Tâm linh và mỹ học – hai nền tảng của văn hóa gia đình Việt Nam

Nghiên cứu quá trình phát triển của xã hội loài người cho thấy rõ sự ra đời của thể chế gia đình đã giải thoát con người ra khỏi cuộc sống bầy đàn, đưa con người từ một sinh vật phát sinh phát triển của quần thể trở thành cá nhân với tư cách là một thành viên của xã hội.

Nghiên cứu quá trình phát triển của xã hội loài người cho thấy rõ sự ra đời của thể chế gia đình đã giải thoát con người ra khỏi cuộc sống bầy đàn, đưa con người từ một sinh vật phát sinh phát triển của quần thể trở thành cá nhân với tư cách là một thành viên của xã hội. Gia đình đã tạo nên xã hội, mối quan hệ tương tác đó đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất của xã hội loài người. Sự phát triển rực rỡ của nền văn minh nhân loại không phải tự có mà nó được bắt đầu từ chính cuộc sống gia đình. Gia đình truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì trên nền tảng của văn hóa gia đình được hình thành và phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của hai yếu tố: tâm linh và mỹ học.

“Luật đời” và… Ta là ai?

Nghiên cứu vấn đề gia đình trong thế giới hiện đại, chúng ta thấy nổi lên một vấn đề đáng lo ngại đó là tính gia đình trong xã hội đang bị phá vỡ kéo theo nhiều hậu quả xã hội xẩy ra. Thực trựng này bắt nguồn từ chỗ người ta đã coi tự do cá nhân là tối thượng dẫn đến mối quan hệ gia đình không còn giữ được sự bền vững chặt chẽ. Trong bối cảnh đó, gia đình truyền thống của Việt Nam vẫn được duy trì trên nền tảng của văn hóa gia đình được hình thành và phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của hai yếu tố tâm linh và mỹ học.

Tâm linh là tất cả những gì liên quan đến đời sống tinh thần của con người, là tất cả những gì gắn với sự thiêng liêng trong đời sống mỗi con người, mỗi cộng đồng dân cư. Gia đình là nơi gắn kết với những gì thiêng liêng nhất của con người, là nơi nâng đỡ cuộc đời của mỗi con người, là nơi gắn kết hiện tại với quá khứ để hướng tới tương lai cho mỗi thành viên của nó.

Nói đến gia đình là nói đến sự thiêng liêng của nó nằm chính ngay trong dòng chảy nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác và mỗi một thành viên của gia đình đều in đạm dấu ấn lịch sử mang tính truyền thống của gia đình. Chỉ có gia đình mới trả lời được câu hỏi: Ta là ai? Ta ra đời từ đâu? Và sau ta sẽ còn lại là cái gì? Chính những câu hỏi này với sự suy ngẫm nghiêm túc sẽ giúp mỗi một con người ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong cái tổ ấm ấy và rồi từ đó cố gắng rèn luyện nên cái tâm cái đức của mình để làm sâu bền thêm gốc rễ mà ta quen gọi là gia phong. Chính gia đình đã biến cá nhân – thành viên của gia đình – thành một điểm nối trong dòng chảy vô tận giữa các thế hệ. Và trong mối liên hệ đó, gia đình đã biến cuộc đời của mỗi thành viên từ hữu hạn trở thành vô hạn – sự nối tiếp hàng trăm năm sau mà sự bắt đầu lại chính là bản thân mỗi thành viên của gia đình.

Từ rất lâu, coi trọng cội nguồn của mình đã trở thành tâm thức của mỗi con người Việt Nam. Chính vì vậy tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh cảu người Việt. Coi trọng cội nguồn của mình đã trở thành đạo lý của người Việt Nam và đạo lý đó đã vượt qua khỏi không gian gia đình để vươn tới đỉnh cao của nó là hướng về cội nguồn của dân tộc. Có thể nói, ít có một dân tộc nào trên thế giới lại có ngày Giỗ tổ chung cho cả dân tộc như ở Việt Nam. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương – ngày hội, ngày lễ lớn của cả dân tộc – là sự gắn kết giữa hai yếu tố: tâm linh và văn hóa đã góp phần tạo nên một nét văn hóa độc đáo riêng có của Việt Nam.

Nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao của tiên tổ đối với con cháu đã trở thành một đạo lý của người Việt Nam, đã trở thành “luật đời” đối với mỗi thành viên trong gia đình người Việt. Hầu như trong tâm thức của con người Việt Nam, trong cuộc sống hàng ngày và trong mỗi một thành quả lao động của chúng ta đều có công lao và sự chở che của những bậc tiền nhân đã khuất, ngay trong lễ nhập trạch (về nhà mới), trước bàn thờ tổ tiên, gia chủ thường khấn: “Con được nhập điền nương bóng cảnh đây, nhất tâm vợ chồng con xin hôm nay thỉnh mời gia tiên Cửu huyền Thất tổ cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá đệ huynh, cô dì tỉ muội và thân phụ thân mẫu họ… về đây. Con mời tộc gia về thăm cửa thăm nhà yêu ngôi chính vị….”. Và đạo lý đó đã thực sự hóa thân trong lối sống, cách nghĩ, thậm chí được nâng lên thành nghệ thuật trong lối chơi của người Việt. (Về điều này, nếu những ai đam mê cây thế sẽ rất hiểu rõ: dù dáng thế nào đi nữa, từ “dáng trực ngũ phúc” hay “bạt phong đầu hồi” thì ngọn cây bao giờ cũng phải hướng về gốc; nếu không đạt điều đó, cây thế sẽ không có giá trị…).

Tưởng chừng rất xa xôi

Trong đời sống gia đình, yếu tố tâm linh luôn luôn được gắn két với yếu tố mỹ học, sự gắn kết đó đã tạo nên tính nhân bản của đời sống gia đình. Yếu tố tâm linh và mỹ học trong văn hóa gia đình ở Việt Nam vừa tạo nên nét chung cảu văn hóa Việt nam vừa giữ lại cho riêng mình củamooix gia đình không bị hòa tan vào trào lưu chung của xã hội.

Trong đời sống gia đình của người Việt Nam, yếu tố tâm linh và yếu tố mỹ học luôn luôn đan quyện vào nhau và song tồn trong suốt chiều dài lịch sử của gia đình, dòng tộc. Nếu tâm linh là sự thiêng liêng thì mỹ học là yếu tố thẩm mỹ, là cái đẹp được nhìn nhận như là một khía cạnh tất yếu của đời sống gia đình, thiếu nó, cuộc sống sẽ khó hoàn mỹ.

Yếu tố mỹ học trong văn hóa gia đình được thể hiện từ nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống hàng ngày: từ sự bài trí bàn thờ tổ tiên, cách ăn mặc tươm tất, chỉnh tề của gia chủ khi đứng trước bàn thờ tổ tiên trong những ngày giỗ tết, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau, với họ tộc. Chính yếu tố mỹ học – cái đẹp này – đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên sự bền vững của đời sống gia đình. Do đó, có thể nói rằng không một gia đình nào êm thấm nếu cái đẹp kia – cái đẹp tinh thần – trong gia đình bị phá vỡ. Yếu tố mỹ học – yếu tố cái đẹp trong gia đình – hoàn toàn không giới hạn ở nếp sống gia đình và cách sống của mỗi thành viên của nó mà hơn hết nó thực sự vươn tới đời sống tâm linh của gia đình.

Sự kết hợp đan xen, hòa quyện giữa yếu tố tâm linh và mỹ học có ý nghĩa đặc biện quan trọng trong việc tạo nên sự bền vững của một gia đình. Yếu tố tâm linh và mỹ học trong văn hóa gia đình tưởng chừng rất xa xôi, trừu tượng ấy nhưng thực ra nó nằm ngay trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình: trước hết là nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao giờ cũng là nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, sự nghiêm chỉnh trong ăn mặc cùng với thái độ thành kính của gia chủ khi đứng trước ban thờ tổ tiên đã nói lên sự tôn nghiêm của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Mâm cỗ ngày giỗ, tết luôn được gia chủ và các thành viên trong gia đình dành cho sự quan tâm đặc biệt: gia đình khá giả thì bày biện của ngon vật lạ, gia đình nghèo khó thì lễ vật đơn sơ nhưng tươm tất sạch sẽ. Sự đan quyện giữa yếu tố tâm linh và mỹ học trong văn hóa gia đình luôn được thể hiện qua những lễ vật dân cúng như: những đĩa xôi với mầu sắc khác nhau – đỏ, vàng, xanh, cốm, con gà luộc với cái đầu vươn cao, mỏ ngậm bông hoa hồng hàm tiếu, đĩa hoa cúng với mấy bông móng rồng cùng những chùm hoa sói hay một nhánh hoa cau vừa nở thơm ngát… tất cả nói lên rằng con cháu luôn dành tất cả những gì đẹp nhất, tinh khiết nhất cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó chính là cái tâm, cái đức của con cháu – của con người. Và hơn hết, trước bàn thờ tổ tiên cùng với những lễ vật dân cúng trong khói hương trầm phảng phất đã đưa con người trở về với cội nguồn, về với đạo lý “công cha nghĩa mẹ” để rồi giúp con người tĩnh tâm mà nghĩ đến điều thiện và vươn tới cái thiện.

Theo TS. NGUYỄN ĐÌNH ĐẶNG LỤC / ĐS & PL

Tags: ,