Tầm nhìn biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng “khai quốc công thần” với những chiến công “truyền quốc sử” trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, vốn xuất thân là thầy giáo dạy sử – địa. Ông hiểu sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của biển đảo quê hương cả về quốc phòng và kinh tế.

Tầm nhìn biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tầm nhìn trong giải phóng các đảo ở Biển Đông

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên Biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.

Cũng từ ngày ấy, Quân ủy Trung ương điều đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về tình hình biển đảo, chỉ đạo Cục Quân báo nắm tình hình quân VNCH ở Biển Đông để có kế hoạch giải phóng kịp thời.

Khó khăn của ta lúc bấy giờ là lực lượng hải quân còn nhỏ bé, làm thế nào để hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ trên biển là thách thức lớn. Ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: Phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Lúc này, ở khu vực Trường Sa có Hạm đội 7 của Mỹ và nhiều nước khác hoạt động. Hải quân VNCH cũng được trang bị tàu lớn. Do đó, đòi hỏi khâu tiến công phải hết sức mưu trí, sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, tham gia tiếp quản căn cứ hải quân VNCH mà ta vừa giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng để giải phóng các đảo. Lệnh của Tổng tư lệnh rất rõ ràng: Khi thấy quân Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ quân VNCH khốn đốn mà đã chiếm đảo, thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng hành dinh.

Trước đó, ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương đã điện cho các đồng chí Chu Huy Mân và Võ Chí Công: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ tư lệnh B1 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo, thực hiện gấp rút nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân VNCH chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Ngày 9/4/1975, quân báo thông báo quân VNCH bắt đầu rút khỏi Biển Đông, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn cho đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Võ Chí Công: “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi Trường Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm”.

Nhận được lệnh, các tàu hải quân và lực lượng thuộc Khu 5 đã giả danh tàu đánh cá, xuất phát ra Trường Sa. Lực lượng ta đã đánh bằng cách của mình, dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu, lần lượt giải phóng các đảo. Ngày 14/4/1975, chỉ sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đều được giải phóng. Ngày 28/4/1975, đảo An Bang được thu hồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.

Mở đường làm kinh tế biển

Năm 1977, trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nói chuyện với các nhà khoa học, Đại tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.

Về hướng khai thác kinh tế biển, Đại tướng chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”… “Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này. Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất”…

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, ngay từ năm 1977, Đại tướng đã có những chỉ đạo chiến lược rất sâu sắc: Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Năm 1985, trước khi có Đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra Chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể. Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này vẫn nóng hổi tính thời sự. Chiến lược này là minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển, đảo Tổ quốc.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: , ,