Sự rạn nứt trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Âu

Các câu hỏi về giá trị, lợi ích và an ninh đã bắt đầu khiến giới lãnh đạo các quốc gia Đông Âu suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc.

Sự rạn nứt trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Âu

Tác giả: Ankita Dutta là thành viên của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược của Think Tank ORF. Lĩnh vực nghiên cứu của cô bao gồm các vấn đề và chính trị châu Âu, Liên minh châu Âu và các vấn đề, chính sách đối ngoại của Ấn Độ và châu Âu. Tiến sĩ Dutta đã hoàn thành bằng Tiến sĩ về Nghiên cứu Châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu, Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi.

Biên dịch: Phương Thảo

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Âu đã được xem xét kỹ lưỡng hơn khi cuộc khủng hoảng Ukraina đang diễn ra. Mặc dù ban đầu, các quốc gia này tự quảng cáo mình là “cửa ngõ vào châu Âu” đối với Trung Quốc, nhưng sự hỗ trợ ngầm mà Bắc Kinh dành cho Moskva trong “tình bạn không giới hạn” của họ đã được chú ý. Thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin vào tháng 2 năm 2022 nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “đồng cảm và ủng hộ các đề xuất do Liên bang Nga đưa ra nhằm tạo ra các đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài ở châu Âu”. Điều này đã được Đông Âu giải thích là Bắc Kinh ủng hộ NATO quay trở lại biên giới trước năm 1997, như Nga đã yêu cầu trong các đề xuất vào tháng 12 năm 2021, qua đó, làm thay đổi cán cân an ninh mong manh trong khu vực. Tuy nhiên, sự nhiệt tình trong quan hệ với Trung Quốc đã suy yếu ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina bắt đầu. Bài viết này xem xét một số lý do đằng sau sự thay đổi quan hệ Đông Âu-Trung Quốc thời gian qua.

Thay đổi quan hệ Đông Âu-Trung Quốc

Với sự ổn định chính trị và hội nhập kinh tế vào Liên minh châu Âu (EU) mang lại tăng trưởng và thịnh vượng cho khu vực, các nước Đông Âu bắt đầu hướng ra các thị trường và quan hệ đối tác mới. Trung Quốc nổi lên như một đối tác quan trọng chủ yếu nhờ vào nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của nước này. Đối thoại giữa hai bên được thiết lập dưới sự bảo trợ của cơ chế 16+1, hứa hẹn các khoản đầu tư và cơ hội để các quốc gia này đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, thực tế quan hệ với Trung Quốc đã khiến các quốc gia Đông Âu “vỡ mộng” và buộc phải đánh giá lại quan hệ đối tác của họ với Bắc Kinh. Sau đây là một số lý do khiến các nước Đông Âu rời xa Trung Quốc:

Từ 16+1 đến 17+1 đến 14+1

Ra mắt vào năm 2012, Trung Quốc và 16 quốc gia từ Trung và Đông Âu đã thiết lập cơ chế 16+1 để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và hợp tác công nghệ của Trung Quốc vào khu vực. Cơ chế này được mở rộng thành 17+1 vào năm 2019 với việc Hy Lạp trở thành thành viên. Khuôn khổ này đã gây lo ngại cho các nước thành viên EU, vốn coi đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại sự đoàn kết của Liên minh này. Mối quan tâm của EU cũng được nhấn mạnh trong Chiến lược về Trung Quốc, trong đó chỉ ra rằng “tất cả các quốc gia thành viên, với tư cách cá nhân và trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như 16+1, có trách nhiệm đảm bảo tính nhất quán với luật pháp, quy tắc và chính sách của EU”.

Tuy nhiên, tình trạng “vỡ mộng” với Trung Quốc gia tăng trong khu vực chủ yếu là do quy mô FDI từ Trung Quốc chưa bao giờ đạt đến mức đề xuất. Năm 2021, Đông Âu chỉ nhận được 3% đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong khi các nước Tây Âu như Hà Lan, Đức, Pháp và Anh chiếm đầu tư tối đa. Những lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia đánh giá lại cách nhìn của họ đối với Bắc Kinh. Dấu hiệu khác biệt đầu tiên xuất hiện khi Litva rút khỏi cơ chế này vào năm 2021, tiếp theo là Estonia và Latvia vào tháng 8 năm 2022, khiến hệ số sức mạnh của khung giảm xuống còn 14+1. Ngoài ra còn có tin về việc Quốc hội Cộng hòa Séc thông qua nghị quyết yêu cầu Bộ Ngoại giao tìm cách rút khỏi cơ chế này. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ của họ khỏi Trung Quốc hoặc ngày càng lo ngại về các hành động của Bắc Kinh, thì có những quốc gia đang làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của họ. Ngoại lệ quan trọng về vấn đề này là Hungary, quốc gia đã ký một trong những thỏa thuận đầu tư lớn nhất với Trung Quốc vào tháng 8 năm 2022, dự kiến ​​sẽ mang lại khoản đầu tư trị giá 7,3 tỷ euro.

Những lời hứa BRI không được thực hiện

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng “vỡ mộng” ngày càng tăng là lời hứa đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực theo Sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” (BRI) chưa được thực hiện. Các quốc gia này, phần lớn do vị trí địa chiến lược của họ, đã được lựa chọn để trở thành cầu nối để Trung Quốc kết nối với phần còn lại của lục địa. Tuy nhiên, việc thiếu các kết quả hữu hình và các khoản đầu tư đã dẫn đến việc hạ thấp kỳ vọng, phần lớn các dự án đã bị hủy bỏ hoặc bị đóng băng vì nhiều lý do, trong khi một số bị xem xét kỹ lưỡng do các vấn đề nợ không bền vững. Ví dụ, chính phủ Romania, vào năm 2020, đã chấm dứt đàm phán với Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc về việc xây dựng hai nhà máy hạt nhân. Sau đó, Bucharest đã ra lệnh cấm Tập đoàn Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này vì lo ngại bảo mật; và vào năm 2021, Bucharest đã thông qua một bản ghi nhớ áp đặt các hạn chế đối với những nhà khai thác từ các quốc gia ngoài EU để phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, dự án liên kết đường sắt cao tốc BRI-Budapest-Belgrade hàng đầu dự kiến ​​sẽ chỉ đi vào hoạt động vào năm 2025. Một ngoại lệ đáng chú ý là Cầu Pelješac ở Croatia, được khánh thành vào năm 2021- một trong số ít dự án đã được hoàn thành .

Hơn nữa, ngày càng có nhiều cuộc tranh luận liên quan đến các khoản nợ không bền vững liên quan đến BRI – vốn có khả năng áp đảo các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực. Một trường hợp điển hình là dự án đường cao tốc do Trung Quốc xây dựng ở Montenegro, dẫn đến khoản nợ của Podgorica tăng lên hơn 100% GDP. Mặc dù có những quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Hungary và Serbia, là những đối tác nhiệt tình của Trung Quốc, nhưng phần lớn các quốc gia này đang ngày càng mâu thuẫn với khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và BRI như một công cụ chính trị trong khu vực. Những lo ngại này đã được củng cố thêm do lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Mối quan hệ Trung Quốc-Nga

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraina, các nước Đông Âu đã đi đầu trong việc thúc đẩy phản ứng của EU. Quyết định của Trung Quốc ủng hộ các yêu cầu của Nga nhằm thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu về thời kỳ trước năm 1997 đã dẫn đến sự e ngại ngày càng tăng về ý định của nước này. Đối với các nước Đông Âu, NATO là trụ cột quan trọng trong bộ máy quốc phòng, là người bảo đảm an ninh then chốt; và với lịch sử quan hệ của chính họ với Nga, khía cạnh này đối với họ là không thể thương lượng. Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến việc tái cấu trúc quy mô chi tiêu quân sự và quốc phòng của chính họ theo hướng ngày càng tăng. Mặc dù các quốc gia này coi Trung Quốc là một tác nhân kinh tế quan trọng, nhưng việc nước này ủng hộ các tuyên bố của Nga đã khiến nhiều quốc gia đánh giá lại mối quan hệ của họ với Bắc Kinh, tính đến các rủi ro chính trị và an ninh đi kèm với quan hệ đối tác.

Mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” giữa Trung Quốc với Nga cũng khiến dư luận tiêu cực ngày càng gia tăng. Theo một cuộc thăm dò dư luận đặt câu hỏi về các yếu tố có thể góp phần làm xấu đi quan điểm về Trung Quốc, 66% đã bỏ phiếu cho quan hệ đối tác và ủng hộ Nga; thú vị là, 40% cũng có ý kiến ​​cho rằng, Trung Quốc hỗ trợ hoặc cho phép Nga “xâm lược” Ukraina; và theo quan điểm chung về Trung Quốc, 61% đã bỏ phiếu không ủng hộ.

Yếu tố Đài Loan?

Việc thiếu các sản phẩm hữu hình từ quan hệ đối tác với Trung Quốc cũng dẫn đến việc các nước xoay trục sang Đài Loan. Litva, vào năm 2021, là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt kinh tế, tẩy chay hàng hóa của nước này và hạ cấp quan hệ ngoại giao của Trung Quốc sau quyết định mở “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại Litva, văn phòng đầu tiên ở châu Âu được gọi là Đài Loan thay vì Đài Bắc. Phản ứng của Bắc Kinh cũng khiến Ủy ban châu Âu đề xuất các công cụ để chống lại việc các nước thứ ba sử dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế, mặc dù nó vẫn chưa được Nghị viện EU phê chuẩn. Tuy nhiên, Liên. Minh này vào năm 2022 đã thông qua một nghị quyết lên án “hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan” và nói rằng “các hành động khiêu khích của nước này phải gây ra hậu quả đối với quan hệ với EU”.

Một trường hợp khác là Tổng thống mới đắc cử của Cộng hòa Séc, Petr Pavel gần đây đã tuyên bố rằng, “Trung Quốc và chế độ của nước này không phải là một quốc gia thân thiện vào thời điểm hiện tại. Quốc gia này không tương thích với các nền dân chủ phương Tây trong các mục tiêu và nguyên tắc chiến lược của họ” và rằng, ông ấy “sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào một thời điểm nào đó và muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan”. Những bình luận này được đưa ra sau cuộc điện đàm của ông với nhà lãnh đạo Đài Loan, nơi ông Petr Pavel đã nhấn mạnh về các giá trị chung về tự do, dân chủ và nhân quyền. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách nói rằng, Tổng thống đắc cử đã “chà đạp lên lằn ranh đỏ của Trung Quốc”. Một phái đoàn gồm 150 thành viên do Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc, Markéta Pekarová Adamová dẫn đầu đã đến thăm Đài Loan từ ngày 25-30 tháng 3 năm 2023 với trọng tâm là mở rộng quan hệ thương mại, nghiên cứu, giáo dục và văn hóa.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi CEIAS, những quốc gia này là động lực chính trong việc phát triển quan hệ EU-Đài Loan và chiếm tới 60% tổng số tương tác giữa hai bên. Trong giai đoạn từ 2019-2022, các hoạt động liên quan đến Đài Loan của EU đã tăng từ 23 lên 167, bao gồm các cam kết giữa các nền tảng chính phủ, nghị viện và đối thoại. Trong số các quốc gia trong khu vực, Litva, Slovakia, Séc và Ba Lan là những thành viên tích cực nhất. Các yếu tố chính khiến các quốc gia này ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với Đài Loan bao gồm sự “mệt mỏi” trong quan hệ với Trung Quốc do tiềm năng của mối quan hệ đối tác chưa được khai thác; sự xuất hiện những lời chỉ trích của giới lãnh đạo Trung Quốc; và các cơ hội kinh doanh đang nổi lên với Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, khoa học, công nghệ cao và bán dẫn. Để hỗ trợ đầu tư, xây dựng doanh nghiệp và tận dụng chuỗi cung ứng, Đài Bắc ra mắt Quỹ đầu tư Trung và Đông Âu vào tháng 3 năm 2022 với số vốn ban đầu là 200 triệu USD. Các quốc gia mục tiêu bao gồm Litva, Cộng hòa Séc và Slovakia. Những hành động này làm nổi bật một bước ngoặt trong quan hệ của Đông Âu với Trung Quốc và đánh dấu một sự thay đổi đối với Đài Loan.

Phần kết luận

Cảm nhận được sự bất ổn ngày càng tăng trong quan hệ với các nước Đông Âu, Trung Quốc đã cử một phái đoàn do Hoắc Ngọc Trinh, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao phụ trách hợp tác Trung Quốc và Trung và Đông Âu dẫn đầu, tới 8 quốc gia ở Đông Âu (Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan) để ngăn chặn những nghi ngờ ngày càng tăng trong khu vực về mối quan hệ “không giới hạn” của họ với Moskva. Chuyến thăm đã nhận được sự chào đón hạn chế khi nó không thu hút được bất kỳ sự chú ý nào từ các cấp cao hơn của chính phủ.

Trong khi sự nhiệt tình của Đông Âu đối với đầu tư của Trung Quốc đã bắt đầu giảm xuống ngay cả trước khi Nga xâm lược, cuộc khủng hoảng này đã khiến các quốc gia này xa lánh Bắc Kinh hơn nữa. Các quốc gia trong khu vực đã đóng băng các dự án thuộc BRI, đang hướng tới việc đình chỉ sự tham gia của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông và cơ sở hạ tầng, đồng thời có quan điểm cứng rắn hơn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong một thời gian dài, quan hệ giữa Đông Âu và Trung Quốc được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thực dụng, đối thoại và các mệnh lệnh kinh tế. Tuy nhiên, như người ta thấy ngày nay, chủ nghĩa thực dụng và kinh tế đã bị thay thế bằng những câu hỏi về giá trị, lợi ích và quan trọng hơn là an ninh. Điều này đang thúc đẩy việc suy nghĩ lại và đánh giá lại cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , ,