Tắc nghẽn giao thông không nguy hiểm bằng tắc nghẽn nền giáo dục

Quá trình đô thị hóa diễn ra ồ ạt vượt tầm kiểm soát, quy hoạch bị phá vỡ nghiêm trọng, tắc trách trong quản lý không chỉ gây tắc nghẽn giao thông mà, nguy hiểm hơn, gây ùn tắc đường học của con trẻ ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Tắc nghẽn giao thông không nguy hiểm bằng tắc nghẽn nền giáo dục

Thiếu trường, thiếu lớp ở các quận Thủ đô

Từ hàng chục năm trở lại đây, “đến hẹn lại lên”, các bậc phụ huynh ở nhiều quận của Thủ đô, có con ở các độ tuổi vào trường mầm non, vào lớp 1, lên lớp 6, lớp 10 lại đôn đáo, xuôi ngược tìm trường lớp cho con. Có nhiều trường, để nộp được hồ sơ cho con, phụ huynh phải thức thâu đêm suốt tháng.

Lạ đời hơn, đầu năm học 2022 – 2023, UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học các cháu ở tuổi lên 3. Nguyên nhân là do số lượng các cháu độ tuổi mầm non nhiều hơn gấp đôi khả năng tiếp nhận của trường mầm non phường này.

Mặc dù không đến mức phải bốc thăm, nhưng thế hệ mầm non các trường công lập ở hầu hết các phường thuộc 12 quận của TP Hà Nội đều lâm vào tình cảnh bị nhồi nhét trong các lớp học.

Không riêng gì phường Hoàng Liệt, chẳng riêng gì bậc mầm non thiếu trường lớp. Năm học 2022 – 2023, quận Hoàng Mai có tổng số học sinh mầm non, tiểu học, THCS công lập trên 79.600 cháu. Theo quy định của Bộ GD & ĐT về biên chế số lượng học sinh mỗi lớp học, quận Hoàng Mai thiếu 36 trường, bao gồm 22 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 1 trường THCS.

Hầu hết các quận của Hà Nội từ bậc mầm non đến THPT đều thiếu trường lớp và càng ngày càng thiếu nghiêm trọng theo quy định biên chế học sinh.

Xin nêu một số dẫn chứng, Trường tiểu học Trung Yên quận Cầu Giấy (trường chuẩn quốc gia) có lớp có sĩ số lên đến 56 học sinh trong khi theo quy định một lớp có tối đa 35 học sinh; Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình chỉ cho một nửa học sinh được xuống sân trường giờ thể dục vì học sinh quá đông.

Trên địa bàn quận Hà Đông, năm học 2022 – 2023 học sinh tăng ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT với sĩ số trung bình 49,7 học/lớp.

Treo quy định, bậc tiểu học tối đa 35 học sinh/lớp, bậc THCS tối đa 45 học sinh/lớp. Nhưng năm học 2022 – 2023, riêng khối lớp 1 của TP Hà Nội có khoảng 2.000 lớp có sĩ số 50 học sinh/lớp trở lên; khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp trở lên.

Với thực trạng như vậy, liệu trẻ em Thủ đô có thật sự được hưởng các quyền: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.” (Điều 16 Luật Trẻ em).

Trên đây là tình trạng quá tải ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Còn để được ngồi vào ghế các trường THPT còn nan giải hơn nhiều. Do số lượng học sinh tăng quá nhanh, trong khi trường THPT công lập gần như không được xây dựng thêm, vì vậy trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm qua là cửa ải khốc liệt nhất của đời học sinh phổ thông các quận thuộc TP Hà Nội.

Năm học 2023 – 2024, toàn TP Hà Nội, có 105 nghìn thí sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10, nhưng các trường công lập chỉ tuyển sinh khoảng 72 nghìn học sinh, chỉ đạt tỷ lệ khoảng 68,6 %. Riêng các quận, tỷ lệ này khắc nghiệt hơn nhiều. Tỷ lệ chọi vào các trường THPT của hầu hết các quận đều từ 1/2,5 thí sinh trở lên.

Trong khi đó, đa số các địa phương trên phạm vi cả nước, học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập với điểm thi rất thấp. Có địa phương, điểm thi trung bình chỉ đạt 1,6 điểm/môn mà thí sinh vẫn trúng tuyển vào lớp 10. Đây là một sự bất công lớn đối với học sinh các quận nội thành TP Hà Nội.

Lâu nay, người dân và thanh niên các địa phương tìm đường đến Thủ đô lập nghiệp không chỉ để mưu sinh; mục tiêu quan trọng nhất của họ là tạo cơ hội cho thế hệ con cháu có môi trường học tập thuận lợi để có tương lai tốt đẹp. Nhưng với thực trạng thiếu trường lớp trầm trọng, không chừng đường học của con cái họ đành phải dừng bước giữa chừng, rẽ ngang tìm đường mưu sinh bằng lao động giản đơn.

Đâu là nguyên nhân?

Thứ nhất: Do những tổ chức, cá nhân có chức năng xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị chỉ nhăm nhăm vào lợi ích kinh tế, không gắn liền phát triển hạ tầng kinh tế với phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục.

Thứ hai: Mặc dù mấy chục năm qua các chuyên gia, các nhà khoa học cùng báo chí đã liên tục lên tiếng, cảnh báo về tình trạng quy hoạch đô thị TP Hà Nội bị phá vỡ nghiêm trọng nhưng những tiếng nói tâm huyết, có trách nhiệm đều bị phớt lờ. Cho nên, không chỉ không gian sống nội thành Thủ đô càng ngày càng ngột ngạt mà đường học của con trẻ cũng càng ngày càng chật hẹp. Dưới đây là một số ví dụ về tình trạng băm nát quy hoạch TP Hà Nội.

Theo Quy hoạch Dự án khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88%, gồm 8 tòa nhà từ 6 – 7 tầng. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính tăng lên hơn 50%, với 16 tòa chung cư, với chiều cao từ 17 đến 34 tầng.

“Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, diện tích 200 ha (bao gồm 74 ha hồ điều hòa), với quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 25.000 người. Năm 2001, khu đô thị này hoàn thành, mật độ xây dựng tăng lên 50%; chiều cao 12 tòa nhà khu chung cư HH quy hoạch ban đầu là 8 tầng tăng lên 41 tầng, làm cho dân số khu đô thị được coi là “kiểu mẫu” tăng lên khoảng 70.000 người.

Tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 2km nhưng có tới 40 toà cao ốc, chung cư cao tầng có độ cao trung bình từ 20 – 30 tầng. Quy hoạch chi tiết hai bên đường tuyến đường này (phê duyệt năm 2016), một số chỉ tiêu không đúng quy chuẩn, không thuyết minh; không đảm bảo quy định bố trí vườn hoa, sân chơi; không có trường học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông;…

Thứ ba: Quan điểm “giáo dục là quốc sách” chưa đi vào thực tế. Minh chứng là điều kiện cơ bản đầu tiên để phát triển giáo dục là trường lớp, nhưng hầu hết các khu đô thị mới ở Hà Nội khi xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoạch từ các cấp chính quyền, các cơ quan năng đến các chủ đầu tư đều “quên” bố trí đất xây trường học. Thậm chí, nhiều khu đô thị hình thành cách đây 10 – 15 năm, nhưng vẫn chưa có trường học như các khu đô thị Phùng Khoang, Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Xuân Phương – Viglacera, Thành phố giao lưu, Đoàn Ngoại giao, Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, Cầu Bươu…

Hoặc như quận Hoàng Mai có quy mô dân số lớn nhất TP Hà Nội (trên 500.000 nghìn người năm 2020), các khu đô thị có dành đất cho trường học, nhưng oái ăm là hầu hết đều quy hoạch vào các khu vực nghĩa trang, không biết đến bao giờ mới thu hồi được để xây dựng trường lớp.

Trước thực trạng trên đây, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư trăn trở “rất khó hiểu ngay tại Thủ đô Hà Nội – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp”.

Giáo dục, đào tạo phải là quốc sách hàng đầu

Đại hội VIII (tháng 6/1996) của Đảng đưa ra quan điểm: “Muốn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục và đào tạo; phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững.”

Để thực hiện quan điểm trên đây, cũng trong năm 1996, Hội nghị Trung ương 2 (khoá VIII) ban hành Nghị quyết “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Trong đó xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Đây là quan điểm chuẩn xác của thời đại văn minh và cũng rất tương đồng với quan điểm của các nước phát triển trên thế giới đề ra cách đây hàng trăn năm.

Nhưng 27 năm trôi qua kể từ khi ban hành Nghị quyết trên đây, chưa bàn đến các lĩnh vực khác của nền giáo dục, chỉ nhìn vào khía cạnh đảm bảo trường lớp cho học sinh ở trung tâm Thủ đô thì giữa quan điểm và thực tế vẫn còn xa vời. Và ít nhất trong ngắn hạn, thực trạng đó vẫn chưa thể khắc phục. Bởi, tăng trưởng dân số cơ học của Hà Nội vẫn càng ngày càng tăng, đồng nghĩa tăng trưởng dân số tự nhiên vẫn tiếp tục theo cấp số nhân, cho nên tình trạng thiếu trường lớp của học sinh Thủ đô vẫn càng ngày càng gay gắt,

Chúng ta đang rốt ráo thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực thời đại 4.0 và số hóa các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhưng ngay giữa trung tâm Thủ đô, từ học sinh mầm non đến các bậc phổ thông, nền tảng để đào tạo nguốn nhân lực chất lượng cao, trường lớp đều thiếu trầm trọng thì liệu mục tiêu đó có khả thi.

Con đường các quốc gia phát triển từng đi qua đã chỉ ra rằng để hòa nhập, đồng hành với thời đại công nghệ 4.0 và thời đại số hóa, trước hết và quan trọng nhất là phải có nền giáo dục tiên tiến. Nhưng để có nền giáo dục tiên tiến trước hết phải đảm bảo trường lớp, điều kiện học tập, thực hành, trải nghiệm cho học sinh. Mặt khác, phải đề cao quan điểm tự do học thuật, nền tảng cho phát triển tư duy, phát triển sáng tạo, trong giáo dục và đào tạo.

Theo NGUYỄN HUY VIỆN / VIETNAMNET

Tags: , ,