Suy ngẫm sau phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh La Thăng

Đưa hàng loạt vụ đại án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng và tập đoàn kinh tế Nhà nước ra xét xử cũng là nhằm mạnh mẽ cảnh báo, nhắc nhở những ai đã trót nhúng chàm hoặc đang muốn nhúng chàm, hãy giật mình, chùn tay, sửa mình.

Phiên toà sơ thẩm Toà án nhân dân tp Hà Nội xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm ở tập đoàn Dầu khí quốc gia vừa kết thúc.

Phiên toà kết thúc, nhưng tiến trình tố tụng chưa dừng. Sẽ còn phiên toà tiếp theo, với những gương mặt bị cáo quen thuộc, với tội danh, có thể không mới, có thể được bổ sung.

Phiên tòa gọi phiên tòa. Hàng loạt phiên toà “hoàn lưu bão” được mở ra, từ các cơ quan truyền thông, dư luận xã hội, từ các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, từ mỗi đảng viên, quần chúng nhân dân. Công chúng, với quyền năng thực tế, sẽ tiếp tục luận bàn, phán xét, sẽ có cái nhìn nghiêm khắc, công bằng và độ lượng với từng bị cáo. Hơn cả hội đồng xét xử, công chúng, dưới ánh-sáng-trí-tuệ-lòng-dân, sẽ phán xét, luận tội cả nhân vật chưa lộ diện tại phiên toà.

Cũng sẽ có những phiên toà tự vấn lương tâm, đeo bám mỗi cá nhân, không chỉ là các bị cáo của phiên toà này. Khi ấy, họ vừa là bị cáo đồng thời là luật sư, vừa đại diện cơ quan công tố, thẩm phán. Khi ấy, bị cáo hãy một lần trung thực và dũng cảm, đối diện với nhân dân-phía bị hại, để thêm một lần tự vấn, tự luận tội và nhận tội.

Khi phiên toà đang diễn ra, có tin lan truyền trên mạng xã hội, rằng, có nhóm người nào đó, vì thương cảm những bị cáo “yếu nhân” đã bỏ tiền tỉ để “mua” truyền thông hòng gây nhiễu, đảo ngược tình thế, gỡ tội cho anh nọ anh kia(!?) Không ai tin, vào thời điểm này, lại xảy ra điều hơn cả “dở hơi” đó. Bản án mà hội đồng xét xử tuyên sáng qua, đã là câu trả lời có sức thuyết phục nhất.

Thời gian trước khi diễn ra các phiên toà xét xử đại án, trong đó có đại án tham ô tài sản, không ít người dài lời phê phán, kiểu như: Đảng, chính quyền Việt Nam bao che, dung túng tiêu cực, tham nhũng(!) Đến khi các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước tiến hành thanh tra, điều tra và mạnh tay xử lý kỷ luật, truy tố nhiều cá nhân và nhóm lợi ích tha hoá, tiêu cực, tham nhũng, thì cũng chính họ lại móc máy, rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đang làm cuộc thanh trừng phe phái (!)

Không có cuộc thanh trừng, cũng chẳng có phe này phái nọ, như ai đó khéo tưởng tượng, thêu dệt. Nếu có, thì đấy là “phe” của những người đảng viên chân chính cùng với nhân dân đang đứng bên cạnh Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đấu tranh loại trừ bầy sâu dân mọt nước. Đó là “phe” của những người tử tế chống lại “phe” của cái xấu, của những kẻ tha hoá, chuyển hóa thành thứ giặc nội xâm!

Lại cũng có người cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng và một vài bị cáo khác là nạn nhân của thể chế(!) Nói thế là hạ thấp vai trò, vị thế một thời của các bị cáo này. Chính các bị cáo góp phần tạo ra thể chế, và cũng chính họ, lợi dụng và sẵn sàng “bẻ lái” thể chế. Thực tế, không có thể chế nào cho phép họ vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích sống còn của đa số người dân đất nước này.

Xử lý kỷ luật hay truy tố người từng là đồng chí trong tổ chức, hàng ngũ của mình, là việc đặng chẳng đừng. “Xử một người để cứu vạn người”, thậm chí cứu cả dân tộc. “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.” Đưa hàng loạt vụ đại án liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng và tập đoàn kinh tế Nhà nước ra xét xử cũng là nhằm mạnh mẽ cảnh báo, nhắc nhở những ai đã trót nhúng chàm hoặc đang muốn nhúng chàm, hãy giật mình, chùn tay, sửa mình.

Từ phiên toà sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm, có thể nhận ra mấy bài học xót lòng.

Trước hết, việc phát hiện, đào tạo, rèn luyện cán bộ chiến lược, cán bộ cấp cao của Đảng như đang có vấn đề? Những nhân vật từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo, đường đường chính khách, đang ở đỉnh cao quyền lực như ông Đinh La Thăng, hoặc đang trên con đường ngấp nghé đỉnh cao quyền lực như ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng về mọi phương diện, từ tư chất đến bản lĩnh, trí tuệ đều bộc lộ sự tầm thường, kém cỏi. Nếu lấy thước đo hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực, tài năng, thì họ không có điểm cộng. Phần lớn các dự án do những nhân vật này chỉ đạo, điều hành đều là dự án lớn, trăm tỉ, ngàn tỉ, đều lâm vào tình trạng dở dang, thua lỗ. Nhiều chủ trương do họ đề xuất, đến nay đang gây những hệ lụy, hậu quả lớn. Thế nhưng, họ vẫn vượt qua mọi cửa ải của công tác tổ chức, trở thành cán bộ cấp cao, cán bộ nguồn cấp chiến lược?

Thêm bài học không chút ngọt ngào, là vấn đề mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước và việc giám sát để ngăn chặn sự đổ vỡ.. Sau VinaShin, Vinalines là Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hoá chất, đến Tập đoàn Dầu khí, Than Khoáng sản…Ở những đơn vị kinh tế mang danh Nhà nước này, việc đầu tư làm ăn thua lỗ, thất thoát, không hiệu quả, đang thành phổ biến, không còn là vấn đề khiến những người lãnh đạo lo lắng, xấu hổ. Ở đây có thể có vấn đề về mô hình tổ chức, hoặc đội ngũ lãnh đạo ngồi nhầm ghế, kém năng lực, suy thoái, tha hóa, hoặc là công tác kiểm tra giám sát chưa đến nơi đến chốn?

Và bài học thứ ba, là bài học về sự tiếc nuối. Ông cha dạy: Nước xa không cứu được lửa gần. Phải ngăn chặn cái xấu, cái ác từ khi nó manh nha. Giá như, từ nhiệm kỳ trước, trước nữa, Đảng ta đồng thuận, quyết chí, cùng nhân dân đồng lòng đi đến cùng công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tha hoá, tham nhũng, thì sẽ không có những đại án, sẽ không nảy nòi những Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh…ngày hôm nay.

Theo UÔNG NGỌC DẬU / VIETNAMNET

Tags: ,