời đại hôm nay, với rất nhiều biểu hiện dân túy, kích động trên mạng xã hội, quốc gia nào cũng phải ít nhiều đối diện với vấn nạn “chủ nghĩa cảm xúc cực đoan”. Với quốc gia có nền tảng triết học và truyền thống lý tính, vấn nạn này có thể chỉ ở mức nhẹ, còn với quốc gia có truyền thống cảm tính, vấn nạn này ở mức rất cao. Mà không giải quyết được vấn nạn này, một hoặc một tập hợp những người trong cuộc rất dễ đưa ra những đánh giá không trung thực, từ đó hành động không hợp lý và hậu quả phải gánh chịu có thể nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của mình.

Hai là thiếu lòng dũng cảm. Để đánh giá trung thực trong rất nhiều trường hợp con người phải có lòng dũng cảm. Bởi sự trung thực trong rất nhiều trường hợp lại là một lực cản so với những quán tính cũ mà guồng máy tạo ra.

Hãy nhớ lại câu chuyện của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán (Trung Quốc) gần 2 năm về trước. Bác sĩ Lượng chính là một trong những người đầu tiên cảnh báo sự nguy hiểm của một loại virus mà bây giờ chúng ta gọi là Sars-CoV-2, tạo ra đại dịch COVID-19 toàn cầu. Tiếc là chính quyền Vũ Hán khi đó không chịu lắng nghe lời cảnh báo của bác sĩ – người tiên phong Lý Văn Lượng, thậm chí còn coi đấy như một hành động làm bất ổn xã hội. Tức là, cái quán tính cũ không cho phép người ta chịu nhìn nhận và đánh giá trung thực vấn đề. Tất cả những người này sau đó đều đã bị xử lý và bác sĩ Lý Văn Lượng đã được nhìn nhận như một người hùng nhưng mọi thứ là quá muộn.

Bác sĩ Lý Văn Lượng cuối cùng bị chết vì chính căn bệnh mà mình cảnh báo, còn dịch đã lan rộng ra nhiều nơi, trở thanh nỗi khiếp sợ của nhiều người. Không có lòng dũng cảm trong việc đánh thắng những quán tính cũ vốn thường trực bám riết lấy mình, không có lòng dũng cảm trong việc thẳng thắn nhìn vào những trì trệ, yếu kém, thậm chí là thất bại của mình, không có lòng dũng cảm để đối diện với những lợi ích nhóm tiêu cực mà mình ít nhiều là một phần trong đó, con người không thể đưa ra những đánh giá trung thực.

Trong rất nhiều trường hợp, con người có đủ năng lực để nhận thức và đánh giá trung thực nhưng lại thiếu sự dũng cảm để thừa nhận mọi chuyện một cách trung thực. Lúc này, người ta sẽ có xu thế tìm cách lấp liếm sự thật, ngụy trang sự thật, đánh tráo sự thật bằng những điều mà nhìn bên ngoài thì tương đồng với nó nhưng cốt lõi bên trong lại khác xa hoặc tương phản nó.

Sự thật trong phần lớn trường hợp phải được tôn trọng.

Tất cả những biểu hiện bóp méo, ngụy trang sự thật phải bị lên án.

Tất cả những biểu hiện can thiệp nhằm làm thay đổi, biến dạng sự thật phải bị trừng phạt.

Đấy là cái gốc nhận thức để kiến tạo một xã hội lành mạnh, nơi các hệ giá trị cốt lõi được bảo vệ và phát sáng!

Theo PHAN MỸ CHI / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,