Tại sao mỗi người chúng ta phải học cách ‘dừng lại’?

Một trường đại học ở Đài Loan đưa ra 6 tiêu chí giáo dục mà cá nhân tôi hết sức ấn tượng và suy nghĩ mãi về nó từ nhiều năm nay: LỄ – TIÊU – LẠC – NGỰ – TRI – THỨC.

Tại sao mỗi người chúng ta phải học cách ‘dừng lại’?

Trong 6 tiêu chí này, tôi đặc biệt lưu ý tới tiêu chí thứ tư: NGỰ. Nếu triết luận theo Hán tự “Ngự” có nhiều cách hiểu khác nhau, ghép với mỗi từ khác nhau lại tạo ra một trường nghĩa khác nhau nhưng nghĩa cơ bản/phổ biển của nó là “dừng”, nói cho dễ hiểu hơn là “dừng lại”, nói mô tả hơn là “biết dừng”. Thế đấy, một trong 6 tiêu chí giáo dục họ đưa ra là phải dạy con người “biết dừng”. Có lẽ, từ những chiêm nghiệm Đông – Tây, họ hiểu rất rõ, biết dừng đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ cũng là một điều kiện của hạnh phúc bền vững. Ngẫm vào cuộc đời, ta thấy biết dừng quả nhiên là một nghệ thuật, đòi hỏi một sự tu luyện tinh xảo của mỗi người.

Thời 20 tuổi vào đời, tôi có cái tật (mà hồi đó không biết là tật), đó là thích nói. Biết 1 tôi nói 1. Biết 2 tôi nói 2. Biết 3 tôi nói 3. Nhà báo Lê Hiển – Tổng Thư kí tòa soạn Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh, một người rất quý mến tôi chia sẻ: Đến lúc nào biết 10 mà chỉ nói 1 thì cháu mới trưởng thành. Khi đó tôi nghe, gật, vâng/dạ nhưng không hiểu. Một nhà báo đàn anh khác nói với tôi: Câu chữ của em hay nhưng nó cứ hiển hiện ra ngoài. Đến một lúc nào đó em viết mà lặn vào trong thì mới ổn. Tôi cũng nghe, gật, vâng/dạ nhưng không phục. Phải đến lúc này, gần 20 năm trôi qua, sống nhiều hơn và va đập nhiều hơn, nhớ lại những lời nói ấy, tôi mới thấy nó chuẩn xác biết bao nhiêu. NÓI hay VIẾT cũng thế thôi, nếu cứ bay mãi, cứ thăng mãi, cứ tuôn ra mãi thì bất ổn. Đến một lúc nào đó, người nói và người viết phải biết dừng.

Dừng ở đây không có nghĩa là dừng lại hẳn (tất nhiên đến lúc nào đó, vì lý do sức khỏe, tuổi tác… người ta bắt buộc phải dừng lại hẳn), mà cái chính là dừng đúng nơi đúng chỗ. Phải làm sao để mọi thứ chỉ “vừa đủ” chứ không “quá”. Phải làm sao để người nghe/người đọc thấy thấm thía nhưng không ngột ngạt. Tất nhiên, cái này còn phụ thuộc vào năng lực khác nhau của người nghe/người đọc, nhưng chính vì thế nó đòi hỏi người nói/người viết phải quy hoạch rất rõ chuyện mình đang nói/đang viết cho ai. Và, với mỗi đối tượng khác nhau cũng phải biết dừng ở những nơi, những chỗ khác nhau, để đảm bảo đúng tiêu chí vừa đủ chứ không quá. Nhớ lại lời nhà báo Lê Hiển ngày xưa, bây giờ tôi nghĩ biết 10 mà nói 1 có thể cũng hơi “kiệm”, nhưng biết 10 mà nói 2-3 thì sẽ “vừa đủ” chăng? Tất nhiên, cũng chỉ rất tương đối thôi, vì trong một số trường hợp nào đó, ngay cả khi biết 10 thì để “vừa đủ” tốt nhất là chỉ nói “0”.

Trong tình cảm, cụ thể hơn nữa là tình yêu hình như người ta cũng phải biết dừng. Thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp là một chú bé. Và, khi thần bắn mũi tên tình yêu vào trái tim người thì thần nhắm mắt. Một chú bé nhắm mắt, xây dựng hình tượng ấy, người Hy Lạp muốn nói: tình yêu là một thứ đam mê mù lòa, một thứ phi lý trí. Mà, đã mù lòa, phi lý trí thì làm sao mà phanh, mà dừng, mà đứng lại? Đồng ý! Nhưng, giai đoạn mù lòa, phi lý trí ấy có lẽ chỉ nên diễn ra ở một giai đoạn nào đó thôi, ví dụ giai đoạn tìm hiểu nhau hoặc giai đoạn đắm đuối trăng mật với nhau. Còn khi đã chuyển hẳn sang giai đoạn hôn nhân, một ông chồng và một bà vợ mà vẫn mù lòa, phi lý trí, sống hoàn toàn theo bản năng yêu đương thì sớm muộn tình yêu cũng tan tành. Hôn nhân, ở một khía cạnh nào đó là một năng lực sắp xếp cá tính và cơ hội. Chồng có cá tính và những cơ hội phát triển của chồng. Vợ có cá tính và những cơ hội phát triển của vợ. Phải sắp xếp làm sao để cá tính cỗi lõi của mỗi người vẫn được duy trì và cơ hội phát triển nói chung được bảo đảm, đó vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Và, trong cái hỗn hợp khoa học – nghệ thuật đó, năng lực tiết giảm/dừng lại của mỗi người là tối quan trọng. Dừng lại một phần nào đó cái tôi cá nhân. Dừng lại một phần nào đó sở thích cá nhân. Dừng lại một phần nào đó những mối quan hệ cá nhân. Quy hoạch sự dừng lại do vậy là yếu tố cốt lõi để hôn nhân bền vững.

Trong sự nghiệp, người ta cũng phải biết dừng. Xin đừng hiểu dừng ở đây như một dạng “hạ cánh an toàn” của một “hoàng hôn nhiệm kỳ” nào đó. Không! Dừng ở đây tuyệt đối không có ý nghĩa đó. Dừng ở đây là một cái lắc đầu từ chối trước những nguy cơ tiềm ẩn từ xa, dừng ở đây là biết rút lui khi mình vẫn đang được tôn trọng, biết thay đổi khi cạn kiệt nguồn cảm hứng. Tôi từng nói chuyện với một cựu quan chức và nhớ mãi điều ông tâm sự: “Nếu lúc đó tớ gật, nói thật tớ giàu to, nhưng có khi bây giờ lại đang ngồi trong tù cùng bọn họ rồi”. Tức là ông đã biết dừng, nhờ thế không sa cơ lỡ bước như một số người cùng thời với ông. Tôi hỏi ông: Nhưng, nhiều người cũng thế, sao lúc ấy chú dừng lại được? Ông bảo: “Mình cũng chẳng giỏi giang gì đâu. Lúc ấy cũng ham muốn chứ, cũng tranh đấu trong lòng chứ. Mình nói chuyện với vợ và vợ mình nói về nhân quả. Ngày nào bà ấy cũng tụng kinh. Bà ấy tin vào nhân quả. Và, bà ấy thuyết phục mình”.

Tôi vân vi nghĩ, vậy thì có bao nhiêu con đường giúp người ta có năng lực dừng lại? Trường đại học Đài Loan mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết đưa tiêu chí “dừng lại”, dạy người ta cách dừng lại là một trong 6 tiêu chí của giáo dục. Vậy thì con đường thứ nhất đương nhiên là giáo dục, từ giáo dục trường lớp đến giáo dục gia đình. Câu chuyện của vị cựu quan chức mà tôi vừa kể lại phụ thuộc ít nhiều vào một niềm tin tôn giáo, vậy thì con đường thứ hai có thể là con đường tôn giáo, vì suy cho cùng phần lớn các tôn giáo đều dạy con người hướng thiện. Con đường thứ ba có chăng là năng lực tự quan sát/tự tổng kết/tự chiêm nghiệm/tự đốn ngộ của mỗi người. Trên con đường này, mỗi người sẽ tự đi theo cách của mình, rồi rút ra những quyết định cho mình, không ai dạy được ai. Nhưng, con đường này có thể sẽ trắc trở hơn nhiều hai con đường đầu tiên, vì nó đòi hỏi người ta sẽ phải trả giá, thậm chí có thể là trả giá đắt trước khi rút ra được bài học cuộc đời.

Có lần, tôi nhận được cú điện thoại gây sốc của một anh bạn vốn nổi tiếng nghị lực, mạnh mẽ. Anh khóc và anh nói mình muốn chết. Bởi vì, anh đã làm tất cả trong cuộc chạy đua lên ghế lãnh đạo của một cơ quan, nhưng rồi anh lại là người về cuối cùng trong cuộc đua ấy. Điều đáng nói, đã có những hứa hẹn và những cơ hội rất lớn để anh trở thành người về đích đầu tiên, nhưng đã có những cú trở cờ ngoạn mục vào phút chót, nằm ngoài mọi tưởng tượng của anh. Hôm ấy tôi đưa anh tới một ngôi chùa làng và kể cho anh câu chuyện đức Phật vốn là một hoàng tử, đã từ bỏ vật chất/quyền lực để quyết tâm đi tìm lời giải cho bài toán khổ đau của con người. Anh u u minh minh, nghe chỗ được chỗ không. Chắc chắn rồi, không thể đòi hỏi anh hấp thụ câu chuyện trong bối cảnh tâm can rối bời. Nhưng, tôi tin câu chuyện ấy giống như một mạch nước nhỏ thấm vào sa mạc lòng anh. Nó thấm từ từ, thấm dần dần. Giai đoạn đó mỗi ngày tôi nói với anh về một câu chuyện của đức Phật, chỉ là những câu chuyện hết sức đơn giản nhưng tôi hy vọng nó tiếp tục là những mạch nước nhỏ giúp sa mạc kia bớt cằn cỗi hơn.

Tháng trước, tôi ngồi uống trà cùng vợ chồng anh trong một ngôi đền nhỏ. Bất giác, vợ anh chạy ra xe ô tô, mang vào một bức tranh. Anh đưa bức tranh cho tôi và nói: “Tặng cậu đấy!”. Bức tranh vẽ một bông hoa màu phơn phớt hồng. Tôi hỏi anh:

– Hoa gì?

– Hoa vô ưu, cậu ạ!

Hoa vô ưu, cùng với câu trả lời đó, anh nhấp một ngụm trà rồi cười an lành. Một nguồn năng lượng an yên lan tỏa giữa ba người chúng tôi. Nhưng, tôi cũng phải dừng ngay sự lan tỏa đó, bởi tôi nghĩ khi chúng ta ý thức là mình đang an yên, mình đang hạnh phúc thì có nghĩa là chúng ta còn bị kẹt vào các khái niệm và vì thế còn chưa an yên, hạnh phúc.

Dừng lại. Dừng lại. Để tự nhắc nhở rằng, cái an yên thật sự là cái mà chẳng cần phải dùng tới 2 chữ – 2 ký hiệu – 2 quy ước ấy để mà viết ra!

Theo NGUYỄN MỸ LINH / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: