⠀
Tại sao Hồng Kông không thể trở thành một Singapore khác?
Mô hình đôi khi được lấy làm ví dụ bởi phe thân Bắc Kinh là Singapore. Ít người sẽ cho rằng Singapore là một nền dân chủ tự do kiểu phương Tây. Nhưng quốc gia-thành phố này là một môi trường rất thành công và thu hút đối với các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.
Tác giả: Gideon Rachman, cây bút bình luận chính về các vấn đề quốc tế của tờ Financial Times.
Nguồn: Gideon Rachman, “Why Hong Kong cannot be another Singapore”, Financial Times, 06/07/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên.
Vài năm trước, tôi có nói chuyện với một bộ trưởng trong chính phủ Singapore. Trong một khoảnh khắc thẳng thắn, ông thừa nhận rằng chính phủ của ông đã cố tình gây khó khăn cho các đối thủ chính trị – và sau đó cười khẽ: “Nhưng ở Singapore, chúng tôi sử dụng dụng cụ nha khoa. Ở Trung Quốc, họ dùng búa tạ”.
Tôi nhớ về cuộc trò chuyện đó khi Bắc Kinh tuần trước áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông. Trong giới tinh hoa của lãnh thổ này có nhiều người hy vọng rằng – một khi mọi người đã quen với đạo luật mới – Hồng Kông có thể trở lại vị thế là một trong những thành phố kinh doanh hàng đầu thế giới. Họ cho rằng một năm bất ổn và biểu tình đã khiến Hồng Kông tan nát trên bờ vực vô chính phủ. Lập luận ấy cho rằng bây giờ Bắc Kinh đã hành động để khôi phục trật tự và Hồng Kông có thể quay trở lại làm ăn.
Mô hình đôi khi được lấy làm ví dụ bởi phe thân Bắc Kinh là Singapore. Ít người sẽ cho rằng Singapore là một nền dân chủ tự do kiểu phương Tây. Nhưng quốc gia-thành phố này là một môi trường rất thành công và thu hút đối với các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.
Tôi đã nhận thấy sự ám chỉ mô hình Singapore trong các bình luận được đưa ra vào tuần trước bởi Michael Tien, một nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hồng Kông. Ông nói với kênh Bloomberg rằng các doanh nhân quốc tế sẽ phải tránh xa bốn lĩnh vực cấm kỵ được quy định trong luật an ninh quốc gia: ly khai; lật đổ; khủng bố; và thông đồng với các thế lực nước ngoài. Miễn là họ làm điều đó, mọi thứ sẽ ổn. Ông nói: “Bạn vẫn có thể đi nhảy đầm. . . đua ngựa, bạn có thể sáng tạo, bạn có thể giao dịch mua bán. . . Chỉ cần tránh xa bốn lĩnh vực đó”.
Ở Singapore, các giám đốc điều hành nước ngoài thường vui vẻ tuân thủ các lằn ranh chính trị do chính phủ thiết lập. Freedom House, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ giám sát tự do chính trị trên toàn thế giới, xếp loại Singapore chỉ “tự do một phần”. Trong báo cáo mới nhất của mình, tổ chức này lưu ý rằng hệ thống chính trị Singapore “hạn chế sự phát triển của các đảng đối lập khả tín và hạn chế quyền tự do ngôn luận”. Tổ chức giám sát dân chủ này đánh giá Singapore ít tự do hơn nước láng giềng Indonesia – một quốc gia nghèo hơn nhiều. Tuy nhiên, những người bên ngoài tin tưởng hệ thống tòa án Singapore là sẽ hành động một cách công bằng và hiệu quả đối với các vấn đề kinh doanh. Trên thực tế, dịch vụ pháp lý là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Singapore, nơi đã thành lập trung tâm trọng tài quốc tế lớn thứ ba trên thế giới.
Tuy nhiên, đáng buồn là mô hình Singapore sẽ khó hoạt động ở Hồng Kông. Là một quốc gia-thành phố nhỏ, độc lập, Singapore nhận thức rõ rằng sự sinh tồn của họ rốt cuộc phụ thuộc vào những đánh giá tốt và thiện chí của thế giới bên ngoài. Họ không có vùng nội địa rộng lớn để dựa vào, nhưng Hồng Kông là một lãnh thổ và là một phần của Trung Quốc, một đất nước rộng lớn cảm thấy mình không phải quy luỵ ai. Nếu Hồng Kông phải hy sinh vì lợi ích lớn hơn của đại lục, theo những gì được xác định bởi Đảng Cộng sảnTrung Quốc, thì chính phủ Tập Cận Bình sẽ đưa ra quyết định đó một cách không hề đắn đo.
Người Singapore thường xuyên đánh giá, so sánh bản thân mình với các thực tiễn tốt nhất toàn cầu. Hệ thống của họ có một số tính chất độc đoán, nhưng có thể dự đoán được và có sự kiềm chế. Ngược lại, hệ thống của Trung Quốc là không thể đoán trước được và dựa trên sức mạnh và quyền lực không bị giới hạn của Đảng Cộng sản.
Người cha lập quốc của Singapore là Lý Quang Diệu, một luật sư nổi tiếng được đào tạo tại Cambridge và thấm nhuần truyền thống phương Tây. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc bác bỏ một cách thẳng thừng các quan niệm của phương Tây về nhà nước pháp quyền, và ủng hộ sự cai trị của Đảng Cộng sản. Trong một bài viết xuất bản năm ngoái, chính ông Tập đã viết: “Trung Quốc không bao giờ được phép đi theo con đường chủ nghĩa lập hiến phương Tây, tam quyền phân lập hay độc lập tư pháp”.
Thật không may, sự thịnh vượng của Hồng Kông đã được xây dựng dựa trên tinh thần pháp lý và sự độc lập tư pháp của phương Tây, điều mà vị chủ tịch Trung Quốc coi là có hại. Chính nguyên tắc về thẩm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản bây giờ sẽ được mở rộng sang Hồng Kông như một phần của luật an ninh quốc gia mới.
Trong một hệ thống mà Đảng Cộng sản quyết định mọi thứ, không ai ở Hồng Kông có thể biết được các giới hạn sẽ được vẽ ra ở đâu. Điều đó sẽ tùy thuộc vào các quan chức an ninh quốc gia được phái đến Hồng Kông từ Bắc Kinh. Họ đến từ một nền văn hóa trong đó những lời khen ngợi có cánh dành cho ông Tập đã thành tiêu chuẩn. Liệu họ sẽ sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì khác ít hơn thế ở Hồng Kông?
Các cuộc trò chuyện lâu nay thường diễn ra một cách tự do trong các văn phòng và quán bar ở Hồng Kông, nơi bạn có thể suy đoán bao nhiêu tùy thích về sức khỏe, tài sản và cả tình trạng tâm thần của ông Tập. Những cuộc trò chuyện như vậy hiện đã ít tự do hơn khi mọi người bắt đầu cẩn thận với những gì họ viết trong email hoặc những trao đổi thậm chí riêng tư.
Đối với các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Hồng Kông, một câu hỏi quan trọng là liệu họ có thể mong đợi mộtsự đối xử công bằng nếu họ có tranh chấp pháp lý với một doanh nghiệp đại lục có quan hệ tốt hoặc một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hay không. Ngay cả những doanh nhân vốn tự hào có các mối quan hệ tuyệt vời ở Bắc Kinh cũng có thể gặp những bất ngờ khó chịu. Không phải là chuyện hiếm khi các ông chủ doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đột ngột bị hạ bệ trong một cuộc điều tra mờ ám về các cáo buộc tham nhũng.
Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn Hồng Kông vẫn là một thành phố thịnh vượng và năng động. Sau một năm biểu tình và bất ổn, Bắc Kinh thậm chí có thể thực sự tin rằng họ đang cứu Hồng Kông thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. Nhưng hành động của họ thật không may lại làm gợi nhớ đến một câu nói thường được cho là của một sĩ quan Mỹ tại Việt Nam trước kia: “Chúng tôi buộc phải phá hủy cả ngôi làng để cứu nó”.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Trung Quốc, Singapore, Dân chủ, Hồng Kông