Sự nghiệp đầy tranh cãi của ‘bà đầm thép’ Margaret Thatcher

Margaret Thatcher có lẽ là một trong những nhân vật quan trọng nhất thế giới thế kỷ 20. Tuy nhiên, ở nước Anh, bà đang bị nhiều người chỉ trích thậm tệ vì thời kỳ cầm quyền gây tranh cãi của bà trước đây.

Sự nghiệp đầy tranh cãi của ‘bà đầm thép’ Margaret Thatcher

Cuộc đời và sự nghiệp

Margaret Thatcher (1925-2013) là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nắm giữ chức Thủ tướng Anh, chính trị gia nổi tiếng nhất thế giới thời kỳ hậu chiến tranh thế giới 2.

Bà Thatcher là thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 1990. Bà được mệnh danh là “bà đầm thép” bởi cá tính mạnh mẽ cùng với những quyết sách chính trị vô cùng cương quyết của mình.

Bà Thatcher nghỉ hưu và rút khỏi chính trường từ năm 2002. Kể từ đó đến nay bà đã vài lần trải qua các cơn đột quỵ. Trong nhiều tháng gần đây bà đã vắng bóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí còn vắng mặt trong lễ mừng sinh nhật của bà do Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì hồi tháng 10/2010. Hồi tháng 12/2012 bà Thatcher đã phải nằm viện vì bệnh phù bàng quang.

Bà Thatcher sinh tháng 10/1925 tại một thị trấn nhỏ ở phía Đông nước Anh. Bà từng theo học ngành hóa tại đại học Oxford nhưng đã tham gia chính trị từ khi còn khá trẻ. Bài diễn văn chính trị đầu tiên mà bà trình bày trước công chúng khi mới 20 tuổi.

Năm 1975, bà Thatcher trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh và 4 năm sau đã ghi dấu một bước đột phá vô cùng quan trọng khi trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức Thủ tướng Anh. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà đã đưa quân đội Anh vào cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát quần đảo Falkland với Argentina và giành chiến thắng. Cũng trong nhiệm kỳ đầu, bà Thatcher kiên định theo chính sách hạn chế và cắt giảm trợ cấp của chính phủ cho giới doanh nghiệp và đẩy mức thất nghiệp ở Anh lên mức kỷ lục.

Năm 1983, bà tái đắc cử chức Thủ tướng Anh nhờ chiến thắng ở Falklands đồng thời đưa đảng Bảo thủ giành số ghế kỷ lục trong quốc hội (chiến 42%), cao gần gấp đôi số phiếu mà đảng đối lập lớn nhất (Công đảng) giành được.

Năm 1987 bà Thatcher tiếp tục tái đắc cử nhưng năm 1990, bà bị ép buộc phải rời khỏi vị trí bởi những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ. Là lãnh tụ Đảng Bảo thủ Anh từ năm 1975 đến 1990, Thủ tướng Anh trong suốt thập niên 1980 (1979 – 1990), và là người phụ nữ duy nhất đến nay giữ hai chức vụ đó. Nhiệm kỳ thủ tướng của bà cũng dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827.

Trong suốt những năm làm Thủ tướng Anh, bà Thatcher đã ghi dấu với vai trò là một trong những người góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh nhưng đồng thời cũng là một người phản đối mạnh mẽ nhất việc thống nhất 2 miền nước Đức.

Bà Thatcher kết hôn với ông Denis Thatcher, một doanh nhân trong lĩnh vực dầu mỏ vào năm 1951. Họ sinh được 2 người con (sinh đôi) là Mark và Carol vào năm 1953. Ông Thatcher mất vào tháng 6/2003.

Dù văn phòng của bà cựu Thủ tướng chưa có công bố gì về nguyên nhân cái chết của bà nhưng báo giới Anh cho rằng bà Thatcher qua đời vì một cơn đột quỵ.

Người phụ nữ gây tranh cãi nhất nước Anh

20 năm sau khi từ bỏ chính trường, bà Thatcher vẫn là nhân vật gây chia rẽ nhất ở nước Anh; bà được nhiều người tôn thờ nhưng cũng bị không ít người nói xấu.

Trong những năm gần đây, một trang Facebook có tên gọi “Không biết Margaret Thatcher đã chết chưa?” đã nhận được 38.000 lượt like. Việc chính phủ Anh quyết định tổ chức lễ tang cho bà theo nghi thức danh dự đầy đủ tại Nhà thờ thánh Paul chắc chắn sẽ không nhận được sự hoan nghênh của tất cả mọi người.

Ở nước Mỹ, bà Thatcher rất được yêu mến, đôi khi còn hơn cả chính đồng nhiệm người Mỹ của bà. Vào lúc bà từ chức, tháng 11 năm 1990, kết quả thăm dò của Gallup cho biết 76% người Mỹ ngưỡng mộ bà với tư cách một thủ tướng. Trong ki đó, khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rời Nhà Trắng vào tháng 1 năm 1989 với tỉ lệ ủng hộ chỉ ở mức 64%.

Trên chính trường thế giới, bà Thatcher như là một ngôi sao sáng chói. Bà là lãnh đạo nữ đầu tiên của một quốc gia châu Âu lớn, một nhân vật diều hâu của thời kỳ Chiến tranh lạnh, có mối quan hệ chính trị và cá nhân rất gần gũi với Tổng thống Mỹ Reagan.

Là một trong những người giữ vị trí thủ tướng lâu nhất ở nước Anh, bà đã khiến nước này trở nên giàu có hơn và tự tin hơn. Margaret Thatcher là người bảo vệ đến cùng nền thị trường tự do; bà hạn chế quyền lực của các nghiệp đoàn lao động, tư nhân hóa phần lớn nền công nghiệp Anh và nới lỏng tự do cho nền tài chính Anh.

Nhưng cũng giống như mọi cuộc cách mạng, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa Thatcher. Nước Anh rơi vào tình trạng thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và sự bất mãn, rối loạn chưa từng có kể từ thời kỳ Victoria. Đến nay, người Anh vẫn tranh cãi quyết liệt về việc liệu những lợi ích của chủ nghĩa Thatcher có cao hơn cái giá phải trả của toàn xã hội hay không.

Những chính sách ngoại giao của nữ Thủ tướng Anh cũng đầy tranh cãi. Mặc dù nước Anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Áchentina về quần đảo Falklands nhưng quyết định của bà Thatcher tiến hành chiến tranh giành lại một quần đảo nằm xa xôi ở nam Đại Tây Dương và không có vai trò quan trọng chiến lược được một số người nhìn nhận là quyết định thiếu thận trọng.

Bà Thatcher đã từng từ chối ủng hộ các lệnh cấm vận chống Nam Phi, một biện pháp nhằm chấm dứt chính quyền Apacthai. Bà đã bày tỏ một thái độ không khoan nhượng trước những người thuộc phong trào tuyệt thực của các tù nhân ở Bắc Ireland. Ngoài ra, các hợp đồng bán vũ khí của Anh cho các nhà lãnh đạo nước ngoài như Suharto của Indonesia, Pinochet của Chile và Saddam Hussein của Iraq đã bị các phong trào bảo vệ nhân quyền lên án gay gắt.

Bên cạnh đó, phóng cách cá nhân của bà Thatcher cũng khá xa lạ với nhiều người Anh. Là một người mô phạm, hiếu chiến, tư tưởng đảng phái và đôi khi cả chuyên chế, bà Thatcher không phải là người có xu hướng nhân nhượng. Đôi khi ngay cả các bộ trưởng quan trọng trong nội các của bà cũng bị bà đối xử rất tệ bạc.

Sự tự tin và mạnh mẽ là sức mạnh chính trị lớn nhất của bà nhưng cuối cùng lại là điểm yếu lớn nhất. Vào cuối thời kỳ nắm quyền, bà tỏ ra ngày càng xa rời thực tế. Và mặc dù nhận được sự ủng hộ khá lớn của dư luận, bà bị chính đảng của mình “hất cẳng” và đã phải rời phố Downing trong nước mắt.

Theo INFONET

Tags: ,