Sự thảm hại của tư duy coi tích phân, đạo hàm… là thứ vô bổ, không cần học

Bao người kể lể là tôi lên tới giám đốc này nọ nhưng chỉ dùng có cộng trừ nhân chia. Thì đúng rồi, đâu có ai phải thiết kế bất kỳ món gì “from scratch”, tức là từ không ra có?

Sự thảm hại của tư duy coi tích phân, đạo hàm… là thứ vô bổ, không cần học

Khi đọc các bài viêt than vãn về chuyện không biết tích phân, giải tích để làm cái gì, tôi lại nghĩ tới cái chân chống xe máy do các công ty Việt Nam sản xuất. Tất nhiên là nó bị chê, chê tơi tả. Ai cũng biết là nó dở, nhưng không có ai có ý kiến gì về chuyện cần phải thiết kế cái chân chống đó như thế nào.

>> Từ cái chân chống xe máy lỏng lẻo của công nghiệp Việt

Tôi học bậc đại học chuyên ngành kỹ sư ở Australia và cũng có làm công việc kỹ sư mấy năm. Nếu như bạn yêu cầu tôi thiết kế cái chân chống thì tôi sẽ có một số điều cần phải tính như sau.

Đầu tiên là phải tính đến trọng lượng các xe máy. Nếu là chân chống được dùng cho mọi loại xe máy thì phải có khả năng chống chịu được trọng lượng lớn nhất của xe máy lưu hành ở Việt Nam. Sau đó là kích thước, xe dựng trên chân chống sẽ phải có một chiều dài nhất định.

Sau khi có hai điều cơ bản đó, bạn phải tính xem khi dựng xe theo góc nghiêng bao nhiêu độ thì lực áp lên chân chống thế nào, và bạn phải dùng một mớ kiến thức hình học và vật lý. Lúc gạt chân chống lên hay xuống, cũng sẽ có một mô men lực. Điều này sẽ quyết định bạn nên cần dùng lò xo loại gì. Khi này bạn sẽ phải dùng định luật Hooke, và phải biết Hằng số K của lò xo.

Chân chống được gắn vào xe máy ở một trục quay. Trục quay đó sẽ chịu ma sát, mà ma sát thì phải chịu chi phối của diện tích tiếp xúc. Để tính được cái diện tích tiếp xúc đó, bạn cần tích phân.

Lò xo sẽ bị giãn nở theo thời gian. Vì vậy bạn cần phải biết lực đàn hồi của lò xo thay đổi theo thời gian thế nào. Điều đó sẽ được thể hiện bằng một biểu đồ, bạn cần ráp cái biểu đồ theo thời gian đó với mô men lực, để xem cái lò xo đó dùng được bao nhiêu lâu.

Phần chân chống tiếp xúc với mặt đất sẽ phải chịu nhiều lực và chịu ma sát. Diện tích tiếp xúc mặt đất vì vậy cần phải được tính để đảm bảo có thể tiếp xúc được với mặt đất mà không mòn vẹt. Mặt đất ở Việt Nam thì có bê tông, có nhựa đường, có đất sét. Mỗi loại sẽ gây một áp lực khác nhau.

Từ các thông tin đó bạn mới có thể chọn loại nguyên liệu cho phần chân chống. Ngoài ra bạn còn phải nghĩ tới khả năng mòn rỉ của nguyên liệu tùy vào điều kiện môi trường. Ở miền biển thì sắt sẽ rỉ sớm hơn ở đồng bằng. Nếu xe ở vùng ngập nước nó lại khác nữa.

Chỉ cần thiết kế cái chân chống thôi là đã phải dùng hình học, mô men lực, định luật Hooke, ma sát, quá trình oxy hóa, và tất nhiên là tích phân.

Việc bao nhiêu người kêu gào chuyện vì sao phải học tích phân nói lên rằng, người Việt rất ít người làm những việc liên quan tới khoa học kỹ thuật. Bao người kể lể là tôi lên tới giám đốc này nọ nhưng chỉ dùng có cộng trừ nhân chia. Thì đúng rồi, đâu có ai phải thiết kế bất kỳ món gì “from scratch”, tức là từ không ra có?

Các kiến thức khoa học cơ bản đó rất cần thiết. Đa số các món đồ mà bạn dùng đều phải trải qua một quá trình tính toán và thiết kế mà các phương pháp toán như lượng giác, giải tích, hình học không gian, các phương trình và định luật vật lý, và tất nhiên là đạo hàm và tích phân đều được dùng.

Ngay cả món đồ nhựa cũng vậy, quá trình đúc đồ được thiết kế dựa trên phương trình Arrhenius, để tính thời gian và tốc độ phản ứng và quyết định khi nào thì dừng quá trình tải nhiệt để cho món đồ đó nguội lại và chuẩn bị ra khuôn. Cái phương trình Arrhenius đó có thể được thể hiện trên biểu đồ “Arrhenius plot”, tức là bạn phải dùng log tự nhiên (ln), để tính được cần phải dùng bao nhiêu năng lượng để phản ứng hóa học có thể xảy ra.

Vậy thì tại sao các em học sinh Việt Nam phải học lượng giác, tích phân và đạo hàm? Sẽ có một số em cần phải học, còn lại thì không. Nếu nước ta không dạy các kiến thức đó thì phần lớn sẽ hoàn toàn mù về kiến thức khoa học và dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng. Không có các kiến thức đó, bạn không thể nào học được chương trình kỹ sư ở bất kỳ nước nào. Khi số lượng lớn không có khả năng làm kỹ sư, không ai nghiên cứu khoa học sẽ rất nguy hiểm.

Nhìn từ cái chân chống xe máy, ai cũng biết là nó hơi bị sai nhưng không ai hiểu vì sao nó sai. Đó là hậu quả của nên giáo dục hiện tại, khi các em học sinh được học kiến thức cơ bản nhưng không ai có điều kiện áp dụng nó cả.

Để cải thiện thì có hai điều cần phải làm. Một là chỉ dạy các kiến thức đó cho một số ít học sinh thôi, đúng ra là những ai có nhu cầu học về kỹ thuật. Hai là cần phải du nhập các công ty sản xuất công nghiệp kỹ thuật cao, để cho các kỹ sư và nhà khoa học có đất diễn.

Than vãn về giáo dục thì dễ, nhưng điều chỉnh nó lại là một vấn đề khác. Việc dạy cái gì và không dạy cái gì còn phụ thuộc vào thực tế nền kinh tế. Các bạn học đại học bách khoa cùng tôi năm xưa chả mấy người làm đúng ngành. Nếu bảo họ thiết kế cái chân chống, tôi không biết họ có nghĩ như tôi không?

Theo TRẦN KIM NÊN / VNEXPRESS 

Tags: , , ,