Sự quyến rũ của nền điện ảnh Iran

Các nhà làm phim Iran đã chứng tỏ được rằng, người ta vẫn có thể làm phim hay mà không cần có nhiều tiền hay kỹ xảo phức tạp, ngôn ngữ điện ảnh không có biên giới và những nghiêm cấm khắt khe không thể cản trở được tài năng và sự sáng tạo

Sự quyến rũ của nền điện ảnh Iran

Cảnh trong phim “Baran” (2001).

Khi nói đến kiểm duyệt phim ảnh, có lẽ không nơi đâu có chế độ kiểm duyệt gắt gao như Cộng hòa Hồi giáo Iran. Các nhà làm phim Iran phải tuân thủ khoảng 200 điều cấm dựa theo luật Hồi giáo Sharia. Ngoài ra, họ còn phải áp dụng những biện pháp “tự kiểm duyệt” để cho kịch bản được duyệt. Những điều cấm đơn giản nhất là nam nữ không được có bất kỳ một sự tiếp xúc cơ thể nào trên màn ảnh, nữ giới không được phép để lộ mái tóc, cảnh quay trong nhà cũng phải mặc chador trùm kín thân mình, chỉ chừa mặt và 2 bàn tay…

Các vấn đề liên quan tới tôn giáo, chính trị, xã hội thì còn bị kiểm duyệt chặt chẽ và khó khăn hơn thế nhiều. Ngay như “Hương vị trái anh đào” của đạo diễn bậc thầy Abbas Kiarostami (xếp thứ 6/40 đạo diễn xuất sắc nhất thế giới trong danh sách của báo Guardian (Anh)) cũng chỉ được chiếu hạn chế tại Iran do nhân vật chính trong phim có ý định quyên sinh, một điều cấm kỵ của Hồi giáo. Kinh phí làm phim cũng rất hạn chế. Đáng ngạc nhiên là với những điều kiện làm việc khó khăn như vậy, các nhà làm phim vẫn làm được phim hay, khiến Iran trở thành một trong những nền điện ảnh hiếm hoi nhận được sự kính trọng của Hollywood.

Điện ảnh du nhập vào Iran rất sớm nhưng chỉ phát triển mạnh từ thập niên 1960. Các nhà làm phim Iran, chịu ảnh hưởng của trào lưu “đợt sóng mới” của điện ảnh Pháp và khuynh hướng “Tân hiện thực” của Ý, làm phim với mục đích phản kháng chế độ quân chủ mà nhiều người Iran xem là tay sai của Mỹ và Anh. Từ đó, họ cho ra đời những bộ phim nghệ thuật nghiêm túc.

Sau thành công của cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, phim ảnh trở thành phương tiện giải trí chủ yếu của Iran do các hoạt động văn hóa khác đều bị cấm hoặc hạn chế. Phim chiếu tại Iran chủ yếu được sản xuất trong nước vì mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 10 phim Hollywood được phép nhập khẩu và chiếu tại Iran sau khi đã qua kiểm duyệt. Dĩ nhiên, người ta có thể mua băng đĩa phim lậu tại chợ đen nhưng số lượng cũng rất hạn chế.

Mỗi năm Iran sản xuất khoảng 120 – 130 bộ phim, chia làm 3 loại chính là phim mang đề tài tôn giáo hay chính trị với mục đích tuyên truyền, phim giải trí gia đình nhẹ nhàng, tương tự như phim Bollywood nhưng ít “màu sắc” hơn và phim nghệ thuật để tranh giải tại các liên hoan phim quốc tế.

Điểm đặc biệt của phim nghệ thuật Iran là các nhà làm phim không khẳng định tính nghệ thuật bằng cách làm khó người xem với sự rắc rối, khó hiểu hay triết lý dài dòng mà thu hút họ bằng sự độc đáo của cốt truyện, tính nhân văn trong chủ đề, sự tinh tế trong chi tiết và diễn xuất của diễn viên. Trong bộ phim “Baran” (Mưa, ra mắt năm 2001) của đạo diễn Majid Majidi – một tên tuổi lớn của điện ảnh Iran – một thanh niên nghèo từ quê lên Tehran làm việc thầm yêu một cô gái Afghanistan tản cư, phải giả trai đi làm chui để nuôi cha bị tai nạn lao động và hai em nhỏ. Chàng trai đã bán đi vật quý giá nhất của mình – giấy phép cư trú – để giúp gia đình cô gái hồi hương. Cô gái (diễn viên nghiệp dư) từ đầu tới cuối phim không nói với người con trai câu nào, trước vì sợ lộ thân phận giả trai, sau vì con gái Afghanistan không được phép nói chuyện với đàn ông lạ. Hai người chỉ nhìn vào mắt nhau một lần duy nhất trước khi cô gái kéo burka trùm kín mặt và bước lên xe.

Nhưng có lẽ các nhà làm phim Iran còn đem lại cho điện ảnh thế giới nhiều giá trị hơn là những bộ phim hay. Họ đã chứng tỏ được rằng, người ta vẫn có thể làm phim hay mà không cần có nhiều tiền hay kỹ xảo phức tạp, ngôn ngữ điện ảnh không có biên giới và những nghiêm cấm khắt khe không thể cản trở được tài năng và sự sáng tạo.

Theo NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Tags: ,